Làn sóng mẫu Tây “đổ bộ” MV Việt

Thứ Hai, 10/10/2016, 08:02
Janice Phương, giành ngôi vị cao nhất của cuộc thi “Thần tượng âm nhạc Việt Nam” 2016 hoàn toàn xứng đáng nhưng cũng có không ít khán giả “lăn tăn” vì “cái mác” người nước ngoài của cô. Thần tượng âm nhạc ngoại, vũ công ngoại và giờ đây là làn sóng mẫu Tây đang đổ bộ trong các MV (music video) Việt. “Làn sóng ngoại” sẽ đáp ứng tiêu chí chất lượng, thời thượng hay chỉ là một trào lưu nhất thời của nhạc Việt?


Trào lưu “thời thượng”

Thời gian gần đây, trước sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, mạng Internet, ca sĩ Việt ít phát hành album như trước kia mà tập trung vào sản xuất những MV mới. Việc đầu tư MV ít tốn kém hơn so với việc sản xuất album và chính vì thế, các ca sĩ có điều kiện để chăm chút cho “đứa con tinh thần” của mình. Một MV thu hút người xem phải hội tụ nhiều yếu tố như ý tưởng độc đáo, mới lạ, bám sát nội dung ca khúc, cảnh quay đẹp, diễn viên thể hiện tốt…

Hiện nay, một trào lưu rất được ưa chuộng trong sản xuất MV Việt là sử dụng người mẫu nước ngoài. Nhiều người đã phải thốt lên rằng, chưa bao giờ được chứng kiến làn sóng người mẫu Tây đổ bộ vào MV Việt mạnh mẽ đến thế. Một câu hỏi đặt ra: Đây là một tín hiệu vui hay tín hiệu buồn cho nhạc Việt?

Dàn mẫu Tây xinh đẹp trong MV “Chúng ta không thuộc về nhau” của nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP.

MV đình đám nhưng cũng gây nhiều tranh cãi thời gian gần đây - “Chúng ta không thuộc về nhau” của Sơn Tùng M-TP có sự tham gia của dàn người mẫu ngoại rất xinh đẹp. Bốn mẫu Tây “đốt mắt khán giả” xuất hiện trong MV “Chúng ta không thuộc về nhau” được cư dân mạng “lùng sục” tìm kiếm được “điểm danh”, gồm: Aleksandra (sinh năm 1990, người Ba Lan), Mashaka (sinh năm 2000, người Ukraina), Polina (sinh năm 2000, người Nga) thuộc quản lý của Công ty đào tạo người mẫu Elite Việt Nam và Miranda (sinh năm 1994, người Cuba, hiện đang sinh sống tại Việt Nam) thuộc nhóm người mẫu T.O.F Model.

Đây là lần đầu tiên, chàng ca sĩ gốc Thái Bình hợp tác với mẫu ngoại trong MV. Dàn mẫu Tây là một điểm nhấn quan trọng, góp phần giúp MV “Chúng ta không thuộc về nhau” “xô đổ” mọi kỷ lục trên thị trường nghe nhạc trực tuyến sau khi ra mắt. Được biết, cô người mẫu xinh đẹp Miranda cũng từng tham gia MV “Không chờ đợi” của ca sĩ Văn Mai Hương.

Hồ Ngọc Hà được coi là ca sĩ tiên phong trong việc sử dụng mẫu Tây trong MV của mình. Sự kết hợp của Hồ Ngọc Hà và nam người mẫu điển trai Edward trong MV “Tìm lại giấc mơ” cách đây vài năm đã mang đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc mới từ ý tưởng MV độc đáo, diễn xuất tốt của các diễn viên, trong đó có nam người mẫu Edward. Tiếp sau đó, Edward liên tục xuất hiện trong nhiều MV của Hồ Ngọc Hà như “Yêu thương nhạt nhòa”, Từ ngày anh đi, Hãy nói với em, Nỗi nhớ đầy vơi, Cô đơn giữa cuộc tình…

Ngoài Hồ Ngọc Hà, một số ca sĩ trẻ khác cũng “chuộng” sử dụng mẫu Tây như “công chúa bong bóng” Bảo Thy với MV Single lady và Im sorry babe, ca sĩ trẻ Erik với Sau tất cả. Ca sĩ Tóc Tiên còn “cao tay” mời cả hai người mẫu đình đám bước ra từ cuộc thi “American Next top model” là Nyle Dimacro và Mame Adjei tham gia diễn xuất trong MV được đánh giá là “bỏng mắt” – Big girls dont cry.

Sản phẩm âm nhạc mới của Phương Trinh Jolie mang tên I need you cũng có sự xuất hiện của mẫu nam David Mcgee. Mới đây nhất, MV Câu chuyện mùa thu của ca sĩ Ái Phương cũng gây được sự chú ý với khán giả nhờ cảnh quay đẹp, lãng mạn bên bờ biển Nha Trang cùng người mẫu ngoại quốc Sebastian.

Chỉ là trào lưu nên sẽ qua nhanh?

Đánh giá một cách công bằng thì những MV sử dụng người mẫu nước ngoài khá thu hút khán giả Việt. Ưu điểm của dàn người mẫu ngoại là hình thể đẹp, ăn hình, khả năng diễn cũng rất “ổn”. Chính những người mẫu ngoại đã góp phần làm cho thị trường MV Việt trở nên phong phú, sinh động và đa dạng hơn.

Nếu bỏ qua phần âm thanh và lời ca khúc, có lẽ rất khó để phân biệt MV Việt với MV của các ca sĩ nước ngoài. Xét ở một góc độ nào đó, sự “góp mặt” của người mẫu ngoại là “cây cầu” để nhạc Việt bắt nhịp gần hơn với thị trường nhạc trẻ quốc tế.

Tuy nhiên, cảm nhận chung của nhiều khán giả là các ca sĩ Việt đang “tận khai thác” yếu tố bên ngoài của các mẫu Tây trong MV của mình. Dường như nam người mẫu trong các MV, dù nhiều, dù ít đều có cảnh “không mặc áo” hay thể hiện cảnh nóng bỏng với ca sĩ.

Điều này có thể thấy rất rõ trong một số MV được gắn mác 16+, 18+ “trình làng” thời gian gần đây như MV mang thông điệp về nữ quyền và sức mạnh của phụ nữ Big Girls dont cry, MV Tell me why của Tóc Tiên, MV Chuyện đó đâu ai ngờ của ca sĩ Ưng Hoàng Phúc, Destiny của Hồ Ngọc Hà…

Dàn trai đẹp “sáu múi” trong MV “Keep me in love” của ca sỹ Hồ Ngọc Hà.

Đình đám nhất thời gian gần đây phải kể đến MV Keep me in love của “nữ hoàng giải trí” Hồ Ngọc Hà. Việc nữ ca sĩ này tổ chức hẳn buổi casting để chọn ra dàn “trai đẹp” gồm 16 người mẫu cả ta, cả tây cho MV của mình gây sự chú ý của khán giả và giới truyền thông. Phát huy lợi thế hình thể của người mẫu không phải là điều xấu nhưng rõ ràng, việc lạm dụng thái quá vấn đề này, nhất là khi nó không liên quan nhiều đến nội dung ca khúc có khi lại phản tác dụng.

Có ý kiến cho rằng, sử dụng mẫu Tây trong MV là biểu hiện của hiện tượng “sính ngoại”, thậm chí là “chơi trội” của một số ca sĩ Việt. Tuy nhiên, điều gì cũng có tính hai mặt của nó. Sự mới mẻ, trẻ trung, chuyên nghiệp của mẫu ngoại là điều rất đáng ghi nhận nhưng điều quan trọng là sự xuất hiện đó phải phù hợp với nội dung của ca khúc, không phải đơn thuần chỉ để “đánh” vào sự tò mò, hiếu kỳ của khán giả.

Sự xuất hiện của mẫu Tây trong MV Việt phải chăng cũng chỉ là một trào lưu thời thượng nhất thời? Đã là trào lưu thì sớm hay muộn cũng sẽ bị thay thế bởi một trào lưu khác hợp thời hơn.

Một vấn đề nữa cũng rất đáng suy ngẫm là sự xuất hiện của rất nhiều nghệ sỹ nước ngoài trên sân khấu Việt. Việc Janice Phương, cô gái người Philippines đăng quang “Thần tượng âm nhạc Việt Nam” 2016, trở thành người nước ngoài đầu tiên giành ngôi vị cao nhất của cuộc thi vẫn gây nên những luồng dư luận trái chiều.

Không ít người lên tiếng nói rằng, sự phán xét về “gốc gác” hay giữ quan điểm thần tượng nhạc Việt phải là người Việt đã lỗi thời và không còn phù hợp với xu thế quốc tế hóa hiện nay. Trong đêm chung kết xếp hạng cuộc thi, khi nhận xét về phần trình diễn ca khúc Hello Việt Nam của Janice Phương, giám khảo Thu Minh đã nhận xét, đại ý rằng, dù Janice Phương không phải người Việt Nam nhưng trái tim cô đã thuộc về Việt Nam.

Có lẽ, Thu Minh nói vậy để cho khán giả thấy, điều quan trọng của một thần tượng nhạc Việt không phải ở chỗ có phải người Việt hay không mà là trái tim yêu Việt Nam, yêu âm nhạc Việt Nam. Xét về chuyên môn, luật chơi của cuộc thi thì Janice Phương xứng đáng với ngôi vị này nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn mong có một thần tượng âm nhạc “thuần Việt” hay chí ít là cũng có “nhiều chất Việt” hơn thế.

Nhìn sang sân khấu múa, dàn diễn viên Tây trên nhiều sân chơi như “Bước nhảy hoàn vũ”, “Thử thách cùng bước nhảy”, “độc quyền” múa minh họa trong “Thần tượng Bolero”… Tài năng của các diễn viên ngoại là điều không thể phủ nhận nhưng nhiều khán giả vẫn cảm thấy chưa quen mắt khi chứng kiến diễn viên múa Tây lúng túng hay gương mặt thiếu biểu cảm khi minh họa cho những ca khúc mang âm hưởng dân gian hay dân tộc Việt Nam. Có khán giả lên tiếng cho rằng, “chương trình Việt nhưng mang hồn cốt nước ngoài” là thế.

Trong bối cảnh nhạc Việt bị đánh giá là “vàng, thau lẫn lộn”, ca sĩ, nhạc sĩ trẻ Việt bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ âm nhạc, thời trang, phong cách biểu diễn của ca sĩ, nhạc sĩ, nhóm nhạc nước ngoài, thêm vào đó là trào lưu “sính ngoại”… liệu có làm ảnh hưởng đến bản sắc của nhạc Việt?. Câu trả lời có lẽ vẫn là một câu chuyện dài ở phía trước và nỗi lo ngại này không phải là không có cơ sở.

Tường Phạm
.
.