Khi người Việt thịnh hành trào lưu du học
Ông Nguyễn Bá Trường Giang (Cựu du học sinh Hoa Kì, nguyên giảng viên phiên dịch Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh Mỹ, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội): Du học là đòn bẩy cho những em có đam mê, khát vọng
- Ông từng du học ở Mỹ và trở về Việt Nam làm việc. Ông có thể chia sẻ về hành trình du học của mình?
+ Với chúng tôi ngày xưa, du học là một giấc mơ xa vời, chúng tôi không nghĩ rằng mình có cơ hội đến một quốc gia khác, cách nửa vòng trái đất và được học tại một ngôi trường danh giá. Khi tôi học cấp 3 chỉ nghĩ đến việc được vào đại học đã là may mắn. Chúng tôi không nghĩ đến du học vì không biết tiếng Anh. Cho đến khi lên đại học mới có cơ hội học tiếng Anh và ra trường được giữ lại giảng dạy môn Ngôn ngữ và Văn hóa Anh-Mỹ ở Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Đó cũng chính là những năm tháng giúp tôi có điều kiện trau dồi tiếng Anh để chuẩn bị cho con đường du học.
Hành trình du học của tôi khá chông gai. Ra trường 6 năm tôi mới xin được học bổng của chính phủ Mỹ sang Đại học Cornell. Nhưng tôi vẫn chưa thỏa mãn ước mơ học hành của mình, tôi lại tìm học bổng và học Luật ở Boston và sau đó quay về Việt Nam.
- Theo ông, vì sao du học đang trở thành một trào lưu, nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn cho con đi du học như hiện nay?
+ Vì các phụ huynh có khát khao mong muốn con mình được hưởng một nền giáo dục hiện đại, tiên tiến và thực sự hàn lâm. Những nơi đó họ tin rằng, với sự đầu tư của mình sẽ cho con điều kiện tốt để học tập, rèn kỹ năng và sau này có cơ hội thành công. Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình thành công, đó chính là lý do họ quyết tâm cho con đi du học. Người Việt đầu tư rất lớn cho con cái, họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn, thậm chí không cần học bổng để cho con đi du học.
- Theo ông, giá trị quan trọng nhất mà việc du học mang lại cho một bạn trẻ là gì?
+ Sự tự tin, lối suy nghĩ độc lập, khả năng chịu được những áp lực. Học trong môi trường như ở Mỹ, Anh thì khả năng chịu áp lực của sinh viên được cải thiện. Trong tương lai, khi làm việc, các em sẽ phải xử lý những khối lượng công việc lớn như thế, đó chính là rèn kỹ năng làm việc.
Những học sinh ra nước ngoài, học ở những trường tốt của Anh, Mỹ, Nhật, các em sẽ mang về phong cách mới, tư duy mới. Giá trị không phải là tôi đọc nhiều chữ hơn mà giá trị đó là phong cách của một con người, là tư duy, suy nghĩ, khả năng chịu được áp lực. Đó là tôi chưa nói đến tuổi thanh xuân các em được học trong môi trường lãng mạn, có cơ hội khám phá những nền văn hóa khác nhau.
-Vậy ông nghĩ gì về con số 3 tỷ USD của người Việt chảy ra nước ngoài hằng năm cho giấc mơ du học?
+ Đó là một con số lớn đối với một đất nước nhỏ như Việt Nam với GDP chỉ khoảng 200 tỷ một năm. Nhưng nhìn vào bức tranh lớn hơn, nếu chi 3 tỷ đô la để đào tạo ra những thế hệ thực sự có kỹ năng, kiến thức, trở thành những công dân quốc tế khi các em được học ở những trường đại học lớn trên thế giới thì không lớn. Trong số những người đi du học đó đã có những người thành công, chúng ta đã có những giải Fields, sắp tới chúng ta sẽ có những giải Nobel về Vật lý, Kinh tế từ những con người đang du học đó. Với 3 tỷ USD để có thể tạo ra một thế hệ nhân tài cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung thì không có gì đáng lo.
- Có một bạn trẻ chia sẻ câu chuyện không nên đi du học với một lí do, nếu phải bỏ ra 2 tỷ để học 5 năm, sau đó về Việt Nam làm việc lương chỉ được từ 10-20 triệu thì không đáng. Số tiền đó nên đầu tư ở Việt Nam, hoặc chỉ gửi ngân hàng cũng đã có 15 triệu tiền lãi mỗi tháng, dù chưa làm gì? Ông nghĩ gì về bài toán này?
+ Có những người thực dụng sẽ nghĩ ngắn hạn như vậy. Nhưng nhìn rộng hơn, du học mang lại sự biến đổi cho cả một thế hệ, biến đổi về nhận thức, tư duy và tầm nhìn. Và những con người đó được du học và học một cách thực sự chứ không phải du hý sẽ trở thành những con người có ích. Đầu tư 2 tỷ cho một chặng đường dài của cuộc đời chứ không phải chỉ trong một giai đoạn ngắn.
Và tôi tin rằng, khi có cơ hội, những con người được đầu tư học hành bài bản đó sẽ biết nắm bắt và họ sẽ tạo ra những giá trị không chỉ dừng lại ở con số 2 tỷ mà còn lớn hơn. Tôi tôn trọng quyết định của bạn trẻ đó nhưng tôi nghĩ rằng, tuổi trẻ mãi mãi là tuổi trẻ, chúng ta không bao giờ có lại tuổi trẻ của mình, tôi tin rằng trong 4, 5 năm tuổi trẻ đó, nếu chúng ta được học trong môi trường tốt hơn thì tuổi trẻ đó sẽ rất đẹp.
- Nhưng có một thực tế, vẫn có những du học sinh đi học theo phong trào, có không ít những phụ huynh phải "ăn quả đắng” khi phát hiện con mình đi du học nhưng không học mà sa đà vào game, hay chỉ mãi đi làm thêm, kiếm tiền, ông chia sẻ ý kiến về những trường hợp du học sinh này?
+ Việc này không hiếm nếu không muốn nói là nhiều. Nhiều du học sinh rơi vào hoàn cảnh khác nhau khi xa gia đình, xa cha mẹ và sống trong môi trường mới lạ. Đầu tiên là các em được tự do, rất dễ bị sa ngã. Những học sinh có ý thức học tốt, thường có sẵn từ ở nhà. Những em lười nhác, ở nhà không học và sang đó mong muốn thay đổi thì rất mạo hiểm, bởi các em dễ sa đà vào game, casino...
Tôi đồng ý với một số quan điểm của mọi người rằng, du học không phải là chìa khóa duy nhất dẫn đến thành công, du học là đòn bẩy dành cho những em thực sự đam mê, có khát vọng để có cơ hội thành công cao hơn. Điều này không có nghĩa là bạn không đi du học thì không có cơ hội thành công. Du học mang lại nhân sinh quan mới, tư duy phản biện đa chiều. Đó là những giá trị vô hình mà du học mang cho cả một thế hệ.
Còn với những học sinh lười nhác, sa đà thì ở môi trường nào các em cũng thất bại mà thôi. Vì thế, các phụ huynh lưu ý chọn thời điểm du học cho con, khi con đủ chín chắn và xứng đáng với sự đầu tư của bố mẹ thì hãy đi.
-Vậy theo ông, du học là nền tảng tốt để dẫn đến thành công, nhưng để thành công thì đó có phải là con đường duy nhất?
+ Du học tạo nền tảng tri thức, nền tảng về năng lực cứng và năng lực mềm. Nhưng không có nghĩa các bạn không đi du học thì không thành công. Quan trọng vẫn là ý thức học tập và làm việc suốt đời. Sự thành công là những trang giấy tâm hồn được hằn lên bằng kinh nghiệm. Những người thành công họ có linh cảm sâu sắc trước cuộc sống, điều đó không có nghĩa là hằng đêm họ đọc sách của hiền nhân, bởi nếu thế, tôi chỉ cần vào thư viện hay ngồi ở nhà đọc sách.
- Xin cảm ơn ông!
Du học có phải con đường nhanh nhất dẫn đến thành công?
Du học đã, đang trở thành giấc mơ lớn, khát vọng lớn của rất nhiều các em học sinh và phụ huynh ở Việt Nam. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, ước mơ du học được các bậc làm cha, làm mẹ đặt mục tiêu và vun đắp ngay từ cuối bậc tiểu học.
Du học là giấc mơ của nhiều học sinh Việt Nam hiện nay. |
Với con số gần 140.000 du học sinh đang học tập ở nước ngoài, tăng gấp đôi so với năm 2009, hiện Việt Nam được đánh giá là một trong những đất nước có lượng học sinh du học lớn. Việt Nam đang xếp thứ 6 về số lượng trong danh sách các nước có học sinh đang học tập tại Mỹ. Điều đáng nói là, trong 140.000 du học sinh, chỉ khoảng 10% đi học bằng tiền ngân sách nhà nước, học bổng của Chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; du học tự túc chiếm đến 90%.
Chúng ta nhắc mãi về con số ấn tượng hơn 3 tỷ USD/ năm đã đổ ra nước ngoài cho du học và theo thời gian và xu thế, con số trên chắc không chỉ dừng lại ở đó.
Vì sao nhiều phụ huynh lại đầu tư lớn như vậy cho con đường du học của con mình? Vì sao du học đang trở thành một trào lưu, nếu không nói là một “cơn sốt” của các bậc phụ huynh và học sinh? Có lẽ, nguyên do một phần từ nền giáo dục.
Du học là con đường để “chạy trốn” khỏi giáo dục đại học còn mang nặng tính lý thuyết, thiếu kỹ năng, thiếu thực tiễn, một nền giáo dục đào tạo ra con người công cụ chứ không phải con người sáng tạo. Nhiều bố mẹ đặt kỳ vọng vào con đường du học, họ cho rằng, chỉ bằng con đường đó, con cái mình mới có cơ hội thành công.
Nhưng thực tế, chỉ khi các em đi du học bằng chính năng lực và khát vọng của mình, chỉ khi các du học sinh học một cách thực sự, họ mới tạo ra sự khác biệt. Còn không ít những câu chuyện dở khóc dở cười khi các em bị - được “đẩy” đi du học. Hãy du học một cách thực sự, bằng đam mê và khát vọng của tuổi trẻ chứ không phải vì cái vỏ hào nhoáng bên ngoài bởi chắc chắn, đó không phải là con đường duy nhất để thành công.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Ánh (Giảng viên Đại học Ngoại thương): Tuổi du học tốt nhất là từ đại học
- Theo bà, du học có phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công của mỗi con người?
+ Tôi không nghĩ vậy. Trong số bạn học của tôi có rất nhiều người không du học, có những người thậm chí chẳng học đại học nhưng các bạn ấy vẫn thành công. Con đường dẫn đến thành công ở cuộc đời này rất nhiều. Nhưng có một điểm chung, đó là sự nỗ lực chứ không liên quan đến du học hay bằng cấp.
- Bà trực tiếp giảng dạy tại một trường đại học lớn như Trường Đại học Ngoại thương, vậy theo bà, sự khác biệt giữa sinh viên trong nước và sinh viên du học là gì?
+ Sinh viên trong nước và sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài, nếu thật sự học hành chăm chỉ là rất khác. Tất nhiên chúng ta nói đến những sinh viên thực sự học vì bây giờ ngày càng có nhiều sinh viên du học tự túc, chỉ là những người dùng tiền gia đình ngồi chơi một thời gian ở nước ngoài hoặc học ở những trường hoàn toàn không có uy tín, những người đó ta sẽ không bàn ở đây.
Tôi đang nói chuyện về những người học hành nghiêm túc, nếu chúng ta thật sự là những người học hành nghiêm túc, sinh viên du học về sẽ rất khác so với các bạn trong nước. Bản thân tôi cũng là một sinh viên du học và cho đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy rằng, thời gian du học đã làm cho mình có rất nhiều ưu thế so với các đồng nghiệp không được du học hay các đồng nghiệp du học muộn hơn.
- Vậy theo bà, thời điểm vàng để đi du học là lúc nào, vì bây giờ, đang có xu hướng các gia đình cho con đi du học từ cấp 3, thậm chí cấp 2?
+ Tôi cho rằng, tuổi du học tốt nhất là từ đại học, khi đấy chúng ta bắt đầu hình thành nhân cách, chúng ta biết mình là ai, đồng thời ta không quá già để hội nhập với môi trường mới. Tôi đi du học từ bậc đại học, năm 17 tuổi, khoảng thời gian đó thứ nhất giúp tôi biết cách học tập mới. Chúng ta đều biết cách học tập của châu Á hơi bị sách vở, tầm chương trích cú, thiếu tính thực tế điểm thứ 2 những kiến thức của chúng ta về kinh doanh không có, Việt Nam không có truyền thống kinh doanh cho nên kiến thức kinh doanh không cập nhật với thế giới, du học cho ta kiến thức kinh doanh rất tốt cho công việc sau này.
Nhưng điều quan trọng nhất, đối với tôi là một sinh viên du học nhận được đó là tư duy mới. Chúng ta đều biết trong cuộc đời kiến thức không bao giờ là đủ, mặc dù tôi là sinh viên học giỏi thời gian đó nhưng chỉ khoảng 5-7 năm sau, những kiến thức tôi học đã quên hết, sau đó lại phải tiếp tục học kiến thức mới.
Cho nên di sản mà du học để lại cho tôi không phải là kiến thức mà là tư duy, thời gian đó giúp tôi biết rằng kiến thức của mình không bao giờ đủ và chúng tôi muốn sống được thì phải luôn luôn cập nhật kiến thức mới, luôn học tập không ngừng, phải tiến bước cùng thế giới và phải biết rằng không có gì là đúng đắn vĩnh viễn. Tôi nghĩ, với tư duy mở, tư duy phản biện sẽ giúp cho các sinh viên du học có một sức bật, sự sáng tạo và tự do trong tư duy mà sinh viên trong nước hiếm khi có được.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của bà!
Ông Phạm Phú Công (Chuyên gia tuyển dụng): Nhiều du học sinh thiếu kiến thức thực tế
- Thực tế hiện nay, con số du học tự túc chiếm đến 90%, ông có đánh giá như thế nào về chất lượng của những học sinh tự túc này?
+ Đối với học sinh du học, chúng ta phải phân biệt nguồn đi du học: Có những bạn du học vì có học bổng các trường nước ngoài, khi các trường cấp học bổng cho các bạn, đồng nghĩa đã một lần đánh giá bạn du học sinh đó rồi, cho nên chất lượng của các bạn đó là rất tốt. Khi các bạn về nước thì các bạn đã thể hiện một sự vượt trội. Còn những sinh viên du học tự túc cũng có hai loại, một số các bạn học hành chăm chỉ thì chất lượng khá tốt, số còn lại học hành không chăm chỉ, không hòa nhập được vào môi trường văn hóa, giáo dục với nước sở tại thì thậm chí chất lượng sau tốt nghiệp còn thấp hơn các bạn tốt nghiệp trong nước. Gặp những ứng cử viên như vậy, chúng tôi thực sự không hài lòng.
Những sinh viên học xong, ở lại nước sở tại làm việc một đến hai năm rồi trở về Việt Nam thì thực sự tốt. Những người làm việc khoảng ba đến bốn năm, thường về Việt Nam khi tuyển dụng họ được mời ở vị trí cao. Còn những bạn du học xong, tốt nghiệp và về nước luôn, thường gặp rất nhiều bỡ ngỡ, bởi vì doanh nghiệp khi họ tuyển chọn, họ không chỉ nhìn vào quá trình học tập mà họ còn nhìn vào kĩ năng mềm, hiểu biết thực tế của các bạn. Có những bạn du học về nói những chuyện ở Việt Nam không tồn tại, hoặc quá xa vời thì những bạn như vậy cũng sẽ gặp khó khăn.
Thêm nữa, một số bạn đi du học về cho rằng mình giỏi hơn các bạn trong nước, bạn đòi hỏi cao, bạn không hiểu biết thực tế, bạn vào môi trường làm việc không hòa nhập được, bạn cho phải như thế này mới đúng, như thế kia mới hay… thì không bằng những sinh viên trong nước, tốt nghiệp và thực tập ở Việt Nam, hiểu môi trường kinh doanh, chỉ số xã hội, các thông số về kinh tế… Chính các bạn này hòa nhập nhanh hơn và làm việc tốt hơn các bạn du học.
- Ông có lời khuyên nào cho những bạn đang có ý định du học?
+ Có một lời khuyên cho các bạn có ý định du học, đó là các bạn phải cố gắng ở lại làm việc từ hai đến ba năm ở nước sở tại. Lúc đó chúng ta sẽ mang về những giá trị khác hẳn, chứ không thuần túy mang về một đống lý thuyết như các bạn tốt nghiệp xong và quay đầu về nước. Các bạn nói về những kì thực tập sinh nhưng tôi tuyển dụng tôi biết, những kì thực tập sinh không mang lại nhiều giá trị cho các bạn. Ở tư cách thực tập sinh, bạn không được giao nhiều công việc, bạn chỉ được quan sát người khác làm việc và phải tinh ý lắm bạn mới nắm bắt được công việc.
Tôi nghĩ du học không phải là con đường duy nhất để thành công, nhưng du học là con đường rất tốt để các bạn tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, qua đó phải xác định định hướng nghề nghiệp của mình. Du học là phương tiện đạt được định hướng nghề nghiệp chứ không phải anh du học có nghĩa là anh sẽ thành công.
Thực tế, có rất nhiều bạn du học về vẫn đang làm những công việc hết sức bình thường. Cho nên chúng ta phải có chiến lược thực sự cho sự nghiệp của mình. Ngay cả việc chọn trường du học cũng vậy, có hàng nghìn trường đại học trên thế giới, có những trường tốt ở lĩnh vực này, trường lại tốt ở lĩnh vực khác. Và có những trường học không tốt ở lĩnh vực đó nhưng họ vẫn tuyển sinh, vẫn đào tạo… đó là việc chúng ta cần cân nhắc khi chọn trường, chọn quốc gia học tập. Chúng ta cân nhắc yếu tố phù hợp với định hướng nghề nghiệp bản thân và phù hợp nhu cầu thực tiễn nhân lực ở Việt Nam.
- Hiện nay ở Việt Nam có khá nhiều trường Quốc tế, vậy theo ông, chất lượng đào tạo của những trường đó ra sao và chúng ta có thể lựa chọn thay vì đi du học tốn kém?
+ Tôi thấy hiện tại, trong nước cũng có những trường đại học rất tốt và nhiều công ty nước ngoài đến đây họ tuyển chọn những sinh viên tốt nghiệp trong nước chứ không phải sinh viên du học về. Du học lợi thế về tiếng Anh, về ngoại ngữ, nhưng bây giờ điều kiện trong nước cũng cho phép bạn giỏi tiếng Anh, ngoại ngữ nếu bạn nỗ lực. Cho nên nếu không được du học thì các bạn chọn các trường trong nước, các bạn vẫn có thể thành công.
- Với góc nhìn của một nhà tuyển dụng, theo ông, chìa khóa thành công của mỗi con người là gì? Và có nên du học theo phong trào như hiện nay?
+ Chìa khóa thành công của mỗi cá nhân: Nếu thành công là một chìa khóa thì cần tới ba mã khóa để mở được chìa khóa đó: Đó là tài năng, đam mê và nhạy cảm thị trường. Bạn tự hỏi mình xem mình có tài năng trong lĩnh vực nào? Bạn phải có đam mê vì đường đến thành công không phải ấn nút cái là thành công, thành công không nhanh như trúng số Vietlott. Trên con đường dẫn đến thành công có vô số chông gai, khó khăn, thử thách, chỉ có đam mê mới giúp bạn tiếp tục vượt lên và rèn luyện mình, đi tiếp…
Mật mã thứ ba đòi hỏi các bạn phải nhạy cảm với thị trường, nhạy cảm với thực tế. Nếu bạn có tài năng, bạn có đam mê, nhưng tài năng và đam mê đó thị trường không cần đến, bạn sẽ vẫn thất bại.
- Xin cảm ơn ông!