Múa minh họa hay múa..."thảm họa"

Thứ Sáu, 17/08/2012, 09:00

Ngày 1/8 vừa qua, tại Hà Nội, hội thảo "Múa minh họa, phụ họa trong các chương trình ca múa nhạc" do Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ và các nhà phê bình. Lâu nay, chất lượng của các màn biểu diễn ca nhạc có múa minh họa đã và đang ở mức báo động bởi sự nghèo nàn, thiếu thẩm mĩ, đem "râu ông nọ cắm cằm bà kia"... Nhiều ý kiến cho rằng, múa minh họa đang trở thành múa... thảm họa.

Tại Hội thảo, nhiều nghệ sĩ múa gạo cội, có uy tín như: NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Nguyễn Công Nhạc, NSND Ứng Duy Thịnh, NSƯT Nguyễn Mạnh Hà, NSƯT Như Bình, NSƯT Hoàng Hà…bằng kinh nghiệm cả đời chắt lọc và gắn bó với nghề múa đã chia sẻ những kinh nghiệm, bức xúc và trăn trở trước tình trạng xuống cấp của "Múa minh họa, phụ họa trong các chương trình ca múa nhạc" hiện nay.

Tuy không phải là một bộ môn của ngành múa, nhưng do đòi hỏi thực tế từ các chương trình nghệ thuật, từ nhiều năm nay múa phụ họa đã trở thành thứ "gia vị" không thể thiếu trong các chương trình ca nhạc. Tuy nhiên, các nghệ sĩ đầu ngành múa đã phải lắc đầu ngao ngán trước những màn múa phô trương mà vô bổ, thậm chí phản cảm liên tục xuất hiện trên sân khấu ca nhạc. Sự "lấn sân" của múa minh họa, phụ họa đã khiến vai trò của hình thức này không còn là "phụ", là "gia vị" nữa, mà xem ra nó đang lấn át các sân khấu, khiến khán giả tập trung nhiều vào yếu tố "xem" mà xao lãng phần chủ đạo là "nghe".

Quan sát các chương trình ca nhạc lớn, nhỏ, các live show của ca sĩ, nhạc sĩ… đều có múa minh họa. Thậm chí có chương trình, bài hát nào cũng sử dụng múa minh họa: Hát đơn ca có múa phụ họa, hát tốp ca cũng có múa phụ họa, thậm chí hợp xướng lại cũng... múa phụ họa, khiến cho người xem nhiều khi không biết mình đang nghe hát hay xem múa. Nhưng các tiết mục biên đạo múa có chất lượng, tạo được ấn tượng trong lòng khán giả như: "Bức họa đồng quê", "Mẹ tôi", "Huyền thoại mẹ"… ngày càng hiếm hoi. Thay vào đó là các tiết mục múa phụ họa với rất nhiều diễn viên tham gia, nhưng các động tác múa thì đơn điệu, vô nghĩa như nhảy sải, bưng bê, nhào lộn…  Có khi trên nền nhạc trữ tình cách mạng của bài hát "Dáng đứng Bến Tre", khán giả đang nhập hồn vào những cảm xúc tha thiết, lắng đọng của bài hát qua sự thể hiện của một nghệ sĩ nổi tiếng thì bỗng nhiên một tốp các cô gái khăn rằn, áo bà ba bỗng đâu nhảy những bước chân sải dài sầm sập lao ra sân khấu.

Có lần, ca sĩ Hồng Nhung thể hiện ca khúc "Một mình", nhưng lại có tới 30 diễn viên múa ùa ra sân khấu để minh họa cho cái sự "một mình" này. Có khi, màn múa minh họa cho bài "Trống cơm" là dân ca quan họ Bắc Ninh, thì trên sân khấu lại nghễu nghện mấy cô gái đeo cái... trống bồng vừa lượn, vừa vỗ… Thậm chí, có màn múa minh họa cho bài "Mùa hoa đỏ" - một bài hát trữ tình cách mạng - vậy mà lời bài hát một đằng lại đi múa một nẻo. Lại có tiết mục nhóm múa mặc váy áo sen rộng, lại nằm ngửa tênh hênh, hai chân cứ giơ lên vẫy vẫy, hở hết cả nội y khiến cho tất cả khán giả cười ồ vì sự... vô duyên của đạo diễn cũng như các diễn viên múa.

Hội thảo về Múa minh họa được đông đảo nghệ sĩ hưởng ứng.

NSƯT Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ: "Biên đạo múa đã dễ dãi, ít chịu tìm tòi sáng tạo, diễn viên cũng dễ dãi với mình hơn. Vì thế, điệu múa khi biểu diễn cũng không đều, kẻ trước người sau, kẻ lên người xuống xem rất tức mắt, khó chịu. Có những màn múa, những diễn viên cỡ tuổi ông nội bà nội mà vẫn bị biên đạo bắt bà ngồi lên đùi ông. Rồi bà ườn người ra, y như một đôi nam nữ tỏ tình, trông rất kệch cỡm, phản cảm". Tình hình "bế bồng bê vác" phổ biến trên sân khấu múa minh họa đến nỗi, vợ ông cứ mỗi lần xem tivi thấy có tiết mục múa lại bảo: "Ông xem, nó lại sắp bế nhau lên bây giờ đây!".

Với các bài hát trữ tình, cách mạng, tình trạng chất lượng các màn múa minh họa đã ở mức đáng ngại như vậy, nhưng với các ca khúc nhạc trẻ, tình trạng thiếu thẩm mĩ, nhạt nhẽo, vô bổ mới thực sự đáng báo động và đáng gọi là thảm họa. Không những sử dụng vũ đoàn, nhiều ca sĩ trẻ hiện nay còn ăn mặc khêu gợi, hở hang, lên sân khấu chỉ chăm chăm vào nhảy múa cùng vũ đoàn mà quên cả công việc chính là phải hát cho hay. Khán giả theo dõi các chương trình ca nhạc trên truyền hình hay các sân khấu ca nhạc ở các tụ điểm, sự kiện thì có thể thấy, nhiều ca sĩ theo đuổi dòng nhạc thị trường như Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường, Cẩm Ly, Hồ Ngọc Hà, Thanh Thảo, Thanh Hằng, Hoàng Thùy Linh… ít khi xuất hiện trên sân khấu một mình mà luôn có các nhóm múa phụ họa khiến khán giả chóng cả mặt. Dù ai đó có bao biện, rằng làm vậy là để "làm mới" sân khấu, làm cho sân khấu trở nên sinh động, tránh các khoảng trống tẻ nhạt…thì hầu như nhiều người đều biết, đây là các chiêu trò lấy "chân tay đỡ mồm miệng" mà thôi. Bởi một khi khán giả quá chú mục vào các màn nhảy múa tưng bừng thì họ sẽ khó phát hiện ra sự hát nhép của ca sĩ hơn. 

Hình ảnh các vũ công lúc thì lắc ngực, lúc lại lắc mông, rồi có khi run lên và trườn, bò một cách phản cảm, đã khiến nhiều chương trình ca nhạc trên sân khấu, trên truyền hình trở thành màn "tra tấn" khán giả. Các vũ công nữ bao giờ cũng được đầu tư các trang phục ngắn  hết cỡ, lóng lánh kim sa; vũ công nam được đầu tư các trang phục giống như rô - bốt hay người... ngoài hành tinh, chỉ có một tác dụng duy nhất là làm cho khán giả… hoa mắt. Quả thật, sự "thừa mứa" múa minh họa làm cho nhiều khán giả ngán ngẩm, còn những người có tâm huyết với múa thì buồn rầu. Đã đến lúc cơ quan quản lý, cấp phép các chương trình nghệ thuật phải nghiêm khắc hơn nữa, không để lọt lưới các tiết mục biểu diễn ca nhạc có kèm múa minh họa có yếu tố phản cảm theo quy định mới ban hành, không thể "thả nổi" múa minh họa như hiện nay.

Nghệ sĩ Khắc Tuế không ngần ngại bày tỏ: "Cục Nghệ thuật biểu diễn có lẽ vẫn đứng ngoài, vì đơn vị quản lý nghệ thuật này chỉ cho rằng khi soi xét chương trình không có tiết mục nào phản động là được. Nhưng một chương trình nghệ thuật mà bôi bác thì hình ảnh của đất nước cũng sẽ bị bóp méo...". Đã đến lúc, trong quá trình cấp phép và kiểm duyệt, cần giảm bớt những màn múa minh họa vô bổ, nghèo nàn, trùng lắp, ít tính sáng tạo, thậm chí thể hiện thẩm mĩ thấp kém, phản cảm. Nhưng cùng với đó, những biên đạo múa, nghệ sĩ múa cũng cần có quan niệm đúng đắn và làm việc nghiêm túc thì những bất cập trên sân khấu ca nhạc mới phần nào được giảm bớt, loại bỏ những hạt sạn không đáng có.

NSND Chu Thúy Quỳnh:

Tôi cho rằng, múa minh họa là cần thiết trong các chương trình ca nhạc, nhưng không phải bài hát nào cũng cần đến múa minh họa, vì xem như thế rất mệt. Hình thức hát múa đã có từ lâu, nhưng đến giờ được gọi là múa minh họa thì theo tôi là chưa chính xác và chưa coi trọng đúng mức đối với hình thức này. Vì thế, trong nhiều chương trình ca nhạc lớn, vào các dịp kỷ niệm quan trọng vẫn để xảy ra nhiều sạn, nhiều lỗi phản cảm như biểu diễn các động tác đá chân, xoạc... trước ảnh lãnh tụ, cờ Tổ quốc, áo quần ăn mặc hở hang... làm mất đi sự tôn nghiêm, sang trọng của các chương trình ấy. Nguyên nhân của sự xuống cấp này là sự tùy tiện, nghèo nàn về ý tưởng, thiếu đầu tư trí tuệ, nhiều màn múa cứ cóppy từ bài hát này sang bài hát khác, theo kiểu cứ đúng tiết tấu, cứ vui mắt là được... khiến những người làm nghề nghiêm túc như chúng tôi cảm thấy rất buồn rầu!

NSƯT Quốc Toản:

Múa minh họa trong các chương trình ca nhạc là cách dàn dựng một tiết mục múa nhằm mục đích làm cho bài hát hay hơn. Bởi thế, nó phải chứa đựng ý đồ của người biên đạo trong quá trình sáng tạo. Nhưng chính sự dễ dãi, cẩu thả của một số người làm nghề đã khiến cho khuôn mặt của múa minh họa bị bôi đen. Múa minh họa tuy không bao giờ được tôn vinh để trở thành đỉnh cao như các tác phẩm múa độc lập, nhưng nó cũng có vai trò quan trọng trong đời sống hiện nay. Bởi vậy, không thể xem thường nó được. Các biên đạo múa có nghề, yêu nghề và có ý thức tôn trọng bản thân, tôn trọng khán giả thì đừng cho "trình làng" những màn múa dở, chứ đừng nói là phản cảm, dù ở bất kỳ sân khấu nào.

N.H.
.
.