Năm mới với chỉ số niềm tin

Thứ Năm, 16/01/2020, 10:40
Người dân Việt Nam ngày càng tin rằng tham nhũng đang thuyên giảm và các nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước là có hiệu quả hơn. Đáng chú ý, lần đầu tiên trong bốn lần khảo sát, ghi nhận tỷ lệ người dân phải hối lộ khi sử dụng dịch vụ công giảm xuống rõ rệt so với 3 lần khảo sát trước đó (năm 2010, 2013 và 2016). 


Kết quả này vừa được Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT) - Cơ quan đầu mối quốc gia tại Việt Nam của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố vào ngày 7/1/2020 tại Báo cáo Phong vũ biểu tham nhũng tại Việt Nam (VCB-2019).

Đi cùng với đánh giá này, chúng ta thấy ngay GDP của Việt Nam đã đạt 7%, vượt so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra là từ mức 6,6 đến 6,8%, bình quân đạt gần 2.800 USD/người, với dân số hơn 96 triệu người, đây là điều chưa từng có trong lịch sử nước ta. Một câu hỏi được đặt ra là phải chăng trong năm qua nhờ việc quyết liệt chống tham nhũng mà kinh tế có những bước đột phá đáng kể và niềm tin của người dân cũng tăng lên đáng kể?

Nhìn lại năm 2019, Đảng đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Gần 80 cán bộ lãnh đạo cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã phải nhận các hình thức kỷ luật nghiêm minh, từ kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và có người đã phải chịu trách nhiệm hình sự với mức án tử hình vì đã có những sai phạm liên quan tới các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Năm 2020 sẽ được kỳ vọng là năm tăng trưởng và phát triển toàn diện.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có những bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế, tập trung giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tham nhũng như: Cải cách hành chính, phá bỏ tình trạng độc quyền trong quyền lực, quyền hạn và trong kinh doanh; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc.

Những việc làm trên đã làm yên lòng người dân và các doanh nghiệp đã được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ghi nhận Việt Nam đã vượt 10 bậc trong bảng cạnh tranh quốc gia năm 2019.

Nhân dân, ai cũng đồng tình với những quyết tâm trong chống tiêu cực, tham nhũng, lòng tin của người dân đã trở lại. Tất nhiên so với mong đợi thì vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều. Chúng ta cần giữ gìn và phát huy những kết quả đáng quý này để tiếp tục xây dựng niềm tin của xã hội đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, đối với quản lý điều hành xã hội của Chính phủ, đối với vai trò giám sát của Quốc hội, của Mặt trận Tổ quốc để phát triển nó lên. Khi làm được điều đó, đồng nghĩa với việc chúng ta đang đặt nền tảng cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Từ chủ trương, cách làm đúng đắn của Đảng, Nhà nước, chống tham nhũng đã tạo ra được sức mạnh lòng dân với sự đồng thuận, ủng hộ ngày càng cao. Tại các hội nghị, trong các lần tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đại hội Đảng là dịp để lựa chọn, sàng lọc, củng cố đội ngũ cán bộ; không sợ thiếu cán bộ, bởi không thiếu cán bộ tâm huyết với Đảng, trách nhiệm với dân với đất nước; không sợ mất uy tín; chỉ không làm, không xử lý cán bộ vi phạm mới tự đánh mất uy tín của mình", "… Cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, không ai có thể đứng ngoài được". Dẹp bỏ tham nhũng, xây dựng một Việt Nam hùng cường là mong đợi mà không một lực lượng yêu nước nào đứng ngoài, tất cả cùng một niềm tin, tin ở ngọn cờ chính nghĩa đã tạo không khí phấn khởi lan tỏa ra toàn xã hội.

Lịch sử thăng trầm của dân tộc Việt Nam cho thấy "Dân là gốc" và niềm tin là yếu tố căn bản trong các giá trị. Lúc nào nhà cầm quyền hiểu được lòng dân, nói cho dân hiểu để nhận thức rằng vận mệnh của dân tộc chính là vận mệnh của mình, của gia đình mình, dòng họ mình; dân tin nhà cầm quyền, tin ở khả năng và cách ứng xử, tin ở chính sách cởi mở và nhân văn… thì lúc đó sẽ huy động được mọi nguồn lực và trí tuệ trong nhân dân.

Còn ngược lại, khi cán bộ xa dân, người dân không có niềm tin, mất niềm tin vào chính quyền, ý kiến và quyền lợi của người dân không được đếm xỉa tới, thì lúc đó xã hội luôn tiềm ẩn nguy cơ biến động, mất ổn định.

Đất nước đang đi vào một thời đại mới đầy những khó khăn, thách thức, xã hội lại đang ngổn ngang với nhiều vấn đề về văn hóa, suy thoái đạo đức. Xu hướng coi trọng lợi ích cá nhân, cạnh tranh vì lợi nhuận, coi trọng đồng tiền, coi trọng hình thức, hư danh đã là môi trường thuận lợi cho sự gia tăng những quan hệ xã hội theo kiểu lọc lừa, giả dối và vô tín. Điều này là do đâu? Cũng từ niềm tin mà ra. Bởi vậy, khi niềm tin càng bao phủ, lan rộng, thì chính nó sẽ dẫn dắt mỗi người chúng ta hành động đúng đắn giữa các cá nhân với nhau, giữa các cộng đồng, giữa hiện tại với truyền thống, góp phần điều hòa giữa mới và cũ, tạo nên sự ổn định. Một xã hội coi trọng giá trị của niềm tin là xã hội có khả năng phát triển bền vững.

Với những việc làm bài bản, với những bước đi chắc chắn, người dân Việt Nam có thêm hy vọng và tin tưởng rằng năm 2020, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả hơn nữa, tạo thêm động lực và khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

Cù Tất Dũng
.
.