Khi “đạo”, “nhái” trở thành... nghiễm nhiên
- Triển lãm nghệ thuật đương đại “LỘ”: Khi kiến trúc "kết duyên" cùng nghệ thuật đương đại
- Triển lãm của sự giao thoa giữa kiến trúc với nghệ thuật đương đại
- "Tỏa 3" - Cuộc thử nghiệm táo bạo của Nghệ thuật đương đại
Khởi đầu, một tài khoản mạng xã hội của một nghệ sỹ người Nga có tên Baina Uchaeva đăng đàn tố một số phần sắp đặt của Bảo Nam “đạo”, “nhái” hoàn toàn ý tưởng và “đạo”, “nhái” phần lớn thiết kế của các nghệ sỹ nước ngoài. Và kế sau đó, chỉ trong vài ngày, số lượng phần sắp đặt của triển lãm này bị cho là ăn cắp tác phẩm của các nghệ sỹ nước ngoài như Jamie North, Matsuri Yamana... đã lên đến con số 8 - một con số kinh hoàng.
Ngay sau khi bế mạc triển lãm, trả lời phỏng vấn một tờ báo uy tín, Bảo Nam đã trả lời đại ý rằng: "Tôi cũng không thu tiền từ triển lãm. Dù sao triển lãm cũng xong rồi, ai muốn nói thì cứ nói, nói chán thì thôi, còn tôi đi làm việc khác". Những ai hoạt động nghệ thuật chân chính đều cảm thấy ngỡ ngàng bởi sự bất chấp của một người tự coi mình là "nghệ sỹ".
Nó là một thứ suy nghĩ thể hiện sự thiếu hiểu biết về sở hữu trí tuệ, sự ngang nhiên thừa nhận hành vi. Đáng buồn, điều này đang là phương châm của không ít người hiện nay. Chính họ đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của giới nghệ sỹ đích thực, những người luôn đề cao tự trọng sáng tạo và phẩm cách cá nhân của mình.
“Đạo”, “nhái” đã trở thành một thứ nghiễm nhiên trong đời sống sáng tạo Việt Nam đương đại, năm nào cũng có ít nhất vài vụ bị tố cáo. Có lẽ, đang tồn tại thực sự một phương thức làm việc theo kiểu "đi đường tắt để đến với thành công" thông qua việc thấy thiên hạ có gì hay, mới, lạ, đẹp... là lập tức đánh cắp và biến báo đi một chút để đặt tên mình vào đó. Đại đa số thủ phạm đều không phải nghệ sỹ. Họ chỉ tự xưng nghệ sỹ hoặc được "phong" là nghệ sỹ một cách dễ dãi nhờ vào một cộng đồng người hâm mộ không hề có một hiểu biết cơ bản: thế nào là nghệ thuật.
Chính sự ủng hộ nhiệt liệt của đám đông ấy đã mang lại cho những thủ phạm kia một đời sống đầy danh vọng, tiền tài và bởi thế, họ càng trở nên khinh khi những phê bình đứng đắn. Có thể nói, họ dùng sức mạnh của vật chất, sự nổi danh và đám đông để khẳng định điều mình đang làm chính là công lý.
Có một biên kịch đang nổi tiếng thời gian gần đây vốn dĩ là một người "ăn cắp quen tay". Biên kịch này từng nhiều lần bị "bắt quả tang" ăn cắp từ những nội dung đăng tải trên mạng xã hội của những đồng nghiệp nước ngoài cho tới việc trộm cả những ý tưởng đặc sắc của các bài viết trên báo chí quốc tế. Nhưng biên kịch ấy vẫn nhởn nhơ, thậm chí còn tự hào với thứ mình ăn cắp được. Anh ta có một lực lượng người hâm mộ tương đối đông, sẵn sàng "tranh đấu" cho thần tượng, xem thần tượng của mình là nạn nhân của thói "ghen ăn tức ở" mỗi khi bị tố cáo “đạo”, “nhái”.
Khá nhiều người có thói quen “đạo”, “nhái” ý tưởng này hiện vẫn vin vào câu nói nổi tiếng của Picasso rằng "Nghệ sỹ giỏi thì sao chép. Nghệ sỹ vĩ đại thì đánh cắp". Câu nói này có nhiều tầng nghĩa rất sâu, chỉ những ai thực hành nghệ thuật một cách nghiêm cẩn mới hiểu nổi. Những kẻ dùng nó để biện minh chỉ hiểu theo đúng nghĩa đen của câu chữ, và coi nó như "kim chỉ nam" để hành động. Chỉ có một điều họ không bao giờ chịu hiểu: Picasso không ăn cắp của ai bao giờ.
Đạo đức của một số không ít người trong giới làm sáng tạo ở Việt Nam hiện thời đang xuống cấp nghiêm trọng. Nó cũng sẽ là những "bản ghi" nữa để "hoàn tất hồ sơ" cho những vụ kiện sở hữu trí tuệ lớn ở một ngày không xa. Khi ấy, có lẽ chân giá trị sẽ được trả lại để những người làm sáng tạo nghiêm túc có cơ hội thực sự cho mình.