Khi toàn dân chung tay bảo vệ Tổ quốc

Thứ Năm, 03/09/2020, 14:47
Thực tế trong những năm qua cho thấy, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" do Bộ Công an phát động đã phát huy được tác dụng và hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm. Từ phong trào này, các địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự ở khối phố, làng bản.


Câu chuyện về những hiệp sĩ đường phố đã không còn xa lạ. Hằng ngày, có nhiều vụ cướp giật, lừa đảo đã được các hiệp sĩ ra tay xử lý. Thực tế trong những năm qua cho thấy, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" do Bộ Công an phát động đã phát huy được tác dụng và hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm. Từ phong trào này, các địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự ở khối phố, làng bản.

Ở đô thị, ra đời các đội hiệp sĩ đường phố, như: Ở thành phố,  Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh hay Đội SOS BMT của thành phố Buôn Mê Thuột... Những người lái ôtô, xe ôm, dân phòng cùng bắt tay nhau, tự nguyện hỗ trợ, giúp người dân không may gặp sự cố khi tham gia giao thông, phát hiện, cùng truy bắt những đối tượng trộm cắp, cướp giật, lừa đảo… tham gia vào công việc thầm lặng nhưng không kém phần nguy hiểm này với tinh thần quyết tâm chống tội phạm để giúp chính quyền, giúp người dân có được một cuộc sống bình yên hơn, đó là tâm nguyện của các anh em hiệp sĩ đường phố.

Trao bằng tổ quốc ghi công cho đại diện gia đình liệt sĩ Nguyễn Hoàng Nam

Ngày xưa, cha ông ta vẫn dạy: "Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha" để khuyến khích tính tự giác của cộng đồng, của người dân với những điều xấu, điều ác gây cho cộng đồng, cho xã hội. Lời răn dạy luôn thôi thúc mọi người hãy làm những việc trượng nghĩa. Khi bị chèn ép, có ai đó đứng về phía chúng ta để bảo vệ lẽ phải thì đã xúc động và biết ơn lắm rồi, nhưng đến mức hy sinh tính mạng, thì tinh thần đó thật cao cả, khiến chúng ta không khỏi cảm phục và ngưỡng mộ.

Những cuộc rượt đuổi, tham gia cùng lực lượng Công an vây bắt tội phạm và bị chúng chống trả đã để lại những thương tật trên cơ thể không biết bao giờ mới lành và có người đã hy sinh cả tính mạng của mình cho người khác. Những hiệp sĩ tử nạn không định làm anh hùng. Lựa chọn của họ, chỉ đơn giản từ sự căm ghét cái xấu, cái ác mà không thể không làm. 

Hành động cao đẹp của hai hiệp sĩ đường phố ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh là Nguyễn Văn Thôi, quê xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định và Nguyễn Hoàng Nam, quê xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai hy sinh trong lúc tấn công tội phạm năm 2018 đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.

Khi bắt cướp, hơn ai hết, các hiệp sĩ đều biết mình phải đối mặt với những hiểm nguy. Chắc chắn anh Nguyễn Văn Thôi và Nguyễn Hoàng Nam có quyền lựa chọn dừng lại vì họ còn mẹ già đang bị bệnh, con cái chưa trưởng thành và cả người vợ ở quê đang phải một mình tần tảo mưu sinh. Thế nhưng họ đã lựa chọn chỉ dừng lại khi không còn thở nữa.

Sau buổi lễ truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công của Thủ tướng Chính phủ cho hai hiệp sĩ, "Cảm phục và biết ơn các anh" là câu được nhiều người đăng trên các trang facebook cá nhân và mạng xã hội. Chúng ta chưa một lần gặp họ, nhưng tình cảm, sự hy sinh vô giá, hành động cao đẹp của họ mãi mãi tỏa sáng và tồn tại trong lòng chúng ta. Họ nhỏ bé như những hạt bụi, cố gắng dùng hết sức mình để giúp đỡ người khác và mang lại tình yêu thương ấm áp cho thế giới này.

Những sự hy sinh cao đẹp sẽ trở thành chất keo kết nối cộng đồng để mỗi người khi thụ hưởng những dâng hiến ấy sẽ cảm thấy sự gắn bó, trách nhiệm hơn với cộng đồng và xã hội. Một xã hội mà có nhiều những "hiệp sĩ tự nguyện", trượng nghĩa luôn là một xã hội đáng tự hào. Tinh thần nghĩa hiệp vẫn luôn cần được quan tâm, bảo vệ, tạo điều kiện nhân rộng, để cuộc sống sẽ có thêm nhiều điều tốt đẹp.

Trong bài hát "Một đời người, một rừng cây"của nhạc sĩ Trần Long Ẩn có đoạn:

"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai.
Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình.
Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành.
Phải không em?...  Phải không em?".

Lời nhắn nhủ tha thiết về thông điệp về một quan niệm sống đẹp, tích cực, đầy sức thuyết phục: Sống vì mọi người, sống có trách nhiệm, biết gánh vác, vượt lên mọi thử thách vì lợi ích của cộng đồng xã hội.

Những chuyện về những tấm gương cao đẹp luôn là liều thuốc bổ mang tên niềm tin và hy vọng vào xã hội chúng ta đang sống, để những tấm lòng, những hành động cao cả sẽ đọng mãi nơi ký ức tốt đẹp của bạn bè, gia đình và xã hội, còn niềm đau sẽ vơi đi và dần bị lãng quên theo lớp bụi thời gian..

Cù Tất Dũng
.
.