Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết "Bóng đêm" của Ma Văn Kháng

Thứ Sáu, 13/01/2012, 08:00

Năm mươi năm gắn bó với nghề viết, Ma Văn Kháng để lại tên tuổi và dấu ấn trên văn đàn như một cây bút văn xuôi lực lưỡng, một đời văn cần mẫn, sáng tạo. Mạch nguồn sáng tạo ấy dường như chưa bao giờ vơi cạn theo năm tháng. Tiểu thuyết "Bóng đêm" được công bố thời gian gần đây (NXB Công an nhân dân, 2011) đã thêm một bằng chứng sống động cho tài năng, tâm huyết và bút lực dồi dào của tác giả.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện trong bài viết "Bóng đêm và nghệ thuật tự sự tổng hợp mới" đã bước đầu chỉ ra một số đặc sắc trong giá trị nội dung và nghệ thuật của thiên tiểu thuyết. Ông cũng là người đề xuất khái niệm "Nghệ thuật tự sự tổng hợp" như một đặc trưng nổi bật của "Bóng đêm", triển khai chủ yếu trên ba phương diện: Nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật kể chuyện và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ.

1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

Với "Bóng đêm", Ma Văn Kháng xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập: Các chiến sĩ Cảnh sát hình sự (đại diện là ông Tầm, Nhâm, Trừng) và bên kia là hung thủ trong những vụ án mạng, cướp bóc, hãm hiếp… man rợ. Thế giới nhân vật ấy là mô hình phản ánh cuộc chiến có thật ngoài thực tế xã hội, nơi cái thiện và cái ác chưa bao giờ ngừng đấu tranh, loại trừ lẫn nhau.

Một điểm cần chú ý trong việc khắc họa nhân vật ở "Bóng đêm", ấy là việc nhà văn miêu tả ngoại hình nhân vật như một biểu hiện gắn liền với tính cách, bản chất của nhân vật. Ông Tầm, người chiến sĩ quả cảm "gan góc hơn người", "một trí tuệ vững vàng, một tầm nhìn sâu xa và một tấm lòng rộng mở" được miêu tả bằng một ngoại hình tương xứng: "Lưng tròn, vai rộng, mặt to, miệng vuông, hai con mắt hiền từ có ánh nhìn âu yếm như mắt voi, mũi nở, tiếng nói nghiêm chỉnh, đàng hoàng".

Trong khi đó, bọn tội phạm, những kẻ gây tội ác, hầu hết đều hiện lên với dáng vẻ kì hình dị tướng. Ngay vẻ bề ngoài đã tố cáo bản chất độc ác của chúng. Chân dung Thuyên - tên giết người man rợ là một ví dụ: "Một cái đầu đầy lởm khởm tóc và gồ ghề, méo mó, với một dải trán hẹp bẹp dí, một cặp lông mày đen nhẫy giao nhau và xoắn ốc. Một khuôn mặt nửa kín nửa hở với cặp mắt lồi trành ra ba góc, vàng ệch, đỏ lừ tia máu. Một cái sống mũi vặn vẹo. Một đôi môi rúm ró không che nổi hàm răng nhọn như răng chó".

Tuy là tác phẩm thuộc đề tài an ninh trật tự nhưng "Bóng đêm" không đi sâu vào mô tả tình tiết diễn biến phá án, điều tra, những cuộc đối đầu, giao tranh trực diện trong các vụ án như những tiểu thuyết hình sự thông thường. Trọng tâm miêu tả của Ma Văn Kháng chính là thế giới tinh thần phức tạp, bí ẩn của con người. Đối với người chiến sĩ Công an, tác giả tô đậm đời sống tình cảm, những mối quan hệ đẹp đẽ như tình đồng nghiệp, tình yêu lứa đôi. Đối với bọn tội phạm, ông tập trung tìm hiểu những căn nguyên sâu xa, động cơ phạm tội và diễn biến tâm lý khi gây án, khi đối mặt sự trừng trị của pháp luật.

Đời sống tinh thần phong phú của những người chiến sĩ Công an còn được tô đậm ở những linh cảm, linh giác đặc biệt. Nó là những yếu tố siêu thường, xuất hiện trong những hoàn cảnh đặc biệt, có ý nghĩa đặc biệt giúp họ tìm ra manh mối và từng bước phá án. Có thể kể đến cảm giác rợn người của Trừng và Nhâm khi lần đầu tiên đặt chân tới ngõ hoang - cái ngõ thông thiên với âm ty địa ngục nhà Thuyên, cảm giác về màu sắc kì lạ của cỏ cây tại ngôi nhà nhuốm máu tội ác, hình ảnh chú chim sẻ dẫn đường, đàn ong báo hiệu sự có mặt của tên tội phạm trong ngôi nhà người phụ nữ trồng hoa Đà Lạt…

Nhà văn Ma Văn Kháng.

Với bọn tội phạm, đời sống tinh thần được quan tâm khắc họa chủ yếu ở động cơ gây án, căn nguyên sâu xa của tội ác. Tên tội phạm chuyên rạch mặt trẻ con, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân khắp thành phố, hóa ra lại sa vào con đường phạm tội vì một lý do hết sức bất ngờ. Lí nhí, cúi gằm mặt tại phòng hỏi cung, nó thừa nhận: "Vì, cháu ức!". Ức trước sự bất công khi cái thằng đầu têu đua xe máy, đốt xe Công an, đâm chết người lại được tha bổng, trong khi thằng bạn vô tội của nó lại phải chịu tội. Người ta vỡ lẽ ra cái thực tế oan nghiệt: Xã hội ngày một phát triển hiện đại, nhưng "số người giật lùi vào nghèo khổ không bớt đi và lòng căm phẫn của họ trước các hành vi làm giàu bất chính của những kẻ có chức có quyền đã có lúc trở thành những vụ trả thù manh động. Bất công đã và đang trở thành cội nguồn của tội ác".

2. Nghệ thuật kể chuyện

"Bóng đêm", cũng giống như hầu hết các tiểu thuyết khác của Ma Văn Kháng, được kể từ ngôi thứ ba: người kể chuyện toàn tri. Vị thế của người biết hết, thấy tất cho phép tác giả miêu tả, trần thuật, dẫn dắt câu chuyện một cách linh hoạt, tự do. Với ngôi kể ấy, nhà văn dễ dàng tham gia phân tích, lý giải, đánh giá nhân vật, tình huống, sự kiện từ cái nhìn khách quan, lồng ghép những quan niệm, những đoạn trữ tình ngoại đề đậm tính triết lý. Đây chính là một trong những tiền đề tạo nên màu sắc, đặc trưng riêng của "Bóng đêm" như một tiểu thuyết luận đề.

Tuy nhiên, ngôi kể toàn tri không phải là ngôi kể độc tôn duy nhất trong tác phẩm. Nhà văn thường xuyên sử dụng những kỹ thuật di chuyển điểm nhìn, đặt câu chuyện dưới góc nhìn của bản thân các nhân vật. Điểm nhìn nội cảm, đặt vào nhân vật như trên, cho phép người đọc đi sâu khám phá thế giới tâm hồn, những diễn biến phức tạp trong chiều sâu tâm lý, tiềm thức.

Buổi hỏi cung tên tội phạm giết người là cuộc giằng co, đấu trí giữa Nhâm và Thuyên. Diễn biến tâm lý, những suy nghĩ, phán đoán của Nhâm được bộc lộ rất chân thực của dòng độc thoại nội tâm: "Nhâm chợt thấy người rỗng rễnh trống không và uể oải lạ lùng. Anh đã tóm được tên đại ác rồi. Chắc chắn là thế…", những cảm giác mơ hồ, nỗi lo lắng về cuộc sống mất ý nghĩa, đang cùn mòn dần đi cùng hiện hình cụ thể trong những dòng tâm tư ấy.

Để nhân vật tự bộc lộ mình qua chính những suy nghĩ, độc thoại nội tâm, dòng ý thức như trên là một đặc điểm quan trọng trong xây dựng nhân vật ở tiểu thuyết Ma Văn Kháng.

"Bóng đêm" được kể theo một cốt truyện thống nhất: Xuyên suốt cả cuốn tiểu thuyết là hai vụ án lớn: Vụ án Thuyên giết người chặt đầu và đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy của Phỉ. Thú vị ở chỗ, trong quá trình triển khai câu chuyện theo trục chính đó, nhà văn thường xuyên đan cài nhiều mẩu chuyện, nhiều vụ án nhỏ. Chính kiểu kết cấu truyện trong truyện và lối kể chuyện, lúc như lơi lỏng, lúc lại dồn dập căng thẳng với diễn biến nghẹt thở của hai vụ án cốt yếu, đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho cuốn tiểu thuyết ít nhiều mang màu sắc trinh thám này.

3. Ngôn ngữ

Nhận định về đặc sắc trong ngôn ngữ nghệ thuật của tiểu thuyết "Bóng đêm", nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện đã viết: "Xét về mặt ngôn ngữ tác phẩm, Bóng đêm bộc lộ tài năng bậc thầy của Ma Văn Kháng trong dụng ngữ miêu tả thiên nhiên và môi trường bao quanh con người, những rung động tế vi trong đời sống tình cảm sâu kín; cái mơ hồ bảng lảng, bất định của tâm linh, trực giác; niềm hân hoan của những giây phút thăng hoa thiên khải khi Thiên - Địa - Nhân giao cảm hòa thành một khối gắn kết".

Mỗi vùng đất Nhâm đặt chân qua cũng lưu dấu lại trong ký ức anh những bức họa sống động sắc vẻ mây trời. Đó là vẻ kỳ thú của vùng "đồng bằng sông Cửu Long mênh mông nước tràn… Đất đai phẳng lì, vừa thân mật vừa mông quạnh, bí mật. Con chim bói cá in hình tận chân trời lênh láng một sắc vàng vàng xanh xanh cỏ năn già và màu lá tràm trên đất ngập mặn. Kênh rạch thẳng như mực thợ mộc…".

Chính những bức tranh thiên nhiên ấy là chất thơ tô điểm, làm dịu lại nhịp độ căng thẳng, bỏng gắt của những vụ điều tra, phá án. Chúng là những "quãng nghỉ" đặc biệt mà Ma Văn Kháng đã khéo léo sắp bày, một không gian nghệ thuật đặc biệt của cuốn tiểu thuyết.

Trong thế giới nhân vật của "Bóng đêm" hiện lên đông đúc đủ những hạng người. Bao nhiêu nhân vật là bấy nhiêu kiểu loại ngôn ngữ. Mật ngữ, tiếng lóng của giới tội phạm, giang hồ, ngôn ngữ đường chợ của những người lao động, thổ ngữ, từ địa phương… tất cả kết hợp với nhau tạo nên một bức tranh ngôn ngữ sống động.

Ngôn ngữ cũng còn là một phạm trù mang tính cá nhân sâu sắc. Cùng là những chiến sĩ Công an hình sự, sát cánh bên nhau trong cùng một chiến tuyến, nhưng ngôn ngữ của ông Tầm, của Trừng, của Nhâm vẫn mang những sắc thái khác nhau.

Như vậy, với những đặc trưng riêng trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật kể chuyện và ngôn ngữ, qua "Bóng đêm", Ma Văn Kháng đã thành công trong việc "thực hiện một bước tổng hợp mới của nghệ thuật tự sự". Nó thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo không mệt mỏi của một nhà văn đã suốt đời gắn bó và nỗ lực đổi mới văn xuôi hiện đại Việt Nam

Đỗ Thanh Hương - VNCA Xuân Nhâm Thìn
.
.