Lễ nhậm chức Tổng thống của ông Donald Trump sẽ diễn ra như thế nào?

Thứ Năm, 19/01/2017, 19:30
Ngày 20-1 tới, tỷ phú Donald Trump sẽ chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Được tổ chức tại đồi Capitol với số lượng người tham gia dự kiến từ 2 đến 3 triệu, buổi lễ nhậm chức hoành tráng này được cho là sẽ có nhiều điều chưa từng có trong lịch sử nhậm chức của các đời Tổng thống Mỹ từ trước đến nay.


Trình tự của buổi lễ nhậm chức

12h trưa 20-1 (tức khoảng 12h đêm theo giờ Việt Nam), ông Donald Trump sẽ chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Buổi lễ nhậm chức sẽ được phủ bóng bằng câu khẩu hiệu tranh cử đưa ông Donald Trump đến Nhà Trắng là "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ bắt đầu buổi lễ nhậm chức bằng một lời tuyên thệ. Ông Trump sẽ đặt tay trái lên bản Kinh thánh, đưa bàn tay phải lên trước mặt John Roberts - Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ và tuyên thệ: "Tôi trịnh trọng tuyên thệ hoàn thành đầy đủ các chức trách của Tổng thống Hoa Kỳ, và bằng tất cả khả năng của mình gìn giữ, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ".

Đây là câu mà tất cả các Tổng thống Mỹ đã đọc khi tuyên thệ, từ thời George Washington vào năm 1789. Đặc biệt, ông Trump đã quyết định phá vỡ truyền thống 60 năm qua khi thay thế người xướng ngôn trong lễ nhậm chức tổng thống kể từ năm 1957 tới nay là ông Charles Brotman, 89 tuổi. Ông là xướng ngôn viên trong lễ nhậm chức của 11 đời tổng thống kể từ thời Dwight D. Eisenhower năm 1957. Phát ngôn viên tự do Steve Ray được ông Trump chỉ định là người tiếp nhận công việc này.

Tổng thống đắc cử Donald Trump. (Nguồn: Reuters)

Sau khi tuyên thệ, ông Trump sẽ có bài phát biểu nhậm chức. Sau đó là phần diễu hành của tân Tổng thống và Phó tổng thống trên đại lộ Pennsylvania. Dự kiến khoảng 8.000 người sẽ tham gia vào hoạt động này.

Đoàn diễu hành bao gồm học sinh, các ban nhạc ở trường đại học, khối xe môtô và phân khối lớn, khối cựu binh và các thành viên đang phục vụ trong quân đội, khối hướng đạo sinh và nhiều khối khác. Ngoài ra còn có ba buổi tiệc khiêu vũ được tổ chức sau đó và sự kiện khép lại ba ngày lễ hội là cuộc tuần hành của hàng trăm ngàn phụ nữ Mỹ Women's March vào ngày 21/1 với sự tham gia của Amy Schumer và Scarlett Johansson.

Các cựu Tổng thống Jimmy Carter, Bill Clinton, George W.Bush và Barack Obama cùng các cựu Đệ nhất phu nhân sẽ có mặt tại lễ nhậm chức để chúc mừng Donald Trump. Đối thủ một thời của ông Trump - bà Hillary Clinton cũng sẽ có mặt trong vai trò là phu nhân cựu Tổng thống Bill Clinton.

Tổng thống George H. W. Bush (Bush cha, nay đã 92 tuổi) sẽ không thể tham dự buổi lễ vì lí do sức khỏe. "Thần đồng opera" 16 tuổi Jackie Evancho, cựu thí sinh America's Got Talent sẽ là người nhận vinh dự hát quốc ca cho buổi lễ tuyên thệ của ông Trump.

Chi phí cao nhất trong lịch sử nước Mỹ

Theo Washington Post, buổi lễ dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 200 triệu USD. Đây được xem là mức chi phí cao nhất trong lịch sử nhậm chức tổng thống Mỹ từ trước đến nay. Chi phí cho các buổi lễ nhậm chức trước đó của Tổng thống Obama vào năm 2013 là 170 triệu USD, Tổng thống George W. Bush năm 2005 là 42 triệu USD, Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993 là 33 triệu USD.

Người lên kịch bản cho lễ nhậm chức và cũng là bạn thân của Trump là "nhà tiên tri bất động sản" kiêm tỷ phú Thomas J.Barrack, ông đứng đầu một nhóm những người ủng hộ ông Trump đã quyên góp được 90 triệu USD dành cho các chương trình gala và lễ chúc mừng tại Washington. Số tiền còn lại sẽ do Ủy ban Nhậm chức Tổng thống và chính quyền liên bang chi trả.

Khoản chi phí hoành tráng cho buổi lễ ngày 20/1 sẽ được sử dụng cho các hoạt động như lễ tuyên thệ chính thức tại trụ sở Quốc hội, các buổi tiệc và bữa tối chính thức của tổng thống và phó tổng thống, các sự kiện biểu diễn âm nhạc, lễ diễu hành trên đại lộ Pennsylvania vào buổi chiều, tiệc khiêu vũ và chi phí an ninh, hậu cần.

Trong đó, riêng chi phí đảm bảo an ninh được cho là đã tiêu tốn hết 100 triệu USD. Mặc dù tốn chi phí kỷ lục nhưng theo các chuyên gia, buổi lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump ước tính sẽ mang lại cho thủ đô Washington, D.C. lợi nhuận hàng trăm triệu USD.

Vấn đề an ninh được đặt lên hàng đầu

Càng gần đến ngày 20-1, vấn đề an ninh càng trở nên nhạy cảm bởi lẽ nước Mỹ vừa chứng kiến một vụ xả súng kinh hoàng hôm 7-1. Thêm vào đó là những đe dọa mới về an ninh cũng như những thông tin tình báo không hay về khả năng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tổ chức tấn công khủng bố ở Mỹ.

Khu vực Cánh Tây của điện Capitol đang được gấp rút chuẩn bị (Nguồn: Reuters).

Thượng nghị sĩ Roy Blunt của đảng Cộng hòa, người đứng đầu Uỷ ban của Quốc hội chịu trách nhiệm lập kế hoạch cho lễ nhậm chức đã nói: "Cộng đồng tình báo xác định đang có nhiều mối đe dọa tại lễ nhậm chức này hơn bất cứ lễ nhậm chức nào khác và mối đe dọa đến từ nhiều hướng hơn hẳn so với trước kia". Theo một nhân viên cấp cao của FBI, kế hoạch an ninh không chỉ bao gồm lễ nhậm chức mà còn cả một tuần ăn mừng sự kiện của tân Tổng thống, vì vậy từ tháng 11 năm ngoái, nhiều phương án an ninh khác nhau đã được tính đến.

Đến nay, giới chức Mỹ đã thống nhất là có 30 cơ quan hành pháp, tình báo và quân đội được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho Tổng thống mới cũng như hàng ngàn quan khách tham dự sự kiện. Khoảng 3.000 cảnh sát và 8.000 cảnh vệ quốc gia được huy động để làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự đám đông và kiểm soát giao thông ở thủ đô Washington D.C và tuần tra khu vực đồi Capitol, tượng đài và các khu vực khác trong thủ đô.

Sở cảnh sát Washington đã phối hợp cùng Cục Công viên quốc gia và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) nhằm theo dõi, nghiên cứu các nguy cơ an ninh và khủng bố. Đó là chưa kể đến con số 5.000 quân nhân khác được triển khai ở các chốt kiểm soát di động.

Một phần lý do cũng đến từ việc có rất nhiều tổ chức và người dân phản đối việc ông Trump trở thành Tổng thống mới của nước Mỹ. Và với số lượng người tham gia vào buổi lễ lên tới 3 triệu người, việc xảy ra biểu tình hay bạo động là chuyện rất có khả năng xảy ra.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Missouri Roy Blunt, Chủ tịch Ủy ban quốc hội về các hoạt động nhậm chức, bày tỏ sự lo ngại của mình khi cho biết chỉ riêng thủ đô Washington đã có thể có tới 750.000 người biểu tình. Một số nhóm biểu tình đang lên kế hoạch biểu tình quy lớn vào ngày ông Trump nhậm chức và đã có được giấy phép tiến hành.

"Chúng tôi đang lên kế hoạch một loạt các hành động trực tiếp, quy mô lớn để làm gián đoạn các hoạt động nhậm chức và bất kỳ hoạt động ăn mừng nào liên quan", nhóm DisruptJ20 cho biết: "Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch làm tê liệt thành phố". Trong khi đó, nhóm RefuseFacism.org đang lên kế hoạch biểu tình quy mô nhỏ tại quảng trường McPherson, cách Nhà Trắng chỉ vài dãy nhà. Các nhà tổ chức hi vọng sự kiện sẽ phát triển thành các cuộc biểu tình quy mô lớn hơn vào những ngày tới.

Một số nghị sĩ đảng Dân chủ không ủng hộ ông Trump

Theo Guardian, ít nhất 23 nghị sĩ đảng Dân chủ, bao gồm cả những nghị sĩ có thời gian công tác lâu nhất tại Quốc hội Mỹ như John Lewis và John Conyers cho biết họ sẽ không tham gia lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 20-1 tới.

"Tôi không xem vị tổng thống đắc cử này là một tổng thống hợp pháp", Hạ nghị sĩ John Lewis nói với NBC. "Tôi nghĩ người Nga đã nhúng tay vào việc giúp cho người đàn ông này (Donald Trump) đắc cử và họ đã giúp sức để phá hoại chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống Hillary Clinton".

Trong khi đó, Hạ nghị sĩ New York Yvette Clarke đã công khai ý định tẩy chay lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Trump sắp tới khi viết trên Twitter: "Chúng tôi sẽ sát cánh bên nhau chống lại ai đó (Donald Trump), người đã phủ nhận tính nhân văn của chúng ta. Khi ông xúc phạm Hạ nghị sĩ John Lewis, nghĩa là ông đang xúc phạm nước Mỹ" kèm theo hashtag tẩy chay Trump.

Về phần mình, Tổng thống đắc cử Trump cũng đã bày tỏ quan điểm của ông sau khi nhận thấy các nghị sĩ không tham gia lễ nhậm chức sắp tới ngày càng nhiều. "Những nghị sĩ Dân chủ tức giận vì có quá nhiều nghị sĩ Dân chủ trong chính quyền của ông Obama bỏ phiếu cho tôi", ông Trump viết trên Twitter hôm 15/1. Đây là một minh chứng rõ rệt cho quá trình chuyển giao quyền lực giữa ông Trump và ông Obama không diễn ra êm thấm như các đời Tổng thống từ trước đến nay.

Thục Anh
.
.