Nhà thơ Hữu Thỉnh: Biển có đảo, biển đỡ lặp lại mình...

Thứ Ba, 21/08/2012, 08:00

Yêu thơ Hữu Thỉnh mà không đọc trường ca "Đường tới thành phố" là một lỗ hổng lớn, là không thể đánh giá đúng tầm vóc của nhà thơ này. Bởi với các ưu, khuyết của mình, đến nay, trên thi đàn Bắc Việt, "Đường tới thành phố" vẫn là một trong những tập trường ca nêu lên hình ảnh cuộc chiến chống Mỹ một cách rộng rãi, chân thực và tài tình hơn cả.

Đến nay, "Đường tới thành phố" vẫn là tác phẩm tầm vóc nhất của đời thơ Hữu Thỉnh. Lứa bạn đọc đứng tuổi có thể nhiều người đã đọc trường ca này. Lứa trẻ chắc chỉ nghe nói. Với họ, đó như thể một ngọn núi hiểm trở mà cùng với thời gian, nó ngày càng trở nên thâm nghiêm và thưa vắng dấu chân người. Lỗi không phải ở Hữu Thỉnh. Độc giả Việt Nam hôm nay không mấy người mặn mà với những tác phẩm thơ dài, lại rặt chuyện chiến trường, đạn bom. Cũng có lúc họ hướng tới nó, nghe từ bên trong vọng ra những tiếng chim lạ. Thi thoảng họ lại được thấy các nhà phê bình tha về từ những cánh rừng rậm trong ấy một đôi cây gỗ quý. Vậy là máu phiêu lưu nổi lên, họ cũng muốn tìm cách thám hiểm xem bên trong vẻ rậm rạp, cheo leo, um tùm cành lá kia ẩn chứa những gì. Họ đã tới chân núi ngước nhìn lên. Và rồi, phần do thói quen "ăn sẵn", phần vì họ thấy ở dưới chân núi có những hồ nước xinh xinh, những ngôi nhà nho nhỏ, kiến trúc bên ngoài độc đáo, bên trong cũng giường êm đệm ấm, tiện nghi đủ đầy (nghĩa là những vẻ đẹp đủ sức quyến rũ họ), bỗng chốc, họ quên bẵng đi việc chính của mình đến đây là để leo núi. Những bài thơ xinh xắn, với những câu vang tai đẹp mắt kiểu như "Sang thu", như "Thơ viết ở biển" của Hữu Thỉnh đã thỏa mãn sự lười nhác của họ. Và thế là, họ véo von ngâm ngợi mấy bài thơ trên, coi thế là đủ. Hay đâu, với sự nghiệp thơ Hữu Thỉnh, những bài thơ ấy chỉ có ý nghĩa như những món tráng miệng trong một bữa đại tiệc mà thôi.

Yêu thơ Hữu Thỉnh mà không đọc trường ca "Đường tới thành phố" là một lỗ hổng lớn, là không thể đánh giá đúng tầm vóc của nhà thơ này. Bởi với các ưu, khuyết của mình, đến nay, trên thi đàn Bắc Việt, "Đường tới thành phố" vẫn là một trong những tập trường ca nêu lên hình ảnh cuộc chiến chống Mỹ một cách rộng rãi, chân thực và tài tình hơn cả.

"Đường tới thành phố", nói một cách nôm na là đường mà những người lính, từ các căn cứ trên miền rừng, từ nơi ém quân trong các bản làng, đã vượt qua bằng mồ hôi, bằng máu và nước mắt của mình để đến được thành phố Sài Gòn, hoàn thành sứ mệnh thống nhất đất nước. Tập trường ca được hoàn thành năm 1978, in ra năm 1979, là thời điểm cuộc chiến đã kết thúc. Nếu như trước đây, nhiều tác giả khi đề cập tới những mất mát của chiến tranh đã có sự cân nhắc nhất định, bởi dẫu tổn thất, hy sinh là thật thì cũng phải tìm cách nói thế nào để không làm nhụt chí người đi sau. Nay cuộc chiến kết thúc rồi, phải làm rõ sự khắc nghiệt của chiến tranh. Chiến tranh càng khắc nghiệt, tàn khốc bao nhiêu thì ý nghĩa của chiến thắng mà chúng ta có được càng lớn bấy nhiêu.

Đọc "Đường tới thành phố" ta thấy sự khắc nghiệt của chiến tranh đã được Hữu Thỉnh khái quát trong những câu thơ cô đúc, xúc động và ám ảnh.

Hữu Thỉnh là người cả nghĩ. Từ một khẩu súng chiến lợi phẩm thu được của đối phương, thay vì trầm trồ thán phục sự tinh vi, hiện đại của nó, anh nghĩ tới chặng đường gian khó mà rồi đây cả anh và đồng đội sẽ phải vượt qua:

Khẩu súng trường tinh vi và ngắn lại
Đường chúng tôi ra trận lại dài thêm

Viết về sự nóng bỏng của mảnh đất chiến trường, bằng sự trải nghiệm của chính mình, Hữu Thỉnh đã đưa ra một nhận xét khiến người trong cuộc không khỏi giật mình xa xót:

Đất chiến trường mau ướt lại mau khô.

"Mau ướt" và "mau khô" vì đó là máu của lính. Câu thơ làm tôi nhớ tới tên một cuốn tiểu thuyết của M.Xtenmắc: "Máu người không phải nước lã". Vâng, thời nào cũng vậy, máu người không phải là nước lã! Phải hiểu điều đó để thấm thía cái giá mà chúng ta đã trả để có được hòa bình hôm nay.

Ngày nay, nếu nói về sự giống nhau giữa con gái và con trai, các bạn trẻ có thể nghĩ ngay tới việc một cô nàng nào đó mặc quần soóc, để tóc ngắn và phì phèo điếu thuốc trên tay. Vậy mà từng có một thời, những người con gái của chúng ta đã… hóa con trai bởi phải lao động và chiến đấu trong một hoàn cảnh quá đỗi thương tâm:

Tiểu đoàn thồ chẳng có gì thồ cả
Cứ đói ròng con gái hóa con trai

Sự nghiệt ngã mà nhắc tới nó, một vị tư lệnh dày dạn trận mạc đã phải bật khóc.

Không chỉ đối mặt với cái đói, người lính của chúng ta còn phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt:

Mỗi tuổi quân chịu sáu tháng mưa rừng

và đặc biệt, đối mặt với cái chết:

Sau loạt bom vùi
Anh gặp toàn lính mới

Cuộc chiến ác liệt như vậy nên người lính đã không ngại ngần khi:

… thêu trên ngực áo của mình
Họ tên, đơn vị
Người ta tìm áo để báo tin cho mẹ
Đến cái chết đã chẳng cần giấu giếm
Trái tim anh càng đập ngang tàng.

Bìa tập "Thơ Hữu Thỉnh" do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Trong "Đường tới thành phố", Hữu Thỉnh đề cập tới 3 trường hợp người lính hy sinh. Đây chính là điểm mấu chốt cho thấy cách xử lý cao tay của anh. Chúng ta còn nhớ, cùng viết về sự hy sinh của người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ,  ở bài "Nấm mộ và cây trầm", một nhà thơ mặc áo lính đồng lứa với Hữu Thỉnh là Nguyễn Đức Mậu đã cho nhân vật của mình làm một Phan Đình Giót "nhận cái chết cho đồng đội sống", và chết trong một tư thế rất… hùng tráng: "Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng/ Đồng đội xông lên nhìn rõ Hùng cười/ Tay Hùng còn vung lựu đạn ngang trời". Nghĩa là một tư thế hy sinh đẹp như trong… giáo án, có thể chụp lại để dựng tượng đài ngay tại chỗ. Những cái chết của người lính được đề cập trong thơ Hữu Thỉnh thì khác. Nó không "tuồng" như vậy. Vả chăng, Hữu Thỉnh cũng không đề cập nhiều, đề cập kỹ tới phút hy sinh của người lính. Tất cả chỉ thoảng qua. Trước đấy, tác giả viết về những mong ước, tâm tư của họ nhiều hơn. Có lẽ vì vậy mà cái chết của họ khiến người đọc day dứt hơn chăng?

Sự hy sinh đầu tiên mà Hữu Thỉnh đề cập tới trong trường ca "Đường tới thành phố" là của một chiến sĩ nằm vùng. Bao năm trời, anh ẩn náu trong căn hầm được đào tại chính nhà mình. Ngày ngày, vợ anh - bên cạnh việc thường xuyên… nhang khói cho chồng (để che mắt lũ chỉ điểm) đã bí mật chăm lo cơm nước cho anh. Anh có bao mơ ước. Một ngày nọ, anh đội hầm vùng lên, cùng bà con cô bác diệt ác phá đồn. Quê hương được giải phóng. Thế rồi, thật không ngờ:

Cây tre lạt chưa buộc lành tấm phên rách gió
Giếng đầu làng chưa lắng kịp sau mưa
Hãy vạch mặt những thằng bắn lén
Ngực anh đau, tay bíu lấy thân dừa.

Anh ngã xuống bởi một viên đạn bắn lén. Người đọc không biết "tác giả" phát súng oan nghiệt ấy là ai? Hữu Thỉnh cũng chỉ dừng sự phản ảnh của mình ở đây. Cái chết ngỡ hết sức phi lý của người lính - khi mà hạnh phúc tưởng đã nắm chắc trong lòng tay - càng làm cho nỗi đau trở nên quặn thắt, tương ứng với hình ảnh cánh cò vật vã trong mấy câu thơ Hữu Thỉnh viết sau đó:

Hãy vạch mặt những thằng bắn lén
Sóng đang gầm ngoài vịnh Văn Phong
Hãy vạch mặt những thằng bắn lén
Cánh cò bay sấp ngửa trên đồng.

Không chỉ trong trường ca "Đường tới thành phố" mà ở một bài thơ nổi tiếng khác của Hữu Thỉnh - bài "Phan Thiết có anh tôi", sự hy sinh của người lính tưởng như cũng có gì đó hết sức phi lý: "Những người lính mở đường đi lấy nước/ Họ lách qua những cánh đồi tháng chạp/ Trong đoàn người dò dẫm có anh tôi/ Biển ùa ra xoắn lấy mọi người/ Vì yêu biển mà họ thành sơ hở/ Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ/ Mất chỉ còn cách nước một vài gang". Nếu nói theo ngôn ngữ hiện nay thì phần nào đó là những cái chết… lãng xẹt, chẳng đâu vào đâu. Nhưng như thế càng khiến ta thấy sự khủng khiếp của chiến tranh. Cái chết ập đến bất ngờ, nhiều khi hết sức vu vơ, như Hữu Thỉnh từng viết: "Cũng có thể sau một cơn ác tính/ Sau một cái rùng mình và cứ thế ra đi". "Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa" - đã có một câu hát như vậy. Chiến tranh không phải trò đùa bởi trong chiến tranh, Thần Chết có thể xuất hiện ở bất cứ đâu và vào bất cứ lúc nào để cướp đi sinh mệnh con người.

Năm 1980, nhà thơ Xuân Diệu đã viết một bài "Đọc sách" về tập trường ca "Đường tới thành phố". Có thể thấy, Xuân Diệu viết với một tâm thế không được hào hứng cho lắm (có lẽ vì là thành viên Ban giám khảo giải thưởng thơ Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980, là năm tập trường ca "Đường tới thành phố" đoạt giải thưởng mà cực chẳng đã Xuân Diệu phải có bài chăng?). Bài viết dài khoảng 3.000 chữ, có khen, có chê. Phần khen chưa tương xứng với những gì tác giả tập trường ca làm được. Phần chê tuy xác đáng (với những ví dụ cụ thể), song có một chỗ tôi chưa thực tán đồng, đó là khi Xuân Diệu cho rằng tác giả không chú trọng tới nội tâm nhân vật. Đúng là ở chương cuối của tập trường ca, khi viết về không khí đón mừng chiến thắng trên đường phố Sài Gòn, vì muốn thay nhà viết sử, Hữu Thỉnh đã ôm đồm quá nhiều sự việc. Anh cố viết cho đủ, thành thử nhiều chỗ câu chữ tự nhiên như văn phong báo chí, thiếu độ lắng của thơ. Còn ở các chương trước đó, phần nội tâm của nhân vật được anh tỉa tót, đề cập khá kỹ.

Không "nội tâm" sao được khi người lính trước trận đánh vẫn nhớ về người mẹ ở quê với công việc đồng áng vất vả: "Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng/ Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió". Và khi nhận thấy "Chiến dịch này ăn cơm không phải độn" thì trong lòng họ lại xảy ra một nghịch lý "Mừng thì mừng nhưng thương mẹ bao nhiêu". Không "nội tâm" làm sao khi người lính sau pha ngất lịm vì sức ép lựu đạn, tỉnh lại đã biết thốt lên cảm nhận: "Đêm ngọt ngào mà lại chát em ơi". Không thể phủ nhận một thực tế là chúng ta phần nào làm nên chiến thắng bởi đã hội tụ trong đội hình của mình những người lính giàu nội tâm như thế. 

Hữu Thỉnh từng tâm sự về nghề: "Tôi rất tin: thơ là kinh nghiệm sống". Đọc thơ Hữu Thỉnh, không ai nghĩ đấy là loại thơ có thể ngồi nhà mà tưởng tượng ra được. Không trải qua cơn sốt rét hoặc chứng kiến đồng đội trong tình cảnh ấy, chắc chắn tác giả không thể có liên tưởng hàng cây trụi lá với mái tóc người sốt rét và màu nắng như màu viên thuốc ký ninh - một liên tưởng thật hay: "Anh lớn lên đâu biết trước một ngày/ Ngồi nhặt sấu dưới vòm cây sốt rét/ Nắng ký ninh rải rác dọc rừng thưa" (rất tiếc là trong tập "Thơ Hữu Thỉnh" do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 1998, câu thơ bị in nhầm thành "nắng ký sinh" - nắng ký sinh thì còn có vị gì nữa!).

Không đi nhiều, trải nghiệm nhiều, cộng với giác quan bén nhạy thì dù trí tưởng tượng dồi dào đến mấy cũng không thể "nhìn" ra được: "Đường số Một chạy thi với biển/ Biển mệt nhoài nằm thở ở Nha Trang", cũng như không thể "tả" được một cách thần diệu màu da trời khi bình minh lên qua câu thơ "Suối cứ đổ trong bình minh nõn chuối".

Thơ Hữu Thỉnh có nhiều câu hay, nhiều cách nói lạ. Trong bài "Chuyến đò đêm giáp ranh", anh viết:

Tiếng bìm bịp bập bềnh trong đêm nước lên
Cỏ lác, cỏ lăn cứa vào đêm ram ráp.

Không phải cỏ cứa vào… da thịt mà là cỏ cứa vào đêm, câu thơ ai cũng thấy hay mặc dù không dễ giải thích. Phần nào câu thơ cho ta thấy độ đậm đặc của đêm đen.

Ở bài "Phan Thiết có anh tôi", khi thể hiện nỗi khát biển của những người lính lần đầu tiên thấy biển qua cửa hầm trú ẩn "sau những ngày vượt dốc", Hữu Thỉnh có mấy câu thật ám ảnh: "Trong căn hầm mùi thuốc súng mồ hôi/ Tim anh đập không sao ghìm lại được/ Gió nồng nàn hơi nước/ Biển như một con tàu sắp sửa kéo còi đi". Tại sao trước một đại dương mênh mông tít tắp nhường kia, những người lính lại có cảm giác thảng thốt như sắp mất một cái gì? Lại thấy "Biển như một con tàu sắp sửa kéo còi đi"? Có lẽ, phải trải qua những năm tháng đạn bom, khi cái sống cái chết chỉ cách nhau tấc gang, người ta mới có cảm giác chông chênh như vậy. Sự thật, sau đó, những người lính trong bài thơ cũng đã ngã xuống khi mà họ chưa kịp chạm tay được vào mặt biển. Họ đã mất vì bom tọa độ, khi mà "chỉ cách nước một vài gang".

Quả là Hữu Thỉnh đã có nhiều câu thơ hay đúc rút từ kinh nghiệm sống. Anh cũng thừa tài hoa để có những câu thơ vụt lóe từ trí tưởng tượng, mang vẻ đẹp bất ngờ, hư ảo. Đó là: "Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu" (bài "Sang thu"), là: "Núi rét đêm qua chừng mất ngủ/ Sáng ra thêm bạc một nhành lau" (bài "Thư mùa đông").   

Nếu như trước đây, trong mảng thơ trận mạc, Hữu Thỉnh nổi trội với việc đề cập tới những tổn thất mà người lính của chúng ta phải gánh chịu thì trong mảng thơ đề cập tới cuộc sống thời bình, điểm mạnh của anh là nói về những tổn thương tinh thần mà con người gây ra cho nhau. Những câu thơ hay mang tính đúc kết bài học nhân thế của Hữu Thỉnh đã minh chứng cho điều này: "Ta đâu có đề phòng từ phía những người yêu/ Cây đổ về nơi không có vết rìu" (bài "Tự thú"); "Trong tiệc lớn rượu nào ai cũng nhớ/ Tôi ấy mà, những chiếc cốc vô danh" (bài "Lời thưa"); "Người ghét cứ phải gần/ Người yêu đành xa cách/ Mây dẫu thương mặt đất/ Không thể nào không bay" (bài "Chăn-đa em ơi"); đặc biệt là bài "Hỏi" với những câu hỏi chát chúa được lặp lại tới ba lần ở kết bài.

Hữu Thỉnh là nhà thơ giàu vốn văn hóa dân gian. Anh đã vận dụng một cách sáng tạo cách nói của ca dao tục ngữ, đã làm mới thơ mình bằng những lối diễn đạt độc đáo. Tuy nhiên, đã có chỗ Hữu Thỉnh tỏ ra lạm dụng việc này. Khi anh viết "Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền", người đọc còn thấy trong cách nói hoa mỹ ấy có nhiều nét thú vị, nhưng đến những câu "Anh muốn bế cả chiều/ Hôn lên ngày gặp mặt" (bài "Bình yên"), người đọc bắt đầu thấy có gì đó lợn gợn. Rồi khi đọc những câu kiểu cách đến độ gần như vô nghĩa thế này: "Không giữ nổi một mình/ Nhớ em chia cho sóng/ Nhấp phải chút tương tư/ Thế là chiều biển động/ Trời biết ta xa cách/ Soi biển, soi không đành/ Xuân chưa về đủ lá/ Mưa ẩm cả hồn anh" (bài "Tám câu"), người đọc thấy Hữu Thỉnh dường như đã đi quá đà. Anh đã dùng cách nói uốn éo để che lấp sự trống rỗng, nghèo nàn của nội dung. Các tập thơ lẻ của Hữu Thỉnh, bên cạnh một số bài hay như "Sang thu", "Phan Thiết có anh tôi", "Hỏi", "Lời thưa", đã bị độn một số bài như thế. Sự "khéo tay" của Hữu Thỉnh đã cứu chúng thoát khỏi sự nhạt nhẽo, yếu kém - nói chung thơ Hữu Thỉnh càng về sau càng ít bị rơi vào tình trạng nhạt nhẽo - song bảo là hay, là sâu sắc thì chắc… không phải.

Hữu Thỉnh là thi sĩ viết nhiều về biển. Tập trường ca "Biển" tuy so với trường ca "Đường tới thành phố" chỉ là sự "phú quý thụt lùi", song cũng có những câu để lại nhiều dư ba, nhất là những câu nhắc về biển đảo Trường Sa: "Biển có đảo biển đỡ lặp lại mình/ Đảo có lính cát non thành Tổ quốc"; "Nổi chìm bao kiếp người/ Dìu đảo ngoi trên sóng/ Chim có nơi nghỉ cánh/ Ngày về trên cát tươi". Tuy nhiên, tất cả dường như đều bị "qua mặt" bởi một bài thơ chỉ vẻn vẹn 11 câu (cũng của Hữu Thỉnh): Bài "Thơ viết ở biển". Được nhạc sĩ Phú Quang phổ thành một ca khúc hay (lấy tên là "Biển, nỗi nhớ và em"), có thể khẳng định đây là bài thơ phổ biến nhất của Hữu Thỉnh tính đến ngày hôm nay.

Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã 
                                   cô đơn 

Gió không phải là roi mà vách
                            núi phải mòn
Em không phải là chiều mà
                  nhuộm anh đến tím
Sóng chẳng đi đến đâu nếu
                    không đưa em đến
Dù sóng đã làm anh
Nghiêng ngả
Vì em.

Như phần đông bạn đọc, có thể tôi sẽ thích thú khi tiếp nhận bài thơ này và gật gù tâm đắc với những câu mà ai nấy đều cho là phải rất tài tình mới viết được. Nhưng có lẽ niềm hứng thú trong tôi đã bị giảm sút đáng kể khi những câu thơ nói trên của Hữu Thỉnh ít nhiều gợi tôi nhớ tới bóng dáng câu thơ của các bậc tiền nhân, mà khi đối chiếu từng câu với nhau, tôi thấy phần lợi thế dường như không nghiêng về Hữu Thỉnh.

Nói về nỗi cô đơn của biển, Hữu Thỉnh phải mất tới hai câu: "Biển vẫn cậy mình dài rộng thế/ Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn", trong khi (từ trước đó nhiều năm), trong bài "Đảo", Huy Cận chỉ cần một câu đã đủ nói được "nỗi niềm" này của đại dương: "Vạn thuở chờ mong một cánh buồm". Câu "Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn" thì chắc chắn không thể ấn tượng hơn câu "Gió sắc tựa gươm mài đá núi" trong bài "Hoàng hôn" của Hồ Chí Minh (gì chứ chữ "roi" đi với chữ "mòn" không thật đắc địa; vả chăng, đá núi mòn vì bị mài chứ sao lại mòn vì bị quật?). Riêng câu "Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím" của Hữu Thỉnh lại bất giác làm tôi liên tưởng tới hai câu "Sớm trông mặt đất thương xanh núi/ Chiều vọng chân mây nhớ tím trời" trong bài "Tứ tuyệt tương tư" của Xuân Diệu. Và tôi nhận thấy về sự “cải lương”, thậm chí câu thơ của Hữu Thỉnh còn “cải lương” hơn. Không, không phải tôi muốn "gây sự" gì đâu. Tất cả chỉ tại cái trí nhớ chết tiệt của tôi thôi. Hy vọng những bạn đọc từng yêu mến bài thơ của Hữu Thỉnh sẽ không vì sự so sánh này mà giảm bớt tình cảm với thi phẩm xinh xắn nói trên. Đại thi hào Anh William Shakespeare chẳng đã viết: "Dù mi có ví là hoa hồng thì hoa hồng vẫn ngát". Nghĩa là nếu hoa hồng đúng thực là hoa hồng thì dù ai đó có đàm tiếu thế nào chăng nữa vẫn không ngăn được nó tỏa hương.

31/7/2012

P.K.
.
.