Nghệ sĩ trẻ - cơ hội và thách thức
Một nền nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng không bao giờ thiếu vắng sự đóng góp của tuổi trẻ. Tuổi trẻ chính là sự tiếp nối, niềm hy vọng và khát khao vươn tới.
Chúng ta có hẳn một khái niệm, một tên gọi cho một lĩnh vực âm nhạc: Nhạc Trẻ.
Trong nội hàm của khái niệm ấy, là một đời sống sôi động với sự góp mặt của rất nhiều gương mặt nhạc sĩ, ca sĩ trẻ. Họ là lực lượng đang chiếm lĩnh các diễn đàn, các sân khấu, các chương trình lớn. Họ tạo ra một sức hút đặc biệt đối với công chúng...
Những năm gần đây, với sự hội nhập của nền kinh tế đã tạo ra những cơ hội mở rộng, giao lưu, phát triển của văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng. Nhạc Trẻ Việt Nam cũng theo đó nhanh chóng tiếp thu những cái mới của âm nhạc thế giới.
Nhiều phong cách sáng tác, nhiều hình thức biểu diễn đang ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, “công nghệ” hơn. Chưa bao giờ khán giả được thưởng thức những “bữa tiệc” âm nhạc nhiều và phong phú như hôm nay.
Cố nhiên, không phải “món ăn” nào trên “bàn tiệc” cũng được ưa thích và thực sự cần thiết, bổ ích đối với khán giả.
Các nghệ sĩ trẻ, trong lúc tìm tòi, học hỏi các giá trị âm nhạc quốc tế không phải lúc nào cũng đủ hiểu biết và bản lĩnh để “gạn đục, khơi trong”, tiếp thu những tinh hoa quý giá của âm nhạc dân tộc.
Những sản phẩm của sự học đòi nôn nóng vẫn tồn tại trong đời sống, như tình trạng đạo nhạc, nhái nhạc, hay việc bắt chước nghệ sĩ nước ngoài một cách sống sượng vẫn được báo chí kể tên hàng ngày.
Các cuộc thi âm nhạc như “Sao Mai” và “Sao Mai-Điểm hẹn” thường niên đang thu hút các ca sĩ trẻ với ước mơ “vươn tới một ngôi sao”. Chương trình “Bài hát Việt” hay “Con đường âm nhạc” trên truyền hình là nơi để các nhạc sĩ trẻ khẳng định mình.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường, người từng ngồi ghế Ban giám khảo nhiều cuộc thi âm nhạc đã thốt lên rằng, trở thành ngôi sao âm nhạc hiện nay...dễ quá. Đội ngũ những người làm âm nhạc trẻ tuổi tham gia vào đời sống nhạc Trẻ rất đông và rất khó để kể hết tên của họ trong một bài báo.
Trong sự thiếu vắng các tác giả, tác phẩm, nghệ sĩ của lĩnh vực âm nhạc chính thống, bác học như giao hưởng, thính phòng hiện nay, người ta có thể nhìn nhận rằng, nhạc Trẻ chính là toàn bộ gương mặt của đời sống âm nhạc Việt Nam hiện đại.
Nhiều nhận định cho rằng, nhạc Trẻ đang trở thành một món “tả-pí-lù” trong đời sống âm nhạc. Nó phát triển một cách tự nhiên và bản năng, thiếu sự định hướng của các nhà quản lý.
Bên cạnh những tác giả, tác phẩm tốt vẫn còn những tác phẩm, những chương trình ca nhạc “làm phiền” cái tai nghe của công chúng. Bên cạnh những nghệ sĩ lao động nghệ thuật nghiêm túc vẫn còn những người xem âm nhạc như một công cụ, một phương tiện để tìm kiếm danh lợi, núp bóng sự đổi mới, cá tính nhưng thực ra là một sự lai căng, học đòi...
Nhìn nhận, đánh giá nhạc Trẻ thời điểm hiện tại để thấy rõ hơn bức tranh của đời sống âm nhạc đất nước, từ đó mỗi nghệ sĩ nhận thức rõ hơn vai trò của mình trong việc tiếp thu, xây dựng và phát triển một nền âm nhạc lành mạnh và có bản sắc riêng...