Môi trường giải trí trực tuyến bao giờ mới “sạch”?
Không chỉ là chuyện bản quyền
Lâu nay, tình trạng xâm phạm bản quyền các sản phẩm giải trí, nghệ thuật đã trở thành vấn nạn nhức nhối ở Việt Nam. Theo ông Quản Tuấn An, Trưởng phòng Quản lý quyền tác giả, quyền liên quan - Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, lĩnh vực âm nhạc, phim, ảnh, tác phẩm văn học... là lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất. Trong đó, môi trường internet được coi là công cụ thuận lợi để "đạo chích" lợi dụng vì các thao tác thuận tiện, đường truyền nhanh, dễ tìm kiếm, dễ đăng lên mà ít bị kiểm duyệt, ngăn chặn....
Nhiều tác phẩm mới ra mắt công chúng chưa lâu thì bản lậu của nó đã xuất hiện nhan nhản trên mạng. Ngoạn mục hơn, album "Mười tám +" của Văn Mai Hương còn chưa kịp phát hành thì trên internet, bản lậu của album đã tràn lan khiến cô và nhạc sĩ Huy Tuấn khóc ròng. Sự xâm phạm trắng trợn gây tổn thất nặng nề cho những nhà sản xuất tôn trọng bản quyền, người làm nghệ thuật chân chính.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Giám đốc Công ty BHD, phụ trách Dịch vụ xem phim theo yêu cầu có bản quyền chính thức Danet, rất đau lòng khi hầu hết phim của hãng bị đăng vô tội vạ trên trang phim online mà các trang này không hề xin phép hay chi trả khoản phí nào cho nhà sản xuất.
Người dùng vẫn chưa lường hết tác hại của các trang xem phim online lậu. |
Những bản phim nhòe nhoẹt, kém chất lượng vì quay lén nhưng vẫn được đông đảo người xem truy cập vì nó hoàn toàn miễn phí. Doanh thu của hãng vì vậy mà bị ảnh hưởng đáng kể. Riêng việc bị web lậu ăn cắp nội dung truyền hình, mỗi tháng Đài Truyền hình Việt Nam bị thiệt hại hơn 10 tỉ đồng.
Các chuyên gia nghiên cứu về thị trường trực tuyến cho biết các nhà sản xuất âm nhạc, phim của Việt Nam hiếm khi nhận được doanh thu từ thị trường tiềm năng này. Trong khi trên thế giới, tỷ lệ doanh thu từ đây là khoảng 30- 50%.
Riêng chủ trang web âm nhạc, chiếu phim hay ebook (sách điện tử) lậu lại sống rất khỏe vì số lượng người truy cập rất lớn, nhờ đó nó thu hút nguồn quảng cáo dồi dào. Bà Phan Cẩm Tú, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, cho hay ở Việt Nam hiện có khoảng 200 trang web hoạt động bất hợp pháp. Trung bình mỗi bộ phim trên trang web lậu thu hút 2 triệu lượt xem mỗi tháng.
Ông John Medeiros, Chủ tịch Phụ trách mảng Chính sách của Hiệp hội Truyền hình trả tiền khu vực Châu Á Thái Bình Dương (Casbaa) lý giải: "Mô hình kinh doanh của họ dựa hoàn toàn vào việc phát hành trái phép hàng triệu phiên bản ăn cắp từ các sản phẩm sáng tạo có giá trị cao, vốn dĩ phải tốn hàng tỷ công sức để tạo ra nên sản phẩm của web lậu rất phong phú, hấp dẫn và hoàn toàn miễn phí cho người dùng".
Theo thống kê của Casbaa, trên các trang web lậu ở Việt Nam, ngoài 61% là quảng cáo của các nhãn hàng tên tuổi, uy tín thì 39% là quảng cáo của loại hàng hóa, dịch vụ không hợp pháp, lừa đảo hay đồi trụy như web sex, dụng cụ tình dục, cờ bạc... Nhưng nhờ mục quảng cáo của các nhãn hàng tên tuổi khiến người dùng nhầm tưởng tính hợp pháp của web lậu.
Trăm mối nguy hại với người dùng
"Thường xuyên truy cập và tải phim ảnh, âm nhạc từ các trang web giải trí trực tuyến "bẩn", người dùng không chỉ tiếp tay cho hành vi kinh doanh thiếu minh bạch, thiếu tôn trọng sự sáng tạo của nghệ sĩ, mà còn đối mặt với muôn trùng cạm bẫy nguy hiểm" - ông Neil Gane, chuyên gia tư vấn Casbaa khuyến cáo.
Các quảng cáo sex, cờ bạc là mối nguy hại đầu tiên mà người dùng có thể dễ dàng nhận thấy. Nội dung độc hại này dụ dỗ người dùng xem, chơi dẫn đến tiêm nhiễm các tệ nạn xã hội, hành vi lệch chuẩn. Các sản phẩm giải trí trên web lậu dĩ nhiên sẽ không được chọn lọc kỹ càng nên sự sai lệch về nội dung, kém về chất lượng là điều hiển nhiên mà người dùng phải chịu.
Theo ông Neil Gane, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa các website vi phạm bản quyền và những phần mềm độc hại như phần mềm gián điệp, phần mềm tống tiền, các loại virus làm tê liệt máy chủ, đánh cắp tài khoản và thông tin cá nhân để lừa đảo, tống tiền người dùng.
Các phần mềm này còn gây ra hiểm họa khôn lường khi nó có thể truy cập để ăn trộm hình ảnh, clip, thư điện tử cá nhân; lén lút ghi hình từ webcam mà nạn nhân không hề hay biết... Ngay cả ông hoàng công nghệ như Mark Zuckerberg, chủ nhân của Facebook, cũng che kín webcame khi truy cập internet để tránh bị theo dõi.
Đáng buồn là với nhiều người Việt Nam, ý thức về Luật Sở hữu trí tuệ chưa cao nên họ vẫn luôn mặc định: những gì trên internet đều miễn phí! Và dĩ nhiên, việc chuộng trang web nào miễn phí vẫn ăn sâu bám rễ trong đầu họ.
Các thành viên của Liên minh các chủ sở hữu quyền giao lưu tại một buổi hội thảo. |
Cuộc chiến gian nan
Thói quen "xài chùa" các sản phẩm sáng tạo của phần đông công chúng khó có thể khắc phục ngày một ngày hai. Nhưng với những người có ý thức về bản quyền, họ lại không thể phân biệt đâu là trang web hợp pháp, đâu là web lậu.
Theo kinh nghiệm của bà Phan Cẩm Tú, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, cách nhận biết trang web lậu thường nhờ vào loạt quảng cáo hở hang, phản cảm. Bởi trang web chính thống không bao giờ đăng quảng cáo phản cảm như vậy. Nhưng trước sự tinh vi của web lậu, đây cũng chỉ là cách nhận biết cho một vài trường hợp. Thế nên rõ ràng, ý thức của người dùng cũng chưa đủ để góp phần lành mạnh hóa môi trường giải trí trực tuyến.
Con đường đòi lại quyền lợi của các tổ chức, cá nhân cũng vấp phải nhiều khó khăn dù Việt Nam đã có Luật Sở hữu trí tuệ và tham gia Công ước Berne, các điều ước quốc tế như Brussels, Rome... hẳn hoi.
Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí và Thông tin trên mạng (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thời gian qua số lượng đơn thư yêu cầu gửi về Bộ của các đơn vị nắm giữ bản quyền hợp pháp (gồm Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Công ty Số Truyền hình Vệ tinh Việt Nam K+, Hãng Galaxy...) liên quan đến việc bản quyền của các đơn vị này bị vi phạm ngày càng tăng.
Thế nhưng, để xác định danh tính người vi phạm trên môi trường số là rất cam go vì đa số trang web có tên miền quốc tế, đòi hỏi nhiều đơn vị phải hợp tác chặt chẽ mới có thể giải quyết.
Với phương châm "Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao", từ tháng 10-2015, Liên minh Các chủ sở hữu quyền mà nòng cốt gồm 7 thành viên: Đài Truyền hình Việt Nam, Hiệp hội Truyền hình trả tiền khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, Ủy ban Bản quyền Hàn Quốc, Hãng phim 20 Century Fox, Công ty Số Truyền hình Vệ tinh Việt Nam K+ và Công ty BHD ra đời.
Từ khi thành lập đến nay, Liên minh đã phát động một chiến dịch lớn nhằm bảo vệ nội dung sở hữu và quyền lợi của mình. Đồng thời kêu gọi các chủ sở hữu quyền, các doanh nghiệp nhãn hàng, nhà sản xuất, người sáng tạo nghệ thuật, cơ quan quản lý Nhà nước và cả cộng đồng tăng cường nâng cao ý thức về bản quyền, có những hành động thiết thực thu hẹp lợi ích của các trang web "bẩn", hướng đến môi trường giải trí online lành mạnh, an toàn.
Chiến dịch gồm nhiều hoạt động, hội thảo, tọa đàm... trên cả nước. Mới đây nhất là Hội thảo "Môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh, an toàn - Giải trí sạch" do Liên minh Các chủ sở hữu quyền và Hội Sở hữu Trí tuệ TP Hồ Chí Minh tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Thông qua Hội thảo, các thành viên trong Liên minh mong muốn các doanh nghiệp uy tín khi mua quảng cáo trên trang web nên thông qua công ty quảng cáo và quan tâm kỹ để không quảng cáo nhầm trên web lậu. Bởi quảng cáo được ví như nguồn oxy để web lậu sinh tồn.
Không những vậy, bản thân chính nhãn hàng sẽ bị ảnh hưởng uy tín ít nhiều vì bị xuất hiện cạnh các quảng cáo về cờ bạc, quảng cáo đen, các sản phẩm không rõ nguồn gốc… Mất quảng cáo chính hãng, web lậu mất đến 61% doanh thu. Những cách làm hay ở các nước trên thế giới cũng đáng được học hỏi. Chẳng hạn đầu năm 2015, Australia đã sửa đổi Luật Bản quyền trong đó nhấn mạnh đến việc cho phép chủ sở hữu bản quyền áp dụng chế tài chống lại các nhà cung cấp dịch vụ vi phạm trên mạng.
Dù biết mọi thứ mới bắt đầu, cuộc chiến nói "không" với web lậu vẫn còn lắm gian nan và thử thách nhưng sự hoạt động bền bỉ, ráo riết của Liên minh Các chủ sở hữu quyền đang được nhiều người kỳ vọng.