Lại lo khi gameshow nhí vào mùa…
- "Thần Tượng Âm Nhac Nhí" bị chê "quá đà", giám khảo Tóc Tiên lên tiếng
- Cậu bé nghèo Tiền Giang thành quán quân ‘Thần tượng Âm nhạc nhí’
"Không biết đêm nay vì sao tôi buồn"…
Ba Đài truyền hình "đi đầu" trong việc sản xuất gameshow có lượng người xem lớn nhất cả nước là VTV3 (Đài Truyền hình Việt Nam), HTV7 (Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh), Đài Truyền hình Vĩnh Long đã lần lượt giới thiệu những chương trình dành cho khán giả nhí mùa hè này. Phần lớn trong số đó là những chương trình tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật, nhiều nhất là âm nhạc.
Gần đây nhất, đầu tháng 5 vừa qua, Chương trình "Thần tượng âm nhạc nhí - Việt Nam Idol kid" 2017 đã lên sóng VTV3 vào tối thứ 6 hàng tuần. Qua bốn tập phát sóng, những gương mặt nhí tài năng của mùa giải năm nay đã "lộ diện". Trẻ em hát ca khúc người lớn là "vấn đề muôn thuở" mà dường như bất kỳ chương trình tìm kiếm tài năng ca hát nhí nào cũng gặp phải, trong đó có "Thần tượng âm nhạc nhí" 2017. Những ca khúc như "Chiếc khăn Piêu", "Bóng cây Kơnia", "Ôi quê tôi", "Tàu anh qua núi"… được các cô bé, cậu bé chưa đầy 10 tuổi hát một cách hồn nhiên.
Trong tập mới nhất, lên sóng hôm 26-5 vừa qua, cậu bé Quang Linh đến từ Hà Tĩnh đã trình diễn ca khúc nổi tiếng "Đèn khuya" của nhạc sĩ Lam Phương. Có khán giả gọi Quang Linh là "Hoàng tử bolero" bởi em đã trình diễn xuất sắc một ca khúc nhạc bolero.
Tuy nhiên, rất nhiều khán giả lên tiếng nói rằng, việc Ban Tổ chức để một cậu bé hát ca khúc "Đèn khuya" vốn dành cho người lớn, với ca từ đầy tính tự sự như "Không biết đêm nay vì sao tôi buồn/Buồn vì trời mưa hay bão trong tim/Đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm/Để rồi buồn ơi nghe tiếng mưa đêm…" là không phù hợp với chương trình trẻ em.
"Hoàng tử Bolero" biểu diễn ca khúc "Đèn khuya" của nhạc sĩ Lam Phương trong chương trình "Thần tượng âm nhạc nhí". |
Mặc dù có thể mạnh ở dòng nhạc được cho là không phù hợp với trẻ em nhưng chắc chắn, Quang Linh sẽ là nhân tố "đáng gờm" của mùa giải năm nay, giống như Hồ Văn Cường, quán quân "Thần tượng âm nhạc nhí" 2016. Một nhân tố nữa cũng sẽ được nhà sản xuất khai thác mạnh ở khía cạnh đời tư là em Nguyền Đàm Minh Hiền, 9 tuổi, đến từ Hà Nội.
Theo lời kể của mẹ Nguyền Đàm Minh Hiền thì em bị mắc bệnh ROP (bệnh võng mạc ở trẻ sinh non) khiến đôi mắt bị hỏng. Tuy sở hữu giọng hát không thực sự xuất sắc nhưng Nguyền Đàm Minh Hiền sẽ là thí sinh gây xúc động cho khán giả mà nhà sản xuất không thể bỏ qua. Ngoài ra, cô bé Bảo An với nhiều MV ca khúc trẻ em thu hút hàng chục triệu lượt view trên youtube cũng rất được chú ý ở mùa giải năm nay.
Lên sóng VTV3 sau "Thần tượng âm nhạc nhí" mùa thứ hai vài ngày, "Sinh ra để tỏa sáng" cũng vấp phải không ít phản ứng của dư luận khi để các bé trở thành huấn luyện viên cho các nghệ sỹ và để các nghệ sỹ trẻ ngồi ở hàng ghế Ban giám khảo chấm thi các bậc tiền bối tham gia chương trình. Sau "Thần tượng âm nhạc nhí" và "Sinh ra để tỏa sáng", VTV3 sẽ phát sóng "Giọng hát Việt nhí - The Voice Kid" vào cuối tháng 7.
"Ông lớn" HTV7 mang đến món ăn mới với chương trình "Thần tượng tương lai" (phát sóng từ đầu tháng 3-2017). Cuộc thi dành cho trẻ em yêu thích thể loại âm nhạc mang âm hưởng dân ca, trữ tình, truyền thống quê hương. Ngoài ra, "Gia đình song ca", dành cho các bé từ 8-15 tuổi cũng sẽ lên sóng vào chủ nhật hàng tuần trên HTV7, từ ngày 2-7. Với Truyền hình Vĩnh Long, ngoài phiên bản nhí của "Tiếu lâm tứ trụ", "Tuyệt đỉnh song ca" (đều lên sóng từ đầu tháng 5) thì gameshow "Sao nối ngôi" sẽ lên sóng thứ 5 hàng tuần từ 24-8 tới đây.
Chuyện muôn thuở từ gameshow nhí
Có thể thấy rằng, các sân chơi nhí ngày càng đa dạng, được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, độ tuổi được "nới" cho cả các em mới 4,5 tuổi tham gia. Dường như các chương trình gameshow dành cho người lớn nào "ăn khách" thì kéo theo đó sẽ là phiên bản dành cho trẻ em. Thị trường gameshow dành cho trẻ em được coi là "mảnh đất màu mỡ" cho các nhà sản xuất.
Chương trình dành cho trẻ em luôn đảm bảo được lượng rating không đơn thuần vì yếu tố mới lạ mà khi con em xem chương trình thì các bậc phụ huynh cũng không thể đứng ngoài cuộc. Bên cạnh đó là để quảng cáo những sản phẩm cho trẻ em. Lợi nhuận cao là yếu tố "thôi thúc" các nhà sản xuất khai thác các gameshow nhí. Để chương trình hấp dẫn và có lợi thế cạnh tranh với hàng loạt các gameshow nhí khác, nhà sản xuất buộc phải tìm kiếm hoặc tạo ra yếu tố mới, lạ, độc đáo. Trong khi thiếu hụt lượng thí sinh thực sự tài năng thì chiêu trò, hay đời tư các thí sinh sẽ được truyền thông khai thác triệt để.
Bé Quế Anh 4 tuổi trong tạo hình MC - nhà báo Trác Thúy Miêu trong chương trình "Biệt tài tí hon" lên sóng VTV3 thời gian vừa qua. |
Một số ý kiến cho rằng, gameshow nhí đang bào mòn trẻ em, đánh mất đi sự ngây thơ, hồn nhiên của những cô bé, cậu bé đang "tuổi ăn, tuổi chơi". Nhận định này có lẽ hơi phiến diện. Mặt trái của gameshow nhí đã được báo giới đề cập từ rất lâu. Đó là thời gian ghi hình dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và lịch trình học tập của các em; các tài năng nhí bị "chín ép" và gồng mình để thể hiện tài năng; yếu tố ganh đua gây áp lực tâm lý cho các em…
Tuy nhiên, nói gì thì nói, các gameshow nhí đã mang đến những sân chơi cho trẻ em, góp phần phát hiện, đào tạo ra những ca sĩ nhí tài năng như Hồ Văn Cường, Phương Mỹ Chi, Bảo Trân… Các em nhỏ đến với cuộc thi ít nhiều đã có đam mê và khát khao được khẳng định bản thân. Những sân chơi tài năng tạo điều kiện cho các em nhỏ có năng khiếu, đam mê nghệ thuật có cơ hội thử sức và tỏa sáng. Với nghệ thuật, việc tìm kiếm, phát hiện tài năng nhí để có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết.
Trả lời trên các phương tiện truyền thông, ông Bửu Điền, nhà sản xuất chương trình "Người hùng tí hon" nói đại ý rằng, nhà sản xuất chỉ giới thiệu còn quyền quyết định tham gia các gameshow nhí hay không là do phụ huynh các bé. Nếu chương trình không hay, không tốt thì không phụ huynh nào dám cho con em mình tham gia. Qua các cuộc thi tài năng nhí đã xuất hiện nhiều tài năng. Tuy nhiên, bài toán mà các nhà sản xuất chưa giải quyết được là "đầu ra" cho các tài năng nhí.
Đúng là các bậc phụ huynh có quyền quyết định cho con em mình tham gia hay không tham gia gameshow nhưng khi đã tham gia thì mọi việc lại diễn biến theo kịch bản, yêu cầu của nhà sản xuất, kiểu "đâm lao thì phải theo lao". Rõ ràng, một chương trình gameshow nhí được sản xuất ra với mục đích khác nhau. Các em mong muốn được thử sức, khẳng định tài năng; gia đình mong muốn con em mình "tỏa sáng" trong khi nhà sản xuất muốn chương trình hấp dẫn để thu hút quảng cáo, gia tăng lợi nhuận.
Tôi cho rằng, sự nở rộ các gameshow cho trẻ em là xu thế tất yếu, xuất phát từ yêu cầu phải đổi mới không ngừng của truyền hình. Điều đáng quan tâm ở đây là các nhà sản xuất phải điều tiết giữa mục đích thương mại của chương trình và các giá trị cốt lõi của truyền hình với đời sống xã hội. Chương trình dành cho trẻ em thì yếu tố giáo dục cần phải được quan tâm.
Đồng tình rằng, nhà sản xuất cần phải có những "chiêu" riêng để chương trình hấp dẫn, thu hút khán giả nhưng chiêu trò gì cũng cần phải có giới hạn của nó. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và các chương trình dành cho trẻ em cần phải giữ được sự hồn nhiên, trong sáng vốn có, phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý của các em.