Nhà viết kịch Nguyễn Khắc Phục: Đạo diễn trẻ ít có cơ hội
Đây là vở diễn nặng, chứa đựng nhiều ý nghĩa trọng đại, nhưng tôi rất ngạc nhiên về sự thành công của vở diễn. Xưa nay, một vở cải lương, với đạo diễn khéo nhất thì cũng rất dễ làm cho nó trở nên ủy mị để lấy nước mắt của khán giả.
Và họ thường hay quên mất một điều rằng tính mỹ học của một vở diễn không phải nằm ở chỗ nước mắt bi lụy mà quan trọng nhất là phải khơi dậy trong con người những điều tốt đẹp nhất.
Tập thể nghệ sĩ Đoàn Cải lương Hà Nội, với phần lớn các bạn tên tuổi còn ít người biết đã mang đến cho công chúng một vở diễn sâu sắc và chân thành. Tiến sĩ Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng đánh giá rất cao về vở diễn này.
Qua câu chuyện này, tôi nhận ra một điều: Nếu các đạo diễn trẻ được đánh giá và nhìn nhận công bằng, được tin tưởng thì họ hoàn toàn có thể làm được những điều thậm chí là vượt hơn cả thế hệ cha anh đi trước. Tôi cảm thấy rất nhiều đạo diễn trẻ hiện nay không có được cơ hội để thể hiện mình.
Họ không được trao vào tay những công việc để trưởng thành dần trong nghề. Các nhà quản lý và cả công chúng cũng còn nhiều thành kiến khi đánh giá các tác phẩm của nghệ sĩ trẻ. Người ta thường mang tên tuổi các đạo diễn đã thành danh ra như một sự đảm bảo thành công cho vở diễn nào đó.
Nhưng tôi dám nói rằng rất nhiều vở của các đạo diễn già xem chán. Vì mảng miếng nó cũ, cứ lặp đi lặp lại, ít sáng tạo tìm tòi. Nhưng chính họ lại nhiều khi không thừa nhận những người trẻ có tài. Rất nhiều đạo diễn thành danh đã dựng kịch bản của tôi, nhưng không phải vở nào tôi cũng hài lòng như "Lễ mở xiêm áo" do đạo diễn trẻ Trần Quang Hùng vừa mang tới công chúng.
Tôi mong rằng các nhà quản lý nghệ thuật, bên cạnh việc phát ngôn ủng hộ thế hệ đạo diễn trẻ, hãy ủng hộ họ bằng hành động, đó là trao tác phẩm cho họ dàn dựng và tin tưởng vào họ. Giống như Ban giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch Hà Nội vừa rồi đã tin tưởng trao vở diễn "Lễ mở xiêm áo" của tôi cho một đạo diễn trẻ...