Ngày Tết - Nhìn lại con đường đạo học của dân tộc

Thứ Tư, 15/01/2020, 11:01
Người xưa nói "Bất học thi vô dĩ ngôn. Bất học lễ vô dĩ lập. Nhân nhi bất học kì do chính tường diện nhi lập" (Không đọc sách biết lấy gì để nói. Không học lễ lấy gì để lập thân. Người không học thì như đứng úp mặt vào tường). Còn nay, trong đời sống hằng ngày, có lẽ không có vấn đề nào được người dân bàn thảo, quan tâm nhiều, quan tâm sâu, rộng như giáo dục...


Đạo học trong tâm thức người Việt

Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi; hơn 60 năm sau, năm 1070, vua Lý Nhân Tông cho dựng Văn Miếu; năm 1076 cho xây Quốc Tử Giám - Nhà quốc học đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam. Phong tục dân gian, giây phút giao thừa thiêng liêng trong mỗi gia đình Việt, sau nén hương dâng cúng tổ tiên thường là khai bút. Điều đó cho thấy việc học đối với người dân Việt, từ vua đến dân, là vô cùng thiêng liêng, vô cùng quan trọng.

Người xưa nói "Bất học thi vô dĩ ngôn. Bất học lễ vô dĩ lập. Nhân nhi bất học kì do chính tường diện nhi lập" (Không đọc sách biết lấy gì để nói. Không học lễ lấy gì để lập thân. Người không học thì như đứng úp mặt vào tường). Còn nay, trong đời sống hằng ngày, có lẽ không có vấn đề nào được người dân bàn thảo, quan tâm nhiều, quan tâm sâu, rộng như giáo dục. Giáo dục đã đáp ứng mong mỏi của người dân chưa? Giáo dục đã thực sự "đổi mới căn bản, toàn diện" như tinh thần của Nghị quyết số  29-NQ/TW/2013? Đâu là lỗ hổng trong giáo dục… là những câu hỏi thường trực trong đầu những trí thức, những người dân quan tâm, lo lắng cho nền giáo dục, cho vận mệnh đất nước.

Tục xin chữ đầu năm là nét đẹp của văn hóa người Việt.

 Một điều đáng buồn của đất nước chúng ta là ít có tranh luận và tranh biện nên không có triết học. Không có triết học, đồng nghĩa không có tư tưởng, không có gốc. Không có gốc, chúng ta vay mượn trên nhiều lĩnh vực mà trước hết là ở giáo dục. Cho đến giây phút này, chúng ta vẫn loay hoay giữa giáo dục Nho giáo và sự vay mượn cùng lúc nhiều học thuyết giáo dục phương Tây mà hầu như chưa tìm ra nền giáo dục riêng cho mình, một nền giáo dục với triết lý Việt Nam, tư tưởng Việt Nam.

Tiến sỹ Nguyễn Hùng Vỹ: Nhiều chương trình giáo dục bị nhuốm màu lợi ích cục bộ

- Có người cho rằng, việc học của cha ông ta trong thời kỳ phong kiến là "học gạo"? Ông có nghĩ như vậy không?           

+ Hai chữ "học gạo" thật là hay. Nó có từ thuở xưa, trong thời kỳ giáo dục phong kiến mà ngày nay chúng ta nói theo. Nghĩa đầu tiên của nó là học vì mục đích cơm áo gạo tiền để mưu sinh. "Dân dĩ thực vi tiên" hay "dân dĩ thực vi thiên" mà. Mưu cầu cơm no áo ấm là mưu cầu tự nhiên của con người. "Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ".

Dần dần, nó bao hàm sắc thái phê phán những người đặt lợi ích vật chất lên cao quá mà học cho thật thuộc bài để thi cử cho đậu, cho qua, học vẹt bài bản thánh hiền và lấy làm mãn nguyện. Từ thời phong kiến, người ta đã phê phán sự học như vậy rồi chứ không phải đến bây giờ mới phê phán. Đừng nói rằng tất cả giáo dục cổ xưa là "học gạo", và phải nói rằng, phê phán "học gạo" cũng là một truyền thống từ quá khứ.

- Chúng ta nói là "đổi mới" phương pháp học, nhưng thực ra đã đổi mới được chưa thưa Tiến sỹ?

+ Trong thời hiện đại, có những đổi mới liên tục. Đổi mới cuối thế kỷ XIX với Trương Vĩnh Ký là đại diện; những năm 40 thế kỷ trước với lớp trí thức Tây học là đại diện; sau 1945 với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đại diện; sau chiến tranh chống Mỹ, chúng ta trải qua bao nhiêu lần đổi mới nữa. Trong trường đại học chỗ tôi, tôi thấy 40 năm ròng rã, mỗi năm ít nhất hai kỳ họp với nội dung đổi mới phương pháp giảng dạy. Cuộc sống vận động vô cùng náo nhiệt và sục sôi. Không mới không tồn tại. Cho nên, tôi thấy đổi mới cũng bình thường như chính cuộc sống vậy thôi. Mỗi ngày phải tự làm mới mình mới tồn tại được.

Một sự nghiệp giáo dục luôn đầy ắp những kỳ vọng. Không kỳ vọng thì nhân loại sẽ diệt vong. Đổi mới diễn ra hằng ngày trước mắt chúng ta. Giữa kỳ vọng và hiện trạng thường là ít tương hợp với nhau. Tất cả những gì kỳ vọng mà đạt được ngay và dễ dàng thì đâu là cuộc sống nữa, đâu là hạnh phúc nữa. Tôi nhìn những đổi thay hằng ngày và thỉnh thoảng tham gia vào sự đổi thay đó trong chuyên môn của mình, theo hướng mà mình coi là tốt đẹp. Tôi ít phán xét mọi chuyện ngoài tầm tri thức của mình. Đã đổi mới chưa? Tôi cho rằng, có cái đổi mới và có cái đứng yên. Tuy nhiên như cuộc đời vậy thôi. Tôi làm việc theo lương tâm là chủ yếu.

- Theo ông, những điểm tích cực và tiêu cực của giáo dục hiện nay là gì? Và cái "điểm tựa cốt lõi" để có thể khắc phục được những điểm tiêu cực của giáo dục hiện nay?

+ Điểm tích cực là thông tin và truyền thông thuận tiện, là cơ sở vật chất cho giáo dục tốt hơn nhiều; mặt bằng đời sống nhân dân cải thiện; kinh tế tri thức được mọi người ý thức hơn; sự lựa chọn cho cá nhân nhiều hơn so với thế kỷ XX; các ý tưởng giải pháp cho phương pháp giáo dục đa dạng hơn và được chú ý lắng nghe hơn; sự chọn lọc xã hội với thầy cô được khởi động... Đó là những điều đáng ghi nhận.

Nhưng tiêu cực cũng rất nhiều. Cái cơ bản là giá trị hạnh phúc đảo lộn. Người ta có xu hướng xem tiền tài là đỉnh cao nhất của hạnh phúc. Bởi vậy, nhiều xu hướng, nhiều chương trình giáo dục bị nhuốm màu lợi ích cục bộ. Cái đó phá hỏng nhiều khát vọng tốt đẹp cho giáo dục, làm nhạt phai đi truyền thống đạo học tốt đẹp của cha ông ta. Nhưng tôi nghĩ rằng, thời kỳ đó đang dần dần trôi qua. Khi xã hội chúng ta phát triển như Phần Lan, Thụy Điển, chắc chắn nền giáo dục cũng sẽ là bức tranh đáp ứng kỳ vọng hơn nhiều.

PGS.TS Bùi Xuân Đính: Giáo dục đạo đức ngày nay chệch choạc do đứt đoạn với giáo dục Nho giáo

- Thưa PGS.TS Bùi Xuân Đính, ngày xưa, cha ông ta coi trọng việc học, coi trọng người có học như thế nào?

+ Ngày xưa cha ông ta rất coi trọng người học. Chế độ khuyến học có ở tất cả các cấp. Bắt đầu từ gia đình, đến dòng họ rồi cộng đồng làng xã. Khuyến học trong gia đình có nghĩa là dành những điều kiện tốt nhất để cho con em mình học tập. Với dòng họ, ai đỗ đạt thì tùy theo mức đỗ đạt tới đâu sẽ được dòng họ thưởng tiền. Khi đi thi, mọi người trong dòng họ góp tiền cho vì ngày xưa đi thi vất vả.

Còn đối với làng xã thì gần như làng xã nào cũng có quy định, như không bắt con em đi học phải lao động chân tay. Thậm chí nhiều làng cực đoan thấy học trò mà đi cày ruộng rồi đi gánh củi... thì gia đình bị khiển trách. Thứ hai là các làng đều dành ra một phần ruộng đất công ta gọi là học điền, để chu cấp cho những người thầy ở khắp nơi đến dạy học và chu cấp cho những học trò nghèo. Một số làng có chế độ khuyến học đặc biệt, ví dụ như làng Bát Tràng ở Gia Lâm. Danh sách những học sinh đang đi học bắt buộc ông lý trưởng phải nắm được, đồng thời lý trưởng giao cho một ông tuần phiên, cứ tối đến ông tuần phiên đi qua các ngõ xóm, nhà nào đang có con đi học mà không thấy tiếng đọc bài, chứng tỏ học trò đó không học, lý trưởng sẽ đến nhắc nhủ gia đình.

Học trò đi thi đỗ đạt, tùy theo mức đỗ đạt mà cả làng, huyện, tổng đi rước với những nghi thức khác nhau, những cung đường đoạn đường khác nhau. Khi người đỗ đạt đó về vinh quy bái tổ thì người đó phải làm lễ trình làng trình sự đỗ đạt đó để căn cứ vào mức độ đỗ đạt để làng trao phần thưởng, bao gồm thưởng ruộng, thưởng tiền.

Tiếp theo là sẽ được phân ngôi thứ trong đình. Từ vị trí ngồi đến lộc chia phần. Ví dụ Tiến sỹ được ngồi ở chiếu cạp điều (chiếu viền màu đỏ). Có những làng, không có ai đỗ Tiến sỹ, chiếu cạp điều để không, không ai dám ngồi.

Một hình thức khuyến học nữa là ở các làng đều có một di tích tôn vinh sự học đó, tôn vinh sự đỗ đạt ta gọi là văn từ hay văn chỉ. Ở đó, người ta ghi tên những người đỗ đạt, sau khi những người đó qua đời, thì coi như được thờ ở văn chỉ đó. Ở làng thì gọi là văn từ, văn chỉ làng, ở tổng thì gọi là văn từ hàng tổng, lên đến tỉnh thì gọi Văn Miếu, lên đến Thủ đô thì gọi là Văn Miếu Thăng Long, Văn miếu Huế…

-  Nói đến sự học thì không thể không nói đến quan hệ thầy trò. Ông nghĩ gì về quan hệ thầy trò ngày xưa và mối quan hệ thầy trò hiện nay?

+ Ngày xưa các bậc cha mẹ có quyền lựa chọn thầy chứ không phải như bây giờ là nhà trường áp đặt thầy cô cho học sinh. Ngày xưa tôi bỏ tiền ra, tìm thầy có văn hay chữ tốt, có nhân cách cho con mình. Nhìn chung là người thầy ngày xưa có trình độ, có nhân cách, đặc biệt là nhân cách. Người thầy ngày xưa lấy sự thành đạt của học trò làm đích phấn đấu của mình, vinh hạnh cho mình.

Có hai loại ông thầy: Một là những người không có may mắn đỗ đạt, thì ông trở về với thân phận ông đồ, ông dồn hết tất cả kinh nghiệm thành công, thất bại của mình vào dạy học. Lúc ấy, thầy không tiếc gì cả, chỉ mong học trò thực hiện tiếp ước mơ của mình. Thứ hai là những thầy đồ đang làm quan và mở lớp học ngay tại nhà mình với mong muốn có những học trò giỏi giang như mình. Hai hiện tượng đó nó tạo ra một xã hội học tập rất nghiêm chỉnh, thầy ra thầy, trò ra trò, và người thầy rèn học trò rất nghiêm khắc.

Ngày xưa, "sống Tết, chết Giỗ", khi thầy còn sống thì Tết đến lễ thầy; thầy chết đến ngày giỗ về giỗ thầy. Có những trường hợp rất cảm động. Bây giờ chúng ta đi vào chỗ làng Giấy, Cầu Giấy, Yên Hòa, còn một tấm bia nói rõ là ông thầy này không có con nhưng học trò đã góp ruộng lo cúng giỗ cho thầy về sau. Và hằng năm cứ đến ngày giỗ thầy, học trò không ai bảo ai về giỗ thầy. Và cái tiền đó lấy từ đâu, đó là tiền mà học trò góp lại mua ruộng để lấy hoa lợi để làm giỗ, ruộng đó gọi là ruộng môn sinh.

- Còn mối quan hệ thầy trò bây giờ ra sao thưa ông?

+ Gần đây xảy ra những hiện tượng rất là buồn. Một là học trò vô lễ với thầy, và một số phụ huynh có hành vi quá đà tạo nên một lỗ hổng rất lớn trong giáo dục đạo đức mà nguyên nhân chính là do giáo dục Nho học bị đứt đoạn. Trước đây, người ta nghĩ rằng, giáo dục Nho học đầy những mặt hạn chế. Nhưng thực ra giáo dục Nho học để lại một phương diện rất lớn về giáo dục con người, giáo dục nhân cách của người thầy, giáo dục cả cách ứng xử của phụ huynh học sinh,

-  Tức là ngày xưa, vừa dạy kiến thức, vừa dạy đạo lý?

+ Không chỉ dạy kiến thức, mà dạy cách ứng xử. Học sinh không chỉ học thầy ở kiến thức mà học cả nhân cách của người thầy. Bản thân người thầy hài hòa được cả hai cái đó, nên được trọng vọng. Còn bây giờ người thầy dạy học trò thông qua nhà trường, thì trách nhiệm của người thầy không cao như ngày xưa.

Người thầy ngày xưa người ta không ràng buộc cái gì, không ở trong tổ chức này, tổ chức kia nhưng mà tự giám sát mình, ông tự rèn luyện, ông tự nghĩ ra cái ứng xử cho phù hợp, bên cạnh đó, chính cái dư luận phụ huynh là kiểm soát ông. Hai cái đó kết hợp chặt chẽ với nhau. Bây giờ ta cứ nói sự kết giữa nhà trường và phu huynh, nhưng cái này cha ông ta đã hình thành từ xưa rồi. Mà chính bây giờ, ta không làm được.

- Ông có buồn không?

+ Tất nhiên là buồn? Giáo dục hiện nay đang là một vết trượt...

- Ông nói giáo dục đang là một vết trượt? Vậy nguyên nhân của vết trượt ấy là gì?

+ Vết trượt lớn nhất là bệnh thành tích, bệnh thành tích của nhà trường, bệnh thành tích của phụ huynh, học sinh, cả bệnh thành tích của người thầy, bệnh thành tích của nhiều bộ phận hợp lại nó tạo thành một vết trượt của giáo dục? Bên cạnh đó, kỷ luật nó không nghiêm cũng góp phần tạo ra vết trượt giáo dục hiện nay.

- Trân trọng cảm ơn ông!

GS Hồ Ngọc Đại: Lợi ích của con trẻ là lợi ích của đất nước

- GS.TS Bùi Xuân Đính cho rằng, giáo dục của nước ta hiện nay đang là một vết trượt dài. Ý kiến của ông thế nào?

+ Vấn đề giáo dục hiện nay thực ra mà nói là vấn đề hết sức cấp thiết và quan trọng. Nền giáo dục hiện đang diễn ra là một nền giáo dục còn nhiều lạc hậu so với các nước tiên tiến trên thế giới.

- Chúng ta đã trải qua ba lần cải cách giáo dục, lần thứ nhất năm 1950; lần thứ 2 là 1956; lần thứ 3 là năm 1986. Và năm học 2020-2021 được coi là bắt đầu cải cách giáo dục lần thứ tư với bước đầu tiên là thay đổi sách giáo khoa. Ông đánh giá gì về cuộc cải cách giáo dục lần này?

+ Cải cách là xu thế tất yếu, là việc cần làm vì theo dòng chảy của đời sống xã hội, mọi cái đều phải làm tốt hơn lên. Nhưng để đánh giá về cuộc cải cách giáo dục lần này thì tôi chưa thể nói lên điều gì vì còn phải kiểm chứng từ thực tiễn. Nhưng tôi nghiên cứu thì tôi chưa phát hiện ra điều gì khác cả. Giống kiểu thế này, các bà ở quê may cái áo mới nhưng khổ nó vẫn thế, cỡ nó vẫn thế, kiểu nó vẫn thế, nó cũ đi rồi thì thay cái mới thôi. Muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, thì phải đổi mới tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn thực thi. Tức là muốn đổi mới giáo dục, phải xử lý hai mặt, một mặt về triết học, thứ hai về mặt lịch sử là phải có một công nghệ thực thi khác trong thực tiễn.

Giáo dục có ba triết lý: Triết lý thứ nhất Việt Nam thông thuộc nhất đó là Khổng Tử. Ông ấy đưa triết lý phục tùng, cả nước phục tùng một ông vua, trò phục tùng thầy, con phục tùng cha, vợ phục tùng chồng. Nếu như phục tùng như thế mà triệt để, ông ấy gọi là mới đúng, nếu không là hỗn, láo. Xã hội phong kiến rất thích triết lý phục tùng để dễ bề cai trị. Tôi đọc Khổng Tử, tôi thấy nhân loại đau khổ thật. Tuy nhiên Việt Nam mình không hoàn toàn phục tùng đâu, "con hơn cha, nhà có phúc",  "thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn". Việt Nam mình khác và tiến bộ hơn nhiều.

- Còn tư tưởng triết học thứ hai?

+ Triết học thứ hai là của Mác. Ông Mác là người phát hiện ra xã hội tư bản, phát hiện ra sự đối lập giữa nhà tư bản và công nhân. Và ông cho rằng, nhà tư bản bóc lột công nhân, do đó công nhân phải đấu tranh, chống lại nhà tư bản. Xã hội Khổng Tử người ta gọi là xã hội đẳng cấp; xã hội Mác sống là xã hội giai cấp. Cho nên hai triết lý của hai ông rất đúng.

Triết lý của Khổng Tử đúng trong xã hội của đẳng cấp. Triết lý của Mác đúng trong xã hội giai cấp. Và giờ thì triết lý dạy người ta làm nô lệ của Khổng Tử đã chấm dứt vai trò của nó. Tôi nghĩ, ít nhất thế kỷ XXI, sẽ có một phạm trù hoàn toàn khác, đó là phạm trù cá nhân.

Phạm trù cá nhân nghĩa là giữa mọi người quan hệ với nhau là quan hệ hợp tác, không phải phục tùng. Không phải đấu tranh mà là hợp tác. Hợp tác giữa mọi người với nhau, hợp tác giữa các cộng đồng với nhau. Hợp tác giữa các cá nhân với nhau. Hợp tác giữa thầy và trò là hợp tác giữa cá nhân và cá nhân. Chứ không phải đẳng cấp, không phải là giai cấp. Hợp tác giữa thầy với phụ huynh học sinh là hợp tác cá nhân với cá nhân.

Thầy trò bây giờ có nhiệm vụ nó khác. Ngày xưa Khổng Tử dạy người ta học để tuyệt đối vâng lời. Còn bây giờ học là để trở thành chính mình, xứng đáng với chính mình.

- GS là người nhạy cảm với cái mới, hướng tới tư duy cởi mở, hiện đại. Thường những cái gì mới nhất, tân tiến nhất, đi trước nhất lại gặp phải những cản trở, dư luận trái chiều. Tâm thế của GS thế nào trước tất cả những điều ấy?

+ Tôi nghĩ đã làm khoa học, anh phải có bản lĩnh và cầu thị. Anh đón nhận cái mới và hoàn thiện cái mới, sao cho học sinh đón nhận và chấp nhận anh mới là điều quan trọng nhất.

 - Ông từng được mời làm Bộ trưởng tại sao ông không làm mà lại đi chọn mở trường thực nghiệm?

+ Tôi nói với các anh ấy thế này, làm Bộ trưởng thì cả nước này có hàng trăm, hàng ngàn người giỏi hơn tôi, nhưng làm cái việc tôi đang làm thì chỉ có tôi làm tốt thôi. Hãy để tôi làm việc đó. Tôi mở trường thực nghiệm là lời thưa của tôi với các em. Là thầy làm thế có được không? Chứ không phải cái gì cao thượng, hay ban ơn. Nếu học sinh chấp nhận, may ra tôi đúng, may ra thôi nhé! Nếu học sinh không chấp nhận, dứt khoát tôi sai. Chứ học sinh không sai.

Thứ hai nữa là tôi làm số ít để tôi kiểm soát được. Nghiệm thu mấy lần rồi chứ, nhưng nhóm lợi ích đông quá, không làm gì được. Hiện nay họ không làm gì được tôi và tôi không cũng không làm gì được họ. Nhưng lịch sử sẽ đứng về phía tôi. Họ bảo tôi kiêu ngạo, tôi nói, trẻ con đối với tôi là thần thánh, là thiêng liêng nhất. Lợi ích của trẻ con là lợi ích của đất nước.

- Luận án TS về "Công nghệ giáo dục" của ông được vinh danh ở Trường Đại học Lômônôxôp, khi mở trường thực nghiệm để thực hiện công trình khoa học của mình thì trường ông từng có cảnh phụ huynh dậy từ 1-2h sáng để xếp hàng, thậm chí đạp rào vào nộp hồ sơ cho con. Thế nhưng, vừa rồi, sách giáo khoa cải cách của ông lại không được chọn là 1 trong 5 bộ sách giáo khoa mới, ông nói gì về điều này?

+ Tôi là người tự tin, tôi ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước. Một lần, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam họ mời cơm và cảm ơn tôi sau buổi tôi nói chuyện với các nhà văn quân đội. Tôi nói: "Thực ra tôi phải cảm ơn các bạn, khi các bạn ở chiến trường, đối diện với cái chết, còn tôi ở trên đồi Lênin. Những gì tôi làm cũng chỉ để đền đáp lại điều mà các bạn đã từng làm".

- Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này.
Hạnh Thủy (thực hiện)
.
.