Ngành xuất bản đang "quá tải"?
Một câu chuyện "nóng" trong làng xuất bản được dư luận bàn tán nhiều thời gian gần đây chính là việc NXB Đại học Sư phạm đã để "lọt lưới" một cuốn sách in hình cờ Trung Quốc thay cho cờ Việt Nam, dẫn tới việc cuốn sách bị thu hồi. Tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản - phát hành xuất bản phẩm năm 2013 do Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức tại Tp HCM ngày 27/3 vừa qua, vấn đề này cũng đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Từ câu chuyện trên, bất giác tôi lại nhớ tới phát biểu của Trung tướng - nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL - CAND, Tổng biên tập báo CAND về vấn đề này tại kỳ họp thứ 6 của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương diễn ra tại Hà Nội ngày 28/3 vừa qua. Với tư cách Ủy viên Hội đồng, nhà văn Hữu Ước cho rằng, các cơ quan quản lý văn hóa, văn nghệ cần chú trọng hơn nữa tới khâu xuất bản. Bởi, nếu như hiện nay, về cơ bản, quy trình "gác gôn" ở các báo, đài, nhất là ở các Đài Truyền hình và những tờ báo lớn là rất chặt chẽ, ít để xảy ra những sơ suất về chính trị thì điều này xem ra lại bị buông lỏng ở một số đơn vị xuất bản. Trong thực tế, đã có nhà xuất bản liên tiếp mắc sai phạm với nhiều lỗi rất nặng.
Hội nghị triển khai công tác xuất bản - phát hành xuất bản phẩm do Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức tại Tp HCM ngày 27/3/2013. |
Là người nắm khá rõ quy trình xuất bản hiện nay, tôi thấy vấn đề mà nhà văn Hữu Ước đặt ra là rất sát với thực tế. Tại sao tôi khẳng định như vậy? Hãy làm phép so sánh giữa một cơ quan báo chí và một cơ quan xuất bản: Cùng phải xử lý một số lượng bản thảo có độ dài câu chữ như nhau thì bao giờ số người làm biên tập ở một tờ báo cũng lớn hơn số người làm biên tập ở một đơn vị xuất bản rất nhiều. Điều này có nguyên nhân: Đa phần các cơ quan báo chí có đời sống tốt hơn các đơn vị xuất bản. Bởi vậy, để giảm thiểu chi phí, các đơn vị xuất bản phải hạn chế tối đa nhân sự. Đã vậy, vì công tác phát hành gặp nhiều khó khăn nên nhiều nhà xuất bản chuyển sang sống bằng việc bán giấy phép (gọi là lệ phí xuất bản). Lệ phí xuất bản cũng đang bị cạnh tranh giữa các nhà xuất bản với nhau nên không phải nhà xuất bản muốn nâng thế nào cũng được. Có cuốn (như thơ) họ chỉ lấy gọi là (độ một, hai trăm nghìn). Tiền thu về thấp, muốn nuôi quân được, họ phải tăng số lượng đầu sách. Có nhà xuất bản chỉ lèo tèo chừng chục biên tập viên mà một năm cho ra mắt bạn đọc tới cả nghìn cuốn sách - không nói về độ nhạy cảm chính trị mà chỉ nói về thời gian cơ học thôi, không biết có cách nào để các ông chánh, phó giám đốc nhà xuất bản duyệt (đúng nghĩa là đọc) cho hết được. Trước đây, tôi từng có cuộc phỏng vấn một giám đốc nhà xuất bản (nay đã nghỉ hưu). Và tôi đã không hề ngạc nhiên khi ông giám đốc nói trắng phớ ra rằng: Không thể nào đọc duyệt hết được. Chỉ còn cách là "trông mặt mà bắt hình dong", tức là với những tác giả nào trước nay nổi tiếng viết "lành hiền" thì "cho qua", không cần đọc. Ông nào viết "gai góc" mới phải lưu ý.
Chính vì cách làm việc đầy chủ quan như thế mà trong làng xuất bản đã xảy ra những câu chuyện cười ra nước mắt: Có nhà xuất bản đã in phải tập thơ, trong đó tác giả ca ngợi lính ngụy mà biên tập viên cứ đinh ninh là ca ngợi… bộ đội ta. Có nhà xuất bản in phải tập thơ mà một nước được coi là "thoải mái, tự do" trong xuất bản như nước Mỹ chắc chắn cũng không dám cho in vì tác giả ca ngợi lối sống độc tài, nói rằng nếu mình giành được chính quyền thì sẽ cho bắt tất cả những ai chống đối, cho tù tới nghìn năm để không ai làm gì được mình…vv và vv…Thậm chí, có những cuốn sách lỗi "tày đình" nhưng vì lợi chung, tôi không tiện nhắc ra ở đây.
Điều nguy hiểm hơn nữa, do sách là một thể loại tồn tại có phần hơi "ẩn khất" so với báo (ít được đưa lên mạng) nên có những lỗi chỉ một số người biết với nhau, hoặc nếu có thì cũng phải một thời gian mới phát hiện ra. Và đến lúc này thì việc xử lý rất tốn công tốn của, thậm chí làm không khéo lại thành ra "lợi bất cập hại". Chính vì điều này mà nhiều sai sót của các đơn vị xuất bản đã bị "bỏ qua" và đấy cũng là lý do khiến họ càng thêm chủ quan, làm việc tắc trách.
Vì thế, không còn cách nào khác, bên cạnh việc nâng cao nhận thức chính trị cho lãnh đạo các đơn vị xuất bản thì các cơ quan quản lý cần phải buộc các nhà xuất bản khống chế số lượng đầu sách. Phải tính được, với nhân sự như thế thì chỉ được phép một năm cho ra bao nhiêu đầu sách, với số trang là bao nhiêu. Tức là làm sao họ phải có khả năng kiểm soát được bản thảo, tức là đảm bảo tất cả các sách đều phải được biên tập và đọc duyệt tới nơi tới chốn. Còn không đủ thời gian đọc mà vẫn cấp giấy phép thì sai sót không xảy ra mới là chuyện lạ