Khó như tìm kiếm tài năng âm nhạc?
Tài năng âm nhạc đang ở đâu?
Cuối tuần trước, vòng sơ tuyển chương trình truyền hình thực tế "Sing My Song" (phiên bản Việt mùa đầu tiên với tên gọi Bài hát hay nhất) tại Hà Nội chỉ thu hút vài chục thí sinh, trái ngược hoàn toàn với con số hàng chục ngàn thí sinh của các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc khác như "Việt Nam Idol", "Giọng hát Việt", "Nhân tố bí ẩn", "Solo cùng Bolero", "Thần tượng Bolero"...
Lý do không phải "Bài hát hay nhất" có giải thưởng thấp hay không tạo được hiệu ứng tốt từ truyền thông mà vì tiêu chí lựa chọn thí sinh rất khắt khe: các thí sinh phải tự thể hiện bài hát do chính mình sáng tác, đồng thời, toàn bộ sản phẩm đi kèm theo như bản phối, nhạc beat... đều phải do chính thí sinh sáng tác.
Chính vì tiêu chí tìm kiếm nghệ sỹ toàn năng trong âm nhạc nên thí sinh "dám" ghi danh tham gia cuộc thi "Bài hát hay nhất" phải là những người hết sức dũng cảm. Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương, giám khảo duy nhất tại vòng sơ loại cũng bày tỏ rằng, khi nhận lời làm giám khảo chương trình, chị cũng cảm thấy khá lo lắng nhưng tin rằng, thí sinh bước ra từ cuộc thi sẽ trở thành những nhà sản xuất âm nhạc có trình độ.
Tập đầu tiên của chương trình "Thần tượng âm nhạc Việt Nam" 2016 lên sóng hôm 27/5 vừa qua bị đánh giá là "ít tài năng, nhiều thảm họa". Trong ảnh: Bộ ba giám khảo năm nay: ca sĩ Bằng Kiều, Thu Minh, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. |
Trái ngược với sự đìu hiu ở "Bài hát hay nhất", cuộc thi "Việt Nam Idol" 2016 đã lên sóng VTV3 những tập đầu tiên với số lượng người đăng ký dự thi vòng sơ tuyển được công bố là 26 nghìn thí sinh. Cũng như những năm trước, vòng sơ tuyển bao giờ cũng thu hút đông đảo số lượng người xem vì đây là phần thi xuất hiện nhiều thí sinh "thảm họa", hài hước nhất.
Sau tập đầu tiên phát sóng hôm 27/5 vừa qua, không ít người lên tiếng lo ngại về chất lượng của mùa thi năm nay. Chưa xuất hiện nhân tố nào thực sự xuất sắc về cả giọng hát lẫn ngoại hình. Những giọng ca giành được tấm vé vàng bước tiếp như cô gái đến từ Philippines - Janice, Hoài Thu, Đặng Tuấn Phong... cũng chưa thực sự nổi bật.
Trong khi đó, hàng loạt giọng ca "thảm họa" xuất hiện như thí sinh "vừa hát đã khiến ban giám khảo buồn ngủ" Đặng Văn Phóng, chàng trai 6 lần thất bại ở "Việt Nam Idol" Phi Anh Tuấn, thí sinh trình diễn ca khúc "Biển vắng" theo phong cách "băng nhão" Hoàng Thị Hằng, thí sinh Phạm Văn Hải đến từ Thanh Hóa lại mong muốn đi thi để được lên sóng truyền hình tìm vợ...
Có thí sinh trình diễn khả năng "nhái" giọng các ca sĩ khác như Lam Trường, Khánh Phương, Duy Mạnh khá giống nhưng thiếu chất riêng cũng phải dừng bước. Bộ ba giám khảo Việt Nam Idol 2016 là ca sĩ Thu Minh, ca sĩ Bằng Kiều, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng liên tiếp phải nói "không" với các thí sinh và nhấn mạnh rằng, họ đang cần tìm kiếm những thí sinh cá tính và có màu sắc riêng trong giọng hát, tư duy âm nhạc cũng như cách xử lý ca khúc.
Mặc dù đã đi được chặng đường khá dài nhưng "Nhân tố bí ẩn" 2016 vẫn chưa thể tạo được sức hút mạnh mẽ với người hâm mộ. Điều này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân nhưng không thể phủ nhận rằng, chương trình thiếu những nhân tố "bí ẩn", có khả năng biến hóa qua mỗi đêm thi.
Nhân vật đáng chú ý như "vũ công giày cao gót" Tô Lâm không còn "bí ẩn" vì đã quá quen mặt với khán giả truyền hình từ nhiều chương trình trước đó. Bộ tứ quyền lực của "Nhân tố bí ẩn" dù rất "hot" là ca sĩ Thanh Lam, Tùng Dương, Hồ Quỳnh Hương, nhạc sĩ Dương Khắc Linh cũng không thể đảm bảo cho sức hút của chương trình.
Thí sinh thiếu cá tính âm nhạc đang là tình trạng chung trong các cuộc thi tìm kiếm âm nhạc hiện nay. Các cuộc thi dù thu hút hàng chục ngàn thí sinh nhưng số lượng dự thi theo phong trào thì đông chứ nhân tố thực sự có cá tính lại chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Việc các thí sinh bị ảnh hưởng phong cách của các đàn anh, đàn chị trong nghề, lai căng phong cách biểu diễn của nhạc Hàn, nhạc Mỹ đang đặt ra nhiều vấn đề đáng phải suy ngẫm.
Với nghệ thuật, "quý hồ tinh, bất quý hồ đa", nghĩa là cần cái ít mà tinh hơn là nhiều mà nhạt nhẽo. Người nghệ sỹ chỉ có thể thành công nếu có cá tính riêng và ghi được dấu ấn riêng của mình trong lòng khán giả. Cái riêng của người nghệ sỹ không phải cái tự nhiên có mà phải được xây dựng, bồi đắp trên nền tảng văn hóa. Đây là điều mà mỗi nghệ sỹ trẻ cần phải nhận thức đầy đủ và có ý thức xây dựng cho mình nếu muốn thành danh trên con đường nghệ thuật.
Những quán quân không thể tỏa sáng
Các cuộc thi khan hiếm tài năng đã đành, ngay cả thí sinh được vinh danh trong những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc cũng lụi dần sau khi cuộc thi khép lại. Đức Phúc, học trò của Mỹ Tâm đăng quang cuộc thi "Giọng hát Việt" 2015 là một ví dụ. Được hậu thuẫn khá mạnh mẽ từ ekip của Mỹ Tâm cũng như lượng fan hùng hậu của ca sĩ "Tóc nâu môi trầm" nhưng Đức Phúc dường như "chìm nghỉm" sau cuộc thi.
Trường hợp của Đức Phúc khiến người ta liên tưởng đến trường hợp chàng trai Yasuy, quán quân "Thần tượng âm nhạc Việt Nam" 2012. Sau khi trở thành thần tượng âm nhạc Việt, từ con số "0" thành người hùng trên đỉnh vinh quang, Yasuy lại trở về điểm xuất phát ban đầu khi không có hoạt động âm nhạc nào đáng chú ý, ngoại trừ những lùm xùm về đời tư.
Không ít quán quân trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc "chìm nghỉm" sau khi đăng quang. Trong ảnh, Đức Phúc - quán quân "Giọng hát Việt" 2015 quyết định "hâm nóng tên tuổi" bằng cách hóa thân thành nghệ sỹ Thành Lộc trong chương trình "Biến hóa hoàn hảo" đang lên sóng HTV thứ bảy hằng tuần. |
Vì sao khán giả bình chọn cho Đức Phúc và Yasuy để họ bước lên bục cao nhất của cuộc thi. Với Đức Phúc, có thể do anh là học trò của Mỹ Tâm và lượng fan "khủng" của cô đã giúp anh chiến thắng. Còn với Yasuy, có thể là do sự ngây ngô, chân chất, mộc mạc của anh đã mê hoặc khán giả.
Trong bối cảnh âm nhạc Việt "khát" nhân tố mới thì sự khác biệt, thậm chí là "thiếu chuyên nghiệp" khi trình diễn trên sân khấu của Đức Phúc và Yasuy có thể gây thiện cảm của khán giả. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ngay cả khán giả cũng có sự nhầm lẫn giữa "sự khác biệt" và "cá tính âm nhạc". Đức Phúc và Yasuy có sự khác biệt so với các thí sinh khác nhưng sự khác biệt đó không phải là cá tính âm nhạc và cũng chưa đủ lớn để tạo nên cá tính âm nhạc.
Nhìn lại quán quân các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình có thể thấy rõ, rất ít thí sinh có thể "làm nên chuyện". Một số nhân tố như Nhật Thủy, quán quân "Thần tượng âm nhạc Việt Nam" 2014, Vũ Thảo My, quán quân "Giọng hát Việt" 2014, hay Hương Tràm, quán quân "Giọng hát Việt" mùa đầu tiên từng được các giám khảo "mỹ miều" gắn mác "diva" cũng chật vật khẳng định con đường đi của mình.
Nhật Thủy đã quyết định "hâm nóng tên tuổi" của mình khi tham gia chương trình "Gương mặt thân quen" 2015, Đức Phúc cũng xuất hiện trong chương trình "Biến hóa hoàn hảo" phát sóng trên Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh thứ bảy hằng tuần thời gian gần đây.
Suy cho cùng, các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc mới chỉ là điểm xuất phát chứ không phải là đỉnh vinh quang trên con đường nghệ thuật của mỗi nghệ sỹ. Ánh hào quang của cuộc thi không thể "bảo lãnh" cho danh tiếng của nghệ sỹ trong suốt cuộc đời.
Một vấn đề nữa cũng rất đáng bàn là truyền hình, đôi khi tạo ra các giá trị ảo, gây ngộ nhận về tài năng. Tôi băn khoăn tự hỏi, sự nở rộ những chương trình bắt chước trên truyền hình hiện nay có "tiếp tay" cho việc làm lu mờ cá tính của nghệ sỹ trẻ. Sẽ thật đáng buồn nếu xuất hiện những bản sao âm nhạc hoàn hảo, trong khi âm nhạc Việt đang cần những tiếng nói có cá tính và phong cách. Đây là điều mà có lẽ, những nghệ sỹ trẻ cần phải hết sức "tỉnh táo" để nhận thức và phân biệt rõ.