Khi giáo dục học đường lên phim

Chủ Nhật, 29/09/2019, 08:15
Bộ phim "Siêu quậy có bầu" ra mắt khán giả ngày 20-9 vừa qua được đánh dấu là bộ phim điện ảnh giới tính học đường đầu tiên của Việt Nam. Mặc dù lâu nay có khá nhiều phim làm về tuổi học trò, nhưng những vấn đề của lứa tuổi này lại chưa được các nhà làm phim đề cập một cách sâu sắc, toàn diện. 


Trong hoàn cảnh những vấn đề như giới tính học đường, bạo lực học đường đang ngày càng trở nên bức xúc thì việc đưa những câu chuyện ấy vào phim là điều cần ủng hộ, cổ vũ.

"Siêu quậy có bầu" là bộ phim xoay quanh nhân vật Hạ An (Han Sara thủ vai), là một cô nữ sinh thông minh, xinh đẹp, có thành tích học tập xuất sắc nhưng cũng vô cùng nghịch ngợm. Mồ côi cha mẹ, luôn cầm đầu trong các trò chọc phá, thường xuyên gây ra những vụ việc oái ăm nên Hạ An trở thành học sinh cá biệt của trường.

Với mơ ước qua Mỹ du học, Hạ An đã quyết tâm học giỏi để có được học bổng. Tuy nhiên, khi tưởng như chạm tay được vào giấc mơ ấy thì Hạ An lại rơi vào hoàn cảnh vô cùng éo le: cô phát hiện ra mình có thai sau một đêm say rượu. Từ đây, cô gái cá tính này phải đối mặt với những áp lực từ nhà trường, bạn bè và gia đình. Rồi bí mật của Hạ An bị phát hiện, mọi người đều lên án, xem cô như một tội đồ khi dám mang thai ở độ tuổi còn đi học. Duy có thầy Đức (NSƯT Đức Thịnh đóng) là đứng ở phía cô, thấu hiểu và chia sẻ với Hạ An.

“Siêu quậy có bầu” - Bộ phim điện ảnh về giới tính học đường.

Ngoài ra, thầy Phong (Đỗ An thủ vai) là một thầy giáo điển trai, nghiêm khắc cũng là người tác động phần lớn đến câu chuyện của Hạ An. Trong tình huống cực chẳng đã, vì muốn giúp học sinh nên thầy Phong cũng gặp nhiều rắc rối. Câu chuyện phim đã đưa ra một tình huống éo le, nhưng chắc chắn không phải là quá hiếm trong xã hội hiện đại, từ đó rút ra những bài học về kinh nghiệm ứng xử giữa thầy cô - học trò, con cái - gia đình và bạn bè với nhau.

Trước khi ra mắt, bộ phim "Siêu quậy có bầu" có tên cũ là "Thầy ơi em có bầu" đã nhận được một số phản ứng trái chiều của cư dân mạng. Nhiều ý kiến cho rằng để nhân vật chính có bầu khi đang ở tuổi học sinh liệu có phản cảm?

Trước băn khoăn ấy, nghệ sĩ Thanh Thúy, đại diện nhà sản xuất phim cho biết: "Siêu quậy có bầu "là bộ phim nói về học đường, trọng tâm nói về vấn đề giáo dục giới tính trong học đường. Tôi khẳng định cái bầu của Hạ An trong phim không vi phạm đạo đức".

Còn đạo diễn Nguyễn Quốc Duy cũng chia sẻ trên báo chí về lý do đưa đề tài giới tính học đường lên phim. Anh cho rằng, giới tính học đường không phải là một đề tài mới nhưng để mang lên màn ảnh rộng và tạo ra sự cuốn hút không phải là điều dễ dàng.

Cũng theo đạo diễn Nguyễn Quốc Duy "Siêu quậy có bầu" là lời nhắc nhở để gia đình, nhà trường quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục giới tính cho các em, để các em không bị chơi vơi, lạc lõng khi rơi vào những tình huống khó xử. Phim không chỉ phù hợp với lứa tuổi học đường mà ngay cả những ai đã đi qua lứa tuổi này sẽ có cơ hội được gặp lại những tháng năm vụng dại. Và đặc biệt, những ai đang có con ở lứa tuổi này cũng sẽ rút ra được những bài học ứng xử cần thiết, phù hợp.

Có thể nói, gần đây, phim về học sinh, sinh viên khá nhiều nhưng các nhà làm phim chủ yếu tập trung vào đề tài tình bạn, tình yêu, lập nghiệp... ít có phim lấy những vấn nạn học đường như bạo lực, giới tính làm trọng tâm phản ảnh. Hiệu ứng của phim "Siêu quậy có bầu" với khán giả cần một thời gian nữa để kiểm nghiệm, tuy nhiên, việc đưa giáo dục giới tính vào phim điện ảnh cũng là một hướng đi mới cần cổ vũ những người làm phim.

Trong xã hội ngày càng hiện đại, khi nhiều sự việc đau lòng xảy ra liên quan đến những vấn đề như giới tính, bạo lực học đường thì lại càng nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Tình trạng quan hệ tình dục sớm khi các em còn chưa đủ nhận thức hay tình trạng bạo lực học đường có dấu hiệu gia tăng gần đây thực sự gây nhức nhối cho cả gia đình, nhà trường và xã hội.

Sau sự thành công của "Em chưa 18", thời gian vừa qua, có khá nhiều đạo diễn chọn lứa tuổi học đường để tập trung khai thác. Không khó để kể ra những bộ phim như "Tháng năm rực rỡ", "Thạch Thảo", "Em gái mưa", "Trường học Bá vương"...

Một cảnh trong phim “trường học bá vương”.

Ngoài ra, còn là những phim ngắn, phim chiếu mạng cũng tập trung vào đề tài này. Trong một vài bộ phim, cũng đã xuất hiện tình tiết liên quan đến vấn nạn bạo lực học đường. Những chi tiết như ức hiếp bạn bè, một số nhân vật trong phim thu hút sự chú ý của các bạn trong lớp bằng cách ăn mặc thật "ngầu", tạo dựng phe phái để khẳng định quyền lực của mình... xuất hiện không ít trong những bộ phim về tuổi học trò. Tuy nhiên, điều đáng nói là những câu chuyện này lâu nay lại được phản ánh theo hướng bình thường hóa.

Một số chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục cho rằng, khi đưa các chi tiết bạo lực học đường lên phim ảnh, các nhà làm phim nên cân nhắc thật kỹ. Bởi theo họ, không ít học sinh chịu ảnh hưởng từ cách hành xử của các nhân vật trong phim. Thậm chí, sẽ có những học sinh bắt chước cách hành xử kiểu đại ca, giang hồ trong phim để áp dụng vào đời sống thực tế. Trong khi đó, các nhân vật thế này có rất nhiều trong các phim học đường của Hàn Quốc, Mỹ... và gần đây là trên màn ảnh Việt.

Thực tế, dường như lâu nay, các nhà làm phim Việt không quan tâm nhiều tới yếu tố này, chỉ phản ánh đơn giản như điều hiển nhiên có trong giới học sinh. Đơn cử như ở những bộ phim "Thạch Thảo", "Tháng năm rực rỡ"... các chi tiết học trò mâu thuẫn, đánh nhau xuất hiện khá nhiều. Liệu có phải vì mải tập trung vào mạch phim mà những nhà làm phim đã lãng quên yếu tố giáo dục trong những tình tiết này.

Ví dụ như trong phim "Tháng năm rực rỡ", khi phát hiện con mình bị bạo hành trong trường, nhân vật chính Hiểu Phương cũng tự xử bằng cách tập hợp bạn bè đánh lại nhóm học sinh. Việc dùng bạo lực để chống bạo lực không phải là giải pháp đúng đắn. Hơn nữa, việc để người lớn "ra tay" với trẻ em lại là việc không nên làm.

Trước đó, một bộ phim cũng về lứa tuổi học sinh ra mắt khán giả là "Trường học bá vương". Được quảng cáo là bộ phim về một ngôi trường có một không hai, với những học sinh cũng không giống ai. Nhưng trái ngược với "Em gái mưa", "Tháng năm rực rỡ", tình thầy trò, bạn bè trong phim không còn trong trẻo, màu hồng nữa. "Trường học bá vương" là nơi học sinh đến lớp không phải để học Toán, Văn, Ngoại Ngữ... như bao ngôi trường khác mà mang danh đào tạo thiên tài từ những học sinh bất hảo với các môn học cao siêu: đào tạo ngôi sao, khoa học không gian, siêu anh hùng toàn tập và ngôn tình. Bỏ qua câu chuyện hiện đại có chiều hướng siêu tưởng của phim thì những chi tiết trong phim như học sinh được mời lên bảng giải bài sẵn sàng... ném cả bút lông dằn mặt giáo viên chắc chắn khó nhận được sự đồng cảm của khán giả.

Thực tế, phim giáo dục giới tính chưa bao giờ dễ làm với các nhà sản xuất phim. Có thể nói với "Siêu quậy có bầu", các nhà làm phim có xu hướng khai thác vấn đề giới tính học đường dưới góc nhìn xã hội. Nhân vật Hạ An khi phát hiện mình có thai thì luôn tìm mọi cách để trốn đi nước ngoài vì không muốn gia đình, bạn bè biết. Thậm chí, đến khi sự việc vỡ lở, bị người thân xa lánh, cô bé còn muốn tìm đến cái chết.

Các nhà làm phim cũng đã chọn được cách biểu đạt phù hợp với lứa tuổi học sinh là phong cách hài hước, dễ thương... Hay, lấy những câu chuyện thường ngày của các bạn học sinh để lồng ghép vào nội dung. Không khó để nhận thấy phong cách hài hước quen thuộc của đạo diễn Đức Thịnh ở một số bộ phim trước đây như "Ma dai", "Siêu sao siêu ngố", "Trạng Quỳnh"...

Phía nhà sản xuất phim cho rằng, chuyển tải vấn đề thời sự theo cách hài hước như vậy sẽ dễ dàng tiếp cận với các em ở lứa tuổi teen hiện nay. Rõ ràng, nếu có những kịch bản hay, cách làm phim phù hợp thì những bộ phim điện ảnh sẽ là một kênh tuyên truyền hiệu quả trong giáo dục học đường.

Tuấn Phong
.
.