Những tồn tại "lệch pha" trong trao đổi xã hội

Thứ Năm, 01/10/2015, 10:16
Trong sự vận động của xã hội, trao đổi là một yếu tố vô cùng quan trọng để kiến tạo nên những nền tảng cho sự tiến bộ. Đặc biệt, quá trình trao đổi quan điểm, kiến thức, kỹ nghệ giữa tầng lớp trí thức chính là một quá trình từ đó sẽ xây dựng nên cái gọi là "công nghệ nguồn" và nó cũng thể hiện chỉ số sáng tạo của xã hội ấy. Và ở ngưỡng cửa của rất nhiều cơ hội đối với Việt Nam hiện nay, quá trình trao đổi giữa giới trí thức thực ra đang ở hiện trạng nào?

Trả lời câu hỏi đó, chúng ta cũng sẽ nhận ra được lý do tại sao sức phát triển xã hội hôm nay vẫn còn quá trì trệ, nếu không nói là thậm chí đã có những bước thụt lùi.

Phải thừa nhận, kể từ khi các công cụ mạng xã hội trở nên phổ biến, quá trình trao đổi đã được đặt vào tư thế thuận lợi hơn bao giờ hết bởi có thể tạo ra các diễn đàn để tranh luận, mức độ tương tác rất lớn bởi nó tiết kiệm được thời gian trao đổi rất nhiều. Thế nhưng cũng chính trong các "diễn đàn, hội thảo" trực tuyến đó, các điểm yếu của kỹ năng trao đổi giữa những cá nhân với nhau cũng bắt đầu bộc lộ và nó cho thấy rất nhiều cuộc trao đổi đã trở nên không hiệu quả bởi người trao đổi không đặt mình vào tư thế, tâm thế, vị thế của "đối tác" nên không hiểu được những khác biệt đa dạng và hơn nữa, khi trao đổi trở nên các cuộc tranh luận căng thẳng, người ta bắt đầu dễ dàng sa vào công kích cá nhân, điều tối kị đối với một tiến trình trao đổi văn minh.

Mạng xã hội đang được nhiều người sử dụng để đăng đàn những trận khẩu chiến bằng bàn phím.

Một ví dụ rất điển hình là gần đây có một ý kiến liên quan đến một hội thảo văn học được đưa ra bởi một giáo sư toán học. Xưa nay, người đời vẫn nghĩ dân toán chắc khô cứng và không có hứng thú với văn chương, nghệ thuật nhưng thực tế, với suy nghĩ, phân tích đầy logic và giàu ý tưởng, dân toán nói riêng và dân khoa học tự nhiên nói chung thường rất "duyên" khi chạm ngõ văn học nghệ thuật. Phải thừa nhận, vị giáo sư toán học kia đã có những góc nhìn rất dí dỏm, nhưng đầy thực tế về các hội thảo ngày nay, những hội thảo theo kiểu "hội thì nhiều mà thảo thì ít".

Song, trong nhận xét của mình, vị giáo sư lại đưa ra một kết luận gây sốc khi ông nói rằng "có tin đồn nhà văn nọ thuê 20 người viết thay cho mình". Ông cũng diễn giải rằng việc "chuyên nghiệp hoá sản xuất sản phẩm" đó là một kỹ nghệ quá quen thuộc trên thế giới và không trái luật. Tuy nhiên, ngờ vực công khai của ông đã tạo ra một làn sóng tranh cãi khá gay gắt mà bản thân tôi là một người cũng bị cuốn vào đó.

Trong một tranh luận với chính vị hiệu trưởng cũ của mình (thời Đại học) và cũng là thầy dạy của vị giáo sư kia, một số học trò cũ của ông đã đưa ra quan điểm về việc thuê người viết hộ tác phẩm rồi mua đứt nhân thân của họ là không công chính trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Ngược lại với quan điểm đó, chính vị hiệu trưởng và rất nhiều học trò khác của ông đều khẳng định rằng việc thuê người làm hộ một hay nhiều khâu nào đó đều không có gì là vi phạm tính công chính cả. Họ xoáy sâu vào lĩnh vực sáng tạo kỹ nghệ, một lĩnh vực hoàn toàn khác biệt với nghệ thuật và sử dụng các dẫn chứng cũng như phân tích đầy kỹ nghệ để chứng minh ý kiến kia là bảo thủ, bất chấp các học trò cũ của ông đã luôn khẳng định rằng họ thừa nhận và ủng hộ việc đồng sáng tạo ở mọi lĩnh vực nhưng riêng với nghệ thuật thì đồng sáng tạo khác hẳn với việc thuê người sáng tạo hộ mình. Cuối cùng, chính các học trò cũ đã phải rút khỏi cuộc tranh luận khi cảm thấy nó bắt đầu vô bổ và những người cùng tranh luận đều cố gắng không muốn hiểu quan điểm của đối phương.

Đó chỉ là một trong vô số các cuộc tranh luận, trao đổi hiện nay mà ở đó sự lệch pha giữa các bên trao đổi đã khiến tiến trình trao đổi không thể tiếp tục. Giả sử, nếu những người cùng trao đổi kể trên chịu đặt mình vào vị thế của một nghệ sỹ sáng tạo, với rất nhiều ràng buộc không chỉ pháp lý mà cả đạo đức nghề nghiệp, họ sẽ nhận ra khác biệt giữa nghệ thuật với ngành nghề của họ là gì. Khi nắm bắt sự khác biệt đó, họ sẽ nhận ra sự đa dạng của xã hội là như thế nào và việc "công thức hóa" một điều gì đó cho toàn bộ xã hội là bất khả. Tuy nhiên, giữa những người cùng tranh luận một vấn đề đã giống như những trạm thu-phát sóng mà ở đó, sự khác biệt lớn về tần số đã khiến tất cả không thể nhận được thông điệp của nhau một cách rõ ràng nhất.

Ví dụ trên đây không phải là một khác biệt mà thực tế là một mẫu số chung trong các tranh luận xã hội thời nay. Nó cho thấy thói xấu của người Việt hiện tại là không chấp nhận khác biệt; cái tôi quá lớn; không mở rộng đón nhận quan điểm khác và không biết đặt mình vào một vị thế đối diện để tìm hiểu kỹ hơn. Từ đó, dễ hiểu là việc trao đổi ở xã hội Việt Nam hiện nay ít hiệu quả và bởi thế, nó không mang lại nhiều những kiến thức, kỹ nghệ mới ngõ hầu trở thành vũ khí để phát triển.

Có thể nói, người Việt gần đây được nhìn nhận như một cộng đồng thiếu đoàn kết. Nhưng nguy hiểm hơn cả là chúng ta cũng là một cộng đồng gần như lệch pha, thiếu kỹ năng trao đổi với nhau để cùng tìm ra hướng phát triển chung hợp lý nhất. Và một khi, chính giới trí thức, tức những người có văn hóa, có trình độ còn chưa biết trao đổi cho hiệu quả thì khó có thể mong rằng giới bình dân, cần lao có thể có được kỹ năng trao đổi trong bầu không khí văn minh. Như vậy, câu hỏi cho sự phát triển, hướng phát triển cho người Việt vẫn còn chưa thể được giải đáp lúc này, lúc mà chúng ta đang cần một cú hích thay đổi lớn nhất.

Hà Quang Minh
.
.