Lại nóng chuyện “MC tay ngang” trong showbiz Việt

Thứ Sáu, 25/01/2019, 09:15
Cùng với sự nở rộ của các gameshow, chương trình giải trí, sự kiện... nhu cầu về người dẫn chương trình (MC) trong showbiz Việt tăng cao. "Có cầu ắt có cung", làn sóng ca sĩ, diễn viên, người mẫu lấn sân làm MC ngày càng trở nên phổ biến. Không có nhiều nghệ sĩ thành công với vai trò của một MC và tất nhiên, đúng như quy luật phát triển của xã hội, cái gì không hợp lý thì không thể tồn tại.


Những tình huống… "khó đỡ"

Đêm chung kết "The Face" 2018 đã khép lại gần một tháng nhưng dư âm về chương trình, nhất là "sạn" từ host (người dẫn chính) Nam Trung vẫn được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông. Nam Trung là gương mặt quen thuộc trong các chương trình về thời trang, nhưng với những gì mà anh thể hiện trong đêm chung kết "The Face" 2018 vừa qua khiến khán giả cảm thấy thất vọng.

Anh nói "quá dài, quá dai", liên tục đặt câu hỏi cho thí sinh, huấn luyện viên và giám khảo khiến chương trình lê thê, buộc VTV phải cắt sóng giữa chừng. Khán giả "ném đá" dữ dội chương trình và Nam Trung vì sự cố này mà họ không được xem đoạn công bố quán quân của "The Face" 2018.

Trước phản ứng của dư luận, Nam Trung nói đại ý rằng, khi nghe sóng truyền hình bị cắt, anh cảm thấy như sét đánh ngang tai và biết chắc thế nào cũng bị nói ra nói vào. Bản thân anh cũng rất mệt và không muốn nói nhiều. Mọi người không tham gia sản xuất nên không biết chuyện gì đang xảy ra. Một chương trình trực tiếp gồm rất nhiều tiết mục nhỏ mà khi gộp lại rất dễ bị hư sóng.

Phản ứng của Nam Trung không nhận được sự ủng hộ của nhiều khán giả. Họ cho rằng, đó chỉ là biện minh cho sự yếu kém của một "MC tay ngang". Bên cạnh đó là một nghệ sĩ đã có chỗ đứng trong showbiz, Nam Trung hiểu quá rõ những đòi hỏi khắt khe của một chương trình lên sóng trực tiếp và nếu thấy mình không đủ khả năng, anh không nên "liều mình" dấn thân vào thử thách này.

Hari won là một trong những ca sĩ đắt show MC hàng đầu showbiz Việt hiện nay. Mật độ phủ sóng của nghệ sĩ này khá dày đặc trong các gameshow trên các đài truyền hình từ Trung ương đến địa phương đang lên sóng thời điểm này. Thú thực, tôi không lý giải được vì sao Hari won lại đắt show MC đến vậy. Nếu MC cần đến sự hoạt ngôn, khả năng ứng biến thì Hari won không nổi trội về yếu tố này. So với người nước ngoài, cô giỏi tiếng Việt nhưng vốn từ đó không thể so sánh với các MC "thuần Việt".

Hari won (bên trái) liên tục khiến khán giả bật cười vì những câu nói ngô nghê, sai ngữ pháp nghiêm trọng.

Phải chăng, các nhà sản xuất muốn tìm kiếm một gương mặt MC lạ và những câu nói có phần "ngô nghê" của một người nước ngoài nói tiếng Việt sẽ làm tăng tính giải trí, tạo nên tình huống hài hước cho chương trình?

Nhiều chương trình giải trí mà Hari won dẫn, khi cô đọc câu hỏi, người chơi như rơi vào ma trận vì không hiểu cô đọc nội dung gì khiến người dẫn cùng phải "đính chính" hoặc giải thích thêm. Có lần, Hari won khiến khán giả bật cười với những câu dẫn ngây ngô, sai ngữ pháp trầm trọng kiểu như: "Trái tim em đang đập rất là nhiều, bản thân em đang rất là nóng", "Chết chưa các bạn, Hari sắp xỉu rồi…". Cũng có thể, Hari won, được biết đến là "bà xã" của MC Trấn Thành - một nghệ sĩ đa năng có lượng fan đông đảo nhất showbiz hiện nay sẽ gây tò mò với khán giả.

Lễ trao Giải Quả bóng Vàng 2018 "mất điểm" cũng vì lỗi của MC. "Cầm trịch" chương trình này là MC Thiên Vũ và Tường Vy. Phần dẫn của hai MC này dài dòng, không tiết chế cảm xúc. "Bất bình" nhất là khi phỏng vấn khách mời, hai MC cố tình đặt câu hỏi xoáy vào việc chỉ dẫn dự đoán người nhận Quả bóng vàng là Quang Hải.

Ngay cả khi khách mời cố tình lảng tránh đưa ra câu trả lời thì hai MC này vẫn tiếp tục hỏi. Khán giả cho rằng, hai MC "non" về kỹ năng MC, thiếu tôn trọng cầu thủ có mặt tại lễ trao giải. Tường Vy thừa nhận rằng, vì là lần đầu dẫn một chương trình truyền hình trực tiếp nên cô bị áp lực, dẫn đến những "hạt sạn" không đáng có.

Đẹp là lợi thế nhưng MC cần nhiều kỹ năng

Nghệ sĩ lấn sân lĩnh vực MC thì nhiều, nhưng có lẽ, thành công nhất là những nghệ sĩ hài, tiêu biểu như Trấn Thành, Trường Giang, Đại Nghĩa… Thế mạnh của những diễn viên hài chính là sự hoạt ngôn, hài hước, khả năng ứng biến nhanh nhạy trước những tình huống sân khấu.

Đây là lợi thế rất lớn, góp phần tạo hiệu ứng cho các chương trình giải trí. Tuy nhiên, "điểm yếu" của những diễn viên hài khi dẫn chương trình là đôi khi bị bông đùa quá đà, "diễn" quá sâu khiến khán giả cảm thấy ngán ngẩm. Ngay cả Trấn Thành - MC được yêu mến hàng đầu showbiz hiện nay cũng không ít lần "vạ miệng" vì những phát ngôn, nhận xét cảm tính, thậm chí là "quá trớn".

Nhận xét của MC tay ngang Yumi Dương trong liveshow 5, chương trình "Giọng hát Việt" 2013 với câu nói "kinh điển": "xin một tràng pháo tay ủng hộ tinh thần cho các thí sinh cũng như chia sẻ tình cảm cho đồng bào bị cơn bão đi qua" vẫn được nhắc đến như một bài học về MC tay ngang.

Ngoài ra, cũng không khó để điểm danh những phát ngôn quá lố, lối dẫn gượng gạo, kém duyên của dàn MC có xuất thân từ ca sĩ, diễn viên, người mẫu. Sự thiếu chuyên nghiệp của các MC được cho là một trong những nguyên nhân khiến các chương trình giải trí ngày càng kém thu hút khán giả.

MC là người tương tác, dẫn dắt công chúng, có vai trò hết sức quan trọng trong sự thành công của các chương trình. Điều này đòi hỏi ở MC nhiều kỹ năng khác nhau, không chỉ đơn giản là hình thức bên ngoài. Đẹp là một lợi thế nhưng cái quyết định thành công nằm ở tài năng, kỹ năng, kinh nghiệm của người nghệ sĩ. Kỹ năng không phải là yếu tố thiên bẩm có sẵn mà đòi hỏi sự khổ luyện, tích lũy từ những trải nghiệm thực tế của người nghệ sĩ.

Theo các chuyên gia, hiện nay, đội ngũ MC chuyên nghiệp đang thiếu hụt trầm trọng. Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ sự phát triển mạnh mẽ của các chương trình giải trí trên sóng truyền hình.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, khái niệm MC chuyên nghiệp ở đây là nói đến những người hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực MC chứ không phải những người được đào tạo bài bản về lĩnh vực này ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam chưa có trường đào tạo MC chuyên nghiệp mà chỉ có những khóa đào tạo ngắn hạn do các trung tâm hay nhà văn hóa tổ chức.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng MC vẫn là câu hỏi chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng. Thiết nghĩ, để có nguồn MC chất lượng, nhà sản xuất các chương trình phải tuyển chọn, đào tạo MC một cách kỹ lưỡng, không thể chỉ chú trọng đến hình thức, yếu tố lạ, hài hước như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng rất cần đến những chương trình tìm kiếm MC trên truyền hình. Những chương trình như "Cầu Vồng" (VTV6), "Én Vàng" (Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh) đã góp phần tìm kiếm, đào tạo được nhiều gương mặt MC trẻ, tài năng cho showbiz Việt.

MC tay ngang không có gì là đáng phê phán bởi đó là xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển của showbiz. Nghệ sĩ có quyền thử sức ở những lĩnh vực nghệ thuật mới, hướng tới xây dựng hình ảnh nghệ sĩ đa năng để có thể tiếp cận nhiều hơn với công chúng. Đó là điều rất đáng trân trọng. Với mỗi nghệ sĩ, điều cần nhất là phải xác định tâm thế nghiêm túc với nghề nghiệp. Không ngừng học tập, trau dồi kiến thức về mọi mặt để ngày càng hoàn thiện bản thân.

Tất nhiên, theo quy luật tự nhiên của sự phát triển, cái gì không hợp lý thì sớm hay muộn cũng sẽ bị đào thải, thay thế bằng cái mới. Lĩnh vực MC cũng vậy, những MC tay ngang không đáp ứng được đòi hỏi của các chương trình cũng sẽ bị thay thế. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào quy luật đào thải của xã hội thì chúng ta còn phải nhiều lần nhắc đến khái niệm "thảm họa MC" trong thời gian tới.

Phạm Thiên Giang
.
.