Sân khấu: Chiến dịch "Săn lùng" kịch bản hay

Nhà văn Chu Lai: Không có kịch bản không có sân khấu

Thứ Năm, 05/05/2011, 10:43
Tôi phải nói ngay rằng, Hội NSSK bao giờ cũng ý thức được một điều rằng kịch bản chính là khâu đột phá trọng yếu nhất, cũng là khâu nan giải nhất cho sự tồn tại của sân khấu. Không có kịch bản thì chúng ta chẳng có gì để bàn về sân khấu cả...

- Thưa nhà văn Chu Lai, cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu 2010-2011 đến nay đã đi được một nửa chặng đường, với tư cách là Trưởng ban Sáng tác Hội NSSK Việt Nam, ông có thể đánh giá đôi nét về tác phẩm và tác giả dự thi năm nay có gì mới so với những cuộc thi trước?

+ Tôi phải nói ngay rằng, Hội NSSK bao giờ cũng ý thức được một điều rằng kịch bản chính là khâu đột phá trọng yếu nhất, cũng là khâu nan giải nhất cho sự tồn tại của sân khấu. Không có kịch bản thì chúng ta chẳng có gì để bàn về sân khấu cả. Bởi vậy, năm 2010, Hội NSSK Việt Nam đã mở liên tiếp 5 trại viết trong cả nước và chính thức phát động cuộc thi sáng tác kịch bản hai năm 2010-2011, hầu mong giải quyết được vấn đề khan hiếm kịch bản đang bức xúc hiện nay, đồng thời hâm nóng được tình yêu dành cho sân khấu của những nhà văn, những cây bút tên tuổi. Tính đến tháng 4/2011, cuộc thi đã kéo dài được tròn một năm. Một năm chưa nói lên điều gì nhưng cũng đánh động được phần nào tâm trạng, tâm lý người cầm bút. Cụ thể, chúng tôi đã nhận được kịch bản dự thi của 35 tác giả, với 40 kịch bản ở các thể loại kịch khác nhau. Trong đó có nhiều tác giả tên tuổi quen thuộc và có cả những tác giả lần đầu xuất hiện. Người có kịch bản dự thi cao tuổi nhất là nhà văn Học Phi. Sơ kết đợt 1, có thể thấy, nhìn chung mặt bằng kịch bản đã đạt được sự đa dạng, đa chiều, xốc xáo được nhiều khía cạnh, góc khuất của đời sống hôm qua, hôm nay, truyền thống cũng như thời bình, chiến tranh và xây dựng kinh tế đổi mới, nông thôn và thành thị, gia đình và xã hội, con người nhỏ bé và nhân vật sử thi…Trong đó có không ít kịch bản tốt, được tác giả dụng công về mặt kiến thức sân khấu và nghệ thuật…

- Nhìn vào những thông tin ông vừa cung cấp, với góc nhìn từ một cuộc thi, liệu chúng ta có thể lạc quan về chất lượng kịch bản, vốn là một vấn đề rất đáng lo ngại trong đời sống sân khấu bấy lâu?

+ Bên cạnh những vấn đề còn khó khăn, nan giải cố hữu, tôi cho rằng chúng ta có thể lạc quan. Sau nhiều năm giải thưởng thường niên của Hội NSSK cho kịch bản không có giải A thì năm 2010 vừa rồi, chúng ta đã có tác phẩm xuất sắc giành giải A, đó là kịch bản "Tôi và nhân vật phụ của tôi" của tác giả Hà Đình Cẩn. Kịch bản này đã được 2-3 đoàn nghệ thuật tổ chức dàn dựng.

- Về việc hiện thực hóa các kịch bản trên sàn diễn thì có một thực tế là, lâu nay Hội vẫn tổ chức các cuộc vận động sáng tác kịch bản, vẫn trao giải cho những kịch bản hay, nhưng sau đó thì tác giả thường phải ôm kịch bản đó về cất vào ngăn tủ, hoặc là tự mình phải lo liên hệ xem có đoàn nào cần dựng không, chứ không được Hội đầu tư, nâng đỡ để một kịch bản hay trở thành một vở diễn hay và đến với khán giả. Nên mới có chuyện một số tác giả kết thân trực tiếp với các đơn vị nghệ thuật và viết theo đặt hàng của họ, chứ không mặn mà với những cuộc thi của Hội. Thiết nghĩ, nếu chúng ta không thay đổi cách làm thì sẽ rất khó thu hút được sự quan tâm của những người cầm bút với sân khấu. Ông nói gì về điều này?

+ Đây là một vấn đề đã từng tồn tại trong thực tế, nhưng chúng tôi kiên quyết không để lặp lại. Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu 2010-2011 này, Hội mạnh tay chi giải nhất là 50 triệu đồng, một con số không nhỏ nếu so với giải thưởng của Hội Nhà văn hay Hội Nhạc sĩ…Với tác phẩm đoạt giải A, Hội sẽ hỗ trợ cho đoàn nào dựng vở diễn 150 triệu đồng. Vẫn biết số tiền này là nhỏ, là không thể đủ cho một vở diễn từ khi dàn dựng đến khi ra mắt khán giả. Nhưng sự hỗ trợ này cũng đã là một nỗ lực rất lớn của Hội, với hy vọng những kịch bản chất lượng sẽ nhanh chóng đến với người xem, động viên người viết và cũng là để đời sống sân khấu luôn có được những vở diễn tốt, chứ không phải chỉ toàn những tiết mục giải trí đơn thuần, rẻ tiền như ở đâu đó đang diễn ra…

- Những năm gần đây, có một thực tế là rất ít vở diễn đương đại, mang nặng hơi thở cuộc sống trên sân khấu. Xu hướng quay về tìm kiếm những câu chuyện lịch sử, những nhân vật và vấn đề lịch sử đang chiếm ưu thế hơn. Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu lần này, với những tiêu chí đã đề ra liệu có khuyến khích được những tìm tòi, thể nghiệm  mới của các tác giả trẻ hay không? Liệu chúng ta có thể hy vọng vào những vở diễn đương đại hay sẽ xuất hiện?

+ Tiêu chí của cuộc thi được mở rộng đến tất cả các chiều kích của cuộc sống, nhằm tôn vinh truyền thống yêu nước hào hùng của dân tộc, các mốc son lịch sử chói lọi, nhấn mạnh ý chí kiên cường và tinh thần lao động sáng tạo của con người Việt Nam trong giai đoạn đổi mới, hội nhập, qua cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa cái xấu và cái tốt, cái thiện và cái ác, cái tích cực và tiêu cực đang từng ngày diễn ra. Về mặt hình thức, chúng tôi khuyến khích mọi sự tìm tòi, bứt phá, không e dè, không tránh né, không quá bó buộc trên bất cứ một vấn đề, một mảng đề tài nào, miễn là nó mang được hơi thở cần lao của nhân dân, tìm lọc ra được những hình tượng trung tâm trong mọi thời tiết xã hội, có tác dụng dự báo, cảnh tỉnh, lay động đến những góc sâu nhất trong lòng người xem. Ban tổ chức chấp nhận mọi đề tài, không có "vùng cấm" nào cả, miễn là hay và tích cực.

- Một vấn đề nữa liên quan đến chất lượng kịch bản sân khấu là vấn đề đầu tư của Hội. Năm 2010, có tới 5 trại viết được Hội mở ra. Nhưng số lượng trại viết liệu có tỷ lệ thuận với chất lượng kịch bản như Hội mong muốn hay không?

+ Tôi xin trả lời ngay là số lượng trại sáng tác chưa chắc đã tỷ lệ với chất lượng kịch bản, nếu Hội không có một cách làm hiệu quả và trực tiếp hơn. Năm ngoái, chúng tôi mở nhiều trại viết kỷ lục là để "ráo riết" cho cuộc "săn lùng" những kịch bản hay. "Săn lùng" bằng cách, chúng tôi bắt các tác giả phải lao động nghiêm túc hơn, cật lực hơn. Lần đầu tiên Hội yêu cầu các tác giả đến dự trại sáng tác không được gửi kịch bản đề cương sơ sài như mọi năm mà phải gửi kịch bản chi tiết. Ban tổ chức sẽ đọc xem "hồn vía" từng kịch bản thế nào rồi mới quyết định mời tác giả đến trại để hoàn thành. Đáng mừng là cách làm này có hiệu quả hơn hẳn. Bằng chứng, trong số 6 kịch bản lọt vào chung khảo cuộc thi thì có đến 5 kịch bản ra đời từ các trại sáng tác đó. Từ ví dụ này có thể kết luận: Nếu chúng ta quan tâm đầu tư chiều sâu cho tốt thì chúng ta sẽ có được những kịch bản tốt.

- Xin cảm ơn nhà văn Chu Lai

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.