Người giàu có thực “giàu”?

Thứ Ba, 08/12/2015, 08:00
Ở Việt Nam, những người giàu tầm cỡ thế giới thì chưa có, nhưng những người giàu để mặt bằng chung thế giới phải nể thì không thiếu. Đã có những đại gia Việt Nam khiến cho người đại diện hãng Rolls Royce phải há hốc mồm kinh ngạc khi đưa ra yêu cầu mua một phiên bản hạn chế xe Rolls Royce cụ thể kèm theo bổ sung "dát vàng vào những chi tiết trang trí đang sử dụng kim loại cho tôi"...

Nên có một định nghĩa lại về sự giàu

Hà Quang Minh

Trong cuộc đánh giá lại tài sản gần nhất, vào tháng 10/2015, Bill Gates đã bị ông chủ của tập đoàn thời trang tiêu dùng Zara đánh bại ở vị trí người giàu số 1 thế giới. Khối tài sản trị giá 101 tỷ USD của ông trùm công nghệ Bill Gates nay chỉ còn ở mức 40 tỷ USD mà thôi. Nhưng trong mắt rất nhiều người trên thế giới, Bill Gates vẫn là người giàu số 1. Đơn giản, họ không chỉ nhìn vào bao nhiêu tỷ USD mà ông đang có. Họ nhìn vào tấm lòng, con người, tâm hồn của Bill Gates. Với họ, ông giàu nhân đức, khi sự sụt giảm tài sản đến già nửa kia đến từ nguyên nhân chính: ông cống hiến tài sản của mình vô điều kiện cho các qũy từ thiện, một hoạt động mà ông say mê nó y như người bạn thân của mình, tỷ phú Warren Buffet.

Song, nếu xét ở một khía cạnh khác, Bill Gates cũng là một người giàu bậc nhất thế giới. Đó là khía cạnh văn hóa. Ông say mê sưu tầm những bản thảo viết/vẽ tay của danh họa Leonardo Da Vinci, đặc biệt là những bản thảo thiết kế của danh họa kiêm bậc thầy sáng tạo kỹ thuật người Ý. Song song với các bản chép tay huyền thoại đó, Bill Gates say mê hội họa. Ông lừng danh trong việc sưu tầm những họa phẩm của họa sỹ Mỹ thế kỷ 19 Winslow Homer và chính ông là người đã đưa Winslow Homer thành họa sỹ Mỹ có tác phẩm được bán với giá đắt nhất trong lịch sử khi mua bức "Lost on the Grand Banks" (vẽ năm 1885) với giá 36 triệu USD.

Một bức tranh quý trong bộ sưu tập của Nguyễn Minh - ông được đánh giá là một trong những nhà sưu tập văn hóa nghệ thuật hiếm hoi ở Việt Nam.

Trước đó, Bill Gates cũng từng nổi danh khi mua đấu giá những bức tranh như "Distance Thunder" (1961-của hoạ sỹ Andrew Wyeth - 7 triệu USD); "The Nursery" (của William Merritt Chase, 10 triệu USD); "Polo Crowd" (George Bellow, 28 triệu USD); "Room of Flowers" (Childe Hassam, 20 triệu USD). Một huyền thoại công nghệ khác, Steve Jobs, cũng là một nhà sưu tầm tranh có tiếng. Chính đam mê hội họa đã khiến Jobs định nghĩa về công nghệ như một sản phẩm nghệ thuật, một khái niệm rất rộng, và mơ hồ, và không dễ thẩm thấu.

Và đặc biệt, họ có "chơi" không? Họ rất dân chơi, với cả những bộ sưu tập siêu xe khủng thực sự, những siêu xe hàng hiếm, và thuộc phiên bản hạn chế của những nhà sản xuất hàng đầu.

Vậy là những người giàu ấy là tập hợp của những con người cụ thể: một người tạo ra sản phẩm; một người của chủ nghĩa tiêu thụ và một nhà văn hóa đúng nghĩa.

Ở Việt Nam, những người giàu tầm cỡ thế giới thì chưa có, nhưng những người giàu để mặt bằng chung thế giới phải nể thì không thiếu. Đã có những đại gia Việt Nam khiến cho người đại diện hãng Rolls Royce phải há hốc mồm kinh ngạc khi đưa ra yêu cầu mua một phiên bản hạn chế xe Rolls Royce cụ thể kèm theo bổ sung "dát vàng vào những chi tiết trang trí đang sử dụng kim loại cho tôi".

Song, ở Việt Nam, không có những người giàu biết trân trọng giá trị của văn hoá như cách họ trân trọng giá trị của tiêu thụ xa xỉ. Định nghĩa về nghệ thuật của họ cũng tầm thường đến vô cùng. Đơn cử, một tổng giám đốc một tập đoàn lớn từng thổ lộ rằng thầy phong thủy yêu cầu nhà nên treo tranh có yếu tố "cát" ở trong đó. Và ông ta đã bất lực trong việc lùng một bức tranh có vẽ cát, như bờ biển; bãi sông chẳng hạn, ở khu Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Có thể nói, một bộ phận những người giàu Việt Nam hiện nay khá thảm thương khi họ mới chỉ là tập hợp của 2 con người: người tạo ra giá trị và một kẻ tôn thờ chủ nghĩa tiêu dùng đến mê muội.

Người giàu, ở những nước văn minh, là những người không chỉ sung túc của cải, mà họ còn sung túc cả văn hoá. Sự sung túc song song ấy biến họ thành một con người ở đẳng cấp khác. Và khi mặt bằng chung xã hội nhiều khát vọng phấn đấu muốn được như họ, tất cả đều phải tự ý thức rằng mình phải sung túc cả hai mặt: vật chất lẫn tinh thần.

Trong khi đó, ở Việt Nam, dường như chỉ cần sung túc một nửa, tức của cải, là đã đủ. Và bởi thế, chính những người giàu Việt đã định nghĩa ra một tiêu chuẩn phấn đấu thấp kém cho những người bình dân. Từ đó, cả một xã hội đua nhau phấn đấu để trở thành những người có của, những người, dù không muốn, vẫn phải gọi họ là "trọc phú".

Bill Gates từng nói một câu rất hay về bộ sưu tầm bản thảo của Da Vinci rằng, "Tôi có những giấc mơ lớn về chúng từ thời thơ ấu. Và điều tuyệt diệu nhất là khi trưởng thành, tôi đã có thể được đọc thêm rất nhiều từ đó". Vâng, ông đã giàu thêm rất nhiều từ đó, sự giàu có đúng nghĩa của một con người vẫn còn nguyên khát vọng, đam mê, và một tâm hồn rộng mở, khi ông đã ở vào tuổi 60.

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần phải có một định nghĩa lại về sự giàu, để ở Việt Nam, phải có những con người giàu có thực thụ về của cải vật chất và gia tài văn hóa mà họ bảo tồn và gìn giữ.

Họa sỹ Lê Thiết Cương: Người Việt bao giờ mới giàu?

Hoạ sỹ Lê Thiết Cương

Đã 30 năm tính từ ngày Đổi mới. Kinh tế đất nước đã phát triển, nhiều nhà to, đường to, chùa to, chợ to, nhiều xe cộ xanh đỏ, áo quần, bia rượu hàng hiệu, đèn mầu lòe loẹt nhấp nháy tối ngày. Cùng với đó đã hình thành một lớp người giàu mới.

Từ chỗ nghèo đói nay thừa ăn thừa mặc, từ chỗ nghèo nay đã giàu, đã có một lớp người giàu. Tưởng phải mừng vui mới phải, ấy thế mà lại buồn. Chung quy vẫn là ở cái sự phát triển kinh tế và văn hóa không song hành. Kinh tế đã đi lên được một bậc, rất rõ ràng, ai cũng thấy nhưng văn hóa thì không những không đi lên mà lại tụt lùi. Thời chiến tranh và thời hậu chiến đói nghèo, mặt bằng văn hóa chung của xã hội lại cao hơn hẳn bây giờ, mức sống đã cao nhưng văn hóa lại thấp.

Thời đói nghèo, bói cả ngày cũng chẳng ra được một người giàu, nay thì nhan nhản. Nhưng mới là giàu của cải vật chất thôi, giàu xổi thôi, trọc phú thôi vì cái giàu tiền của họ không đi đôi với giàu về văn hóa. Giàu vật chất mà tinh thần thì nghèo. Khi đã thấp văn hóa thì tuy nhiều tiền lắm của nhưng họ vẫn không tự tin, đã không tự tin thì càng đắp điếm quần áo váy ngắn váy dài, đồng hồ, xe hơi đắt tiền, golf nọ golf kia trông họ càng thảm hại. Kiếm tiền đương nhiên là khó rồi nhưng "kiếm" được văn hóa còn khó hơn nhiều.

Có tiền có thể nhanh được nhưng có văn hóa thì phải kiên trì, bền bỉ, mỗi ngày một chút. Chắc không nên gọi họ là người giàu hoặc doanh nhân thành đạt mà chỉ nên coi họ là người có tiền. Mà chắc gì sự có tiền, có của của họ đã là chính đáng??? Phần lớn trong số họ là những kẻ trốn lậu thuế, luồn lách kẽ hở của luật pháp, quan hệ kiểu "chui gầm bàn", tham ô tham nhũng, đánh quả, trúng mánh… Họ làm bẩn danh xưng doanh nhân vốn rất cao quý. Chẳng hiểu họ đổi cái giá hy sinh tinh thần, hy sinh văn hóa để có một bát cơm đầy hơn, miếng thịt to hơn làm gì.

Con người luôn có 2 phần hồn và xác, thân và tâm, thân thể và tâm hồn. Thân thể cần được nuôi dưỡng ngày 3 bữa cơm, mệt mỏi ốm đau thì thuốc men, đói ăn khát uống. Tâm hồn cũng vậy, cũng cần nuôi dưỡng, tâm hồn cũng đói khát nhưng chỉ khác với thân thể ở chỗ tâm hồn cần thức ăn tinh thần chứ không thể mổ tim, cắt não ra rồi đổ bát phở tái nạm gầu gân 2 trứng hoặc cao lương mỹ vị vào để cho tâm hồn no được.

Để làm đẹp, làm giàu có tâm hồn thì phải đọc sách, xem tranh, nghe nhạc, kho tàng cổ nhạc của dân tộc cũng như thế giới.

Phải có niềm vui khi đi thư viện, khi tới bảo tàng. Phấn đấu để có một đời sống tinh thần vương giả mới khó chứ còn chỉ lao theo vật chất, hùng hục kiếm tiền, coi tiền là lẽ sống, tôn thờ chủ nghĩa vật chất, luôn dán đồng tiền lên đỉnh đầu thì thật thảm hại. Hình như có một bộ phận những người có tiền ở Việt Nam không hề có nhu cầu tự học hỏi để nâng tầm văn hóa của mình lên thì phải. Mà thực ra, khi họ tự học hỏi để nâng văn hóa của họ lên, họ có một đời sống tinh thần đẹp hơn lên thì ấm vào thân họ trước.

Nhìn những người có tiền ở Việt Nam thật đáng thương, cũng uống rượu  nhiều tuổi, cũng phì phèo xì gà, xe hơi đời mới, nhà cao to lênh khênh kiểu cách kiến trúc lẩu thập cẩm, 5 cha 3 mẹ, chút Pháp tân cổ điển, chút lai Ý, tí Ả rập… thế mà chơi toàn gỗ lũa, sư tử đá theo mẫu Lion King, đồ gốm Tầu rởm, nghe nhạc sến, treo tranh chép tranh nhái hoặc tranh đá quý (thực ra là đá rải đường nhuộm phẩm màu). Còn một số những người rất rất nhiều tiền, những chủ doanh nghiệp to thì sao? Thử hỏi những ông bà chủ buôn đất, chủ resort, hotel, chủ gỗ, chủ gạch, chủ sữa, chủ nhà băng ấy mấy đời nữa mới biết chia sẻ cho xã hội thông qua sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật, tài trợ in sách kinh điển, tài trợ cho những tài năng âm nhạc, các chương trình âm nhạc, sân khấu thể nghiệm, xây dựng bảo tàng…

Những người có tiền ở Việt Nam, bao giờ họ mới giàu?

Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân: "Người giàu Việt đang đi lệch đường"

Nguyệt Hà (thực hiện)

LTS: Nhạc sỹ Vũ Nhật Tân là người thường nhận được lời mời của các “nhà giàu” Âu, Mỹ để trình diễn âm nhạc thể nghiệm suốt nhiều năm qua. Dưới đây là chia sẻ của anh cùng Văn nghệ Công an.

Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân cùng nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Nick Ut, người đã tích cực ủng hộ và vận động tài trợ cho các dự án âm nhạc của anh tại Mỹ.

- Thưa nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, là người đã thực hiện nhiều dự án biểu diễn âm nhạc ở nước ngoài với sự tài trợ của tư nhân, anh có thể cho biết tại sao các tổ chức về hỗ trợ phát triển nghệ thuật ở các nước trên thế giới lại có nhiều nguồn tài chính như vậy?

+ Theo kinh nghiệm của tôi sau khi tham gia nhiều dự án hợp tác về âm nhạc với các đối tác nước ngoài ở các khối nước ở châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, các nước châu Á phát triển như Nhật Bản, Singapore...; tôi thấy rằng sở dĩ nền nghệ thuật ở các nước này phát triển rực rỡ được là vì họ có luật quy định rõ về việc các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ quốc gia phải có trách nhiệm nhất định trong việc đóng góp kinh phí để phát triển nghệ thuật. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ cho nghệ thuật bằng cách giảm số tiền thuế mà họ phải đóng cho Chính phủ bằng hoặc nhiều hơn số tiền mà tổ chức, cá nhân đó đã đóng góp. Và tên tuổi của người đó sẽ được lưu lại trong danh mục những người đã ủng hộ cho nghệ thuật như một cách tôn vinh. Vì thế, chính sách này luôn thu hút được đông đảo các "đại gia", các "ông chủ", các doanh nghiệp... tự nguyện tham gia. Có khi các Mạnh Thường Quân còn phải xếp hàng chờ cả năm trời để tên mình được lọt vào các dự án của Chính phủ hay các tổ chức tài trợ cho nghệ thuật.

Ở châu Âu từ cách đây 500-700 năm, những gia đình giàu có đã trở thành những nhà "bảo trợ cho nghệ thuật" và họ làm việc đó một cách đầy ý thức suốt mấy trăm năm qua. Bởi vậy, thế giới mới có được những tác phẩm kinh điển về âm nhạc, hội họa, kịch nghệ... lưu lại đến ngày nay. Cho đến bây giờ, các tổ chức, các quỹ về nghệ thuật ở nước ngoài đa số do Chính phủ lập nhưng nguồn tiền tài trợ lại chủ yếu đến từ các cá nhân, Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ. Nhưng Chính phủ lại hỗ trợ bằng các thể chế luật pháp, công cụ và cách tính thuế nên nguồn tài chính đến với nghệ thuật hết sức dồi dào.

- Với kinh nghiệm của mình, theo anh có cách nào để các nhà giàu, đại gia trong nước bỏ tiền tài trợ cho sự phát triển của nghệ thuật nước nhà?

+ Tôi cho rằng, ở Việt Nam, để có được sự tham gia của các "đại gia" vào lĩnh vực phát triển nghệ thuật thì phải có Luật về hỗ trợ cho văn hóa và nghệ thuật quốc gia. Bên cạnh đó, phải có cách để thay đổi nhận thức của những "nhà giàu" này về trách nhiệm đóng góp cho xã hội thông qua phát triển nghệ thuật. Theo tôi, để thay đổi được nhận thức này phải có sự tham gia của truyền thông ở cấp cao. Tôi đã nhận được các nguồn tài trợ để tham gia các dự án âm nhạc ở nhiều nước trên thế giới, tôi thấy rằng những người tài trợ cho tôi không nhiều tiền như nhiều người giàu ở Việt Nam, nhưng họ lại sẵn sàng bỏ một khoản tiền khá lớn so với ngân sách của mình để tài trợ cho nghệ thuật, cụ thể trong trường hợp của tôi là âm nhạc. Còn ở Việt Nam, người giàu chỉ lo đi mua biệt thự, siêu xe, đắp hàng hiệu đầy người và đưa con đi du học nước ngoài... Truyền thông lại đang hăng say đưa tin về các giá trị vật chất mà người giàu đang trưng trổ ra mà không quan tâm gì đến giá trị tinh thần. Có thể nói, người Việt, trong đó có những người giàu và truyền thông Việt đang đi lệch đường, một mình một kiểu và các giá trị đang bị đảo lộn. Trong đó có việc lẫn lộn giữa giải trí và nghệ thuật là một hiện thực ê chề, nhức nhối.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ Vũ Nhật Tân!

Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân cùng nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Nick Ut, người đã tích cực ủng hộ và vận động tài trợ cho các dự án âm nhạc của anh tại Mỹ.

Sâu xa bởi căn tính nông dân...

Phan Đăng

Nam Cao - nhà văn của nông dân và nông thôn Việt Nam một thời có một truyện ngắn mang tên "Một bữa no". Đại loại, chuyện kể về một bà lão đói quanh năm suốt tháng nên khi được một bữa ăn thì đã ăn lấy ăn để, rồi vì no quá mà lăn đùng ra chết.

Triễn lãm “Hội họa Việt Nam một diện mạo khác” của nhà sưu tập Nguyễn Minh.

Tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện này, và từ câu chuyện này luôn trăn trở với một câu hỏi: Có phải bà lão với cơn đói kinh niên và một bữa no bất chợt - cái hạnh phúc bất chợt để từ chính cái hạnh phúc bất chợt ấy mà phải đối diện với nỗi đau vĩnh viễn chính là hình ảnh điển hình cho cái thiếu thốn điển hình của những con người trong một xã hội tiểu nông nghiệp kéo dài cả ngàn năm? Nhìn lại lịch sử một dân tộc lúa nước  với thời gian chiến tranh cao hơn hẳn thời gian hoà bình, có thể nói ám ảnh về cái ăn, về sự no đủ là một ám ảnh bao trùm và dữ dội của chúng ta.

Nó dữ dội đến mức lúc nào chúng ta cũng nghĩ đến ăn, thậm chí tìm mọi lý do để được ăn. Một cô gái không chồng mà chửa lập tức bị cả làng phạt vạ bằng cách bắt bố mẹ cô phải đi vay mượn để cố mà mổ trâu mổ bò, khao ăn cả làng. Một dịp lễ tết, ma chay, hiếu hỉ, tất tần tật, đều phải ăn. Thế nên mới có những khái niệm bất di bất dịch như "ăn tết" (thay vì chơi tết), "ăn cưới" (thay vì vui cưới), mà bây giờ nhìn lại, tôi thấy khủng khiếp nhất là "ăn đám ma" (trong cái trường hợp tưởng không còn bụng dạ nào để ăn, thế mà người ta vẫn... ăn). Cũng phải nói rằng khi xảy ra hoạn nạn, chiến tranh chúng ta thường "ăn" theo đúng tinh thần "lá lành đùm lá rách", nhưng trong hoàn cảnh thường ngày, chúng ta lại chuộng kiểu ăn nhỏ lẻ,  manh mún, phảng phất hơi hướng "Của mình thì giữ bo bo/ Của người thì để cho bò nó xơi".

Hẳn nhiên, xã hội hiện đại với hai đặc điểm căn bản là kinh tế thị trường và xu thế công nghệ hoá, toàn cầu hoá đã khiến cái ám - ảnh - ăn cố hữu không còn dữ dội như thời phong kiến hoặc thời bao cấp trước đây. Nhưng thẳm sâu trong cái xã hội hiện đại này, ở những đô thị tiên tiến,  phát triển này vẫn là phần lớn những con người mang trong mình cái căn tính nông dân với tất cả những đặc điểm tích cực lẫn tiêu cực của nó. Và nhìn ở góc độ văn hoá, có thể nói hiện tượng quá chú trọng vào cái ăn, hiểu rộng ra là quá chú trọng vào sự thụ hưởng vật chất, không chỉ là thụ hưởng cho mình, mà còn là cho đời con, đời cháu, đời chắt, đời chít... của mình chính là biểu hiện mặt trái của cái căn tính nông dân ấy. Nhìn sang những xã hội tiên tiến phương Tây, kể từ thời Phục hưng đến thời khai sáng rồi hiện đại, chúng ta không thấy đặc điểm này.

Nhưng văn hoá và đặc tính văn hoá không phải là một yếu tố bất biến. Với một tầng lớp người giàu nào đó, khi sự tích luỹ vật chất đã đạt tới mức đủ đầy thì việc nghĩ đến những giá trị tinh thần, chỉ dừng lại ở việc nghĩ đến nó, và hiểu được sự cần thiết của nó thôi nhé, chứ chưa cần tới mức sở hữu hay sáng tạo nó là điều cần phải được đặt ra. Thật hạnh phúc nếu một ngày nào đó, đông đảo những đại gia Việt Nam (hiểu theo nghĩa đại gia tiền bạc) có thể nói vanh vách về giá trị của một bức tranh, một bản nhạc, một tiết mục nghệ thuật kinh điển... mà mình vừa thưởng thức, thay vì chỉ có thể nói về những siêu xe, những ngôi biệt thự, thậm chí đây đó là những cô chân dài mà mình từng quen biết.

Ở bên Mỹ, Bill Gates giàu có không? Chỉ có điên mới trả lời là không! Nhưng đấy không chỉ là sự giàu có đơn thuần về tài chính, mà còn là sự giàu có của tâm hồn, của lòng nhân hậu, biểu hiện việc ông đã dành tới 95% số tài sản của mình để làm từ thiện. Và ông đã tuyên bố: "Tôi chỉ để lại cho con mình 0,05% số tài sản của tôi. Tại sao tôi phải để lại cho nó nhiều tiền nhỉ? Đã là con người thì phải luôn luôn tự thân lao động".

Chỉ có những người thực sự giàu có về tinh thần mới làm được cái điều cao cả ấy!

PV
.
.