Nghề DJ phía sau những định kiến

Thứ Sáu, 04/03/2016, 08:00
Uốn éo trong đèn màu chớp đỏ, đầu đeo headphone lắc lư trong tiếng nhạc xập xình đinh tai. Nữ thì váy áo hở hang, phục sức sành điệu. Nam thì bụi bặm, vẻ nổi loạn, bất cần. Chính bởi hình ảnh ấy mà DJ bị người đời mặc định không khác gì dân anh chị chốn vũ trường, quán bar: chơi bời, nhàn nhã và dễ hư hỏng...


DJ là tên viết tắt của Disc Jockey (hiểu nôm na là người… nghịch đĩa - chuyển, chỉnh nhạc). Ở Việt Nam, công chúng thường coi DJ là người chỉnh, phối trộn âm thanh để tạo nên những bản nhạc sôi động, bắt tai. Vài năm trở lại đây, khi dòng nhạc EDM (nhạc điện tử) lên ngôi, DJ nổi lên như một nghề thời thượng ở Việt Nam. Với giới trẻ, nó là nghề thể hiện và chứng tỏ mình trước đám đông. Chạy theo cơn sốt này, hàng trăm trung tâm đào tạo DJ mọc lên. Việc học nghề rất dễ dàng. Chỉ khoảng 3 - 6 tháng là có tấm bằng. Ai nhạy, học nhanh vẫn có thể cán đích trong vòng một tháng. 

Khi DJ mới rộ, người làm nghề chủ yếu là nam. Bởi DJ thường làm trong môi trường độc hại, chịu cường độ âm thanh lớn, lại lắm cạm bẫy nên số DJ nữ vô cùng hiếm hoi. Sau một thời gian, nữ DJ lại là sự lựa chọn hàng đầu của các vũ trường, quán bar. Các ông chủ nhận thấy một cô gái xinh đẹp, ăn mặc nóng bỏng mới mang lại "một vốn bốn lời" cho quán.

Nghề DJ trở thành mốt thời thượng của giới trẻ (ảnh mang tính chất minh họa). 

Tuy nhiên, chất lượng tay nghề của rất nhiều nữ DJ không tỉ lệ thuận với sắc đẹp của họ. Nhiều cô mới ra nghề, để dằn mặt đàn chị, không ngần ngại tung hình mặc bikini, khỏa thân để tỏ vẻ chịu chơi. Để chơi tới bến, lắm cô không ngần ngại nốc rượu như nước, hút thuốc, cắn thuốc lắc... thậm chí bán thân cho chủ quán, đại gia để giữ nghề, đổi tiền. DJ nam đương nhiên bị thất sủng nếu không có tên tuổi, mặc cho anh ta chơi nhạc hay đến mấy.

Bây giờ, phong trào chọn DJ nữ theo độ nảy nở của vòng một ít nhiều đã hạ sốt. Những người yếu chuyên môn thường trôi dạt về các quán cà phê hoặc sang lắm là quán bia. Nữ DJ trụ lại với nghề, tạo dựng được tiếng tăm là những người có năng khiếu thực sự, "lì đòn" và yêu nghề. Con số này chỉ đếm được trên đầu ngón tay của... một bàn tay. DJ Trang Moon là một trong số đó.

Cái nghề đi sớm về khuya khiến Trang Moon bị hàng xóm xì xào, bàn tán. Nghề DJ thường làm trong những chốn ăn chơi nên người ta nhìn nó với ánh mắt không mấy thiện cảm. Số lượng những cô gái sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để giành được chỗ đứng sau bàn mix càng khiến định kiến về nghề DJ càng tăng. Lúc đầu Trang Moon rất buồn nhưng về sau thì bỏ ngoài tai, miễn mình nhiệt huyết với nghề, không làm gì sai thì không việc gì phải sợ.

Trang Moon yêu thích nghề DJ từ khi còn học phổ thông. Những ngày đầu, mọi người trong gia đình không đồng ý cho cô con gái rượu theo cái nghề lắm thị phi này. Bây giờ, người trong giới DJ không ai không biết đến Trang Moon. Một nữ DJ vững vàng, bản lĩnh, có gu âm nhạc cá tính xuất hiện nhiều trong các chương trình âm nhạc trên truyền hình. Người ta vẫn thường mặc định nữ DJ là phải xinh đẹp, ăn mặc sexy. Nhưng Trang Moon bảo rằng không ai bắt DJ phải ăn mặc sexy nhưng trong không gian âm nhạc phóng khoáng, ông chủ sẽ không hài lòng khi bạn ăn mặc kín đáo. "Tôi nghĩ ăn mặc phù hợp với môi trường là điều nên làm. Miễn sao nó không phản cảm" - cô nói.

DJ Thái Giang cho biết: "90% bạn trẻ gặp tôi xin học nghề DJ thổ lộ rằng họ đam mê âm nhạc, thấy nghề này vừa chơi vừa làm mà lương cao. Họ chỉ nhìn thấy hào quang của nghề mà không thấy được quá trình rèn luyện mồ hôi, nước mắt. Không có con đường nào bước tới hào quang là dễ dàng. Có những quy luật rất khắc nghiệt và cũng là mặt tối của nghề DJ mà tôi tin là hầu như không trung tâm dạy nghề hay các ''thầy'' nào tư vấn cho các bạn biết trước".

Ngoài những cạm bẫy như đổi chác tình tiền, dính vào ma túy, nghiện ngập rượu chè... DJ phải đối mặt với những chiêu chơi xấu của đồng nghiệp. Các lò đào tạo DJ liên tục xuất "gà" trong khi vũ trường, quán bar có hạn nên đàn em gian manh có đủ mọi trò để giật show đàn chị, đàn anh. Chiêu đơn giản nhất là chỉnh lệch nút để người sau lên chơi bị phô. Làm hư đĩa hay chơi hết bài tủ của đồng nghiệp để lần sau họ không biết chơi gì...

Gameshow "Mix!x" giúp công chúng có cái nhìn thoáng hơn về nghề DJ.

Thu nhập của DJ đúng là cao, nhưng công việc của họ không hề gói gọn trong 1-2 tiếng đồng hồ nhàn nhã mỗi ngày như nhiều người tưởng. Sau ca làm buổi tối, cả ngày Thái Giang phải làm nhạc, chọn bài để chuẩn bị cho đêm kế tiếp. Anh bảo: "Công việc này không ai bắt buộc chúng tôi làm cả, nhưng nếu muốn chất nhạc của mình hay, độc, lạ, người DJ phải không ngừng làm việc, tìm tòi sáng tạo. Nếu không mình sẽ sớm bị đào thải".

DJ không đơn thuần là người trộn, đánh nhạc mà họ là nghệ sĩ sáng tạo thực thụ, tạo nên những bản nhạc mới mẻ, cực đỉnh. Những DJ giỏi đều có gu âm nhạc của riêng mình. Có người tạo ra thứ âm nhạc gần gũi, có người gắn với dòng nhạc sang trọng, có người tạo nên những âm thanh ma mị... thu hút đám đông. Trên thế giới, các DJ ít bị chú ý nhiều về hình ảnh bề nổi mà được nhìn nhận bởi sản phẩm âm nhạc chất lượng. Thậm chí họ ẵm rất nhiều giải thưởng âm nhạc danh giá. Trong khi ở Việt Nam, điều này ngược lại. Các DJ vẫn bị cho là đi đánh nhạc thuê để người ta nhảy.

Những DJ cá tính, có sản phẩm âm nhạc tốt sẽ có nhiều cơ hội tham gia các lễ hội âm nhạc EDM tổ chức ngoài trời. Đây là lúc tên tuổi họ đến gần hơn với công chúng, tài năng được khẳng định. Nhưng số DJ Việt Nam đạt đến trình độ này cực kỳ hiếm hoi. Thái Giang chua chát: "Mặc dù vài năm trở lại đây, Việt Nam bùng nổ các lễ hội âm nhạc kéo theo sự lên ngôi của dòng nhạc điện tử, nhưng liệu một năm các DJ này tham dự được bao nhiêu lần?

Những lần tham dự thì cat-xê cũng chẳng bao nhiêu vì kinh phí các ông bầu dành để trả cho các nghệ sĩ nước ngoài. DJ Việt Nam cũng chỉ mang thân phận đánh nền, hương hoa cho vui thôi". Thông thường, cầm trịch tại lễ hội âm nhạc thuộc về tay các DJ quốc tế đình đám.

Bên cạnh đó, không phải cứ tốt nghiệp, kiếm được một chỗ làm thì cứ thế yên tâm đánh nhạc đến cuối đời. Lâu dần, khách đâm chán. Nếu không chán nhạc thì cũng chán mặt DJ (trừ các DJ đã có tên tuổi và đang thăng hoa). Vậy nên làm khoảng một năm, DJ hạng trung bình phải tìm cách chạy việc ở nơi khác. Đây là chuyện rất bình thường và phổ biến.

Những người trẻ thường không hình dung về đoạn cuối của nghề DJ. Họ chỉ biết háo hức bước vào nghề và cống hiến hết mình. Thái Giang ngậm ngùi khi nhiều đàn anh sau năm tháng lăn lộn với nghề, bây giờ đều phải chật vật kiếm sống bằng cách buôn bán lặt vặt, sửa xe, phụ hồ... Tuổi nghề của DJ không khác gì nghề cầu thủ, người mẫu. 35 tuổi bị coi hết đát. Trẻ tuổi như Trang Moon, nhưng đêm nào về, nhét bông vào tai cô vẫn nghe tiếng lùng bùng.

Giấc ngủ khó dỗ về. Cả người cô toàn ám đặc mùi thuốc lá, nồng rượu bia. DJ nữ thường bị khách mời rượu, từ chối thì kỳ mà uống thì biết chừng nào mới hết vì quá nhiều người mời. Đó là chưa kể không hiếm kẻ lén bỏ thuốc kích thích để gài bẫy các cô DJ xinh đẹp. Những lời mời gọi, sàm sỡ chỗ đông người... là chuyện cơm bữa. Khi tuổi bắt đầu chạm "băm", sức khỏe không cho phép họ lên sàn hằng đêm. Cách nắm bắt xu hướng âm nhạc lẫn độ nhạy về âm thanh không còn như thuở đôi mươi. Những người không biết lo xa thường đi vào hẻm cụt khi giải nghệ. Có muốn đi học nghề khác thì cũng quá muộn so với bạn bè cùng trang lứa. Cuộc sống rơi vào túng quẫn.

Chương trình "Hòa âm Ánh sáng, The Remix" đã bước vào mùa hai. Đây có thể xem là chương trình hiếm hoi để người xem hiểu hơn về vai trò của DJ cũng như producer (nhà sản xuất âm nhạc) đứng sau thành công của một ca sĩ. Thế nhưng, khán giả vẫn rất mù mờ về họ. Nghĩ, người trong giới lại chạnh lòng. Vậy nên Thái Giang mới cùng các anh em thực hiện gameshow "Mix!x" bàn sâu về nghề DJ, cách trộn chỉnh một bài nhạc quen thuộc thành những giai điệu khác lạ, hấp dẫn...

Êkip chương trình mong muốn công chúng sẽ hiểu công việc chuyên môn của DJ, đồng thời tạo nhịp cầu cho các bạn trẻ muốn dấn thân vào nghề gặp gỡ những đàn anh, đàn chị có thực lực. Trên hết, điều mà giới DJ mong muốn vẫn là xóa bỏ những định kiến của xã hội về cái nghề được mệnh danh là "phù thủy âm thanh" nhưng rất nhọc nhằn này.

Phan Thi Uyên
.
.