Thế giới động vật trong sách thiếu nhi

Thứ Bảy, 01/05/2021, 14:59
Khoảng 27% sách thiếu nhi lấy động vật làm “nhân vật”, đứng vị trí thứ hai trong thống kê trên 3.134 cuốn sách thiếu nhi xuất bản năm 2018 do Trung tâm Sách thiếu nhi Hợp tác (CCBC) thuộc Đại học Wisconsin – Madison thực hiện.


Ở Mỹ, “nhân vật” là động vật nhiều chỉ sau nhân vật người da trắng. Nghĩa là rất nhiều động vật trở thành nhân vật, nhất là trong dòng sách tranh, truyện tranh (picturebook). Chúng ta thường cho rằng trẻ em thích động vật nên các tác giả và nhà xuất bản mới tận dụng đặc điểm này trong sách thiếu nhi. Tuy nhiên, việc sử dụng phổ biến động vật làm nhân vật trung tâm trong sách thiếu nhi có nhiều cách lý giải hơn nữa.

Nghệ thuật nhân hóa động vật

Truyện ngụ ngôn của Aesop được xem là trường hợp đầu tiên động vật xuất hiện trong sách thiếu nhi, mặc dù ban đầu Aesop không hướng tới độc giả nhỏ tuổi. Aesop sống vào thế kỷ XI trước Công nguyên, là một nô lệ người Hy Lạp. Người ta cho rằng trong lúc lao động vất vả, Aesop đã tạo ra các câu chuyện ngụ ngôn, vừa thể hiện sự quan sát và chiêm nghiệm bài học trong cuộc sống, vừa mang đến tiếng cười cho những con người yếu thế, bị áp bức, bóc lột giống như ông. Các động vật trong truyện ngụ ngôn của Aesop đều có thể nói chuyện như con người – mà ngày nay chúng ta gọi là nghệ thuật nhân hóa.

Nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em thích đọc những câu chuyện có nhân vật là động vật hơn là con người.

Nhân hóa khiến cho động vật - vốn đã được trẻ em vô cùng yêu thích, càng trở nên gần gũi hơn với các em. Vì thông qua nhân hóa, trẻ em nhìn thấy các con vật đi bằng hai chân, mặc quần áo, trò chuyện, có những cảm xúc và đối mặt với những vấn đề - tất cả đều giống mình. Hơn nữa, trẻ em thích nhìn thấy hình ảnh chính mình được phản chiếu trong thế giới xung quanh. Có thể nói, động vật chính là nơi trẻ em dễ dàng nhìn thấy bản thân nhất, vì chúng có nhiều đặc điểm giống với các em: hành xử theo bản năng, suy nghĩ đơn giản và cảm xúc trong sáng. Các tác giả đã tận dụng lợi thế này để thu hút tình cảm của trẻ em với các nhân vật động vật trong sách của mình và khéo léo gửi gắm những thông điệp nhân văn trong sách.

Các chủ đề phổ biến thường được tác giả “mượn” động vật để kể gồm các bài học đạo đức, quy tắc ứng xử. Việc đưa người đọc vào thế giới muông thú giúp các chủ đề trừu tượng này trở nên dễ hiểu, gần gũi và sống động hơn – điều này đặc biệt quan trọng với các độc giả nhỏ mới bắt đầu tiếp xúc với thế giới xung quanh.

Hình mẫu nhân vật

Động vật trong sách thiếu nhi thường được gán sẵn các tính cách, đặc điểm. Nhiều “hình mẫu nhân vật” được trẻ em vô cùng yêu thích – cũng đã xuất hiện trong truyện ngụ ngôn của Aesop, chẳng hạn như chuột nhắt nhát gan, sư tử nóng tính (truyện “Chuột và Sư Tử), cừu thì ngơ ngác còn sói thì tinh ranh (truyện “Bầy Sói và Đàn Cừu). Một số đặc điểm, tính cách động vật dựa trên kiến thức sinh học, một số khác do được miêu tả nhiều lần nên tạo ra sự ổn định về hình tượng nhân vật. Càng về sau, những “hình mẫu nhân vật” này trở nên vô cùng phổ biến, rất dễ để các tác giả sử dụng khi sáng tác và để trẻ em nắm bắt được câu chuyện.

Một trong những tác phẩm kinh điển về thế giới động vật có thể kể đến là “Những chuyện kể cùng Mẹ Già Gió Tây” của Thornton Burgess. Là một người chuyên nghiên cứu về thiên nhiên, Burgess đã truyền tải những kiến thức sinh học về tập quán sinh hoạt của cáo, thỏ, chồn, ếch ở đồng quê, rừng thẳm vào các câu chuyện của mình thật tự nhiên. Từ khi ra mắt lần đầu tiên vào năm 1910 đến nay, bộ sách của Burgess vẫn được đông đảo trẻ em nước Mỹ và trên khắp thế giới mến mộ. Nhiều thế hệ phụ huynh ngày nay gọi bộ sách của Burgess là “truyện ngụ ngôn hiện đại”, vì các câu chuyện đều lấy động vật làm nhân vật chính để truyền tải những bài học về giao tiếp, ứng xử, đạo đức cho trẻ em.

Ở Việt Nam, từ cổ tích, thần thoại cho đến truyện đồng thoại trong văn chương hiện đại, các loài động vật, từ vật nuôi quen thuộc đến chim chóc, muông thú hoang dã cũng thường xuyên xuất hiện. Trong văn học dân gian, loài vật xuất hiện mang tính chất biểu trưng, dự báo, mang tâm hồn, giấc mơ con người. 

Một truyện “Tấm Cám” thôi đã có bao nhiêu “nhân vật con” xuất hiện. Khi Tấm không thể nhặt riêng từng loại hạt để kịp giờ đi hội, bầy chim hiện ra trợ giúp. Chim chóc trong đời thật ăn hạt, nhưng bầy chim trong truyện thì không, chỉ là những hiệp sĩ, nhờ vào ám tượng số đông, đặc tính mổ, tìm hạt... Đồng hành cùng giấc mơ của Tấm là con cá Bống, hay nói cách khác, Bống hiền lành là một đồng hiện khác của Tấm dịu dàng. Cả khi Bống đã chết, giấc mơ tươi đẹp vẫn không tắt. Bộ xương cá bống hóa quần áo đẹp, giày thêu cho Tấm đi dự hội. Xinh đẹp, nổi bật giữa đám đông để lọt vào mắt xanh hoàng tử, là Tấm hay là Bống thật khó phân biệt. Cả đến khi ngã chết, do bị Cám chặt cây cau, Tấm cũng hóa chim Vàng Anh. Giấc mơ chuyển tiếp và chuyển thế, Vàng Anh bay vào lòng Hoàng tử khi nghe gọi tên để rồi hồi sinh trong hạnh phúc viên mãn....

Cảm hứng đồng thoại trở thành thế mạnh khai thác đề tài, hình ảnh của nhiều nhà văn hiện đại. Tuổi thơ Việt, có lẽ không ai không từng say mê “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài. Và nhà văn Tô Hoài cũng không chỉ có mỗi Dế Mèn. Bay trong tác phẩm đồng thoại của ông còn rất nhiều những chim ri, chim sẻ, chào mào, chèo bẻo, bác xiến tóc, gã bọ hung..., thừa đủ làm nên một diện mạo tuổi thơ...

Không chỉ trong sách chữ, hình mẫu nhân vật cũng được sử dụng trong sách tranh (picturebook). Minh họa giàu cảm xúc và trực quan trong sách tranh càng góp phần làm nổi bật đặc trưng, tính cách của động vật. Nhiều tác giả sách tranh tận dụng sự ổn định về hình tượng nhân vật để làm khác đi, biến câu chuyện trở nên đầy thú vị. 

Chẳng hạn như gà mái thường được chúng ta gán cho tính cách “an phận thủ thường”, chỉ thích loanh quanh trong chuồng trại hay sân vườn. Nhưng trong cuốn sách tranh “Những chuyến phiêu lưu của cô gà mái Louise”, cô gà Louise lại được tác giả Kate DiCamillo tô điểm thêm đầy mới lạ với sở thích khám phá thế giới bên ngoài cái chuồng bình yên. Cô gà mái được tạo hình với đôi mắt mở to, luôn tò mò về thế giới và một thân hình khỏe khoắn để chinh phục nhiều vùng đất mới.

Truyền tải những chủ đề khó

Một lý do nữa khiến các nhà văn, họa sĩ thường chọn động vật làm nhân vật trung tâm trong sách cho thiếu nhi là vì động vật giúp họ dễ dàng truyền tải những chủ đề khó đến với các độc giả nhỏ tuổi. Trẻ em chưa có đủ trải nghiệm và sức chống chịu về tinh thần để đối mặt với những chủ đề như sự chia ly, nỗi sợ, bạo lực, nỗi đau hay cái chết. Vì vậy, các tác giả luôn thận trọng khi khai thác những chủ đề này và phải thật khéo léo, tinh tế trong cách truyền tải đến trẻ em để không gây ra những cảm xúc tiêu cực cho các em. Động vật là một phương thức hiệu quả giúp các tác giả truyền tải những chủ đề “nặng ký” này đến trẻ em. Bởi lẽ, động vật cho phép trẻ em nhìn thấy chính mình, đồng thời vẫn tạo ra một khoảng cách vừa đủ để các em nhìn nhận câu chuyện từ một góc nhìn khách quan.

Động vật còn có tác dụng giảm bớt sự nặng nề, đáng sợ của các chủ đề khó. Trong suốt lịch sử nền văn học, các nhân vật động vật chủ yếu được sử dụng để gây cười. Sự khác biệt và tương đồng giữa động vật và con người tạo ra sự hài hước – đây chính là “liều thuốc” giảm nhẹ tính nghiêm trọng của một câu chuyện có chủ đề khó. Còn đối với sách tranh, việc các họa sĩ tạo hình động vật đáng yêu, hóm hỉnh cũng góp phần đưa những chủ đề khó đến với các độc giả nhỏ một cách êm ái, dễ chịu và tự nhiên hơn.

Nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em thích đọc những câu chuyện có nhân vật là động vật hơn là con người. Chỉ một điều này thôi cũng phần nào giải thích được tại sao các tác giả thường chọn động vật làm nhân vật trung tâm trong sách thiếu nhi của mình. Động vật còn giúp các tác giả truyền tải những thông điệp mạnh mẽ, những chủ đề “khó nhằn” đến đông đảo độc giả nhỏ tuổi. Nhưng hơn hết, thế giới động vật trong trang sách luôn là một thế giới vô cùng hấp dẫn, thú vị và kích thích sự tò mò, khám phá bất tận của các thế hệ trẻ em trên khắp thế giới!

Hà Thy
.
.