Bản quyền văn học

Nhiều lần bị xâm phạm bản quyền

Thứ Hai, 05/12/2011, 08:00
Phỏng vấn nhà văn Ma Văn Kháng.

- Thưa nhà văn Ma Văn Kháng, là người đã có nửa thế kỷ cầm bút, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc thực hiện vấn đề bản quyền văn học ở Việt Nam trong những năm gần đây?

+ Hồi còn làm việc ở Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, có chân trong việc soạn thảo tài liệu và chuẩn bị cơ sở cho ra mắt Trung tâm QTGVHVN, tôi có khái niệm khá rõ về công việc của tổ chức này. Nhưng thú thật là cho đến nay tôi vẫn chưa hiểu thật rõ cách thức làm việc và vận hành của tổ chức này như thế nào để mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Trên thực tế thì đúng là hiệu quả của việc thực hiện quyền tác giả văn học của ta còn mờ nhạt. Nhìn lại quang cảnh chung của vấn đề này thì phải nói rằng từ ngày xã hội có đặt ra vấn đề bản quyền, nhiều tổ chức xuất bản, báo chí đã có ý thức chấp hành tốt hơn trước. Người cầm bút như tôi có cảm giác được tôn trọng về nhân cách, về sự sở hữu hơn trước. Ví dụ, chỉ nói tới những cơ quan tôi hay cộng tác thì có thể kể ra như NXB Phụ nữ, NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Công an nhân dân, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, Báo Văn nghệ Công an, Báo An ninh Thủ đô, Báo Hà Nội mới, Tạp chí Thanh tra, Báo Pháp luật… thì việc chi trả nhuận bút, tiền bản quyền rất tốt. Trước kia làm gì có chuyện NXB ký hợp đồng thỏa thuận với tác giả về số lượng in, về tỷ lệ phần trăm trong chi trả nhuận bút. Nay thì nhà văn có thể biết đích xác "quyền" và "lợi" của mình trong in ấn, phát hành một tác phẩm nào đó, với các đơn vị báo chí, xuất bản.

- Đấy là sự thuận lợi mà người viết có được khi cộng tác với các cơ quan báo chí, xuất bản có thương hiệu và uy tín. Nhưng vẫn còn rất nhiều câu chuyện vi phạm bản quyền trong sách giáo khoa, trên mạng internet, trên các tuyển tập và các đơn vị truyền thông tư nhân… được nhắc nhiều trên báo chí thời gian qua. Thưa ông, mặc dù chúng ta đã có đơn vị chuyên trách trong việc bảo vệ bản quyền cho nhà văn, đó là Trung tâm QTGVHVN, nhưng rất nhiều nhà văn cho rằng họ vẫn hoàn toàn đơn độc trong vấn đề này, và thực sự họ chưa nhìn thấy "quyền" và "lợi" của mình ở đâu cả. Phải chăng, đang thiếu những người tâm huyết trong lĩnh vực bản quyền?

+ Tôi nghĩ đó cũng có thể là một nguyên nhân. Nhưng xem ra thì sự thể còn phức tạp hơn nhiều. Chỉ cần nhìn từ bên ngoài vào cũng có thể thấy là công việc bảo vệ quyền tác giả văn học của ta còn bề bộn, rắc rối và đòi hỏi công sức của nhiều người để có được sự hoàn thiện về cơ chế, bộ máy, cách thức làm việc của một tổ chức chuyên trách trong tương lai. Chỉ khi mọi thứ trở nên đồng bộ thì chúng ta mới có thể hy vọng vấn đề bản quyền văn học có được những hiệu quả tốt như mong đợi.

- Trong đời sáng tác của mình, ông đã bao nhiêu lần phát hiện mình bị xâm phạm quyền tác giả, và ông đã xử lý vấn đề này như thế nào?

+ Số lần tôi phát hiện tác phẩm của mình bị xâm phạm bản quyền là không hề ít. Chẳng hạn, đơn vị xuất bản nọ thông báo với tôi là họ sẽ in tác phẩm của tôi với số lượng 1.000 cuốn, nhưng tôi cho rằng họ không in đúng số lượng ấy, vì trên thị trường mấy năm trời tôi vẫn nhìn thấy cuốn sách đó mà kiểu chữ lại khác. Lại có lần người ta in cả cuốn sách của tôi mà không xin phép, không thông báo gì cả. Hỏi họ năm lần bảy lượt, cả năm trời họ mới trả nhuận bút rất bèo bọt, lấy lý do là sách tài trợ, sách lễ lạt được cấp ít tiền…Việc không minh bạch trong chi trả nhuận bút là câu chuyện phổ biến nhất của nhiều nhà xuất bản hiện nay. Trong vài năm trở lại đây, có tới vài chục lần tôi có tác phẩm được in ra mà không hề biết, hỏi NXB thì họ trả lời rất vô trách nhiệm là…không biết. Còn biết làm gì hơn là đành để mọi chuyện qua đi, đỡ mệt mỏi và tốn thời giờ. Nói chung, các nhà văn như tôi, quyền sở hữu tác phẩm thường được bảo đảm chắc chắn khi xuất bản tác phẩm lần đầu và ở NXB mà mình ký hợp đồng thôi, còn in thêm ở các cơ sở khác hoặc in nối bản và tái bản… thì không thể kiểm soát được.

- Nếu cần thiết phải nhờ đến tòa án để giải quyết một câu chuyện vi phạm bản quyền tác phẩm văn học của mình, ông có sẵn sàng không, hay lại xuề xòa, bỏ qua như một số nhà văn đã từng làm?

+ Thôi, tôi cho nó qua đi thôi.

- Dường như lựa chọn việc bán bản quyền trọn đời một số tác phẩm cho các đơn vị xuất bản tư nhân của ông và một số nhà văn tên tuổi khác như Tô Hoài, Nguyễn Khải… là một lựa chọn khôn ngoan, trong tình hình thực hiện vấn đề bản quyền tác phẩm văn học của ta còn nhiều bất cập như hiện nay?

+ Vâng, có thể xem đó là một lựa chọn. Khôn ngoan ở chỗ nó gọn ghẽ, không mất thời giờ, khỏi bận tâm, đỡ rắc rối.

- Nhà văn ở ta phần lớn chưa hiểu biết nhiều về vấn đề bản quyền, và chưa thực sự coi trọng vấn đề ở mức cần thiết. Đây có phải là điểm yếu khiến cho tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng tăng, thưa ông?

+ Tôi nghĩ là nhà văn của ta hiểu biết về vấn đề này cả đấy, coi trọng vấn đề này cả đấy. Nhưng họ không biết phải làm gì nên đành chịu thôi.

- Xin cảm ơn nhà văn Ma Văn Kháng

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.