Khởi động Sao Mai 2019: Nỗ lực thay đổi để khẳng định thương hiệu
Thay đổi để tăng sức hấp dẫn và thu hút thí sinh tài năng
Từ trước đến nay, Sao Mai vẫn được đánh giá là sân chơi nghệ thuật nghiêm túc, trong đó yếu tố chuyên môn luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, sức hút của chương trình giảm đáng kể so với những mùa giải đầu tiên.
Nếu như trước đây, những chương trình Sao Mai hay Sao Mai - Điểm hẹn thu hút đông đảo người xem và cuộc thi được coi là “bệ phóng” vững chắc cho những tài năng âm nhạc bước chân vào showbiz thì giờ đây, lượng người quan tâm đến chương trình giảm, sự lan tỏa, ảnh hưởng của chương trình hạn chế hơn. Chính vì thế, yêu cầu đổi mới chương trình là điều quan trọng và cần thiết vào thời điểm này.
Để thu hút được đông đảo thí sinh tham gia hơn, Ban Tổ chức quyết định nâng độ tuổi tuyển sinh tối đa từ 26 lên 27 tuổi. Nhiều dòng nhạc cần sự trải nghiệm cuộc sống thì thí sinh mới có đủ cảm xúc để thể hiện thành công ca khúc.
Chương trình Sao Mai 2019 sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ để tăng sức hấp dẫn và thu hút thí sinh tài năng. |
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng chủ động tìm kiếm tài năng ở các địa phương thông qua công tác tổng hợp thông tin và chọn lọc ứng viên tiềm năng. Năm nay, cuộc thi vẫn sẽ đặc cách cho những thí sinh giành giải Nhất tại các cuộc thi ca hát chuyên nghiệp từ cấp tỉnh, thành phố hoặc từng vào vòng chung kết Sao Mai gần nhất.
15 thí sinh được lựa chọn vào vòng chung kết toàn quốc sẽ phải trải qua 4 đêm biểu diễn, sự cạnh tranh của cuộc thi năm nay sẽ cao hơn khi mỗi đêm thi ở mỗi dòng nhạc sẽ loại một thí sinh. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng sẽ xây dựng hai chương trình hoàn toàn mới dành riêng cho thí sinh Sao Mai 2019 là Sao Mai tự truyện và Sao Mais Dairy nhằm giúp đưa hình ảnh của các thí sinh đến gần hơn với công chúng, đồng thời để khán giả có những nhận định khách quan, cổ vũ cho các thí sinh.
Một thay đổi đáng ghi nhận nữa của Sao Mai 2019 là Ban Tổ chức nỗ lực để đồng hành, hỗ trợ với thí sinh nhiều hơn. Giám đốc âm nhạc Dương Cầm sẽ theo sát các thí sinh ngay từ vòng thi khu vực Bắc, Trung, Nam để có những tư vấn và lựa chọn tốt nhất về âm nhạc cho phần trình diễn của mỗi thí sinh.
Được biết, thí sinh giành ngôi vị quán quân Sao Mai 2019 sẽ được lựa chọn để đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi “ABU TV Song Contest” do Hiệp hội Phát thanh truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức. Nhiều khán giả kỳ vọng, sự thay đổi tích cực của Sao Mai 2019 sẽ góp phần nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu của cuộc thi. Qua cuộc thi, phát hiện được nhiều hạt giống tài năng cho thị trường âm nhạc Việt Nam.
Giá trị nghệ thuật đích thực sẽ luôn được khẳng định
Nhạc sĩ Dương Cầm, Giám đốc âm nhạc của Sao Mai 2019 nói rằng, Sao Mai khác biệt với những sân chơi âm nhạc khác. Từ trước đến nay, tiêu chí của Sao Mai là tập trung vào chất lượng giọng hát trong khi thí sinh các cuộc thi khác có thể hát hay, cộng thêm “chiêu trò”.
Bản thân thí sinh đăng ký thi Sao Mai cũng xác định rất rõ họ có tố chất, có điểm gì xuất sắc mới dám đăng ký. Chính điều này phần nào khiến Sao Mai bị bó hẹp lại khi thí sinh đa phần đều đang theo học tại các trường nghệ thuật. Nhiều người còn nhận định rằng, Sao Mai giống như cơ hội để sàng lọc thí sinh tốt nhất, một cuộc “cạnh tranh ngầm” về chất lượng đào tạo giữa các trường nghệ thuật trên cả nước.
Ban Tổ chức mong muốn tìm ra những nhân tố mới, có thể không được đào tạo âm nhạc bài bản, không theo học các trường lớp chuyên nghiệp về âm nhạc nhưng có tố chất, năng khiếu và đam mê ca hát. Tuy nhiên, với tính chuyên nghiệp và sự cạnh tranh cao như Sao Mai thì kỳ vọng sẽ phát hiện nhân tố mới, chưa qua trường lớp đào tạo là rất khó. Ngay cả các thí sinh có tài năng cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định tham gia Sao Mai.
Với một chương trình tìm kiếm tài năng trên truyền hình, yếu tố thí sinh có vai trò rất quan trọng. Thực tế cho thấy, chính những thí sinh tài năng “tay ngang” lại thường là “con bài” tạo sức hút cho chương trình. Với Sao Mai, một sân chơi chuyên nghiệp, học thuật thì yếu tố bất ngờ, sức hút từ thí sinh thường không cao nên khó thu hút khán giả xem Đài. Đây là bài toán khó mà Sao Mai chưa thể giải quyết, khiến sức hút chương trình giảm trong thời gian gần đây.
Thời gian gần đây, Sao Mai giảm sức hút do phải cạnh tranh với nhiều sân chơi âm nhạc trên truyền hình có format từ nước ngoài hấp dẫn. Trong ảnh: Trần Ngọc Ánh (giữa) Quán quân chương trình “Giọng hát Việt” năm 2018. |
Sao Mai là một cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát nhưng nó còn là một chương trình giải trí trên truyền hình. Là một chương trình truyền hình, Sao Mai cần phải hấp dẫn để lôi kéo khán giả đến trước màn ảnh nhỏ. Tôi cho rằng, dù đã có những thay đổi nhưng sự thay đổi của Sao Mai 2019 vẫn chưa mang tính đột phá về format chương trình. Tính hấp dẫn của một chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình không đơn thuần nằm ở chất lượng thí sinh mà còn ở cách thức tổ chức chương trình để tài năng đó tỏa sáng.
So với những gameshow tìm kiếm tài năng âm nhạc khác trên truyền hình, Sao Mai có phần “lép vế” về format. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến Sao Mai không tạo được hiệu ứng khi phải đối mặt với bão gameshow trên sóng truyền hình thời gian gần đây. Sự mới mẻ, trẻ trung, hấp dẫn, lôi cuốn của những gameshow như “Thần tượng âm nhạc Việt Nam”, “Giọng hát Việt”, “Nhân tố bí ẩn”, “Thần tượng Bolero”… đã làm lu mờ vị thế vốn có của Sao Mai, cho dù sân chơi này vẫn được đánh giá cao về chuyên môn và chất lượng thí sinh.
Tôi vẫn cho rằng, các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình, trong đó có Sao Mai cần phải hài hòa yếu tố chuyên môn và yếu tố giải trí. Chất lượng chuyên môn thể hiện thông qua hoạt động của Ban Tổ chức, Hội đồng Ban Giám khảo, tài năng của thí sinh tham gia dự thi. Yếu tố giải trí nằm ở sức hút của chương trình với công chúng và giới truyền thông.
Với các thí sinh, họ tham gia cuộc thi với mong muốn được thử sức, được vinh danh ở những hạng mục giải thưởng. Đồng thời, các thí sinh cũng mong muốn thông qua cuộc thi với sự phủ sóng rộng rãi trên đài truyền hình quốc gia, họ có cơ hội để giới thiệu hình ảnh, giọng hát đến với đông đảo công chúng yêu nghệ thuật. Phải thừa nhận rằng, các gameshow truyền hình tạo hiệu ứng truyền thông tốt hơn so với Sao Mai.
Thực tế cho thấy, không ít thí sinh đã giành thứ hạng cao ở sân chơi Sao Mai, Sao Mai - Điểm Hẹn nhưng vẫn quyết định ghi danh, đặt mình vào vạch xuất phát, tham gia các cuộc thi âm nhạc khác trên truyền hình để tên tuổi được công chúng biết đến nhiều hơn.
Xét về thực lực tài năng, các thí sinh bước ra từ Sao Mai luôn được đánh giá cao về sự đào tạo bài bản, chuyên nghiệp hơn nhưng bệ phóng từ Sao Mai hay Sao Mai - Điểm Hẹn không đủ mạnh để họ “một bước thành sao”. Tuy nhiên, các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình có format từ nước ngoài lại có thể “biến” một người “từ con số không trở thành người hùng” sau một đêm lên sóng.
Hiện nay, gameshow truyền hình đang thoái trào do sự bão hòa các chương trình, sự lạm dụng chiêu trò của nhà sản xuất và sự thiếu hụt thí sinh tiềm năng. Đây có lẽ lại là cơ hội để Sao Mai bứt phá, lấy lại vị thế của mình. Các giá trị nghệ thuật đích thực sẽ luôn được khẳng định. Tuy nhiên, như trên đã phân tích, Sao Mai cần tăng thêm yếu tố giải trí, sự tương tác giữa chương trình, thí sinh với công chúng để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.