Liên hoan phim Cannes 2017: Chiến thắng hi hữu thuộc về phim hài
Chiến thắng hiếm hoi của dòng phim hài
Phim hài đen "The Square" của đạo diễn Ruben Ostlund người Thụy Điển đã vượt qua các ứng viên nặng ký như "Wonderstruck","The Beguiled" hay "The Killing of a Sacred Deer" để đoạt giải thưởng cao nhất Cannes là giải Cành Cọ Vàng.
Chiến thắng của bộ phim gây ngạc nhiên không chỉ đối với đoàn làm phim này mà còn cả với đông đảo những người hoạt động trong bộ môn nghệ thuật thứ 7, bởi lẽ hầu hết các nhà đặt cược đều không đánh giá "The Square" là tác phẩm "đủ đô" để có thể đoạt giải Cành Cọ Vàng.
"The Square" là sự hợp tác của 4 nền điện ảnh Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ và Pháp. Với nội dung xoay quanh Claes Bang - một quản lý viện bảo tàng - đang đứng trước nhiệm vụ phải thực hiện một không gian triển lãm sắp đặt để mang đến cho người xem một trải nghiệm mang tính biểu tượng.
Ý tưởng của triển lãm nghệ thuật này là một "hình vuông", trong đó du khách có thể kể về bất cứ sự trác táng, trụy lạc nào mà họ muốn một lần được thực hiện trong đời, và điều này sẽ không bị bất cứ luật định nào phán xét. Cuộc sống vốn được "chăm chút" cẩn thận của anh và không khí vốn yên bình trong bảo tàng bị đảo lộn sau khi anh thuê một công ty PR để quảng bá cho cuộc triển lãm. Hàng loạt diễn biến bất ngờ đã khiến mọi thứ rối tung lên và khiến cho công chúng giận dữ.
Đạo diễn Sofia Coppola (người thứ hai từ phải sang) cùng dàn diễn viên phim "The Beguiled" (Nguồn: Getty Images) |
Bộ phim hài mang nội dung châm biếm sâu sắc về ranh giới giữa chính trị, tự do về nghệ thuật và tự do ngôn luận này đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ Ban giám khảo Cannes 2017. Trưởng Ban giám khảo - nhà làm phim gạo cội người Tây Ban Nha Pedro Almodovar - ca ngợi bộ phim "nêu lên được những vấn đề chính trị hiện hữu", trong khi thành viên giám khảo là nữ diễn viên kiêm nhà làm phim Pháp Agnes Jaoui nhận định đây là một tác phẩm "hài hước, thâm thúy và đề cập tới nhiều vấn đề quan trọng".
Sự tái xuất ngoạn mục của nữ đạo diễn Sofia Coppola
Được đánh giá là ứng cử viên nặng ký cho giải Cành Cọ Vàng nhưng "The Beguiled" lại chỉ mang về cho Sofia Coppola - con gái nhà làm phim huyền thoại Frank Coppola - giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Tác phẩm được xem là một dấu ấn quyết định trong sự nghiệp của nữ đạo diễn người Mỹ 46 tuổi, và đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng của chị.
Với "The Beguiled, Sofia Coppola đã có một màn tái xuất ngoạn mục và trở thành nữ đạo diễn thứ hai giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất trong 70 năm lịch sử của LHP Cannes, sau nhà làm phim Xô Viết Yuliya Ippolitovna Solntseva với tác phẩm "The Chronicle of Flaming Years" hồi năm 1961.
"The beguiled" được làm lại từ bộ phim gốc đậm mùi "nam tính" ra mắt năm 1971 của đạo diễn Don Siegel với diễn xuất của ngôi sao phim cao bồi Clint Eastwood. Dưới góc nhìn của Sofia Coppola, bộ phim mang màu sắc nữ quyền rõ rệt khi biến câu chuyện xảy ra trong thời kỳ nội chiến Mỹ này trở thành một tác phẩm kể về cuộc báo thù của những người đàn bà, khi một tay cựu binh bị thương được họ cứu sống trở thành nguồn cơn và mầm mống của tai họa.
Sự xuất hiện của anh lính do Collin Farell thủ vai đã khiến tất cả nhóm phụ nữ, nữ sinh trong trường rơi vào vòng xoáy của tình ái và dục vọng. Phim lấy bối cảnh tại vùng Virginia, Mỹ. Một lần nữa, Nicole Kidman lại thể hiện khả năng diễn xuất siêu hạng khi hóa thân thành một người phụ nữ bị giằng xé giữa ham muốn, ghen tuông và bản năng của người mẹ.
Ở Việt Nam, "The Beguiled" dự kiến ra rạp vào ngày 14-7 dưới tựa đề "Những kẻ khát tình".
Vinh danh các tác phẩm mang màu sắc xã hội
Nước chủ nhà Pháp có tới 5 bộ phim tranh giải Cành Cọ Vàng, trong đó có bộ phim mở màn LHP là "Ismael's Ghosts" của đạo diễn Arnaud Desplechin, 2 bộ phim chân dung về 2 nghệ sĩ lớn của Pháp là "Rodin" của đạo diễn Jacques Doillon và "Redoutable" của đạo diễn Michel Hazanavicius. Đáng tiếc là cả hai phim về nhà điêu khắc Rodin lẫn đạo diễn huyền thoại Jean-Luc Godard đều bị giới phê bình chê là "nhạt nhẽo" và "thiếu đam mê".
Mặc dù vậy, tác phẩm chính kịch mang đề tài AIDS "120 Beats Per Minute" của đạo diễn Robin Campillo vẫn mang về thắng lợi cho nước chủ nhà khi đoạt giải Grand Prize (tương đương với giải Cành Cọ Bạc). Nội dung phim xoáy đến các nhóm nhà hoạt động ACT UP ở Paris trong thời kỳ khủng hoảng đại dịch AIDS trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Phim đã nhận được nhiều lời ca ngợi với cốt truyện kể lại thời kỳ đầy đau đớn và tinh thần đoàn kết đang gia tăng trong cộng đồng người đồng tính.
Tạp chí Vanity Fair nhận định phim là "tác phẩm kinh điển mới quan trọng mang đề tài về đồng tính". Trước đó, đạo diễn Robin Campillo đã từng giành giải Cành Cọ Vàng tại Cannes 2008 với phim "The Class".
Đứng vị trí thứ ba là "Loveless" của đạo diễn Andry Zvyagintsev với giải Jury Prize (Giải thưởng Ban giám khảo). Câu chuyện kể về cậu con trai bỗng dưng mất tích sau khi nghe tin cha mẹ mình định ly hôn, và là bức tranh phản chiếu xã hội Nga hiện đại với nhiều nỗi ám ảnh.
Trong số những bộ phim giành được nhiều phản hồi tích cực nhất từ đầu LHP tới nay phải kể đến "The killing of a sacred deer", một bộ phim mang hơi hướng kinh dị và siêu thực của đạo diễn người Hy Lạp Yorgos Lanthimos, với màn trình diễn ấn tượng của hai ngôi sao Hollywood Nicole Kidman và Colin Farrell.
Yorgos Lanthimos (43 tuổi) có lẽ là một trong những đạo diễn được chú ý nhất hiện nay của điện ảnh nghệ thuật châu Âu dù anh mới chỉ làm 3 phim. Kịch bản quái dị và khó đoán, thủ pháp nghệ thuật độc đáo và chất "triết học" đậm đặc khiến cả ba bộ phim gần đây của Yorgos luôn mang đến cho giới mộ điệu điện ảnh những tác phẩm để lại nhiều thách thức trong thưởng thức tác phẩm. Không phụ lòng yêu mến của người hâm mộ, "The killing of a sacred deer" đã mang về giải "Kịch bản hay nhất" cho đạo diễn Yorgos.
Điều đáng chú ý là năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử LHP Cannes, có hai tác phẩm cùng được trao một giải. Đội ngũ giám khảo do Pedro Almodóvar cầm trịch đã phá lệ khi cùng trao giải "Kịch bản hay nhất" cho cả hai bộ phim "The killing of a sacred deer" của đạo diễn Yorgos Lanthimos và "You Were Never Really Here" của đạo diễn Lynne Ramsay.
Nội dung phim xoay quanh câu chuyện một cựu chiến binh (Joaquin Phoenix) cố gắng cứu một bé gái người Nga khỏi đường dây buôn người trái phép, nhưng nỗ lực của anh lại dẫn đến những sự kiện không ai ngờ tới. Sức hút của "You Were Never Really Here" còn giúp tài tử Joaquin Phoenix ẵm giải "Nam diễn viên chính xuất sắc", vượt qua "cục cưng" của giới phê bình năm nay tại Cannes là Robert Pattinson.
Giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc" thuộc về nữ diễn viên Diane Kruger với vai diễn một người phụ nữ Đức có con trai và chồng là người Thổ Nhĩ Kỳ bị giết chết trong một cuộc khủng bố bằng bom trong "In the Fade" của đạo diễn Fatih Akin. Phim đề cập đến một loạt vụ giết người từng làm rúng động nước Đức cách đây 6 năm.
Điều đáng ngạc nhiên là tuy cô là người Đức, nhưng đây mới là tác phẩm điện ảnh đầu tiên nữ diễn viên sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ. Trong bài phát biểu nhận giải, người đẹp không quên vinh danh những người đã nỗ lực vượt qua nỗi đau ở ngoài đời thực để tiếp tục sống và không bị lãng quên như nhân vật của mình: "Tôi không thể nhận được giải thưởng này nếu như nó không phải là về bất cứ ai từng bị ảnh hưởng vì hành động khủng bố và những người đang cố gắng nhặt nhạnh từng thứ để tiếp tục sống sau khi đã mất tất cả. Làm ơn hãy nhớ rằng các bạn không bị lãng quên".
Giải thưởng Máy quay vàng (Camera d'Or) cho phim đầu tay được trao cho tác phẩm "Montparnasse Bienvenue" của nữ đạo diễn trẻ Leonor Serraille. Còn "Cành Cọ Vàng dành cho Phim ngắn xuất sắc" gọi tên "A Gentle Night" của đạo diễn người Trung Quốc Qiu Yang.
Tại lễ bế mạc, Ban giám khảo còn đặc biệt trao giải "Cành Cọ Vàng danh dự" nhân dịp kỷ niệm 70 năm LHP Cannes cho "thiên nga" Australia Nicole Kidman. Mặc dù nữ minh tinh không thể có mặt tại lễ trao giải năm nay nhưng việc chị sở hữu tới 4 bộ phim tham gia đường đua giành giải Cành Cọ Vàng 2017 đã là một vinh dự ít ai có được.