Làm mới ca khúc thiếu nhi: Giải pháp chiến lược hay thời thượng?
Những "tấm áo mới" cho ca khúc cũ
Chương trình "Tuổi thơ tôi" đã được khoác một "chiếc áo mới" bằng cách dàn dựng chương trình, hòa âm phối khí hoàn toàn khác so với trước đó. Những ca khúc vốn đã quen thuộc với rất nhiều thế hệ người Việt như "Ngày đầu tiên đi học" (nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện), "Em là hoa hồng nhỏ" (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), "Đi học" (nhạc Bùi Đình Thảo, thơ: Hoàng Minh Chính), "Ông trăng xuống chơi" (nhạc sĩ Phạm Duy), "Em đi giữa biển vàng" (nhạc sĩ Bùi Đình Thảo, thơ Nguyễn Đăng Khoa), "Bụi phấn" (nhạc sĩ Trần Đức), "Cánh én tuổi thơ" (nhạc sĩ Phạm Tuyên), "Đội kèn tí hon" (nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu)… lần lượt xuất hiện trên sân khấu chương trình "Tuổi thơ tôi" với diện mạo mới qua giọng ca của chị Bống - Hồng Nhung, anh Bầu - ca sĩ Bằng Kiều, Quán quân "Giọng hát Việt nhí" Nhật Minh và Ngọc Linh.
Phần trình diễn ca khúc "Chú ếch con" (sáng tác: nhạc sĩ Phan Nhân) của quán quân "Giọng hát Việt nhí" 2016 Nhật Minh nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Màn trình diễn sôi động, được phối trên nền giai điệu nhạc jazz đầy ngẫu hứng.
Màn trình diễn của Nhật Minh khiến người xem liên tưởng đến màn hợp xướng "Chú ếch con" do em Lê Nguyễn Hương Trà và các bạn nhỏ nước ngoài biểu diễn trong cuộc thi "Zecchino d'Oro" được trình chiếu trên Đài truyền hình Italia cách đây vài năm. Khi được đưa lên mạng internet, "Chú ếch con" phiên bản tiếng Italia thu hút sự quan tâm, theo dõi của rất đông khán giả. Sự đầu tư bài bản, nghiêm túc, chuyên nghiệp đã mang đến góc nhìn mới cho một ca khúc đã quen thuộc với trẻ em Việt Nam.
Ngọc Linh và Quán quân "Giọng hát Việt nhí" 2016 Nhật Minh trên sân khấu chương trình "Tuổi thơ tôi". |
Trong chương trình thuần túy âm nhạc, các ca sĩ hát với dàn nhạc, nhóm bè mà không cần đến sự hỗ trợ của dàn múa minh họa hay màn hình trình chiếu lớn phía sau. Sự mộc mạc, không hoa mỹ, giản dị, cuốn hút khán giả bằng chính âm nhạc đã tạo nên thành công của "Tuổi thơ tôi". Đọng lại trong lòng khán giả sau khi tấm màn nhung chương trình khép lại chính là chất lượng của chương trình. Nhiều người nói rằng, kho tàng âm nhạc thiếu nhi Việt Nam là kho tàng vô cùng quý giá mà bấy lâu nay chúng ta quên khai thác, làm mới nói.
Đây không phải là lần đầu tiên, ca khúc thiếu nhi được dàn dựng, hòa âm phối khí theo cách mới. Còn nhớ, chương trình "Giai điệu tự hào", lên sóng VTV1 tháng 6-2015 với chủ đề "Hạt gạo làng ta" cũng từng khiến khán giả lớn tuổi "thổn thức".
Chương trình đã làm "sống lại" ký ức về tuổi thơ trong bối cảnh đất nước khó khăn nhưng ở đó những tâm hồn con trẻ luôn trong sáng, tươi đẹp và đầy hoài bão, ước mơ trong cuộc sống thông qua sáu ca khúc hay trong những năm 1960 - 1970 như "Em yêu trường em", "Chữ đẹp mà nết càng ngoan", "Em đi giữa biển vàng", "Hạt gạo làng ta", "Em đi trong tươi xanh", "Bác Hồ - Người cho em tất cả". Mặc dù là những ca khúc quen thuộc nhưng phần hòa âm phối khí mới mẻ, dàn dựng độc đáo, chương trình đã mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc.
Không phải giải pháp chiến lược
Đây là lần đầu tiên, chuỗi chương trình âm nhạc có uy tín và chất lượng "In the spotlight" tôn vinh ca khúc và nhạc sĩ sáng tác ca khúc cho thiếu nhi. Chương trình là cơ hội để những người lớn được trải nghiệm lại tuổi thơ của mình và chia sẻ những kỷ niệm đó với bạn bè, con cái mình. Nhà sản xuất mong muốn, thông qua chương trình, để lan tỏa thông điệp về giá trị trường tồn qua nhiều thế hệ của vẻ đẹp âm nhạc đích thực, sau chương trình các bậc phụ huynh sẽ cùng nhau xây viên gạch đầu tiên, tạo nên tâm hồn trong sáng cho trẻ bằng những ca khúc tuổi thơ.
Tôi cho rằng, đây là việc làm rất quan trọng và cần thiết trong bối cảnh ca khúc thiếu nhi đang trong tình trạng "bài mới không hay, bài hay không mới". Phải thấy rằng, trẻ em Việt Nam hôm nay vẫn đang hát những ca khúc mà thời ông bà, bố mẹ các em đã từng hát.
Trên sân khấu "Tuổi thơ tôi", khi đề dẫn ca khúc "Đi học", ca sĩ Hồng Nhung chia sẻ rằng, ở nhà hai cháu Tôm và Tép cũng thuộc ca khúc này nhưng các cháu hỏi, "nương là gì" khi hát câu hát "Hôm nay mẹ lên nương/Một mình em tới lớp…". Ca sĩ Hồng Nhung muốn nói đến sức sống của các ca khúc hay sẽ mãi trường tồn qua thời gian, được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tuy nhiên, điều này còn cho thấy, sự thiếu vắng những ca khúc thiếu nhi phản ánh hơi thở, cuộc sống mới, phù hợp với trẻ em thời hiện đại.
Có ý kiến cho rằng, nhạc thiếu nhi Việt không đủ sức hấp dẫn trẻ em vì âm nhạc đơn giản và thiếu hơi thở cuộc sống mới. Điều này lý giải vì sao các đơn vị sản xuất băng đĩa nhạc, chương trình gameshow, truyền hình thực tế cho trẻ em dường như thiếu vắng các ca khúc thiếu nhi. Trẻ em hát ca khúc người lớn đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".
Nhóm Oplus biểu diễn ca khúc "Em đi giữa biển vàng" trong chương trình "Giai điệu tự hào" tháng 6-2015 với chủ đề "Hạt gạo làng ta". |
Một số chương trình đình đám lên sóng truyền hình thời gian gần đây như "Thần tượng âm nhạc nhí", "Giọng hát Việt nhí", "Gương mặt thân quen nhí", "Tuyện đỉnh song ca nhí"… cũng khó tìm thấy ca khúc thiếu nhi đúng nghĩa. Trong chương trình "Tuổi thơ tôi", nhạc sĩ Bằng Kiều cũng nói với quán quân Nhật Minh rằng, phải ngày càng cố gắng, "hát nhạc người lớn thì hay rồi, chú ý hát nhạc trẻ con nhiều nhiều tí".
Tình trạng khan hiếm ca khúc thiếu nhi hay là thực tế không thể phủ nhận. Sự khan hiếm này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Đó có thể là do thế hệ nhạc sĩ tâm huyết với việc sáng tác ca khúc cho thiếu nhi đã có tuổi, khả năng nắm bắt tâm tư, tình cảm của trẻ em trong thời đại mới hạn chế. Trong khi đó, đa phần nhạc sĩ trẻ lại không mặn mà với ca khúc cho thiếu nhi.
Nhiều nhạc sĩ trẻ cho rằng, sáng tác ca khúc cho thiếu nhi "mạo hiểm như đi trên dây" vì sáng tác khó mà khả năng tạo "hit" gần như là con số "không" tròn trĩnh. Những cuộc thi sáng tác ca khúc cho thiếu nhi cũng đã được tổ chức nhưng dường như "anh tài" chưa lộ diện và ca khúc đạt giải cũng không có sức lan tỏa trong cộng đồng khi cuộc thi kết thúc.
Trả lời trên các phương tiện truyền thông, bà Mỹ Trang, đạo diễn chương trình "Tuổi thơ tôi" nói đại ý rằng, chúng ta có kho tàng ca khúc thiếu nhi hơn một nghìn bài. Chỉ cần chọn trong số đó cũng đủ dàng dựng cho hàng trăm chương trình. Vấn đề nằm ở chỗ phải làm thế nào để những ca khúc thiếu nhi xưa gần gũi với thời đại các em đang sống, bắt kịp được xu hướng âm nhạc hiện đại để không chỉ các em thiếu nhi mà cả khán giả người lớn cũng yêu thích.
Theo các nhà sản xuất âm nhạc, việc làm mới các ca khúc thiếu nhi là bài toán không đơn giản vì hầu hết lời ca khúc rất ngắn, khó dàn dựng thành tiết mục trình diễn hoành tráng. "Khó" nhưng điều đó không có nghĩa là "không thể" và sự thành công của "Tuổi thơ tôi" là một minh chứng. Điều quan trọng là cần đến những nhà sản xuất cần có "tâm" và "đau đáu" vì sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam nói chung, âm nhạc thiếu nhi nói riêng.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, việc làm mới ca khúc nhạc thiếu nhi cũ là điều nên làm và cần làm nhưng đó không phải là giải pháp chiến lược để phát triển âm nhạc thiếu nhi. Vẫn cần có những ca khúc mới phản ánh hơi thở, cuộc sống của trẻ em trong thời đại mới có sức lan tỏa, có sức sống với thời gian. Thiết nghĩ, thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác ca khúc, khuyến khích nhạc sĩ trẻ viết ca khúc thiếu nhi là việc làm cần được chú trọng trong tình hình hiện nay.