Những khoái cảm… bất thường!

Thứ Sáu, 16/10/2015, 08:00
Cuối tuần trước, trong một gameshow truyền hình có tên "Học Viện Ngôi Sao", có một tiết mục khiến nhiều người phải tranh cãi. Đó là tiết mục của thí sinh có tên Mỹ Linh, người đã chọn ca khúc "Shake the Rhythm" của tác giả Đỗ Hiếu.

Trong phục trang cách điệu từ hình tượng chú mèo nhỏ, Mỹ Linh bước ra sân khấu đầy tự tin và khá rạng rỡ. Nhưng đằng sau vẻ tự tin ấy thì lại là thảm hoạ. Cô hát không ra hát; cô nhún nhảy ngượng nghịu và vụng về; cô khiến không ai còn có khả năng nhận diện ra nổi ca khúc của Đỗ Hiếu thực sự là như thế nào. Ấy vậy mà thật lạ, ba vị giám khảo thì vẫn hào hứng với cô, như thể cô đang là một tiềm năng tỏa sáng.

Tất nhiên, sau màn trình diễn của thí sinh Mỹ Linh, sẽ nhiều người cho rằng "gameshow thì cũng chỉ là chơi cho vui thôi mà, quan trọng gì" nhưng thực  chất, cái gọi là "vui mà" đó lại được gắn cái tên "Học viện Ngôi sao" nghe rất hoành tráng. Và sẽ chẳng ai có thể biện minh gì trong trường hợp điển hình này bởi tất cả chúng ta cùng hiểu, cái tên mang hoàn toàn ý niệm (concept) của chương trình. Vậy thì một chương trình với cấu trúc xây dựng cuộc chơi như một "học viện" để rồi khi "tốt nghiệp", người thắng cuộc đủ khả năng trở thành ngôi sao chắc chắn sẽ không chỉ hàm ý "vui thôi mà" như nhiều người vốn nghĩ.

Ví dụ của thí sinh Mỹ Linh chỉ là một trong đầy rẫy các hiện tượng đầy nghịch lý trong thế giới giải trí hôm nay. Chúng ta phải thừa nhận rằng, mình thích xem cái hay, cái đẹp nhưng mình cũng đầy khoái trá khi được chứng kiến những nhân vật "dở hơi, dở hồn" trên các chương trình giải trí. Thưởng thức một giọng hát tuyệt đẹp cũng chỉ mang lại cảm giác khoan khoái không hơn mấy việc ta được cười bò nghiêng ngả vì một cá nhân "dị hợm" nào đó có thể xuất hiện ở những chương trình kiểu Vietnam Idol, X-Factor, Vietnam's got talent hay The Voice. Và đó chính là cái khoái cảm rất bất thường, khoái cảm thích nhìn thấy sự "thất bại" của người khác, khoái cảm trước sự vụng về, bất lực, vô phương, quái dị… của người khác.

Nắm bắt được cái khoái cảm có phần "độc ác" đó, những nhà sản xuất chương trình càng thèm muốn những nhân vật "dở hơi, dở hồn" hơn để hút khách cho chương trình của mình. Và để cổ vũ cho chính cái khoái cảm độc ác kia, không biết bao nhiêu lần giám khảo của một số chương trình đã tỏ ra rất khoái trá khi gặp những nhân vật như thế. Thậm chí, đôi khi họ còn tạo ra những hành động châm chọc để đối tượng trở nên thảm thương hơn, nhằm câu tiếng cười khoái cảm mà vô cảm nhiều hơn.

Chắc chưa ai quên, cũng chính cái khoái cảm độc ác của chính chúng ta đã vô tình tạo cho một Lệ Rơi mang đầy ảo tưởng rằng mình có thể trở thành người nổi tiếng. Để rồi hôm nay, cậu trai tên thật Nguyễn Đức Hậu ấy quay về quê, thân bại danh liệt, với món nợ hàng tháng phải trả cả chục triệu, và chỉ còn mỗi vườn ổi cũ để trông chờ vào đó mà thôi. Ai đã hại những người như Lệ Rơi? Đừng nói ai xui ai khiến, tại cậu ta tự tung mình lên youtube? Nếu không có khoái cảm độc ác của cộng đồng, phát tán cái khoái cảm ấy lan rộng để vẽ cho cậu ta một ảo tưởng, sẽ chẳng có món nợ nào cả và cũng chẳng có một Lệ Rơi nào cả.

Cái gì cũng có mặt tốt, mặt xấu của nó. Các chương trình thực tế cũng có mặt tốt, khi giới thiệu được những tài năng thực sự, như Uyên Linh, Văn Mai Hương… nhưng song song đó, những người làm chương trình và chính chúng ta cũng đã và đang tạo ảo tưởng cho rất nhiều người trẻ, bởi chính cái khoái cảm bất thường mà chúng ta đeo mang. Xem ra, họ như những con mồi và chúng ta như những kẻ săn mồi, hung hăng, phấn khích.

Song, hãy nhớ, con bọ ngựa rình bắt con ve sầu mà quên rằng sau lưng mình còn con chim sẻ. Chúng ta, một ngày nào đó, cũng rất có khả năng trở thành con mồi của khoái cảm ác độc của cộng đồng.

Đan Anh
.
.