Khi hoa hậu trả lại danh hiệu?

Thứ Sáu, 31/03/2017, 06:46
Chuyện hy hữu đã xảy ra trong làng nhan sắc Việt, làm nóng các diễn đàn những ngày gần đây là việc Nguyễn Thị Thành trả lại danh hiệu Á khôi 1 Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 vì từng thẩm mỹ răng. Thẩm mỹ răng có phải là một dạng phẫu thuật thẩm mỹ và nên “cấm” hay “mở” với thí sinh tham gia các cuộc thi hoa hậu, người đẹp một lần nữa được phân tích, mổ xẻ.


Tìm cơ hội “đổi đời” từ các cuộc thi nhan sắc

Trước hết nói về câu chuyện của Nguyễn Thị Thành. Cô gái Bắc Ninh này được đánh giá là ứng viên sáng giá cho ngôi vị Hoa khôi Du lịch Việt Nam từ những vòng thi đầu tiên. Sở hữu hình thể chuẩn và gương mặt đẹp cùng khát khao được khẳng định bản thân, kinh nghiệm tích lũy được ở một vài cuộc thi nhan sắc, Nguyễn Thị Thành tự tin có cơ hội được tỏa sáng ở cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017.

Danh hiệu Á khôi 1 của cuộc thi là minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng của cô gái trẻ và khán giả đều cảm thấy cô xứng đáng với danh hiệu đó. Tuy nhiên, chuyện “lùm xùm” bắt đầu từ những cái răng mà Nguyễn Thị Thành đã tiến hành “chỉnh trang” để có nụ cười rạng rỡ trước đó. Cục Nghệ thuật biểu diễn lên tiếng và Ban Tổ chức đã phải giải trình về kết quả cuộc thi. Cuối cùng, Nguyễn Thị Thành quyết định trả lại danh hiệu và đến nay, vị trí Á khôi 1 vẫn đang bỏ ngỏ.

Top 3 của cuộc thi “Hoa khôi Du lịch Việt Nam” 2017.

Trong câu chuyện hy hữu này, Nguyễn Thị Thành có lỗi hay không?. Câu trả lời là có bởi đây không phải là lần đầu tiên cô bị “xử” vì chuyện thẩm mỹ răng. Nguyễn Thị Thành và một số người đẹp khác đã phải “ngậm ngùi” dừng chân sớm trong cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam” năm 2016 vì nghi án phẫu thuật thẩm mỹ.

Lẽ ra, với “cú ngã” đau từ cuộc thi Hoa hậu năm ngoái, Nguyễn Thị Thành phải rút kinh nghiệm, phải hiểu rõ quy chế các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam là không chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ dưới bất kỳ hình thức nào.

Chia sẻ với báo giới về việc quyết định trả lại danh hiệu, Nguyễn Thị Thành nói rằng, trước khi ghi danh tham gia cuộc thi “Hoa khôi Du lịch Việt Nam”, cô cũng đã hỏi ý kiến các thành viên trong Ban Tổ chức, các chuyên gia thẩm mỹ và thấy rằng, việc thẩm mỹ răng không vi phạm quy chế cuộc thi. Tuy nhiên, cách lý giải này không nhận được sự đồng tình của nhiều người.

Chúng tôi cho rằng, với những bạn trẻ có sắc vóc, tài năng, họ hoàn toàn có quyền được thử sức để khẳng định bản thân trên những “đấu trường” nhan sắc trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc “cố đấm ăn xôi”, dù biết vi phạm quy chế vẫn tham gia thi là việc không thể chấp nhận.

Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ tham gia các cuộc thi nhan sắc tìm kiếm cơ hội “đổi đời” hơn là mong muốn được trải nghiệm và thử sức. Đạt danh hiệu, dù lớn, dù nhỏ trong cuộc thi nhan sắc, điều đó đồng nghĩa với việc người đẹp có cơ hội để bước chân vào showbiz, nâng catse khi trình diễn thời trang, dự sự kiện hoặc có được những hợp đồng quảng cáo hấp dẫn, trở thành gương mặt đại diện cho một nhãn hàng nào đó…

Mặc dù không may mắn với giải thưởng trong cuộc thi “Hoa khôi Du lịch Việt Nam” 2017 nhưng xét ở góc độ truyền thông, cái tên Nguyễn Thị Thành đã phủ sóng rộng khắp và được “hâm nóng” trên các diễn đàn. Thậm chí, tên cô còn được nhắc đến nhiều hơn hẳn so với Hoa khôi Đỗ Trần Khánh Ngân và Á khôi 2 Nguyễn Thị Liên Phương.

Đây sẽ là lợi thế rất lớn cho Nguyễn Thị Thành bước chân vào showbiz. Có thể, sau sự việc này, Nguyễn Thị Thành sẽ là cái tên được nhiều nhãn hàng tìm kiếm nhất trong số các thí sinh đã tham gia cuộc thi “Hoa khôi Du lịch Việt Nam” 2017.

Nhiều người nói rằng, trong thời kỳ hiện nay, hoa hậu, người đẹp không đơn thuần là danh hiệu mà nó còn là một “nghề” hái ra tiền. Chính vì vậy, không khó để nhận thấy, người đẹp Việt “chinh chiến” từ cuộc thi này sang cuộc thi khác.

Trước khi ghi danh dự thi “Hoa hậu Du lịch Việt Nam” 2017, Nguyễn Thị Thành từng dự thi “Hoa hậu Việt Nam” 2016, sau đó là chương trình “The Face – Gương mặt thương hiệu” 2016. Tương tự như vậy, trước khi trở thành Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017, Đỗ Trần Khánh Ngân cũng từng tham gia “The Face – Gương mặt thương hiệu” 2016, “Hoa hậu Việt Nam” 2014 và “Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam” 2015…

“Nóng” chuyện “cấm” hay “mở” với thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ

Các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc. Tại Điểm a, khoản 1, Điều 19, Nghị định 79/2012/NĐ-CP, ngày 05/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, ghi rõ, thí sinh dự thi người đẹp phải “có vẻ đẹp tự nhiên”.

Cuộc thi “Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam” 2017 đã khởi động. Thể lệ cuộc thi ghi rõ, thí sinh tham gia dự thi “chưa qua giải phẫu thẩm mỹ hoặc chuyển đổi giới tính”.

Đồng thời tại Điều 6, Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL, ngày 24/3/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP, ngày 15/3/2016 của Chính phủ (Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79), quy định rõ: “Thí sinh có vẻ đẹp tự nhiên là thí sinh chưa thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ”.

Như vậy, tất cả thí sinh tham gia các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam phải có vẻ đẹp tự nhiên, chưa thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi ở chỗ, sự can thiệp của công nghệ làm đẹp đến đâu thì được xác định là phẫu thuật thẩm mỹ.

Một số chuyên gia về nha khoa cho rằng, việc chỉnh sửa răng không được coi là phẫu thuật thẩm mỹ. Theo đó, răng cũng như tóc, việc chỉnh sửa như “niềng răng”, làm trắng răng cũng giống như việc cắt tóc, tạo kiểu tóc, không phải là phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, các nhà quản lý thì khẳng định, việc chỉnh sửa răng đã không còn giữ được “vẻ đẹp tự nhiên” và như vậy vi phạm quy chế thi.

Một vấn đề cũng được khá nhiều người quan tâm là thực tế ở Việt Nam thời gian gần đây xuất hiện không ít cuộc thi sắc đẹp dành cho quý bà đã lập gia đình. Với những cuộc thi này, thí sinh tham gia cuộc thi ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Việc tìm kiếm những thí sinh U40, U50 mà vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên, chưa có bất kỳ sự can thiệp nào của công nghệ làm đẹp là vô cùng khó khăn. Với sự phát triển của ngành công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ và nhu cầu làm đẹp của phụ nữ, nhất là phụ nữ tuổi trung niên thì việc tìm đến các trung tâm thẩm mỹ để xăm mày, nhấn mí, căng da mặt, nâng mũi, bơm ngực, hút mỡ… diễn ra hết sức phổ biến.

Nhìn ra thế giới, không phải cuộc thi sắc đẹp nào cũng nói “không” với thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ. Điển hình là cuộc thi “Hoa hậu Hoàn vũ” – một trong những cuộc thi nhan sắc lớn nhất thế giới hiện nay. Cuộc thi này không khuyến khích nhưng cũng không cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ.

Sẽ không có gì để nói nếu thí sinh tham gia “Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam” chỉ được vinh danh trong phạm vi quốc gia. Tuy nhiên, một trong những mục đích của cuộc thi này là tìm ra đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi “Hoa hậu Hoàn vũ” thế giới.

Rõ ràng, khi bước ra đấu trường sắc đẹp thế giới, nhan sắc Việt sẽ bị “lép vế” so với sắc đẹp “ngoại” bởi ta phải giữ “vẻ đẹp tự nhiên” trong khi các thí sinh đến từ các quốc gia khác được phép phẫu thuật thẩm mỹ để hoàn thiện những khiếm khuyết trên cơ thể. Như vậy, vô hình chung, thí sinh Việt lại bị thiệt thòi do chính những quy định do chúng ta đặt ra.

Chúng tôi không hoàn toàn ủng hộ thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ nhưng thiết nghĩ, cần quy định cụ thể về việc phẫu thuật thẩm mỹ để Ban Tổ chức các cuộc thi sắc đẹp cũng như thí sinh hiểu rõ, thống nhất trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc, tính toán xem, có nhất thiết thí sinh trong cuộc thi sắc đẹp nào cũng cần có “vẻ đẹp tự nhiên” như quy định hiện nay hay không. Nếu những cuộc thi sắc đẹp quốc tế không cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ thì có lẽ cũng nên để “mở” vấn đề này.

Tường Phạm
.
.