Nhiều họa sĩ bị xâm hại bản quyền tác phẩm: “Trật tự mới cần được thiết lập”
- Nhiều lần bị xâm phạm bản quyền
- Long An: Khởi kiện vụ xâm phạm bản quyền kiểu dáng công nghiệp
- Ngang nhiên xâm phạm bản quyền của các tác giả quá cố
Tuy vẫn có những đơn vị vi phạm "lý sự cùn" hoặc im lặng, thì việc một số công ty đã phải lên tiếng xin lỗi các họa sĩ, tiến tới việc soạn thảo hợp đồng sử dụng tác phẩm, trả tiền tác quyền..., là những việc làm thể hiện sự cầu thị, văn minh. Có lẽ, đã đến lúc giới mỹ thuật cũng như các ngành nghệ thuật khác phải hết sức mạnh tay, quyết liệt trong việc đấu tranh với thói quen "xài chùa" để thiết lập nên những "trật tự mới".
Xâm phạm bản quyền tràn lan, công khai
Khi câu chuyện 8 họa sĩ bị xâm hại bản quyền được đưa lên mạng xã hội và báo chí vào cuộc, dư luận đã hết sức quan tâm, ủng hộ. Giới họa sĩ có cơ hội bày tỏ sự bức xúc của mình khi rất nhiều năm phải sống chung với tình trạng "xài chùa" hình ảnh tác phẩm hội họa.
Tác phẩm của họ bị sử dụng vào nhiều mục đích kinh doanh như: in tranh treo tường - giấy dán tường để bán, in lên họa tiết của vải để phục vụ ngành may mặc, in lên họa tiết áo dài và các sản phẩm đồ lưu niệm phục vụ mục đích kinh doanh kiếm lời một cách tùy tiện, không xin phép tác giả và đương nhiên không trả thù lao.
Tác phẩm "Chiều thu bên Ô Quan Chưởng" của họa sĩ Lâm Đức Mạnh bị đạo nhái và rao bán công khai, đóng dấu khẳng định bản quyền. |
Vừa mới đây, họa sĩ Hà Hùng Dũng đã phát hiện hiện đơn vị sản xuất tranh tường Trần Tuân sử dụng hình ảnh hàng chục tác phẩm của mình để in thành sản phẩm tranh tường để bán phục vụ việc trang trí nội thất tại một khách sạn lớn ở Sa Pa. Những sản phẩm vi phạm này cũng được quảng cáo công khai trên các trang mạng bán hàng của đơn vị này.
Sau khi bị phản ánh, đại diện phía Trần Tuân đã có những "lý sự cùn" như trường hợp của đại diện công ty Mai Phương, rằng "thấy đẹp thì lấy về dùng, mà cũng chỉ lấy tầm 10 bức" (trên thực tế là sử dụng hình ảnh của 15 tác phẩm). Những hành vi của phía Trần Tuân khiến họa sĩ Hà Hùng Dũng hết sức bức xúc. Anh cho biết sẽ làm việc với luật sư để có những biện pháp cứng rắn nếu như phía Trần Tuân không có động thái tích cực để xin lỗi và sửa sai.
Sau khi nhận được những phản ánh của họa sĩ Hà Hùng Dũng, đại diện ban lãnh đạo khách sạn Pao's SaPa đã gửi tới họa sĩ Hà Hùng Dũng lời xin lỗi vì những sơ suất trong khâu kiểm duyệt của nhà thầu thiết kế, dỡ và hủy bỏ tranh đồng thời có thiện chí đồng hành với họa sĩ Hà Hùng Dũng và các họa sĩ Việt Nam trong việc bảo vệ quyền tác giả và những quyền liên quan. Sáng 21-5, họa sĩ Bùi Duy Khánh cũng đã nhận được lời xin lỗi từ Lanvu Gallery do "thiếu tìm hiểu" đã chép - đạo nhái tác phẩm của anh và đưa ra cam kết không tái phạm lỗi này.
Chỉ cách đây vài hôm, họa sĩ Lâm Đức Mạnh đã rất bức xúc khi phát hiện tác phẩm "Chiều thu bên Ô Quan Chưởng" của mình bị sao chép và bán công khai trên trang web tranhsondau.net với tên gọi "Phố cổ Hà Nội". Thậm chí, tác phẩm "đạo" này còn ngang nhiên đóng logo mang tên tranhsondau.net để... khẳng định bản quyền (Lâm Đức Mạnh là 1 trong số 9 họa sĩ đã lên tiếng về việc tác phẩm của mình bị đưa vào áo).
Thực tế, tác phẩm "Chiều thu bên Ô Quan Chưởng" của họa sĩ Lâm Đức Mạnh đã được bán cho một khách hàng ở Hà Nội để treo trong nhà. Không chỉ có thế, họa sĩ Lâm Đức Mạnh còn phát hiện hàng chục tác phẩm với chủ đề phố cổ Hà Nội của mình bị một trang web nước ngoài đăng hình ảnh rao bán công khai với giá bán từ 250 đến 600 USD. Họa sĩ Lâm Đức Mạnh đang tìm hiểu và trao đổi với một số bạn bè am tường về vấn đề này để có biện pháp hữu hiệu bảo vệ quyền lợi cho mình.
Loại bỏ thói quen "xài chùa"
Thực ra, giới làm nghệ thuật thường không muốn giải quyết những sự việc như thế này một cách quá "sát ván" như khởi kiện ra tòa mà thường bước đầu thông qua các biện pháp đối thoại, thương lượng. Nếu như các đơn vị vi phạm có sự cầu thị, tích cực và xin lỗi, thì các họa sĩ, nghệ sĩ thông thường cũng sẽ bỏ qua, không truy cứu nữa.
Và hầu hết 8 họa sĩ trong vụ đồng loạt có đơn thư gửi đến các các cơ sở may áo dài vi phạm các tác phẩm, sau khi nhận được phản hồi tích cực đã "bỏ qua chuyện", không hề kiện cáo hay "làm khó" gì doanh nghiệp cả, họ chỉ đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình: xin phép khi sử dụng tác phẩm vào bất kỳ mục đích gì.
Họa sĩ Đặng Tiến cũng chia sẻ, khi phát hiện một cơ sở trang trí nội thất sử dụng hình ảnh lấy từ 3 tác phẩm của anh để quảng cáo, kinh doanh, anh đã liên hệ với cơ sở này và đã nhận được lời xin lỗi kèm hình ảnh đã hủy những bức tranh "đạo nhái" đó. Do thiện chí sửa sai này, họa sĩ Đặng Tiến cũng bỏ qua, nhưng anh cũng đã lên tiếng yêu cầu phải được tôn trọng khi người nghệ sĩ sáng tạo ra một tác phẩm là phải bỏ ra rất nhiều trí lực, tâm huyết.
Thế nhưng, do tình trạng xâm hại bản quyền mỹ thuật đang diễn ra với mật độ khá dày, với hình thức công khai đến độ các họa sĩ phải dùng từ... "trơ trẽn", mấy ngày qua đã dấy lên luồng ý kiến của những người quan tâm đến vấn đề này, đó là các họa sĩ không cần thiết phải "mềm mỏng", "dàn hòa" với các đơn vị, cá nhân vi phạm mà phải áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn, có tính răn đe hơn: như thu thập bằng chứng để kiện ra tòa, đòi bồi thường thiệt hại thật nặng, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc. Bởi lẽ, chỉ có như thế, các đơn vị, cá nhân xưa nay vốn coi thường vấn đề bản quyền và sức lao động sáng tạo của nghệ sĩ mới chùn tay. Nếu không, họ vẫn tiếp tục bất chấp tất cả, chỉ hòng kiếm lời về cho mình mà thôi.
Một số tác phẩm của họa sĩ Hà Hùng Dũng bị cơ sở in tranh tường Trần Tuân xâm phạm bản quyền. |
Sau khi câu chuyện về bản quyền một lần nữa được "xới" lên, vừa qua, một group mang tên "Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa" do họa sĩ Bùi Trọng Dư thành lập từ ngày 3-5-2019 sau khi anh phái hiện việc mình và nhiều họa sĩ bị xâm hại bản quyền.
Sự nỗ lực đấu tranh của các họa sĩ cùng với sự đồng hành, lên tiếng của giới báo chí, các luật sư và nhiều công chúng yêu nghệ thuật đã khiến các đơn vị in vải may và sản xuất áo dài phải lên tiếng xin lỗi công khai trên báo chí, trên trang web và xin lỗi bằng văn bản gửi đến các họa sĩ. Họa sĩ Bùi Trọng Dư chia sẻ: "Tôi lập nhóm này với mục đích cùng các họa sĩ tự bảo vệ tác phẩm của mình thông qua việc phát hiện và đấu tranh đòi bản quyền tác phẩm. Khi các họa sĩ phát hiện tác phẩm của mình bị đạo, nhái hay sử dụng mà không xin phép cũng như mua bản quyền, hãy post bài cùng với hình ảnh tác phẩm bị vi phạm cũng như những sản phẩm vi phạm và đơn vị vi phạm".
Từ ngày 13-5, nhóm "Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa" đã trở thành một nhóm công khai để đấu tranh mạnh mẽ hơn với vấn nạn vi phạm bản quyền trong hội họa. Với sự theo dõi, đồng hành của nhiều nhà báo, luật sư để hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp luật cùng các họa sĩ lên án, đấu tranh mạnh mẽ với vấn nạn xâm hại bản quyền, đạo nhái tác phẩm hay sử dụng hình ảnh từ tác phẩm mà không xin phép, không mua bản quyền. Hiện tại, các mục thảo luận tại "Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa" đang rất sôi động và thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật cả nước.