Kết nối gia đình - hướng đi mới của truyền hình thực tế
Câu chuyện cảm động về gia đình vốn được các chương trình truyền hình thực tế về ca hát, nhảy múa khai thác như một gia vị hấp dẫn. Quang Anh, quán quân của Giọng hát Việt nhí mùa đầu khiến mọi người xúc động khi sau giờ học, em lại chăm chỉ giúp mẹ. Thu nhập từ nghề công nhân vệ sinh như mẹ Quang Anh khiến cuộc sống gia đình luôn chật vật. Cậu bé người Thanh Hóa ước ao số tiền thưởng của mình sẽ giúp mẹ xây nhà, mong mẹ bớt nhọc nhằn. Đó cũng là ước mơ của cô bé Phương Mỹ Chi khi thấy mẹ tảo tần sớm khuya với gánh chè nặng trĩu. Cô Út thì bị bệnh hiểm nghèo, mờ hai mắt. Chính người ca sĩ bất hạnh đó đã dạy cho Chi biết hát, hun đúc cho Chi tình yêu dân ca Nam Bộ.
Chương trình dành cho người lớn cũng không bỏ qua đề tài này để lấy thiện cảm và nước mắt của khán giả. Yasuy, quán quân Vietnam Idol 2012, khi đang là thí sinh dự thi đã khiến khán giả ấn tượng bởi cảnh gia đình chất phác, hồn hậu của anh trên cao nguyên đất đỏ. Trong chương trình "Gương mặt thân quen", tình cảm gia đình đã được tôn vinh khi đêm chung kết có mặt những người con của các nghệ sĩ để cùng chung vui. Mùa đầu, con gái của Mỹ Linh, con gái ca sĩ Thúy Uyên, con trai nghệ sĩ Hoài Linh đã xuất hiện biểu diễn nhiều tiết mục. Mẹ của Khởi My cũng được mời lên sân khấu để chia sẻ niềm vui chiến thắng của con.
Sự xuất hiện với mức độ tăng dần đều của các chương trình về gia đình là dấu hiệu tích cực. Đây cũng là hướng đi an toàn và mới mẻ cho truyền hình thực tế khi nhắm sang tinh thần "vui là chính" của các gia đình tham gia.
"Bố ơi, mình đi đâu thế?" là chương trình gây sốt của Hàn Quốc đã được MayQ mua lại bản quyền, chuyển thể thành phiên bản Việt. Đây là hành trình của các ông bố nổi tiếng như MC Phan Anh, nhạc sĩ Minh Khang, ca sĩ Hoàng Bách, đạo diễn Trần Lực với những đứa con của mình. Các cặp bố con này phải xoay xở trong mọi hoàn cảnh mà không có sự trợ giúp của bà mẹ. Qua đó, chương trình thử thách khả năng vượt khó của ông bố, hiểu thêm về sự vất vả của người mẹ, gắn kết tình cha con. Đã có nhiều tình huống dở khóc dở cười, vui nhộn, cảm động xảy ra như cha con MC Phan Anh phải ngủ chuồng bò, các ông bố mướt mồ hôi nấu ăn, vụng về đến nỗi đứt tay chảy máu, loay hoay tắm cho con, những câu nói lém lỉnh của các bé…
Nhiều chương trình truyền hình thực tế về ca nhạc khai thác đề tài gia đình. Trong ảnh: Một tiết mục dự thi chương trình "Vợ chồng mình hát". |
Nội dung của các chương trình về đề tài gia đình thường nhẹ nhàng, không gò ép quá mức bởi không phải là yếu tố tài năng, nhan sắc thu hút khán giả xem đài mà đó là tình cảm của những người thân và câu chuyện thú vị, hóm hỉnh của họ trong mỗi sân chơi. "Vợ chồng son" (phát sóng trên HTV7) là một ví dụ điển hình cho câu chuyện vui nhộn, bi hài của cặp vợ chồng trẻ từ thuở mới quen đến khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Kiểu bồi thêm và hành động "té ghế" của hai MC hài là nghệ sĩ Hồng Vân và Quốc Thuận càng khiến khán giả cười nghiêng ngả. Ngoài những kỉ niệm thời mới yêu, điểm thú vị nhất của chương trình chính là chuyện cười ra nước mắt của các cặp vợ chồng son khi bắt đầu chung sống với nhau. Điểm tốt và cả thói hư tật xấu được hai bên đem ra mổ xẻ không khoan nhượng. Chẳng hạn chồng hay khóc nhè, là chúa sợ ma, có vợ mới dám đi trong tối, hoặc nàng hậu đậu không biết nấu cơm, nấu canh chua, hoặc là "mỹ nhân cứu anh hùng" khi chàng sợ chuột... Sự hồn nhiên, hài hước của thí sinh lẫn phần bình luận không đụng hàng của MC là điểm cộng của chương trình. Tham gia chương trình, các cặp vợ chồng son có dịp nhìn lại quá trình họ cùng sánh bước bên nhau. Ôn lại kỉ niệm để biết trân quý nhau; "kể tội" nhau để hiểu thêm tính cách đối phương rồi cùng nhau sửa đổi, vun dựng mái ấm gia đình tốt đẹp hơn.
Vừa mới ra mắt trên kênh HTV9 vào mỗi tối thứ năm hằng tuần nhưng "Vợ chồng mình hát" cũng nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của khán giả. Là sân chơi ca nhạc nhưng - như cái tên chương trình - thí sinh tham gia là cặp vợ chồng ở mọi miền đất nước và Ban giám khảo là cặp vợ chồng nổi tiếng như: ca sĩ Cẩm Ly - nhạc sĩ Minh Vy; ca sĩ Cẩm Vân - Khắc Triệu; đôi uyên ương trẻ Đông Nhi - Ông Cao Thắng. Bên cạnh việc tôn vinh tài năng thì cuộc thi này đang nối kết tình cảm vợ chồng, khiến cho họ thêm khăng khít, yêu thương. Bởi đa số các bài hát là tình khúc song ca.
Bước sang năm thứ 4, "Gia đình tài tử" vẫn là chương trình truyền hình thực tế ca nhạc dành cho gia đình được khán giả yêu thích. Đại gia đình gồm ông bà, bố mẹ, con cháu, cô dì… cùng tham gia dàn dựng các tiết mục đặc sắc từ nhạc thiếu nhi đến nhạc trữ tình, cách mạng... Tuy có nhiều tiết mục vụng về, mòn sáo, giọng hát chưa thật ấn tượng nhưng sự giúp đỡ của các thành viên trong gia đình khi luyện tập, lòng say mê "hay hát" và câu chuyện xúc động trong suốt hành trình họ đến với sân chơi này là điểm nhấn.
Ngoài các chương trình trên, còn có các chương trình không kém phần thú vị như "Ý phái đẹp, lời phái mạnh", "Gia đình vui nhộn", "Chúng ta là một gia đình", "Cha con hợp sức"… Đại diện Công ty Sóng Vàng, đơn vị chuyên sản xuất các chương trình truyền hình thực tế cho biết, xu hướng sản xuất các chương trình truyền hình quan tâm đến cộng đồng, gia đình đã có từ lâu. Tuy nhiên, số lượng vô cùng khiêm tốn. Khi các cuộc thi tìm kiếm tài năng đang nhạt dần, mang nặng yếu tố kịch tính, lắm scandal thì những chương trình về gia đình sạch scandal, nặng tình cảm và tính nhân văn khiến khán giả nhanh chóng có thiện cảm. Theo các nhà sản xuất, thực hiện các chương trình trên họ không dám đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà trước hết là tôn vinh ý nghĩa gia đình, giúp người chơi gắn kết với nhau hơn.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất cũng cần cân nhắc thật kỹ khi tăng cường khai thác mảng đề tài này, nhất là những chương trình truyền hình thực tế làm "bà mối" se duyên cho người chơi. Bởi có thể nó "lợi bất cập hại" khi chuyện xe duyên không thành, lại dễ tạo nên dấu ấn "có một mảnh tình vắt vai" cho người chơi. "Hành trình kết nối trái tim" là một chuyến đi dài với đủ mọi điều kiện để các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu và phát sinh tình cảm. "Bạn muốn hẹn hò" cũng là sân chơi xe duyên như thế.
Ở nước ngoài, có rất nhiều chương trình truyền hình thực tế tạo điều kiện cho các cặp đôi… yêu nhau. Nhưng táo bạo nhất phải kể đến "Kết hôn từ cái nhìn đầu tiên", bản quyền của Đan Mạch. Không chỉ làm bà mối đơn thuần mà chương trình còn ghép đôi họ với nhau dựa trên sự tương đồng về tâm lý, sinh học, nghề nghiệp… do bốn chuyên gia là nhà nghiên cứu tình dục, nhà thần học, nhà tâm lý, nhà xã hội học đưa ra. Ba cặp được ghép đôi sẽ kết hôn thật sự ở tòa thị chính, rồi sống với nhau như vợ chồng trong vòng 4 tuần. Nếu không hợp, họ có thể ly hôn. Quãng thời gian sống như vợ chồng này được camera ghi lại gần như 24/24h và đưa đến đông đảo khán giả. Sau chương trình, cả ba cặp đều đã ly hôn. Tập 1 được giới thiệu hồi cuối tháng 9 trong Hội nghị truyền hình Mini Input quốc tế tại Viện Goethe Hà Nội.
Chương trình này làm nổ ra tranh cãi trái chiều dù Mỹ, Đức và Anh đều mua bản quyền và đang sản xuất. Người ta không thể chấp nhận chuyện trăm năm của đời người lại bị đem ra làm trò mua vui, thử nghiệm một cách dễ dãi. Sau chương trình, cuộc sống của họ sẽ ra sao, cơ hội đến với người thứ hai có còn không khi chuyện yêu đương và ngóc ngách cuộc sống vợ chồng chóng vánh trước kia bị xã hội rõ mười mươi?
Rất may là các chương trình xe duyên của Việt Nam chưa đến mức như thế. Và nhà báo Diễm Quỳnh, Phó trưởng Ban Thanh thiếu niên - VTV6 đã trả lời chắc nịch: Những chương trình tương tự như "Kết hôn từ cái nhìn đầu tiên" không thể sản xuất ở Việt Nam