Làm sao để học sinh không chán học môn lịch sử?
Học sử để thêm yêu đất nước
Nguyễn Thế Hùng
Để xảy ra tình trạng trên, về phía nhà trường, một trong những nguyên nhân là do giáo trình và phương pháp dạy môn lịch sử của đội ngũ giáo viên nói chung chưa tốt, chủ yếu bắt học sinh học thuộc lòng nhiều sự kiện, nhiều con số khô cứng…
Còn về phía phụ huynh và học sinh, đa số xem nhẹ môn học này, họ chỉ đầu tư vào học toán, lý, hóa, tiếng Anh, tin học… để dễ chọn ngành nghề, trường đại học, có tương lai, cơ hội việc làm… tốt hơn. Qua đó, không ít ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần có một tổ nghiên cứu để lý giải tại sao môn lịch sử luôn là môn học tạo cho học sinh sự “chán chường” và “sợ hãi” nhất so với các môn học khác.
Vậy có phải là học sinh ngày nay do nhiều nguyên nhân mà thờ ơ với lịch sử dân tộc không? Không hẳn thế, vì trong thực tế, có rất nhiều bạn trẻ ngày nay thuộc lịch sử và các sự kiện lịch sử của Trung Quốc nhiều hơn lịch sử nước nhà.
Điều này có thể dễ dàng lý giải vì chắc chắn một điều rằng, các bạn học sinh đó không có mấy người đọc những bộ sử của Trung Quốc. Khi được hỏi thì đa số các bạn đều thú nhận biết sử Trung Quốc qua các bộ phim về lịch sử, dã sử của họ.
Một cảnh trong phim “Vượt qua bến Thượng Hải”. |
Như chúng ta đã biết, rất nhiều bộ phim lịch sử của Trung Quốc có chủ ý xây dựng làm sao để làm nổi bật lên được một cách rõ nhất “Tinh thần và hồn cốt Trung Hoa”. Những bộ phim lịch sử hay của họ thường là phim lịch sử - dã sử. Có nghĩa là từ những sự kiện lịch sử có thật, nhưng sự thật đó nhiều khi chưa đến 30% bộ phim, những nhà làm phim đã hư cấu nghệ thuật lên đến 70%.
Tất nhiên là họ vẫn giữ được những con người và sự kiện là những cột mốc quan trọng của giai đoạn lịch sử đó. Chính phần hư cấu nghệ thuật đó đã làm nổi bật lên được tinh thần Trung Hoa và tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với người xem. Xét cho đến cùng thì mục đích của môn học lịch sử là thầy cô giáo truyền cho học sinh tinh thần dân tộc, cái hồn của núi sông, lòng biết ơn với tổ tiên, tự hào với truyền thống và yêu đất nước mình hơn.
Để đạt được mục đích đó, song song với nhà trường, các nhà làm phim, bằng tài năng của ê kíp làm phim, từ tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên… tái hiện được những giai đoạn lịch sử, nhân vật lịch sử mang đậm hồn cốt dân tộc, từ phục trang, lời ăn tiếng nói, điệu đi dáng đứng và những hành xử…
Qua những bộ phim đó, giai đoạn lịch sử đó, những nhân vật lịch sử đó đã khắc sâu và đọng lại ở người xem, đến một lúc nào đó, người xem sẽ “đóng đinh” nhân vật lịch sử trên phim với nhân vật lịch sử ngoài đời.
Để làm được điều đó thì nhà trường bắt buộc phải thay đổi giáo trình, đừng bắt học sinh phải học thuộc những số liệu khô khan, diễn biến dài dòng của những trận đánh, những chiến dịch… và nhà làm phim, việc đầu tiên là phải có phân kỳ lịch sử để chọn lựa phương pháp sáng tác. Chúng ta có thể lấy mốc tháng 8 năm 1858, quân viễn chinh Pháp cùng Tây Ban Nha đổ bộ tấn công vào cảng Đà Nẵng và sau đó rút vào xâm chiếm Sài Gòn.
Tháng 6 năm 1862, vua Tự Đức ký hiệp ước Nhâm Tuất, nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp trở về trước gọi là lịch sử - cổ trang. Làm phim về thời kỳ này, chúng ta có thể đưa tỷ lệ hư cấu nghệ thuật vào được nhiều hơn nhưng vẫn phải giữ được những sự kiện, những con người, những cột mốc quan trọng của các thời kỳ lịch sử.
Vì về thời kỳ lịch sử này, chúng ta không còn giữ được nhiều tài liệu, thư tịch, tác phẩm văn chương… nên muốn làm phim hấp dẫn thì buộc phải có tỷ lệ hư cấu nghệ thuật cao, trình độ diễn xuất giỏi của diễn viên, tầm nhìn bao quát và tài năng của đạo diễn.
Thời kỳ thứ hai là từ năm 1858 đến năm 1945 và thời kỳ thứ ba là từ năm 1945 đến nay. Hai thời kỳ này còn có nhiều tư liệu lịch sử, văn học, nghệ thuật, nên việc dựng phim sát với diễn biến lịch sử dễ dàng hơn, nhưng dù muốn dù không cũng phải chú ý đến tỷ lệ hư cấu nghệ thuật sao cho phim đạt được đến độ hấp dẫn người xem, nhưng không làm sai lệch lịch sử.
Thực tế, nếu chúng ta có những nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên giỏi, cộng với sự quan tâm của nhà nước thì những sự kiện lịch sử như “Loạn 12 sứ quân” thời Đinh Bộ Lĩnh; “Lê Hoàn phá Tống bình Chiêm”; “Nhà Trần ba lần đánh bại quân Nguyên Mông”; “Lê Lợi chiến thắng giặc Minh”; “Trịnh Nguyễn phân tranh”; “Quang Trung đại phá quân Thanh”… đều có thể xây dựng được những bộ phim lịch sử, dã sử hay và hấp dẫn không kém gì những sự kiện lịch sử và phim lịch sử của Trung Quốc. Nếu chúng ta làm được điều đó, tin rằng một ngày không xa: “Dân ta đều biết sử ta” và môn lịch sử thực sự là môn học được đón đợi nhất của các em học sinh.
Nhà văn, đạo diễn Nguyễn Trọng Văn, nguyên Trưởng ban Văn nghệ, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội: Khâu liên hệ giữa các ngành văn hóa nghệ thuật còn khá lỏng lẻo
Cũng phải nói thật rằng, “kiến thức về lịch sử” của chúng ta (tôi nhấn mạnh) còn rất hạn chế. “Vòng xoáy kim tiền” tức là chuyện học gì? Học để làm gì? Luôn luôn tồn tại một suy nghĩ là “Học những môn học, những ngành học dễ kiếm tiền, dễ xin việc”. Vậy thế là “không thành chủ trương” nhưng nhiều bậc cha mẹ, nhiều học sinh đổ xô vào những môn học dạng “thuận cho kinh tế”. Ý thức học môn lịch sử chỉ là để đủ tốt nghiệp đã khiến học sinh học cho xong việc, học cho kỳ thi tốt nghiệp mà thôi.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khuyên “Dân ta phải biết sử ta”, dường như Bác đã “linh cảm” thấy sự thật hiện nay? (tôi giả thiết).
Về cách dạy môn lịch sử, tôi xin phép không động đến chuyên môn sư phạm, tôi thấy dường như chúng ta chưa để ý đến việc hình thành ý thức “nghe sử, nhớ sử” cho các em học sinh? Nhẽ ra ngay từ lớp mẫu giáo, việc giáo dục “ý thức nghe sử, nhớ sử” đã phải được tiến hành thông qua những câu chuyện về lịch sử ngắn gọn và hợp với tâm lý trẻ em.
Ví dụ như: Kể và cùng các em chơi những trò chơi đơn giản, chẳng hạn sau khi kể về sự tích Vua Hùng xong thì cô trò cùng chơi trò chơi nào đó, giả như trò chơi nhặt đủ 100 quả trứng (trứng giả thôi) cho vào giỏ. Cứ thế đến từng lớp tiếp theo.
Câu chuyện kể về lịch sử sẽ tăng dần cấp độ cho đến khi các em được học sử một cách chính thức và theo hệ thống. Cách dạy và cách học xưa nay thường “xa rời thực tế”, nghĩa là thầy cô đứng trên lớp giảng bài, học sinh nghe và chép. Cách đó khó nhớ lâu. Theo tôi, cho dù là lớp thấp hay lớp cao thì việc dạy sử và học sử rất cần “trực quan sinh động”. Đó có thể là: Trò chơi, diễn kịch, vẽ tranh, kể chuyện, dã ngoại tới các địa danh lịch sử, tham quan bảo tàng và xem phim (bao gồm xem phim tài liệu và phim truyện).
Tôi xin đề cập đến phim lịch sử. Dường như xưa nay ở ta, khâu liên hệ giữa các ngành văn hóa nghệ thuật còn khá lỏng lẻo, nếu không muốn nói là anh làm việc anh, tôi làm việc tôi, chẳng liên quan tới nhau. Chỉ nói về phim thôi đã thấy: Người làm phim thì cứ làm phim. Phim truyện lịch sử chẳng hạn, rất hiếm, ngoại trừ những bộ phim “Nhà nước đặt hàng” ra thì hầu hết mọi người làm phim đều “ngại” làm phim lịch sử. Đơn giản là... tiền đâu? Và cũng đơn giản là “Sợ không có người mua vé tới xem”.
Vấn đề này nếu như “ông Nhà nước” đứng ra “chủ trì” để khâu nối các nhà làm phim với ngành Giáo dục, để hai bên “cùng hợp tác”. Nghĩa là phim sản xuất ra, ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị còn phải (đương nhiên) phục vụ cả nhiệm vụ giáo dục phổ thông.
Theo đó, Nhà nước cần có chủ trương đặt hàng các nhà làm phim “phim hóa” những bài học lịch sử bằng cách lồng ghép vào nội dung của phim, hoặc làm riêng những bộ phim về lịch sử. Thực ra phim về đề tài lịch sử chúng ta cũng đã có một số thành công, nhưng đấy là “sự thành công cá nhân” theo kiểu ngẫu hứng của nhà sản xuất phim mà thôi, chứ hoàn toàn không có dụng ý cho giáo dục.
Và lại cũng có một số phim về đề tài lịch sử lại sa vào hướng “thương mại hóa”, dẫn tới không có tác dụng học tập hay giáo dục. Chúng ta đang thiếu (vắng) những phim truyện lịch sử đúng nghĩa mà vẫn rất nghệ thuật.
Về phim thì có lẽ phim tài liệu đề tài về lịch sử là “dễ” hơn cả, vậy mà phim tài liệu hiện nay có đề tài này cũng rất ít, nếu như không muốn nói là gần như không thấy. Thay vì những bài học “chay” trên lớp, chúng ta nên “trực quan” hơn khi cho học sinh học môn lịch sử. Làm phim tài liệu nhanh hơn và ít tốn kém hơn làm phim truyện nên theo tôi, chúng ta nên tăng cường làm phim tài liệu có đề tài lịch sử.
Có đề tài lịch sử ở đây nên hiểu là những nhà làm phim và nhà giáo dục rất cần “liên kết” với nhau. Thứ nhất là chúng ta có những “bài học lịch sử mắt thấy tai nghe” theo hệ thống giáo trình, giáo khoa lịch sử phổ thông hiện hành và thứ hai là chúng ta có được “đầu ra” cho phim tài liệu đề tài lịch sử. Học sinh được “trực quan” hơn sẽ thấy thú vị, thấy thích thú và thấy nhớ bài học. Nhà trường và nhà sản xuất phim tài liệu phải là một.
Tiếp nữa là “các nhà đầu ra khác”, tức là các đài truyền hình, rạp chiếu phim, câu lạc bộ… cũng nên tăng cường công chiếu phim tài liệu đề tài lịch sử một cách hệ thống theo sát quy trình giáo dục, đây là sự phối hợp vì sự nghiệp trồng người. Và có như thế môn học lịch sử sẽ trở nên hấp dẫn và hiệu quả.
Đạo diễn, diễn viên, NSƯT Trần Quốc Trọng: Điện ảnh Việt Nam chưa bao giờ theo kịp văn học Việt Nam
Có một thời gian, dòng phim được gọi là “phim lịch sử” đã tốn khá nhiều giấy bút trong việc mổ xẻ và phân tích. Xét cho cùng, không cứ riêng điện ảnh Việt Nam, mà điện ảnh thế giới cũng vậy. Mỗi khi có một phim “thuộc dòng phim lịch sử” ra đời là công chúng cũng như các nhà phê bình luôn dõi theo một cách sát sao. Trong bối cảnh và môi trường như vậy, điện ảnh Việt Nam cũng đã và đang cố gắng đưa những tác phẩm mang tính lịch sử lên màn ảnh. Nhưng dường như sự thành công về lĩnh vực này vẫn đang là những con số không đáng buồn.
Đã có không ít người “cưỡng bức lịch sử” áp đặt vào với “cổ trang”. Đó là hai khái niệm riêng biệt. Có chăng chúng có chút na ná nhau vì bên cạnh chúng có cái bóng của lịch sử. Còn đó là cái lịch sử gì lại là một chuyện khác. Vậy để có phim về lịch sử hay, chúng ta cần những yếu tố nào? Ở đây tôi chỉ nói riêng về “đạo diễn và diễn viên”.
Cho dù là ở vị trí đạo diễn hay diễn viên thì điều cần nhất là hiểu rõ giai đoạn lịch sử mà mình đang tái hiện. Và đó phải là chính sử chứ không phải... giả sử. Trên cái phông nền lịch sử đó, người đạo diễn sáng tạo ra những xung đột kịch tính v.v…
Và người diễn viên cần thấu hiểu nhân vật của mình phải chuyển tải thông điệp gì để thực hiện thành công ý đồ của đạo diễn. Còn nói về chữ “đủ” thì xin nói luôn một câu: “Điện ảnh là một trò chơi tốn kém”. Có những đạo diễn làm phim tốn hàng vài chục triệu đô. Nhưng cũng có những đạo diễn làm phim với vài trăm nghìn đô… Và họ đều có những thành công nhất định.
Cũng có người đã đặt câu hỏi: Phải chăng chúng ta chưa có những bộ phim về lịch sử hay là vì chúng ta chưa có những tác phẩm văn học hay xứng tầm với lịch sử? Điều này sai hoàn toàn. Phải nói chính xác hơn là “điện ảnh Việt Nam chưa khi nào theo kịp được với văn học Việt Nam”.
Văn học đã và đang có nhiều tác phẩm lịch sử hay và có giá trị, đã và đang được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Phim Việt Nam cũng đã từng có những tác phẩm về đề tài lịch sử và ít nhiều cũng có những thành công nhất định, nhưng để đạt được dấu ấn mạnh mẽ và gây ấn tượng thì dường như vẫn còn khá xa vời. Bởi hầu hết các tác phẩm về đề tài lịch sử đều do nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ nên vẫn chỉ dừng lại ở “những bản anh hùng ca viết dở”.
Nhà văn Hà Phạm Phú, nguyên Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn: Phải có nền công nghiệp điện ảnh
Khánh Hà (thực hiện)
- Thưa nhà văn Hà Phạm Phú, thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nêu hiện tượng chán học môn lịch sử, và điểm sử của kỳ thi THPT năm nay có đến hơn 70% dưới điểm trung bình. Theo ông đâu là nguyên nhân chính?
+ Lịch sử là những gì đã diễn ra. Nhà sử học không chỉ CHÉP SỬ, mà còn VIẾT SỬ. Phần chép có thể là những sự kiện, những mốc giới, những nhân vật… nói chung là khả tín. Nhưng phần viết sử thì có vấn đề. Đó là do nhà sử học bị định hướng bởi quan điểm học thuật, quan điểm chính trị đương thời, lại do hạn chế về trình độ và kiến văn, đặc biệt là bị ràng buộc bởi ý muốn của nhà cầm quyền, của người trả lương. Vì thế, tôi cho rằng, ngay cái gọi là chính sử cũng phiến diện. Nếu nhìn nhận như thế thì môn sử là môn có sức hấp dẫn, học môn sử là khám phá để tiệm cận đến lịch sử chân thật - lịch sử đích thực.
- Thế thì tại sao học sinh lại chán học môn lịch sử?
+ Đây là một câu hỏi khó, để trả lời phải đề cập đến nhiều vấn đề. Trước hết nói về học sinh. Con người sinh ra, lớn lên, rồi bước vào đời nói chung ai ai cũng đều phải qua cửa trường học. Trường học trang bị cho người ta kiến thức: kiến thức về tự nhiên, về xã hội, về lịch sử. Nhà trường giúp học sinh tự phát hiện ra mình, khơi dậy khả năng sáng tạo và hoàn thiện nhân cách.
Trong nhà trường, lịch sử chỉ là một trong nhiều môn mà học sinh được học tập. Do áp lực về nghề nghiệp kiếm sống thì việc học lệch là không thể tránh khỏi. Nhìn theo con mắt vụ lợi thì toán, lí, hóa… mới quan trọng.
Nhưng những người vụ lợi đâu có biết, môn lịch sử quan trọng đến như thế nào, tôi cho là nó giúp con người có được tầm nhìn thế giới, giúp tìm thấy chỗ đứng không chỉ cho mình mà còn cho cộng đồng, cung cấp cho chiếc thang để đạt đến tầm cao.
- Thế thì phải có nguyên do...
+ Phải có nguyên do chứ! Có thể là do nội dung mà sách giáo khoa hoặc giáo trình cung cấp cho học sinh. Nội dung nếu là một chiều, bị cắt xén, áp đặt, không kích thích được trí tò mò, ham hiểu biết, khao khát sự tìm hiểu sẽ gây cho học sinh chán. Có thể là do người dạy.
Giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức, mà cái chính phải là người giúp đỡ, vun vén khả năng tìm tòi phản biện cho học sinh, truyền cảm hứng, nỗi say mê cho học sinh. Nếu giáo viên không thấy được thiên chức đó, không làm được việc đó, chắc chắn học sinh sẽ thất vọng, sẽ chán học.
Nội dung sách giáo khoa, chương trình đào tạo dính đến triết lí giáo dục, đường lối giáo dục. Người ta kì vọng gì ở lớp học sinh sẽ ra trường ngày mai, các em sẽ trở thành những người chủ sáng tạo, thiết kế ra một cuộc sống hàm chứa được những giá trị phổ cập của nhân loại, hay chỉ là những con ong thợ hoạt động theo chương trình đã được cài đặt sẵn. Cái đó mới là chính, mới là điều quyết định.
- Có một thực tế là nhiều người Việt mình lại biết về lịch sử Trung Quốc nhiều hơn lịch sử nước nhà, phải chăng vì Trung Quốc có một nền điện ảnh tiên tiến và họ làm những bộ phim lịch sử hay?
+ Tôi cho ý kiến đó không hoàn toàn đúng. Lịch sử Trung Quốc mà chúng ta thấy qua điện ảnh và truyền hình là thứ lịch sử được dựng nên bởi các nhà biên kịch và đạo diễn tài năng, có nghề. Điện ảnh với những đại cảnh và kĩ xảo, những nhân vật lịch sử được các diễn viên ngôi sao khắc họa tính cách sinh động có khả năng cuốn hút người xem, đủ sức khiến người xem tiếp nhận.
Người Việt Nam ngày nay có thể kể lại vanh vách các triều đại Trung Quốc, các nhân vật anh hùng hảo hán, rõ ràng là do phim ảnh Trung Quốc mang lại. Đó là thành công của nghệ thuật, nó giúp mở rộng khuếch trương sức mạnh văn hóa của một quốc gia. Nên về mặt nào đó, cũng có thể coi đó như một sự “xâm lăng văn hóa”.
Nhưng tôi xin nhắc lại, lịch sử Trung Quốc mà người xem Việt Nam ngộ nhận là lịch sử được trình bày qua cái nhìn của các nhà “truyền giáo điện ảnh”. Thật sự đó không hoàn toàn là lịch sử Trung Quốc.
Lấy một ví dụ. Chính sử Trung Quốc viết về thời đại từ phong kiến cát cứ lên phong kiến tập quyền, thời nhà Tần, trong “Sử kí của Tư Mã Thiên”, một cuốn chính sử được xem là tin cậy nhất, chỉ vỏn vẹn trên dưới một ngàn từ, nhưng phim ảnh về thời đại mà đứng đầu là Tần Thủy Hoàng có vô số, mỗi phim có một Tần Thủy Hoàng khác nhau, theo hình dung của các nhà làm phim khác nhau.
- Theo ông điều kiện cần và đủ để có một bộ phim lịch sử hay?
+ Có nhiều loại phim làm về đề tài lịch sử. Chẳng hạn, loại phim điện ảnh hóa lịch sử. Loại phim này dựa hoàn toàn vào chính sử, rồi dùng nghệ thuật biên kịch, nghệ thuật dàn dựng… để làm ra bộ phim. Tôi cho đó là thứ điện ảnh minh họa, dù đổ rất nhiều tiền, dù mời các diễn viên ngôi sao thủ vai, cũng không thu hút được người xem. Một loại khác là lịch sử hóa điện ảnh.
Lịch sử ở đây được các nhà làm phim thiết kế nên, trên cơ sở hiểu biết, khám phá và lí giải lịch sử. Nói một cách khác là giải mã lịch sử. Những phim loại này cần phải do những tác giả lớn thực hiện. Tôi nghiêng về khuynh hướng làm phim này.
Lẽ dĩ nhiên, điện ảnh về đề tài lịch sử không đơn thuần chỉ để minh họa hay giải mã đối tượng, mà điện ảnh nhắm tới là người đương thời, vì thế nó phải giải đáp được những khao khát hiểu biết, thậm chí nói thay ước vọng của người xem.
Ngoài những yếu tố như tôi trình bày, để có được bộ phim hay, do nó là một nền công nghiệp giải trí, nên đầu tư phải lớn. Phải có tiền. Điện ảnh Việt Nam phải trở thành một nền công nghiệp điện ảnh.
- Hãng phim Hội Nhà văn đã từng làm những bộ phim nào về đề tài lịch sử? Ông có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn trong việc làm phim lịch sử?
+ Chúng tôi đã làm một số phim tài liệu và điện ảnh về đề tài lịch sử, phim tài liệu “Bác Hồ ở Vân Nam”; “Nguyễn Thái Học”, phim truyện điện ảnh “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”; “Vượt qua bến Thượng Hải”, và phim truyền hình nhiều tập “Ý chí độc lập” (nhân vật chính các phim truyện đều là lãnh tụ Hồ Chí Minh)…
Thuận lợi là những phim này đều làm về thời kì cận đại, tư liệu phong phú, được người xem đón chờ. Nhưng vì nhân vật chính của phim là vị lãnh tụ mà toàn dân kính trọng, nên áp lực về dư luận là rất lớn. Về mặt nghề nghiệp, chúng ta còn lạc hậu nhiều so với điện ảnh châu Á như Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc.
Hơn nữa điện ảnh, xét về bản chất là một nền công nghiệp giải trí, muốn phát triển cần phải có nguồn đầu tư tài chính và một thị trường đủ lớn. Cả hai thứ đó chúng ta đều thiếu. Thêm nữa, muốn nền điện ảnh phát triển, không thể không hợp tác quốc tế. Phim điện ảnh chúng tôi làm có sự hợp tác với Trung Quốc và diễn viên nhiều quốc tịch khác nhau, để thành công không thể không ra sức nâng cao trình độ của mình.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.