Hiền tài là nguyên khí của quốc gia

Thứ Năm, 26/09/2019, 08:50
Để thanh niên sớm trở thành những người chủ của đất nước, thì cần hơn cả là niềm tin, sự quan tâm chỉ bảo của thế hệ đi trước vào thế hệ hiện tại.  Hãy tin vào thế hệ 8X, 9X cũng có đủ năng lực để chèo lái dân tộc đi đến những thành công mới...


Tuần qua, Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) - Cơ quan Đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam công bố kết quả từ cuộc "Khảo sát về Liêm chính trong Thanh niên Việt Nam 2019".

Theo đó, cứ ba thanh niên Việt Nam thì có một người không ngần ngại thực hiện hành vi tham nhũng vì lợi ích của bản thân hoặc gia đình, mặc dù họ vẫn mong muốn được sống trong một xã hội liêm chính và hiểu rằng tham nhũng có hại cho thế hệ mình, cho nền kinh tế, cũng như cho sự phát triển của Việt Nam. Đây chỉ là số liệu mang tính chất tham khảo, nhưng cũng là một tín hiệu rất đáng quan ngại đối với tương lai của đất nước!

Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định tham nhũng là "quốc nạn", là "giặc nội xâm" và ngày càng đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng theo hướng không có ngoại lệ, không có vùng cấm, đồng thời vận động toàn xã hội và người dân tham gia phòng, chống tham nhũng.

Những nhân tài đất Việt trong lĩnh vực KHCN thông tin được vinh danh năm 2018.

Để nâng cao nhận thức, cung cấp cho học sinh, sinh viên kiến thức về biểu hiện và sự nguy hại của tham nhũng, giúp các bạn hiểu rõ hơn về quyền và trách nhiệm của mình trong công cuộc chống tham nhũng, ngày 12-6-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014.

Giáo dục, hỗ trợ, khích lệ, động viên học sinh, sinh viên tham gia vào cuộc chiến chống tham nhũng có ý nghĩa then chốt trong việc tạo ra những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành vi nói không với tham nhũng.

Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg thì hình như chương trình giáo dục về trung thực, liêm chính, nói không với tham nhũng chưa  chạm được vào bản chất vấn đề, không có kết quả trong việc đào tạo, huấn luyện thanh niên có ý thức hơn trong cuộc chiến với "giặc nội xâm".

Quả là khó khi chúng ta nói về trọng người tài, nhưng chuyện chạy việc, chạy công chức, chạy biên chế dù không mấy người dám công khai nhưng ai cũng ngầm hiểu. Chúng ta nói về liêm khiết và chính trực, nhưng tham nhũng và hối lộ ngày càng khó kiểm soát, len lỏi đến cả trường học, bệnh viện. Chúng ta tuyên bố đề cao giá trị tinh thần, sống phải có niềm tin, nhưng thực tế cuộc sống lại đang nặng về vật chất, hưởng thụ. Đứng trước những mâu thuẫn đó, thanh niên thật khó lựa chọn giá trị sống và một bộ phận giới trẻ đang đi lầm đường, không biết phân biệt phải - trái, đúng - sai.

Thanh niên dễ trở thành đối tượng để người ta thực hiện hành vi tham nhũng, vì họ dễ bị người khác gây ảnh hưởng hơn, có ít kinh nghiệm đối phó với các hành vi nhũng nhiễu và vì vậy ít phản kháng cũng như ít có khả năng đe dọa đối với những người đòi hối lộ. Nếu không cung cấp đầy đủ kiến thức và triển khai áp dụng ngay các biện pháp phòng, chống tham nhũng cho thanh niên vào các hoạt động, cuộc sống hàng ngày, thì chẳng khác nào đẩy một con chim non chưa đủ lông, đủ cánh ra khỏi tổ tập bay. Thay vào đó, hãy dạy nó cách kiếm ăn, cách tự bảo vệ mình, cách sống với đồng loại trước khi để con chim non đó chọn những khoảng trời riêng của mình. Đáng buồn thay, có vẻ như chúng ta đang thiếu cả thời gian lẫn quyết tâm để hiện thực hóa điều đó.

Sinh thời, Bác Hồ từng nói rằng: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên". Do vậy, chúng ta hãy giúp thế hệ trẻ hiểu được sự thật, trưởng thành lên trong tình yêu và sự trung thực để có thể sống và cống hiến một cách chính trực.

Thanh niên Việt Nam hiện nay được đánh giá là có tính độc lập cao, nhất là niềm tin, lòng can đảm, không chùn bước trước những trở lực và dám nghĩ, dám nói, dám làm theo quan niệm mà mình tin là đúng. Có chí lớn, dám chấp nhận mạo hiểm để đạt tới mục tiêu đã chọn. Đầu óc khoáng đạt, cởi mở với cái mới, không bảo thủ cố chấp, cũng không tủn mủn, hẹp hòi.

Nhưng để thanh niên sớm trở thành những người chủ của đất nước, thì cần hơn cả là niềm tin, sự quan tâm chỉ bảo của thế hệ đi trước vào thế hệ hiện tại. Hãy tin họ như thế hệ thanh niên thời chiến tranh nhận được niềm tin sẽ giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, hay thế hệ đổi mới sẽ đưa Việt Nam thoát khỏi trì trệ, nghèo nàn và lạc hậu. Hãy tin vào thế hệ 8X, 9X cũng có đủ năng lực để chèo lái dân tộc đi đến những thành công mới.

Tin tưởng đồng nghĩa với việc hiểu rằng giới trẻ hiện nay khác với những người đi trước, và do vậy không thể áp đặt giá trị sống, lối tư duy cũ lên họ. Xã hội chỉ nên tạo ra điều kiện cần giúp họ phát triển thành những người trưởng thành, có lý trí, và đến lúc đó hãy để họ tự lựa chọn con đường của mình.

Cù Tất Dũng
.
.