Một hồi chuông cảnh tỉnh

Thứ Ba, 22/09/2015, 08:00
Cậu bé Syria 3 tuổi có tên Aylan đã trở thành một biểu tượng của thế giới hiện đại hôm nay, khi bức ảnh em chết, nằm sấp mặt trên bờ biển, đánh dấu thêm một bi kịch lớn của loài người, bi kịch còn u tối hơn những gì chúng ta đọc được từ "Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống" mà Erich Maria Remarque đã viết.

Aylan là một quá trình kiếm tìm nơi chốn để tồn tại của những con người vô vọng trước những mưu đồ chính trị đang biến tướng trên toàn cầu. Aylan là một thất bại bi thảm trên chính con đường trốn chạy khỏi sự bạo tàn. Aylan là thức tỉnh đầy thách thức của sự chết đối với sự sống của những con người bất lực. Và vượt trên hết, Aylan cũng là sự hoang mang của thế giới này.

Khi Aylan trở thành một biểu tượng như thế cũng là khi rất nhiều cánh cửa ở châu Âu vốn dĩ đóng sập lại với người nhập cư đã mở rộng ra để chứng minh rằng các quốc gia văn minh vẫn đầy tình thương và lòng trắc ẩn. Hàng chục ngàn người Trung đông đã nhân cơ hội đó tràn vào châu Âu, ngõ hầu tìm kiếm cho mình một thiên đường, một giấc mơ bình yên được thoát khỏi mối đe doạ lơ lửng của cái chết. Nhưng cũng chính trong dòng người ồ ạt đổ về châu Âu ấy, một mối đe doạ mới đã chính thức thành hình.

Cái chết của em bé Syria trên bãi biển là hồi chuông cảnh tỉnh cho cả  thế giới về vấn đề người nhập cư đang nóng lên ở các quốc gia châu Âu.

Không một ai dám chắc chắn rằng 100% người nhập cư hôm nay không có ai là phần tử Hồi giáo cực đoan. Và càng không một ai dám chắc chắn rằng giữa một châu Âu không hề dễ sống, một châu Âu hoa lệ nhưng đắt đỏ, một châu Âu sang trọng nhưng tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đến chóng mặt, những con người nhập cư kia có thể có cơ hội đổi đời. Để rồi từ đó, họ có thể tích tụ những ẩn ức mới của mình lại từng ngày, và đến một cơ hội nào đó, họ sẽ sẵn sàng đầu quân cho những tổ chức khủng bố, theo đúng cái cách mà những kẻ khủng bố vẫn làm ở châu Âu suốt nhiều năm qua.

Thực tế bắt đầu vỡ vụn ra từng mảnh ở chính nơi này. Châu Âu không hề an toàn như tất cả đều mơ mộng, bất chấp đó vẫn là mảnh đất mà công tác an ninh được coi là hiện đại, tiên tiến hàng đầu trên thế giới. Chính vụ xả súng ở tòa soạn Charlie Hebdo đã nói lên tất cả, vụ xả súng cũng khiến lòng trắc ẩn trong mỗi con người tự dấy lên hồi chuông của riêng mình, bất chấp Charlie Hebdo vốn dĩ là một tạp chí thiên tả và có chiều hướng chống lại nạn nhập cư.

Rõ ràng, khi con người ta vừa có thể trắc ẩn cho một thứ chống lại nạn nhập cư nhưng chỉ sau đó vài tháng, họ lại trắc ẩn với những người nhập cư, điều đó chứng tỏ sự hoang mang trong lòng người đã lên đến cao độ. Họ sợ hãi thực sự bởi họ không thể biết được cái ác sẽ hiện hình lúc nào, ở đâu, và như thế nào. Họ cũng vô phương trước tất cả những diễn biến quá nhanh, quá mạnh của thời cuộc và rốt cuộc, họ để cảm xúc chi phối mình hoàn toàn.

Những vòng tay mở rộng đón những người tị nạn hôm nay ở châu Âu liệu có còn mở rộng ở năm sau, khi chính làn sóng tị nạn đó trở thành một gánh nặng lên chính họ và trở thành nỗi phiền toái thường nhật của họ. Rồi lúc cái hộp pandora trong lòng người mở bung ra, họ sẽ lại kỳ thị đầy ác ý đối với những người nhập cư, để rạn nứt xã hội sẽ rộng hơn nữa và dồn những người nhập cư vào bước đường cuối cùng: trở thành những kẻ khủng bố.

Số mới nhất của tạp chí Charlie Hebdo, tờ tạp chí tự nhận mình là "vừa ngu, vừa ác", đã đăng một bức biếm hoạ thắt lòng. Đó là hình ảnh Aylan nằm sấp mặt trên biển, ngay trước tấm biển quảng cáo McDonald có dòng chữ "Mua 2 trả tiền 1". Dòng chữ nổi bật trên bức biếm hoạ ấy là "Si près du but…", có nghĩa là "Suýt nữa tới đích" như thêm cứa vào lòng những người đang tỏ ra trắc ẩn với biểu tượng nhập cư Aylan.

Chắc chắn, Charlie Hebdo sẽ nhận được nhiều "gạch đá" từ dư luận nhưng có lẽ phần nào họ đã đúng. Họ dùng chính cái "ác" của mình để đánh thức người châu Âu trước cái ác còn lớn hơn đang chờ chực hiện hình, cái ác của chủ nghĩa khủng bố. Hơn nữa, Charlie Hebdo cũng đã nói lên tiếng nói thầm kín của rất nhiều người châu Âu hôm nay. Đó là tiếng nói của sự kỳ thị sâu thẳm trong những người châu Âu; tiếng nói của sự khiếp sợ trước viễn cảnh Hồi giáo hóa, như cuốn tiểu thuyết Soumission" (Phục tùng) của nhà văn Michel Houellebecq đã viễn tượng ra ngày tổng thống Pháp là chủ tịch một đảng Hồi giáo, nỗi khiếp sợ đến mức ngày càng có nhiều người châu Âu cải đạo sang đạo Hồi không phải vì niềm tin mà chỉ vì muốn sự an toàn mạng sống cho mình; tiếng nói của nỗi âu lo rằng một ngày nào đó làn sóng tị nạn sẽ nhấn chìm châu Âu, đẩy châu Âu vào một cuộc chiến tương tàn và không còn trở thành đất sống nữa, như bà tiên tri mù Vanga đã dự báo rằng "đến 2016, châu Âu gần như sẽ không có bóng người".

Lúc ấy, những người châu Âu sẽ đi về đâu? Ai sẽ dang cánh tay trắc ẩn đón nhận họ, như những người tị nạn? Ai sẽ được đón nhận, tất cả hay chỉ những kẻ có tiền? Lúc ấy, chúng ta sẽ càng nhận ra rất rõ rằng mình đang sống giữa một thế giới đầy hoang mang, và âu lo, và mong manh, và khiếp nhược, và bất an, và sợ hãi. Cái cuối cùng còn lại, đủ để an ủi chúng ta đôi chút chỉ là chúng ta nhận ra rằng mình vẫn còn sót lại tình thương, lòng trắc ẩn dù cho nhiều khi thứ tình cảm đè lấp lý trí ấy đã được đặt không đúng chỗ.

Hà Quang Minh
.
.