Nhà sản xuất phim Việt bị xâm hại bản quyền trắng trợn

Thứ Sáu, 22/09/2017, 08:03
Theo thống kê, hiện 90% người dùng internet tại Việt Nam xem video trực tuyến. Công ty Cổ phần đầu tư phát triển công nghệ cao (CNC) tính toán, trong năm 2013, do không giải quyết được các vấn đề bản quyền, dịch vụ video theo yêu cầu, ngành nội dung số nói chung và điện ảnh, truyền hình, âm nhạc nói riêng đã bị thất thoát khoảng 2.000 tỷ đồng. Điều đáng nói, tình trạng "ăn cắp" bản quyền này đang được một số trang chiếu phim trực tuyến xem như một cách để kiếm lợi bằng cách chèn quảng cáo vào giữa các tập phim.


Đơn vị sản xuất thiệt hại lớn-trang mạng bội thu

Phía Truyền hình Việt Nam (VTV) cho rằng, VTV đang là nạn nhân bị xâm phạm bản quyền lớn nhất ở Việt Nam. Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp tên tuổi, có hiểu biết pháp luật, có hàng triệu khách hàng cũng cố tình xâm phạm bản quyền các chương trình của VTV. Có những đơn vị sử dụng trái phép đến 11.000 chương trình.

Mặc dù VTV đã nhiều lần gửi công văn, bằng chứng vi phạm để yêu cầu chấm dứt những sai phạm, nhưng các đơn vị này đều phớt lờ. Thậm chí, mức độ vi phạm còn nghiêm trọng hơn. Điều này không chỉ gây tổn thất lớn về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng tới uy tín của VTV với các đối tác. Còn khán giả cũng sẽ là người bị thiệt hại khi có thể không được theo dõi những chương trình có chất lượng tốt, do đối tác không ký hợp đồng vì lo ngại về bản quyền.

Một nghệ sỹ tên tuổi cho rằng, vấn đề bản quyền luôn là nỗi lo canh cánh của những người làm phim, bởi sản phẩm ra rạp đều có khả năng bị vi phạm bản quyền ngay trong ngày công chiếu, khiến cho nhà đầu tư phải đối mặt với nguy cơ mất trắng.

Phim "Người phán xử" cũng bị vi phạm bản quyền.

Bà Ngô Bích Hạnh - Phó Giám đốc Công ty nắm giữ bản quyền BHD cũng bức xúc cho biết, trong thời gian qua, điện ảnh Việt Nam đã chứng kiến nhiều trường hợp vỡ nợ do phim bị vi phạm bản quyền như trường hợp của nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín (làm phim "Dòng máu anh hùng") hay phim của gia đình cố đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu…

Ðại diện VTV cho biết, một website vi phạm bản quyền các nội dung của VTV có thể thu được lợi nhuận khoảng 10 tỷ đồng/năm. Còn một trang web xem phim được theo dõi có khoảng 4 triệu khách truy cập/tháng và một phim của Mỹ bị ăn cắp bản quyền có đến hai triệu lượt xem/tháng. Ðó là những con số hấp dẫn đối với những người làm quảng cáo và mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho các website dẫn đến tình trạng vi phạm vẫn ngang nhiên diễn ra.

Ăn cắp thần tốc

Mới đây, NSƯT Vũ Trường Khoa - đạo diễn phim "Sống chung với mẹ chồng" đã phải hốt hoảng khi vô tình phát hiện ra phim của mình do VTV nắm bản quyền được phát lại tràn lan trên mạng. Và những bản phát lại có chất lượng hình ảnh cực kỳ tồi tệ, đường hình một nơi, đường tiếng một nẻo. Đã thế, nhiều trang còn cài cắm quảng cáo vào giữa các tập phim để kiếm doanh thu khiến cho phim bị ảnh hưởng về mạch cảm xúc. Nam đạo diễn đã lên án hành động này bởi đây là một hành động "ăn cắp".

Theo khảo sát, bộ phim "Người phán xử" và "Sống chung với mẹ chồng" đang được xem là hai "hiện tượng" trên sóng VTV với tỷ lệ người xem cao. Giới truyền thông thi nhau mổ xẻ nội dung, nhân vật, diễn viên… trong phim. Cũng chính vì lẽ đó mà hai phim này đã bị các kênh chiếu phim trực tuyến "ăn cắp" bản quyền nhiều nhất. Chỉ mất vài thao tác, người ta đã có thể xem lại được các tập của bộ phim "Người phán xử" hoặc "Sống chung với mẹ chồng" do VTV sản xuất và nắm bản quyền. Một số trang chiếu phim trực tuyến thậm chí còn thông báo công khai: "Bản đầy đủ HD sẽ được cập nhật sau đó (sau giờ VTV phát sóng) vài giờ".

Đạo diễn Khải Anh nói, anh khá ngỡ ngàng và bức xúc khi phim truyền hình "Tuổi thanh xuân" vừa lên sóng những tập đầu đã có hàng chục trang xem phim trực tuyến đăng tải lại dù VTV là đơn vị duy nhất nắm bản quyền. Đây là một hành động "ăn cắp" bản quyền trắng trợn, gây thất thoát rất lớn đối với nhà sản xuất lẫn đơn vị phát hành phim.

Trước đó, những bộ phim "Tuổi thanh xuân", "Cảnh sát hình sự", "Zippo, Mù tạt và Em"… cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Mỗi khi phim vừa phát sóng trên VTV là ngay lập tức sau đó đã có mặt trên các trang chiếu phim trực tuyến và được lan truyền với tốc độ "chóng mặt" trên mạng xã hội.  Đại diện Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) - thuộc VTV cho biết, việc "ăn cắp" bản quyền phim của VTV không phải mới xảy ra mà đã xảy ra từ cách đây nhiều năm. Sự việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phim, bản quyền phim và doanh thu của nhà sản xuất. Để sản xuất được một tập phim, VFC sẽ phải chi rất nhiều khoản, trong đó, ngoài chi phí sản xuất còn có chi phí dành cho mua bản quyền kịch bản, hậu kỳ và truyền thông.

Theo nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, hiện nay chúng ta đang đối mặt với nạn xâm phạm quyền tác giả tràn lan mà trong đó, hành vi xâm phạm phổ biến nhất là sao chép tác phẩm bằng công nghệ số (sao chép số) và sử dụng trái phép tác phẩm trên mạng. "Có một thực tế là số đông người nắm giữ quyền chưa hiểu đầy đủ về quyền lợi của mình. Họ thờ ơ hoặc chịu đựng nạn xâm phạm. Các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả chưa có ý thức liên kết với nhau trong hành động tập thể để bảo vệ lợi ích cho mình" - nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến thẳng thắn.

Ông Tô Văn Long - nguyên Trưởng phòng Bản quyền Cục Bản quyền tác giả cho biết căn cứ theo đơn mỗi năm đơn vị này xử lý 30 vụ vi phạm quyền tác phẩm. Và hiện nay việc xử lý đối với những sai phạm không đơn giản.

Mới đây, các Liên minh Chủ sở hữu quyền, bao gồm VTV, BHD, CASBAA (Hiệp hội Truyền hình trả tiền khu vực châu Á - Thái Bình Dương), hãng Fox Century 21, MPA, K+... đã cùng hợp tác, "nói không" với những sản phẩm số không có bản quyền. Và tại một cuộc hội thảo tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh đại diện MPA cũng cho biết, các nhãn hàng lớn và đơn vị quảng cáo cũng nhận thấy họ đang cung cấp tài chính để nuôi các website vi phạm cho nên bước đầu đã hợp tác với MPA để cắt nguồn sống của các trang này.

MPA cũng sẽ làm việc với Bộ Thông tin - Truyền thông đề nghị giúp đỡ khuyến cáo các đơn vị dừng quảng cáo trên các website vi phạm bản quyền; làm việc với các đơn vị thanh toán để ngăn chặn việc thanh toán đối với các trang này.

Đại diện Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ tại Việt Nam (MPA) cho biết, trong số hơn 200 website vi phạm bản quyền, có 42 trang nguy hại nhất. Có điều, chuyện vi phạm dù quá rõ ràng nhưng việc xử lý hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành chức năng. Ðáng chú ý, nhiều website phim lậu đặt máy chủ tại nước ngoài cho nên tình hình vi phạm càng trở nên phức tạp, khó xử lý. Trong khi đó, đối với những bộ phim Việt Nam bị quay lén, phát tán lậu, phía đơn vị sản xuất, phát hành cũng chưa thật sự mạnh tay.

Phối hợp đối phó nạn ăn cắp bản quyền môi trường số

Diễn đàn bản quyền Hàn Quốc - Việt Nam mới đây chỉ ra diễn biến mới trong vấn đề vi phạm tác quyền thời công nghệ số và chia sẻ cách hạn chế tình trạng này.

Cục Bản quyền tác giả Việt Nam và Văn phòng đại diện Ủy Ban bản quyền tác giả Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn bản quyền Hàn Quốc - Việt Nam. Cả hai bên trình bày về hiện trạng và xu hướng ngành công nghiệp bản quyền tác giả của mỗi nước. Việt Nam, Hàn Quốc đều nằm trong xu hướng chung của thế giới là chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, đặc biệt là mạng Internet trên di động. Việc sử dụng tivi ngày càng giảm xuống, sử dụng điện thoại thông minh và các phương tiện như máy tính bảng kết nối mạng để xem các chương trình truyền hình, phim ảnh, nghe nhạc ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, điều đó cũng mang đến nguy cơ các đối tượng sử dụng nội dung một cách bất hợp pháp đưa lên mạng nhiều hơn. Phía Hàn Quốc chia sẻ về công nghệ lọc Fingerprint Filtering nhằm ngăn chặn lan truyền bất hợp pháp nội dung. Đây là phương pháp nhận dạng bằng cách đối chiếu với nguyên bản và lọc ra những đặc trưng cố hữu (còn gọi là DNA kỹ thuật số) của các tập tin kỹ thuật số như audio, video.

Để sử dụng công nghệ này, các đơn vị sản xuất nội dung cần cung cấp cho công ty công nghệ lọc DNA gốc, tức chiết xuất một đoạn file gốc để làm cơ sở dữ liệu. Hệ thống lọc sẽ chạy trên nhiều website để lọc xem có sản phẩm nào chứa nội dung trùng với DNA lưu trữ. Phía Hàn Quốc cũng cho rằng cách lọc này cũng thường gặp xung đột vì đơn vị sản xuất nội dung hay tác giả thường không muốn thực hiện xuất DNA gốc vì mất một khoản tiền lớn. Tuy nhiên, nó giúp tìm ra khá nhiều trường hợp sử dụng, qua đó có biện pháp xử lý thích hợp.

Đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam bày tỏ, Nhà nước cần có sự quan tâm đúng mực hơn, các văn bản quy định pháp luật và hướng dẫn thực thi cần không được "đá" nhau để việc giám sát, thực hiện tác quyền dễ dàng và nghiêm túc hơn.

Thùy Dương-Nguyễn Hoàng
.
.