Hoảng trong "ma trận" ngôn ngữ thông báo

Thứ Năm, 29/01/2015, 08:00
Đã xảy ra một chuyện tức cười có thật như sau: Một người đàn ông trông khá bảnh bao phì phèo hút thuốc lá ở phòng chờ tại một nhà ga ngay bên cạnh tấm biển "Cấm không hút thuốc lá". Nhiều người rất khó chịu nhưng không ai dám lên tiếng. Một nữ nhân viên nhà ga tiến đến nhắc. Anh ta bèn nói: "Cô hãy đọc lại biển cấm đi. Đó là cấm người không hút thuốc lá, tức là phải hút. Cô cần nhắc mọi người vì họ không hút, còn tôi hút tức là đúng quy định"...

Ngôn ngữ thông báo được sử dụng trong những trường hợp người ta cần thông tin, báo hiệu cho mọi người biết để chấp hành hoặc thực hiện một giao dịch nào đó. Ví dụ: Ngoài các biển báo giao trong lĩnh vực giao thông bằng hình vẽ, hình ảnh, ký hiệu, còn có những biển ghi bằng chữ. Hoặc thông báo giờ tiếp khách, quy chế làm ở các công sở, tổ chức, đoàn thể, đơn vị kinh tế... Ngoài đường hay những nơi công cộng luôn có nhiều thông báo về những quy định con người không được vi phạm hoặc buộc phải thực hiện v.v... Nhiều khi là những ký hiệu, hình vẽ (ví như gạch chéo trên điếu thuốc lá có nghĩa ở nơi đó cấm hút thuốc). Tuy nhiên, ở nước ta, do mặt bằng dân trí chưa cao nên rất nhiều hình vẽ - nhất là trong lĩnh vực giao thông - khiến nhiều người chưa hiểu hết nên phải có thêm nhiều bảng thông báo bằng chữ. Và như vậy, ngôn ngữ trong trường hợp này - ngôn ngữ thông báo - cần có những đặc điểm, yêu cầu riêng.

Trước hết, một bảng thông báo nào đó không có mục đích gì khác ngoài mục đích là để tất thảy mọi người biết mà tuân thủ, thực hiện. Tất thảy tức là một cộng đồng rất rộng, bao gồm mọi thành phần, đẳng cấp trong xã hội, gồm đủ mọi trình độ, từ nhà trí thức có học vấn cao đến người bình dân, thậm chí chỉ mới biết đọc, biết viết. Vậy nên yêu cầu đầu tiên của ngôn ngữ thông báo là phải rất ngắn gọn, tinh giản chữ nghĩa và phải hết sức dễ hiểu. Ngắn gọn về từ ngữ để người ta đọc nhanh, nắm bắt nhanh vì nhiều khi không thể mất nhiều thời gian đọc. Ví dụ: Nhiều ngã tư đã có biển chỉ dẫn bằng mũi tên bật đèn xanh hướng tay phải ở dưới đèn tròn đỏ để báo rằng được rẽ phải mặc dù đèn đỏ bật, nhưng nhiều người không hiểu nên vẫn phải có tấm biển với dòng chữ: "Các phương tiện được phép rẽ phải". Có chỗ còn dài dòng hơn: "Các phương tiện tham gia giao thông được phép rẽ tay phải". Rất nhiều chữ bị thừa. Chỉ cần: "Được rẽ phải" là ổn. Có nghĩa lúc nào cũng được rẽ phải bất kể đèn xanh hay đỏ.

Trên khắp các tuyến quốc lộ không thiếu những tấm biển rất to ghi dày đặc, chi chít chữ như sau (cả chữ tiếng Việt lẫn chữ Anh): "Phía trước đường gập ghềnh, khó đi, rất nguy hiểm. Đề nghị các phương tiện giảm tốc độ, không quá 20km/h".

Thực ra, trong luật giao thông đã có những tấm biển bằng hình vẽ thông báo mọi tình trạng trên đường và người tham gia giao thông khi học luật buộc phải nắm vững mới có thể được cấp bằng lái. Nhưng không hiểu sao vẫn xuất hiện những tấm biển dài dòng như trên. Đang phóng xe, làm sao người lái có thể thu nhận được tất cả những chữ trên nếu không dừng lại đọc kỹ? Và ai cũng như vậy thì tắc đường ắt sẽ xảy ra. Một người nước ngoài khi sang du lịch ở Việt Nam đã nói là họ chưa thấy ở quốc gia nào có nhiều biển báo trên đường lại bằng quá nhiều chữ dài dòng như ở nước ta. Ở các nơi khác trên thế giới, tất cả chỉ bằng hình vẽ theo quy định chung. Bất cứ ai cầm lái dù ở mọi xứ sở trên hành tinh đều hiểu. Chỉ bằng chữ khi là các biển chỉ đường.

Tại một vườn hoa ở Hà Nội, có một biển cấm thả chó chi chít chữ như sau : "Đề nghị không được dắt chó hoặc thả chó trong công viên để ỉa, đái bậy gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường và làm nát cỏ trong công viên, có thể còn nguy hiểm cho trẻ nhỏ" (nguyên văn). Sự rườm rà, lủng củng của những biển báo đã hạn chế nhiều đến tính thông tin và uy lực của lệnh do cơ quan chức năng ban ra. Thay vì sự quá dài dòng, lủng củng ở biển thông báo trên, chỉ cần viết: "Cấm chó vào công viên" là rất đầy đủ vì lệnh này bao gồm cả chó thả rông và việc người dắt chó vào cho chúng… "thư giãn". Như vậy, một tính chất rất cần có nữa của ngôn ngữ thông báo chính là tính mệnh lệnh.

Đã là mệnh lệnh thì phải dứt khoát, buộc mọi người trong cộng đồng phải tuân thủ mà không thể có vấn đề lịch sự hay "tình cảm" gì. Một tấm biển đề như sau thật khôi hài: "Xin lỗi! Xin mọi người đừng phóng uế bừa bãi ở đây!". Ở trường hợp này, đã thừa những chữ: "xin lỗi, xin mọi người, bừa bãi ở đây". Từ 12 tiếng (12 âm tiết) cần rút xuống chỉ còn 3 tiếng: "Cấm phóng uế!" Như vậy, vừa ngắn gọn, vừa như một mệnh lệnh mang tính hành chính dứt khoát, nghiêm khắc.

Đã xảy ra một chuyện tức cười có thật như sau: Một người đàn ông trông khá bảnh bao phì phèo hút thuốc lá ở phòng chờ tại một nhà ga ngay bên cạnh tấm biển "Cấm không hút thuốc lá". Nhiều người rất khó chịu nhưng không ai dám lên tiếng. Một nữ nhân viên nhà ga tiến đến nhắc. Anh ta bèn nói: "Cô hãy đọc lại biển cấm đi. Đó là cấm người không hút thuốc lá, tức là phải hút. Cô cần nhắc mọi người vì họ không hút, còn tôi hút tức là đúng quy định". Cô nhân viên và mọi người trố mắt nhìn anh chàng cãi trầy bửa. Có người tham gia "bênh" cô nhân viên. Tất nhiên, sau đó anh ta cũng tắt thuốc. Hóa ra anh ta cố tình trêu cô gái. Câu chuyện trên cho thấy, tấm biển thông báo đã không chặt chẽ về ngôn từ, vì thừa một trong hai tiếng "cấm", "không". Hoặc là "Cấm hút", hoặc "Không hút". Còn "Cấm không hút" tức là ngược lại, được hút. Rõ ràng anh chàng nọ tỏ ra ít nhiều tinh thông về tiếng Việt.

Một bệnh viện nọ có tấm biển thông báo: "Xin quý bệnh nhân không đi vệ sinh ở đây vì dành riêng cho người làm việc của bệnh viện. Quý bệnh nhân đi ở dịch vụ vệ sinh gần cổng phụ". Ai đọc cũng thấy buồn cười vì vừa dài dòng văn tự do cố tỏ ra lịch sự với bệnh nhân, vừa không rõ ràng, cứ như đánh đố khách do bệnh viện này có tới 3 cổng phụ, không rõ cổng phụ nào. Ai mà bị… Tào Tháo đuổi không biết sẽ phải cười mếu ra sao đây khi bệnh viện quy định rạch ròi, ngặt nghèo như vậy? Có ngân hàng trương tấm biển: "Tiếp khách đến giao dịch mọi việc liên quan đến gửi và rút tiền đến 4 giờ chiều. Sau đó, nhân viên còn làm việc chuyên môn không liên quan đến khách. Xin quý khách thông cảm". Ai đọc cũng không thể không phì cười trước những dòng chữ dài dòng, lủng củng, quá thừa những thông tin mà khách không cần phải biết. Không hiểu người viết bảng thông báo này có trình độ văn hóa lớp mấy? Trong trường hợp này, chỉ cần ghi rõ giờ tiếp khách hằng ngày là đủ. Không cần giải thích, thanh minh và xin họ thông cảm làm chi.

Trên truyền hình, ở phần quảng cáo, thi thoảng vẫn diễn ra những lời mời họp mặt, hội lớp, họp đồng hương… Nội dung dài dằng dặc đề cập đến ý nghĩa, mục đích, thành phần… Có khi chiếm đến mấy màn hình mới hết chữ. Ngoài việc tốn kém phí quảng cáo, còn khiến người đọc mệt mắt, ít cần thiết. Chỉ cần thông báo ngắn gọn bằng những nội dung cụ thể: Thời gian, địa điểm, thành phần tham dự. Còn nội dung cuộc gặp mặt ra sao, đến dự người ta sẽ biết.

Một điều cuối cùng liên quan đến ngôn ngữ thông báo là việc đặt tên các cơ quan, đơn vị, tổ chức của nhà nước cũng như tư nhân. Phải làm sao để chỉ qua cái tên đơn vị cũng đã thông báo được đến mọi người tính chất, đặc điểm, đặc trưng trong hoạt động của mình. Và yêu cầu hàng đầu cũng vẫn là ngắn gọn mà chính xác, khoa học. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể thay bằng Bộ Nông thôn vì chẳng lẽ Bộ Nông thôn lại chỉ là việc quản lý thôn làng, thoát ra khỏi người nông dân và công việc hàng ngày của họ là nghề nông, là nông nghiệp? Bộ Thông tin và Truyền thông thì hai từ "Thông tin" và "Truyền thông" là trùng lặp. Chỉ cần gọi Bộ Truyền thông là ổn. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng có thể rút lại là Bộ Văn hóa - Thể thao mà không cần từ "Du lịch" vì Du lịch nằm trong văn hóa vậy.

Trong Đại học Quốc gia có hai trường là con đẻ: Đại học Khoa học tự nhiên và Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn. Có thể rút ngắn là Đại học Khoa học xã hội vì đã là Khoa học xã hội thì đương nhiên có yếu tố nhân văn trong đó. Trường Cao đẳng Sư phạm nhạc họa Trung ương trước đây là chính xác. Nay đổi thành Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương thì không ổn vì chỉ có nhạc, họa, chứ không có sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc để có thể gọi là "nghệ thuật". Cao đẳng lên đại học, không hề mở rộng thêm các chủng loại thì cứ việc thay là đại học, hà cớ gì lại ôm chữ "nghệ thuật"?

Hằng ngày, ngôn ngữ thông báo xuất hiện ở khắp nơi. Ai cũng thường xuyên tiếp xúc với ngôn ngữ này. Thiếu chuẩn mực dễ dẫn tới sự tùy tiện làm giảm khả năng cũng như uy lực thông tin.

Nguyễn Đình San
.
.