Nghệ thuật đích thực không phải là trò chơi

Thứ Hai, 16/01/2017, 08:00
Nghệ thuật đích thực không chỉ là giải trí. Nó là liều thuốc thanh lọc tâm hồn mỗi người.


Nghệ sĩ: Mua vui rồi xong?

Người xưa vẫn hay nói người nghệ sĩ là "xướng ca vô loài", nhưng ngày nay thì hoàn toàn không phải vậy, nghệ sĩ được xã hội tôn vinh, ưu ái và dành cho nhiều đặc ân. Thế nhưng khi bị bả phù hoa đánh đắm thì lắm người quên mất bổn phận và trách nhiệm của mình. Tác phẩm mà người nghệ sĩ mang lại không còn là món ăn tinh thần ngon, bổ mà bắt đầu bị làm nhanh làm ẩu, thậm chí thêm nhiều "hóa chất gia vị", như một thứ thực phẩm bẩn. Nhưng cái độc đâu dễ lọc ra.

Dưới áp lực tiền bạc, không ít nghệ sĩ đã không giữ được mình. Ngôi đền thiêng nghệ thuật nhiều lúc bị bỏ lơ và bôi bác không thương tiếc.

Vào mục Văn hóa nghệ thuật của một số tờ báo sẽ thấy đủ trò lố của không ít nghệ sĩ. Hoạt động nghệ thuật của họ đâu chẳng thấy, chỉ suốt ngày thấy khoe thân, khoe xe tiền tỷ, nhà sang, hàng hiệu, các câu nói gây sốc hay chú trọng phát tán thông tin đời tư, chuyện yêu đương cá nhân…

Gameshow truyền hình (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Đáng buồn là những thông tin này luôn thu hút rất đông độc giả bởi độ giật gân của nó. Chuyện tình của Ngọc Trinh bỗng trở thành tin sốt dẻo. Bà Tưng, Lệ Rơi, Keny Sang, Quân Kun, Tùng Sơn… tìm đủ mọi cách quái dị để nổi tiếng. Scandal và những thứ quái quỷ khiến công chúng "ném đá" trở thành công cụ đắc lực để họ nổi tiếng. Đích mà họ nhắm tới là tìm mọi cách để thò chân vào giới showbiz. "Đóng góp" chỉ là những thứ rác rưởi, lẽ ra không đáng quan tâm. Thế nhưng việc công chúng nhiệt tình… ném đá lại là cơ hội đẩy họ thành những tên tuổi có sức khuynh đảo thị trường.

Khi một ca sĩ chuyên bị tố "đạo", "nhái" vẫn điềm nhiên hút lượng người hâm mộ khủng thì những người muốn nổi tiếng sao không mơ ước và bắt chước?! 

Hoạt động mang tính nghề nghiệp thì chủ yếu xoay quanh gameshow trên truyền hình, các hoạt động chính thức, chuyên nghiệp trở nên lu mờ. Truyền thông chỉ xoay quanh các vấn đề về thí sinh, độ "hot" chương trình và ban giám khảo một cách dày đặc, quên đứt phần chuyên môn nghệ thuật.

Khán giả của những phim điện ảnh nhảm, nhạt dần chuyển qua ưu ái các gameshow với đủ các lĩnh vực. Những cá nhân không lấy gì làm xuất sắc cũng nhảy lên thi thố hòng kiếm danh vọng và tiền tài. Sẽ như thế nào nếu thế hệ kế cận là những người kém tài lại ảo tưởng về bản thân bởi những lời khen đầy "mì chính" đó? Vào bao nhiêu người sẽ thành công trong con đường nghệ thuật ở tương lai? Dám chắc số lượng này không hề nhiều nhặn gì.

Người nghệ sĩ đã không còn tôn trọng chính mình, tôn trọng khán giả.

Nghệ thuật đích thực không chỉ là giải trí. Nó là liều thuốc thanh lọc tâm hồn mỗi người.

Người làm nghề xưa giữ mình bao nhiều thì bây giờ nghệ sĩ dễ dãi với mình bấy nhiêu. Những màn tấu hài trình diễn không đâu ra đâu, các bài hát hời hợt cũng được ca tụng lên tận mây xanh. Điển hình cho sự lố bịch đó là màn khen của Trấn Thành dành cho người cha phụ đàn cô bé hát xẩm trong chương trình "Tìm kiếm tài năng Việt Nam". Để cho Trấn Thành từ trên mây hạ chân xuống đất thì nhạc sĩ Huy Tuấn mới thủng thẳng bảo rằng, người cha đó chính là một nhạc sĩ nổi tiếng. Vậy mới thấy, nghệ sĩ ngồi ghế giám khảo lắm khi chỉ giỏi múa gậy trong bị.

Những lời khen có cánh của ban giám khảo khiến thí sinh ảo tưởng về tài năng của mình, để rồi lầm lạc thêm lầm lạc. Sự tôi rèn nghề không có mà chỉ là cuộc ăn xổi để mau chóng nổi tiếng và giàu có. 

Trong một bài phỏng vấn, ca sĩ Thanh Lam từng chua chát nhận xét: "Nghệ sĩ 80% là sống giả tạo. Tôi nghĩ họ phải có gì đó để rất tự tin vào phẩm chất của mình để có thể sống trung thực. Và sự trung thực ấy tôi nghĩ là rất ít. Trong giới showbiz bây giờ, đại đa số các nghệ sĩ trẻ đang sống một đời sống rất tầm thường. Họ thực sự háo danh, thực sự không có tài, họ thèm khát những giá trị ảo. Ít nghệ sĩ trẻ nhìn vào bên trong mình để khai thác chiều sâu, khai thác năng lực trí tuệ để làm nghề thực sự, có tâm với nghệ thuật, với xã hội".

Thời đại của mạng xã hội làm mưa làm gió thì người ta càng thèm khát sự nổi tiếng đến mức điên cuồng. Những tên tuổi mới nổi lên từ các cuộc thi, từ những trang mạng bỗng chốc được tung hô là nghệ sĩ. Với những người làm nghề chân chính, đó là sự xúc phạm ghê gớm. Nghệ sĩ đích thực phải là người góp phần tôn lên tính thẩm mỹ, đề cao tính nhân văn để bồi bổ cho tâm hồn công chúng.

Các gameshow cần quảng cáo để sống và đương nhiên hầu bao mở rộng với những người được mời vào cuộc chơi. Và nhà sản xuất nói gì họ cũng gật. Đang có một lớp nghệ sĩ quá ít lửa nghề hay sự trau dồi, chỉ thừa thãi sự hời hợt, dễ dãi!

NSND Kim Cương: Không thể có nghệ thuật từ trên trời rơi xuống

Phần nhiều thế hệ nghệ sĩ như tôi có được vốn sống để mang lên sàn diễn đều là qua sách vở. Thú thật tôi chỉ học ở sách, rồi qua bạn bè, cha mẹ thì nhiều, chứ học ở trường lớp không có bao nhiêu. Hồi trước không có tiền để mua sách thì tôi làm quen với Giám đốc Thư viện Quốc gia để mượn sách đọc. Trong đoàn kịch luôn có rương sách để anh em nghệ sĩ cùng đọc. Chúng tôi truyền nghề theo kiểu tâm truyền tâm.

Má tôi - NSND Bảy Nam - gắn bó với tôi như một người mẹ và cũng là người thầy. Má thường dặn tôi: "Con ơi, nghề mình không phải là nghề kiếm tiền. Nó là cái Đạo". Hồi nhỏ, tôi không hiểu Đạo ở đây là gì. Sau này lớn lên, lăn lộn với nghề, tôi hiểu được trách nhiệm, đóng góp các giá trị nghệ thuật của người nghệ sĩ với đời như thế nào. Lúc này mới biết, thì ra má nói về cái Đạo làm người. Tôi học được ở má tôi hai điều quan trọng: đó là trách nhiệm của người nghệ sĩ và sự trân trọng của người nghệ sĩ đối với nghề nghiệp của mình.

Gặp gỡ các thế hệ nghệ sĩ trẻ, tôi hay nói với họ rằng: Cái nghề mình không phải là nghề dễ, nghệ thuật không phải lao động của chân tay mà là lao động của tâm hồn. Tâm hồn mình phải thế nào thì mình mới chạm được tâm hồn khán giả. Mà chuyện đó rất khó. Ví như 1.000 người tan sở buổi chiều là 1.000 tâm trạng khác nhau…

Nhưng bước vô rạp hát, chỉ cần 20 phút đầu tiên, phận sự của người nghệ sĩ là làm sao cho tất cả các tình cảm đó phải khóc với mình, cười theo mình. Nếu chỉ nghĩ thực dụng: tôi lên tôi hát để lãnh cát xê, tôi hát để được chụp hình, để được lăng xê cho mau nổi tiếng thì họ sẽ không bao giờ khiến khán giả xúc động, hiểu mình được.

Nghề này có sức ảnh hưởng rất lớn đến khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Tôi rất buồn khi thấy những màn tấu hài vô bổ, thiếu văn hóa đang chiếu nhan nhản, công khai trên truyền hình. Nó rất nguy hiểm. Nếu nghệ sĩ tụi tôi diễn trên sân khấu mà có nói bậy thì chỉ mấy trăm người ở đó biết thôi, còn truyền hình thì độ phổ cập của nó rất lớn, đi vô từng nhà, từng người.

Tôi từng nói với các vị lãnh đạo quản lý văn hóa rằng: Nếu có những vở tuồng hoặc tấu hài, người phụ nữ xắn quần rượt chồng rồi nói bậy nói bạ mà cả nhà xem đều cười thì đứa nhỏ 6 tuổi thấy đó là cái hay. Lớn lên, không khéo sẽ có một thế hệ phụ nữ Việt Nam xắn quần đánh chồng như vậy. Tôi thấy người phải có trách nhiệm nhất trong vấn nạn này chính là các cơ quan quản lý văn hóa.

Má tôi đã lấy câu của đức Khổng Tử mà răn, buộc bọn tôi khi nhỏ phải thuộc nằm lòng: "Một người thầy thuốc dở, giết chết một mạng người. Một người lãnh đạo dở, giết chết một đất nước. Một người làm văn hóa dở, giết chết cả một thế hệ".

NSƯT Hữu Châu: Gameshow chỉ là trò chơi, không phải trường đào tạo nghệ sĩ

NSND Đoàn Bá có nói một câu đại ý như vầy: "Kinh nghiệm cộng sự chân thành sẽ ra một vai diễn hay". Tôi lấy câu đó để dạy học trò. Mỗi một khóa mới, tôi hay cho họ xem đĩa "Những cánh chim không mỏi" của ngoại Bảy Nam để chúng nó thấy được cái nghề này như thế nào và yêu nghề này ra sao.

Tôi nói: "Thầy có thể trang bị cho tụi con một số kiến thức, kinh nghiệm từ bản thân thầy nhưng thầy không thể cho tụi con sự may mắn, thành công trong nghề. May mắn và thành công hay không nằm ở chính bản thân các con, chính cách sống của các con trong nghề này". Mấy chục năm trong nghề, tôi ngẫm thấy rằng những ai lật lọng, gian lận, chụp giật thì Tổ nghiệp sẽ không cho.

Gia tộc tôi nhiều đời theo nghề, ngoài truyền nghề, họ còn dạy con cháu vấn đề kỷ luật nữa. Tôi từng bị nghệ sĩ Văn Ngà đánh rất đau. Cánh gà sân khấu ngăn cách một bên là vở diễn, một bên là hậu trường. Nó giống như bức tường thiêng liêng chia tách hai thế giới. Chỉ có diễn viên hời hợt mới vô nắm cánh gà lắc giũ, đá tới đá lui.

Hồi nhỏ, tôi diễn xong chạy vô nắm cánh gà lắc lắc, ông Văn Ngà kêu lại phân tích đúng sai và cho tôi một roi thiệt đau. Gia đình còn dạy chúng tôi tôn trọng các đạo cụ, hay bất kỳ một điều gì trên sân khấu. Giờ giấc cũng phải nghiêm túc. Gần đến lớp diễn của mình thì phải đứng trước 5 phút để nhập tâm chuẩn bị. Những người làm nghề thế hệ chúng tôi quen cái nết đó rồi.

Rất nhiều gameshow mời tôi làm giám khảo, tôi đều từ chối hết. Các gameshow về diễn xuất, tôi thấy không phải họ diễn mà là đang giỡn mặt với khán giả xem truyền hình. Tôi cực kỳ ghét điều đó. Học trò tôi mỗi lần đi gameshow toàn đi lén. Tôi đuổi học thẳng tay. Nếu làm giám khảo thì nhà sản xuất bắt buộc tôi phải thỏa hiệp. Người ta diễn quá vô duyên mà tôi vẫn khen thì khi về, tôi còn tư cách gì dạy học trò trên lớp?

Nói thiệt, các em đoạt giải quán quân, á quân gameshow đó nên đi học lại diễn xuất. Giải thưởng chỉ là một chút xíu may mắn thôi, chứ bước ra từ đó chưa làm nghề được đâu. Chính bạn bè đồng nghiệp của tôi đang khiến nghề diễn xướng dễ quá. Ai cũng làm diễn viên, ca sĩ được hết. Trung tâm đào tạo ca sĩ, diễn viên mở ra nhiều lắm. Thậm chí, có trung tâm mở ra để đào tạo thí sinh đi thi gameshow, học trong vòng ba tháng là xong. Tôi nghe mà hết hồn luôn.

NSƯT Thành Lộc: Sự dễ dãi đang làm tổn thương nghệ thuật

Bây giờ nghệ sĩ dễ nổi tiếng hơn nghệ sĩ ngày xưa. Các bạn có thể ở nhà rồi làm clip gì đó và đẩy lên YouTube, hay quá hoặc dở quá, kiểu gì cũng nổi tiếng được hết. Xưa, để biết kỳ nữ Kim Cương ra làm sao, cả trăm con người phải đạp cái xe đạp ra cái tivi công cộng ngồi coi. Nói như vậy để thấy mức độ nổi tiếng của người nghệ sĩ ngày xưa nó chắc lắm, là lao động thật sự, là sự nỗ lực, giá trị thật của người nghệ sĩ.

Vì làm công việc của người trí thức nên việc đọc với chúng tôi là bắt buộc. Đọc Shakespeare, thấy ngoài lời văn rất hay còn mang cả triết lý rất lớn. Học ông thôi đã bổ sung kiến thức rất là lớn rồi. Người diễn viên có kỹ năng viết và nói tốt thì mới nghĩ ra được câu thoại có giá trị văn học. Có những câu thoại hay, giàu chất văn học nhưng một người không có trình độ thì không đưa được thông điệp đó đến người xem, người nghe.

Tôi cũng chỉ là con én thôi chứ không thể làm thành mùa Xuân lớn nên cách tốt nhất là mình giữ mình để mình đừng bị lôi kéo theo một xu hướng mà bản thân mình không cảm thấy phù hợp. Tôi đứng tách ra, tự tạo một xu hướng khác theo kiểu của mình. Ai cùng xu hướng đó với mình thì nhập bọn. Vậy thôi. Khi nó đang là thú vui của đám đông mà giờ mình lên án thì mình bị ném đá. Dĩ nhiên những người đi tiên phong phải chấp nhận bị ném đá. Nhưng chưa chắc điều mình phản đối đã đúng. Lỡ mình bị lạc hậu mà mình cứ nghĩ mình đúng thì sao?

 Ở đời này không hẳn cái gì chắc chắn đúng, cái gì chắc chắn sai. Quan trọng là cái nào được số đông ủng hộ hơn thôi. Hai năm nay quý vị không thấy tôi ngồi ghế nóng bởi vì tôi không dám nhận làm giám khảo. Tôi không dám phán một điều gì cả, chỉ vì mình cảm thấy "trời ơi, nó không hay nhưng tại sao người ta cho nó là hay?!". Nhiều lúc tôi không hề nổi gai ốc nhưng người khác lại bảo: "Bạn làm cho tôi nổi gai ốc!". "Bạn quá tuyệt vời!". Lúc đó, tôi cũng "nổi gai ốc" mà nghĩ thầm, nghệ thuật dễ đến như vậy sao?

Bạn có biết, ngày xưa để có một vở tuồng cải lương tạo nên những dấu ấn lớn trong lòng khán giả, người ta phải tập tành với nhau lâu lắm, bốn, năm tháng mới xong một vở. Còn bây giờ, chừng nửa tháng là xong. Một vở cải lương tạo được dấu ấn đến nỗi nếu nói một câu thoại ra thì khán giả ở dưới đọc theo thoại liền, hát theo vanh vách. Đó là nơi kết hợp rất nhiều cái tinh túy trong tài năng diễn xuất của nhiều người. Vậy mà cải lương còn chết, còn không sống được với thời đại công nghiệp mà người ta chỉ thích những giá trị fast - food này.

Đối với một đêm thi, một tiểu phẩm chỉ có vài phút, mà vài phút đó là vài phút các bạn đọc lại, diễn lại cái mà người xưa đã làm rồi, làm sao mà đủ sức làm giám khảo nổi da gà được? Tôi nổi da gà thiệt vì những lời tán tụng quá mức cần thiết của ban giám khảo chứ không phải nổi da gà vì sự xuất thần gì đó của thí sinh. Và nổi da gà hơn nữa khi các thí sinh đó vừa đăng quang xong, qua mùa sau lại được mời làm giám khảo và phán lại người thi y như vậy!

Chỉ vài tháng trước, bạn còn là một thí sinh, còn đứng đó bạn khoanh tay "Dạ, con cảm ơn thầy, cảm ơn cô góp ý cho con", qua năm sau bạn đã chễm chệ ngồi trên ghế nóng và phán thí sinh: "Bạn quá tuyệt vời, xuất sắc…". Động tác giống y như ban giám khảo trước.

Chúng ta quá dễ dãi cho nhau, công chúng quá dễ dãi với nghệ sĩ. Ban tổ chức mời ai đó là vì người đó quá hot. Nh3ưng chấp nhận ngồi xem người đó phán người khác lại chính là công chúng. Nghệ sĩ làm dở, diễn dở, nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm. Khổ thay, công chúng lại đang dung dưỡng, tán thành luôn cả cái sai, cái dở, chẳng phân biệt gì. Công chúng vốn dễ dãi, chẳng có mấy trách nhiệm.

Nhưng suy cho cùng mọi trách nhiệm là của người nghệ sĩ. Nhà tổ chức chỉ có thể xem là người hoạt động trong giới showbiz. Họ làm việc vì những mục tiêu khác, không hẳn vì nghệ thuật. Chỉ nghệ sĩ chúng tôi tự dễ dãi với mình cho nên mới cho ra những sản phẩm như vậy. Mình cho công chúng ăn những món quá tầm thường nên công chúng đã quen nhũng món ăn như vậy rồi. Đem đến một món ăn cao cấp hơn thì người ta ăn không nổi. Chúng tôi không hẳn lên án gameshow vì nhiều gameshow hay thiệt, không đánh đồng tất cả đều tệ.

Tôi nghĩ, chẳng thà ngay từ đầu mình phải khó khăn với chính mình trước. Chúng ta đang sống trong thế giới giải trí, nghệ thuật vàng thau lẫn lộn. Là người làm nghề, đốt cháy mình bằng lửa nghề, tôi thấy mình bị tổn thương... 

Mai Quỳnh Nga
.
.