Khi Oscar không còn hấp dẫn
Những nhà sản xuất lớn thờ ơ với Oscar
Bất ngờ lớn nhất của Oscar 2015 là sự lên ngôi của những bộ phim độc lập. Nhiều phim độc lập của những nhà sản xuất không tên tuổi được đưa vào danh sách đề cử hạng mục giải thưởng "Phim hay nhất" như: "Whiplash", "The Grand Budapest Hotel", "Bird man", "Boyhood". Trong danh sách đề cử, chỉ có phim "American Sniper" của "ông lớn" Warner Bros tranh tài.
Sự lên ngôi của "Birdman" cho thấy, các hãng phim lớn dường như đã không còn "mặn mà" với Oscar mà tập trung vào làm phim "bom tấn" để tìm kiếm lợi nhuận. Những năm trước đây, những bộ phim độc lập như "Birdman" không có cơ hội chen chân ở Oscar vì sự thống trị của những hãng phim lớn với nhiều chiến dịch quảng bá và vận động tranh giải bài bản.
Sự xuất hiện của những bộ phim độc lập cũng châm ngòi cho những tranh luận về tiêu chí lựa chọn giải "Phim hay nhất" của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ. So sánh với các đối thủ còn lại, "American Sniper" là phim có doanh thu phòng vé "khủng". Tuy nhiên, với Oscar, doanh thu phòng vé không phải là thước đo để xác định phim hay nhất.
Giới phê bình lên tiếng chỉ trích rằng, Oscar ngày càng xa rời khán giả và phim được Oscar vinh danh không đáp ứng nhu cầu của những người yêu điện ảnh đích thực, không phản ánh xu thế phát triển hay trào lưu mới trong điện ảnh. Có đạo diễn còn khẳng định, "chắc chắn những bộ phim thành công về doanh thu phòng vé sẽ bị loại bỏ bởi tầng lớp tự phong mình là người hiểu biết". Tuy nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ "phản pháo" rằng, rất nhiều phim dở đến mức giành giải "Mâm xôi vàng" nhưng lại đạt doanh thu "khủng" ở các phòng vé cũng xứng đáng với Oscar? Doanh thu không phải lúc nào cũng đi đôi với giá trị đích thực của nghệ thuật.
Tỷ lệ người xem thấp nhất trong 6 năm trở lại đây
Oscar 2015 được phát sóng trên 225 quốc gia, tại Mỹ phát sóng trên kênh truyền hình ABC và tại châu Á, phát sóng trên kênh HBO. Dù được chuẩn bị kỹ lưỡng và thu hút khá đông dàn sao đình đám nhưng theo thống kê, tỷ lệ người xem tường thuật trực tiếp lễ trao giải Oscar lần thứ 87 trên các phương tiện truyền thông giảm mạnh. Đây là năm có số lượng người xem thấp nhất kể từ năm 2009. Trên các trang mạng xã hội như Facebook hay Twitter, thông tin về Oscar 2015 không "náo nhiệt" như những mùa giải trước.
Những hình ảnh hài hước ở Oscar 2015. |
Theo thống kê, chỉ có khoảng 4,9 triệu comments về chương trình, giảm đến 50% so với năm 2014. "Gã khổng lồ" trong lĩnh vực mạng xã hội Facebook cũng cho hay, chỉ có 11,2 triệu người dùng thảo luận về Oscar 2015. Trước đó, năm 2008, số lượt người theo dõi lễ trao giải thưởng danh giá này được thống kê là 32 triệu và bị coi là chương trình "tồi tệ nhất" của Oscar trong thế kỷ.
Theo phân tích của Nielsen, một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm bại của lễ trao giải Oscar năm nay là cách dẫn chương trình tẻ nhạt của danh hài Neil Patrick Harris. Những màn gây cười của anh khiến khán giả cảm thấy khó chịu. Sự hoạt ngôn của Neil Patrick Harris kém duyên so với MC Ellen DeGeneres ở mùa giải năm trước. Bên cạnh đó, danh sách các bộ phim được đề cử không ấn tượng, kết quả khó gây bất ngờ nên không thu hút được khán giả xem truyền hình. Ngoài ra, việc Ban Tổ chức mở rộng danh sách đề cử lên 10 phim với mục đích để nhiều phim đại chúng được thêm vào danh sách cũng khiến khán giả ngán ngẩm về sự thiếu chọn lọc.
Phát biểu sặc mùi chính trị
Mở đầu lễ trao giải, danh hài Neil Patrick Harris, người đảm nhận vị trí dẫn chương trình đã nói đầy châm biếm: "Hôm nay, chúng ta sẽ vinh danh những bộ phim "tốt nhất" và "trắng nhất" của Hollywood, xin lỗi, sáng giá nhất" (ý nói về sự thiếu vắng người da màu trong các đề cử giải thưởng). Trong suốt buổi lễ trao giải, MC này đã cố gắng cứu vãn tình hình bằng cách trò chuyện với những ngôi sao da màu có mặt tại Nhà hát Dolby như Oprah Winfrey, Kerry Washington, Terrence Howard hay Kevin Hart nhưng không mấy hiệu quả.
Nhiều người đã lên tiếng về sự thiếu đa dạng trong các đề cử diễn xuất khi tất cả 20 đề cử đều là người da trắng. Vấn đề chủng tộc một lần nữa xuất hiện trong lời phát biểu của Common và John Legend với ca khúc "Glory" trong bộ phim nói về quyền công dân "Selma" được vinh danh ở hạng mục "Nhạc phim xuất sắc nhất". Cầm tượng Oscar trong tay, Legend xúc động chia sẻ, "chúng tôi viết bài hát này cho bộ phim được xây dựng trên sự kiện đã xảy ra cách đây 50 năm nhưng có thể nói rằng, cho đến bây giờ, cuộc đấu tranh vì công lý vẫn đang tiếp tục". Phát biểu trong phòng họp báo sau lễ trao giải, Legend cũng nói thêm rằng, ông và êkip làm phim còn nhiều việc để làm vì sự bình đẳng, tự do và công bằng.
Bình đẳng giới cũng là vấn đề được các nữ minh tinh phát biểu khi nhận giải thưởng. "Để mỗi phụ nữ thực hiện tốt thiên chức của mình như sinh con, nộp thuế và trở thành công dân tốt, chúng tôi cần đấu tranh cho quyền bình đẳng. Đó là sự bình đẳng về thu nhập cho tất cả những người phụ nữ trên toàn nước Mỹ", nữ diễn viên Patricia Arquette (người giành giải thưởng "Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất" với vai diễn trong phim "Boyhood") nói.
Julianne Moore - người giành giải thưởng "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất" với vai diễn trong phim "Still Alice" khi lên nhận tượng vàng Oscar đã nói về bệnh Alzheimer một cách say sưa trong bài phát biểu của mình. "Nhiều người mắc căn bệnh này cảm thấy bị cô lập và bị thiệt thòi. Bộ phim của chúng tôi đã giúp họ cảm thấy không cô còn cô độc. Những người bị bệnh Alzheimer xứng đáng được quan tâm và được chữa trị". Trong khi đó, đạo diễn Dana Perry của "Phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất" - "Crisis Hotline: Veterans Press 1", bộ phim nói về cuộc đấu tranh tư tưởng của cựu binh sau khi trở lại cuộc sống kêu gọi nâng cao nhận thức về chứng tự tử. Nữ đạo diễn dành tặng giải thưởng cho con trai mình - cậu bé đã tự sát ở tuổi 15.
Có lẽ, bài phát biểu của Graham Moore - người giành giải thưởng "Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất" cho phim "The Imitation Game" gây xúc động nhất trong đêm trao giải. Graham Moore tiết lộ rằng, anh đã cố gắng tự tử khi 16 tuổi vì cảm thấy mình rất kỳ lạ.
Diễn viên Jennifer Lopez tranh thủ chụp ảnh "tự sướng" trên thảm đỏ. |
* Một số hạng mục giải thưởng chính của Oscar 2015
- Phim hay nhất: “Birdman”, đạo diễn Alejandro Gonzalez Inarritu (Mexico).
- Đạo diễn xuất sắc nhất: Alejandro Gonzalez Inarritu (phim “Birdman”).
- Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Eddie Redmayne (phim “Theory of Everything”).
- Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Julianne Moore (phim “Still Alice”).
- Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: JK Simmons (phim “Whiplash”).
- Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất: Patricia Arquette (phim “Boyhood”).
- Quay phim xuất sắc nhất: Emmanuel Lubezki (phim “Birdman”).
- Phim nước ngoài xuất sắc nhất: Ida (Ba Lan).
- Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất: Graham Moore (phim “Imitation Game”)
- Ca khúc trong phim xuất sắc nhất: Glory (phim “Selma”).
* Chuyện chỉ có ở Oscar
1. MC mặc quần lót dẫn chương trình: MC Neil Patrick khiến khán giả "nóng mặt" khi xuất hiện với trang phục là duy nhất một chiếc quần lót màu trắng. Mặc dù MC này chia sẻ rằng, anh đang "nhái lại" một tình huống trong phim "Birdman" nhưng khán giả đồng loạt chỉ trích, đó là hành động quá lố, không thể chấp nhận.
2. Cảm ơn gia đình là từ được nhắc nhiều nhất trong phát biểu của những người được vinh danh: Một kết quả thống kê khá thú vị được giới truyền thông đưa tin là với những người đoạt giải thì câu nói "cửa miệng" của họ là lời cảm ơn gia đình. Tiếp sau lời cảm ơn là bộc lộ cảm xúc, nói về các ứng viên khác…
3. Các sao thi nhau chụp ảnh "tự sướng" trên thảm đỏ: Theo quan sát của các phóng viên thì hành động được yêu thích của các sao trên thảm đỏ là chụp ảnh "tự sướng". Ngoài việc trả lời phỏng vấn, các sao đều tranh thủ chụp ảnh và chia sẻ trên mạng xã hội.