Nghệ sĩ và cuộc chiến với thực phẩm bẩn
- Nhiều biện pháp “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn
- Xử lý mạnh tay cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn
- Báo điện tử CAND mở chuyên mục "Nói không với thực phẩm bẩn"
"Cuộc cách mạng một cọng rơm" là cuốn sách của tác giả người Nhật Masanobu Fukuoka (1913-2008) viết về cách làm nông nghiệp "lạ đời": nông nghiệp vô canh. Từ một chuyên viên trong văn phòng viện nghiên cứu, chàng trai 25 tuổi Masanobu Fukuoka bỏ ngang để trở thành một nhà nông.
Phương pháp nông nghiệp của ông là không có phương pháp nào cả. Nó là buông bỏ, là vô vi, là tiến tới không làm gì hết. Người nông dân chỉ gieo hạt và phó mặc hạt giống cho trời đất. Cây tự lớn, ra hoa kết quả mà không hề có sự can thiệp của con người, kể cả nhổ cỏ, bắt sâu, xới đất… Hãy để lúa mọc chung với cỏ dại, với muôn loài sâu bọ côn trùng và hàng nghìn sinh vật trong lòng đất. Chúng có quyền được sống chứ không thể chết bởi thuốc hóa học. Tự nhiên sẽ có những loài thiên địch khắc chế nó.
(Từ trái sang): Đạo diễn Trung Dân, bà Ino Mayu, diễn viên Quang Thảo tại buổi giao lưu về thực phẩm sạch. |
Ông quan niệm: yếu tố nhân tạo dày đặc trong trồng trọt và chăn nuôi dần bức tử, làm méo lệch quy luật của thiên nhiên. Tham vọng không đáy của con người dần biến nông nghiệp thành một cỗ máy tàn phá thiên nhiên và chính con người. Những thực phẩm to, đẹp ra đời hàng loạt nhưng vô cùng độc hại vì hóa chất và biến đổi gen. Không nghi ngờ gì nữa, "Cuộc cách mạng một cọng rơm" là cuốn sách đề cao một nền nông nghiệp hài hòa với thiên nhiên, môi trường: trả tự nhiên về với tự nhiên. Có bao giờ người ta tự hỏi tại sao trong những khu rừng, cây cối và muôn loài vẫn phát triển xanh tốt mà không cần ai chăm sóc hay bơm thuốc? Tự nhiên có quy luật của nó để tự sinh sôi, khắc chế và duy trì sự sống vĩnh hằng trên trái đất này. Con người cũng là một sinh vật của tự nhiên, hãy học cách sống hài hòa với muôn loài nếu chúng ta không muốn tự hủy diệt. Chúng ta không thể tự cho mình đứng trên muôn loài, cho mình cái quyền bắt thiên nhiên phải phục vụ.
Quan niệm vô vi trong nông nghiệp của Masanobu Fukuoka không phải ai cũng đồng tình, nhất là khi bài toán kinh tế treo lơ lửng. Đạo diễn Trung Dân cho rằng không phải cứ trồng trọt theo kiểu hữu cơ hay tự nhiên và tẩy chay kiểu trồng trọt vô cơ thì rau mới an toàn. Thử ngẫm lại xem nếu dùng phân tươi, nước tiểu tưới trực tiếp vào rau rồi ngày mai nhổ đem bán thì nguy cơ người dùng bị mắc khuẩn tả và nhiều bệnh khác là chuyện đương nhiên. Bẩn vẫn hoàn bẩn.
"Các loại hóa chất vẫn có quy định liều lượng, thời gian sử dụng chặt chẽ. Nếu người trồng phun thuốc hợp lý, chờ thuốc tan hết trong không khí hay bón phân hóa học đúng liều và đủ ngày đủ tháng mới thu hoạch thì thực phẩm vẫn an toàn như thường và không đến nỗi làm hại đất đai. Quan trọng là ý thức ngư ời nông dân và việc kiểm soát của cơ quan quản lý. Các sản phẩm đầu ra nên được kiểm nghiệm để biết được độ an toàn của nó" - đạo diễn Trung Dân nói.
Khi thực phẩm bẩn trở thành đại họa buộc cả xã hội vào cuộc, các nghệ sĩ không đứng ngoài lề. Bức xúc trước vấn nạn này, đạo diễn Trung Dân tự mình trồng một vườn cây ăn trái ở Đồng Nai và rau quả ngay tại nhà ở TP Hồ Chí Minh. Ông hạn chế sử dụng hóa chất mà thả động vật thiên địch như chim, kiến vàng… để bắt sâu, rệp cho vườn trái cây của mình. Ông cũng tận dụng luôn thùng xốp đặt ngoài lan can, sân thượng để trồng rau. Diễn viên Quang Thảo là người ăn chay trường và có một nhà hàng phục vụ thực khách ăn chay nên nhu cầu dùng rau củ quả của anh rất cao.
Để đối phó, Quang Thảo không lấy các mặt hàng rau củ ở chợ mà tự cung tự cấp. Anh cũng làm vườn, tự trồng các loại rau. Hai nghệ sĩ đều học hỏi cách làm nông nghiệp sạch như bà Ino Mayu (người Nhật) hướng dẫn nông dân Bến Tre dựa trên tinh thần chữa lành đất đai của cha đẻ "Cuộc cách mạng một cọng rơm". Họ dùng thảo mộc như gừng, tỏi, ớt xay nhuyễn ngâm rượu trắng để xịt đuổi côn trùng, sâu bọ. Không chỉ trồng trọt cho gia đình mình, các nghệ sĩ còn hướng dẫn cho người thân, hàng xóm làm theo. Nhiều hộ dân trên đường Lê Văn Sỹ nơi diễn viên Quang Thảo sống đã học tập theo mô hình trồng rau an toàn của anh.
Còn nhớ, trong đêm nhạc cuối tri ân người hâm mộ, ca - nhạc sĩ Trần Lập dù không nói nhiều về căn bệnh ung thư quái ác mà mình chịu đựng nhưng anh vẫn bày tỏ xót xa trước vấn nạn thực phẩm bẩn đang giết dần giết mòn đồng loại. Niềm tin thật ngô nghê, ích kỷ và độc ác khi người trồng rau thì khoe họ có mớ rau sạch để ăn, chỗ phun thuốc thì bán; người bán trà cũng khoe họ có trà sạch để uống, trà bẩn thì bán. Ông nuôi lợn, bà bán cá cũng khoe như vậy.
"Họ không thể cả đời chỉ uống trà, ăn rau hay ăn thịt. Họ uống trà nhà sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của kẻ khác, ăn rau nhà sạch nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác". Lời thức tỉnh đau đớn của Trần Lập có lẽ không hoàn toàn khiến những kẻ kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn chùn tay nhưng đã ảnh hưởng ít nhiều đến những ai hâm mộ, yêu mến anh.
Cũng như Trần Lập, cách trồng rau sạch của nghệ sĩ Trung Dân, Quang Thảo tác động tích cực đến rất nhiều người. Không ít khán giả sau khi rời buổi giao lưu đã nhờ hai nghệ sĩ tư vấn cho cách trồng rau quả tại nhà. Bởi họ là nghệ sĩ, tài năng nghệ thuật dễ chạm đến cảm xúc công chúng nên hành động của họ là kênh định hướng dư luận hiệu quả. Bây giờ, điều cần thiết là sự chung tay của các nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng khi rất nhiều vấn đề xã hội đòi hỏi họ thể hiện trách nhiệm, vai trò quan trọng của mình…