Khi danh tác được họa sĩ đương đại “chắp cánh”
- Sáng tạo hay làm méo mó các danh tác văn học Việt Nam?
- Giới thiệu danh tác “Lĩnh Nam chích quái” ấn bản bìa da
1.Mấy năm trước, câu chuyện họa sĩ Trần Đại Thắng - Giám đốc Công ty sách Đông A chủ động mời 15 họa sĩ đương đại, toàn là những tên tuổi đang ăn khách như họa sĩ Thành Chương, Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng, Đinh Quân…, minh họa “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du đã được dư luận quan tâm.
Ấn bản “Truyện Kiều” của Đông A sau đó được xuất bản năm 2017 đã tạo ấn tượng tốt trong lòng công chúng lẫn giới nghiên cứu “Truyện Kiều”, đồng thời thu hút được một lượng độc giả trẻ đến với đại danh tác trong kho tàng văn học Việt Nam.
Trước đó, NXB Kim Đồng cũng ra mắt cuốn “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài), “Lĩnh Nam chích quái” (Trần Thế Pháp) với phần minh họa rất kỹ lưỡng của họa sĩ Tạ Huy Long.
Nhân vật trong tiểu thuyết “Số đỏ” qua tranh vẽ minh họa của họa sĩ 8X Nguyễn Thành Phong. |
Dường như việc làm này có dấu mốc của sự khởi xướng, để sau đó, độc giả được cầm trên tay nhiều bộ sách “gối đầu giường” với dấu ấn minh họa của các họa sĩ đương đại. Mới nhất là tiểu thuyết “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Giới am tường văn chương đều thừa nhận “Số đỏ” là một tác phẩm đỉnh cao trong cuộc đời sáng tác ngắn ngủi của nhà văn tài năng Vũ Trọng Phụng. Tuy nhiên, văn bản của tiểu thuyết này cũng có nhiều câu chuyện thú vị.
Theo đó, ban đầu, “Số đỏ” được tác giả ra mắt người đọc dưới dạng truyện đăng nhiều kỳ trên tuần san Hà Nội Báo (từ số 40, ra ngày 7-10-1936) liên tục 16 kỳ (tương ứng với 16 chương) thì bị dừng (năm 1937, do tờ Hà Nội Báo bị cấm). Bản in của NXB Lê Cường năm 1938 là bản in đầu tiên có đầy đủ 20 chương của tác phẩm.
Đến năm 1946, khi tác giả đã mất được 7 năm, tác phẩm mới được in lần thứ hai bởi một nhà xuất bản khác. Nhưng suốt nhiều thập niên qua, ấn bản này đã không còn trong hệ thống các thư viện lẫn không gặp ở nhiều “tàng thư” khác. May mắn, một nhà sưu tập sách tại TP.HCM đã phát hiện và sở hữu được bản in này. Khi thông tin này được lan truyền, nhiều nhà nghiên cứu rất bất ngờ. Sau đó, nhà sưu tập này đã đồng ý cung cấp để Công ty sách Đông A in lại.
Nhưng nếu chỉ in lại theo nguyên bản một bản thảo cũ thì có lẽ sẽ ít thu hút được độc giả đương đại. Vì thế, Đông A đã mời họa sĩ Nguyễn Thành Phong minh họa cho tác phẩm nổi tiếng này.
Thành Phong là họa sĩ 8X, vốn được độc giả biết đến và yêu thích với các dự án truyện tranh và minh họa từ hài hước đến nghiêm túc như “Thương nhớ thời bao cấp”, “Long thần tướng”, “Phê như con tê tê”…Với nét độc đáo, trẻ trung và phong cách dí dỏm, sự kết hợp giữa minh họa của Thành Phong và cuốn "hoạt-kê tiểu-thuyết" (tiểu thuyết khôi hài) của “ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng đã mang đến một ấn bản mới mẻ, hấp dẫn, đáng kỳ vọng.
Cuốn “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” vừa ra mắt với sự tham gia vẽ minh họa của gần 20 họa sĩ đương đại. |
Một ấn bản sách xưa vừa xuất hiện trở lại gây xôn xao trong giới chơi sách, đó là “Tiêu Sơn tráng sỹ” của nhà văn Khái Hưng. Trong lần trở lại này, những bản sách đặc biệt có thêm một phụ bản với những bức tranh minh họa do họa sĩ Lê Trí Dũng vẽ.
Trong xu thế làm mới những tác phẩm nổi tiếng bằng minh họa, không thể không nhắc tới cuốn “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” vừa ra mắt độc giả tháng 8 vừa qua. 42 truyện ngắn tiêu biểu gắn liền với tên tuổi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, như “Những ngọn gió Hua Tát”, “Huyền thoại phố phường”, “Chảy đi sông ơi”, “Muối của rừng”, “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Tướng về hưu”, “Không có vua”… Nhiều người đã quá quen với văn chương Nguyễn Huy Thiệp, song khi cuốn sách mới ra mắt nhiều độc giả vẫn cảm thấy bị cuốn hút.
Có được sự “cuốn hút” đó, là bởi phần mỹ thuật của cuốn sách được chăm chút tỉ mỉ. Bìa sách được in bằng công nghệ metalize, và được thực hiện theo ý tưởng là một bảng màu với các chấm tròn xen kẽ những trích đoạn tranh minh họa của 13 họa sĩ đương đại.
Ruột sách có minh họa của 17 họa sĩ đương đại Việt Nam như Đào Hải Phong, Thành Chương, Phan Cẩm Thượng, Lê Thiết Cương, Hà Trí Hiếu... và họa sĩ Lena Sjoberg (Thụy Điển). Riêng 100 cuốn sách đặc biệt còn được làm bìa da, có thêm minh họa của 13 họa sĩ nổi tiếng. Những minh họa này được in màu khiến cho cuốn sách càng trở nên sinh động, hấp dẫn và độc đáo với giới chơi sách có thú sưu tầm…
Sắp tới, cuộc đua còn trở nên hấp dẫn hơn khi những truyện ngắn của nhà văn Kim Lân sẽ được “chắp thêm đôi cánh” minh họa mới, dự kiến do con trai ông - họa sĩ Thành Chương - vẽ minh họa. Trong khi đó cuốn “Bỉ vỏ” nổi tiếng của nhà văn Nguyên Hồng sẽ do họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ minh họa; “Tiêu Sơn tráng sĩ” tiếp tục ra mắt với minh họa của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường…
2. Mới đây, có mặt tại buổi tọa đàm với chủ đề “Vẽ minh họa - Làm mới tác phẩm kinh điển Việt Nam” do Đông A cùng Trạm Radio tổ chức, nhà nghiên cứu văn học - TS Mai Anh Tuấn cho rằng: “Việc vẽ minh họa là một đóng góp để văn chương và mỹ thuật tới gần hơn tới công chúng”.
Theo ông Tuấn, minh họa tác phẩm văn chương không phải sự vẽ và mô tả đúng cái nội dung của tác phẩm. Để có thể vẽ minh họa văn chương, họa sĩ phải có hai phẩm chất quan trọng là phải đọc, hiểu được các lớp nghĩa của tác phẩm văn học, và phải có khả năng đồng sáng tạo cùng nhà văn.
Trong khi đó, từ góc độ của họa sĩ có nhiều đóng góp về mỹ thuật cho các xuất bản phẩm trong những năm gần đây, họa sĩ Kim Duẩn cho rằng tùy từng tác phẩm văn chương, họa sĩ có thể chọn cách vẽ lại đúng như mô tả của nhà văn hay thêm những sáng tạo của bản thân vào bức tranh.
Theo Kim Duẩn, dù minh họa các tác phẩm dành cho người lớn, hay truyện thiếu nhi, người họa sĩ đều phải đọc kỹ tác phẩm và phân bổ số lượng tranh minh họa sao cho hợp lý, không để các phần minh họa ở quá gần hoặc quá xa nhau. Họa sĩ còn phải lựa chọn các đoạn hoặc tình tiết đặc sắc để minh họa.
Minh họa của họa sĩ Thành Chương cho truyện ngắn “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp. |
Tuy nhiên, cũng xuất hiện một luồng ý kiến cho rằng, xu hướng dùng họa sĩ đương đại để minh họa với mục tiêu làm mới những tác phẩm nổi tiếng, thậm chí trong hàng sách kinh điển của Việt Nam cần phải hết sức thận trọng. Tránh a dua làm theo trào lưu, bởi rất dễ làm làm “méo mó” tác phẩm văn học.
Trò chuyện với một số họa sĩ từng tham gia vẽ minh họa cho các tác phẩm văn chương thuộc dòng kinh điển, đa số đều thừa nhận, mỗi lần nhận vẽ đều có đôi chút áp lực, và vẽ minh họa tác phẩm văn chương không “dễ ăn” như khi nhận minh họa một truyện ngắn, bút ký in trên báo.
Họa sĩ Thành Chương, Hồng Việt Dũng… khi nhận lời minh họa “Truyện Kiều” đã phải đọc kỹ lại tác phẩm, hoặc đoạn được mời vẽ minh họa. Thậm chí có họa sĩ phải vẽ đi vẽ lại nhiều bản mới lựa chọn ra bản ưng ý nhất để gửi đi.
Còn nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn cho rằng, hội họa có vai trò rất quan trọng khơi gợi trí tưởng tượng của chúng ta về những bối cảnh văn hoá xã hội ở thời kỳ lịch sử cách xa chúng ta, giúp chúng ta có những kiến thức về văn hoá lịch sử.
Trong xu thế “nhà nhà đua nhau làm mới” các tác phẩm nổi tiếng như hiện nay, một số chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản đánh giá, đây vừa là tín hiệu vui nhưng đồng thời cũng có những tín hiệu cần cảnh báo.
“Vui thì như nhiều người đã nói, thị trường xuất bản có thêm những xuất bản phẩm mới, bắt mắt đáp ứng nhu cầu độc giả đương đại. Nhưng việc nhiều đơn vị làm sách đổ xô vào những cuốn sách kinh điển, đã hết bản quyền để cùng làm mới là điều cần tránh”- Một chuyên gia xuất bản nêu ý kiến.
Lấy ví dụ từ trường hợp có tới hai, ba đơn vị cùng tái bản “Tiêu Sơn tráng sĩ” (Khái Hưng) hay “Việt Nam sử lược” (Đào Duy Anh), vị chuyên gia xuất bản này cho rằng, đó là sự lãng phí. Vẫn biết, những cuốn sách này đều đã hết thời hạn bảo hộ bản quyền, việc xuất bản là tự do chỉ cần có giấy phép xuất bản, song việc cùng lúc ra mắt những cuốn sách cùng tên, dù cách làm của mỗi đơn vị có khác nhau, cho thấy cách làm xuất bản này, không khéo lại rơi vào sự quẩn quanh, trùng lặp và... nhàm chán.