Một quyết định hợp xu thế, hợp lòng người
- Dư luận cán bộ, đảng viên đánh giá cao kết quả Hội nghị Trung ương 8 khóa XII
- Bế mạc Hội nghị Trung ương 8: Đưa Việt Nam giàu lên từ biển
- Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Hội nghị Trung ương 8: Thủ tướng điều hành phiên thảo luận về tình hình KT-XH
Trong những năm qua, Đảng ta đã có những bước đi, những kế hoạch để sáp nhập một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ trùng lắp hoặc có thể thay thế được nhau, từ Trung ương tới địa phương, như các cơ quan Tổ chức và Nội vụ; Dân vận và Mặt trận; Kiểm tra và Thanh tra... vân vân, rồi kế hoạch sáp nhập các sở như Tài chính Kế hoạch, Giao thông Xây dựng...
Nó là tiền đề cho thấy có sự chưa hài hòa, hay chính xác là có thể thu gọn đầu mối các cơ quan Nhà nước và tổ chức Đảng mà công việc vẫn chạy. Và đây là lúc có thể tính toán để rút gọn lại, rút gọn nhưng vẫn bảo đảm sự thông thoáng, mạch lạc của bộ máy, vẫn bảo đảm sự phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển của xã hội.
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 8 khóa XII. |
Việc Tổng Bí thư Chủ tịch nước là một việc liên quan tới cả đối nội và đối ngoại. Lâu nay, dân gian ta vẫn có thói quen dùng cụm từ "tứ trụ" để chỉ 4 vị trí cao nhất trong lãnh đạo đất nước, gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội. Đây là bốn cá nhân có vai trò hết sức quan trọng trong việc điều hành đất nước. Dù về nguyên tắc, nước ta lãnh đạo tập thể, nhưng dấu ấn cá nhân hết sức quan trọng. Điều ấy được chứng minh khi trong lịch sử có những vị lãnh đạo được lịch sử và nhân dân đánh giá rất cao.
Lãnh tụ được sinh ra trong những thời khắc lịch sử cần. Thời đi học, chúng tôi được hiểu, vĩ nhân chỉ sinh ra khi đất nước ấy hội đủ yêu cầu, và đấy là nhân vật được chọn để sinh ra để trở thành vĩ nhân, để lưu lại lịch sử bằng tài năng kiệt xuất của mình như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, như Quang Trung, Hồ Chí Minh...
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như được sinh ra cho thời này. Ông từng làm Chủ tịch Quốc hội, làm Tổng Bí thư và giờ được giới thiệu làm Chủ tịch nước. Dân gọi ông là "người đốt lò vĩ đại", bởi ông chính là người phát động và chỉ huy chiến dịch đấu tranh chống tham nhũng, chống lại cái xấu trong hệ thống cán bộ công quyền.
Các đại biểu dự hội nghị Trung Ương 8 khóa XII biểu quyết nội dung. |
Một người không mệt mỏi chiến đấu với tội ác, có thể gọi đúng tên như thế, từ chính những cán bộ, cả cao cấp, là đồng chí của mình, nay tha hoá. Chiến đấu với đồng chí của mình, cả những người thân cận bị tha hoá là khó nhất, và gian nan nhất. Nhưng ý chí của Tổng Bí thư được sự ủng hộ của toàn dân, của các cán bộ trong sạch, nên cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng, dưới sự chỉ huy của Tổng Bí thư đang thành công.
Nay ông làm Chủ tịch nước thì chuyện thực thi công việc càng thuận lợi, càng tập trung về một mối. Nhân dân đang tin ở sự trong sạch, cương quyết, không khoan nhượng của Tổng Bí thư với cái ác, cái xấu, với những trì trệ nhũng nhiễu của bộ máy với sự phát triển xã hội thì bây giờ càng có cơ sở để tin và ủng hộ ông.
Mặt nữa là quan hệ đối ngoại. Rõ ràng, từ nay, vị thế nguyên thủ khi đối ngoại dễ dàng được xác lập khi Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước. Điều này lâu nay cũng là trở ngại trong các quan hệ ngoại giao khi xác định vai trò nguyên thủ.
Từ đây, hy vọng một loạt cơ quan tương đồng giữa Đảng, Chính phủ và Nhà nước... sẽ nhập lại, vừa đỡ biên chế, kinh phí mà công việc lại chạy. Đây là lúc mà nhiều người, cả lãnh đạo cấp cao đến nhân dân đều gọi là đã "chín muồi" để thực hiện. Và từ đây, nhiều việc ích nước lợi dân nữa sẽ tiếp tục được triển khai để đất nước phát triển...