"Quỹ lớp" đầu năm
Nhưng bên cạnh niềm vui đầy tính nhân văn ấy, phụ huynh học sinh ở một số trường lại phải đối diện với phí "quỹ lớp". Cái lệ sinh ra các loại phí này khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Học đi đôi với hành. Nhưng khi học phí được giảm nhưng lại đi đôi với "lệ phí" tăng cao ở một số trường là điều đáng bàn.
Các trường học hiện nay đều đã và đang đồng loạt tổ chức buổi họp phụ huynh đầu năm. Dám khẳng định, không trường nào không có chuyện thu các khoản "quỹ lớp".
Đơn cử, một trường trung học cơ sở ở quận Bình Thạnh - TP Hồ Chí Minh, có một buổi họp phụ huynh sáng thứ Bảy (19/9) đã phải kéo dài vì tranh cãi "mặc cả" cái khoản "hành phí" này.
Hội phụ huynh lớp được thông báo một khoản liệt kê dài dằng dặc những thứ cần đầu tư như: lót sàn lớp học, lắp đặt máy lạnh, mua máy tính, mua máy chiếu, mua màn hình LCD… tổng cộng lên tới 108 triệu đồng. Khoản này được chia đều cho 27 phụ huynh học sinh của lớp.
Sau cả buổi sáng tranh cãi gay gắt, khoản này mới được giảm xuống còn 66 triệu đồng cho 8 hạng mục cần đầu tư. Nực cười nhất là hạng mục "thay bóng đèn", một thứ mà lẽ ra trường phải thực hiện đầu tư nhưng thay vào đó lại nã lên đầu phụ huynh học sinh.
Nhưng thắc mắc kiểu gì thì khoản này cũng sẽ không bị quy trách nhiệm về nhà trường. Tài tình ở chỗ, các trường đều có năng lực đặc biệt trong việc tổ chức được một Ban chấp hành Hội Phụ huynh học sinh có khả năng đứng ra làm giá đỡ cho những khoản thu phi lý này. Bất kỳ phản ánh nào, kể cả là báo cáo lên cấp trên hay công bố ra công luận đi nữa, trường cũng sạch trách nhiệm dựa trên lập luận "Đấy là ý của Ban chấp hành Hội Phụ huynh học sinh chứ trường có ép buộc đâu".
Cái lệ làng này chắc chắn cần phải được dẹp bỏ bởi khoản thu kiểu này tại một số trường còn cao hơn cả học phí. Nếu vin cớ miễn học phí với tiểu học nên không có tiền đầu tư thì phụ huynh học sinh thà đóng học phí mà miễn các loại phí khác còn hơn. Nhưng cớ trên cũng chỉ là cớ rất ẩu bởi ở các trường THCS, THPT dù có thu học phí đấy thì "phụ phí" vẫn tiếp tục được thu nghiễm nhiên.
Tất cả các khoản thu kiểu này hiếm khi được quyết toán, khấu hao theo đúng nguyên tắc kế toán. Đơn cử, đầu tư lắp đặt máy lạnh năm nào cũng thu. Vậy thì cái máy lạnh ấy dùng một năm là bỏ chăng? Tại sao không khấu hao để chia đều cho các năm trong cấp với mức thu thấp hơn nhiều lần mà phải thu một khoản lớn như vậy hàng năm?
Giờ thì cần nhắc tới trách nhiệm của ngành quản lý giáo dục. Nếu có chỉ thị cấm thu các khoản đóng góp thì chắc chắn phản ứng của phụ huynh học sinh sẽ có sức mạnh hơn. Nhưng liệu có ai chịu ra quyết định cấm ấy không, hay chính những người có thẩm quyền đi họp phụ huynh cho con mình cũng bấm bụng lặng lẽ...