Hãy từ bỏ những thói quen nguy hiểm

Thứ Năm, 27/02/2020, 08:53
Cảnh báo ăn thịt động vật hoang dã có thể gây ảnh hưởng sức khỏe và đe dọa an toàn cộng đồng đã được các nhà khoa học, giới chức y tế trên thế giới khuyến cáo từ lâu. Thực tế đã cho thấy, động vật hoang chứa virus bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với con người...


Dịch COVID-19 đang hoành hành đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, đồng thời làm cho nền kinh tế thế giới chao đảo. Các nhà khoa học nghi ngờ chủng virus Corona chủng mới được cho là xuất phát từ các loài dơi, lây truyền sang con người nhờ loài trung gian là tê tê.

Những bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên được xác nhận từ chợ Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đây là khu chợ bán nhiều loài thú rừng còn sống, từ chuột, dơi, cầy, cáo, chó sói… cho đến kỳ nhông khổng lồ.

Cảnh báo ăn thịt động vật hoang dã có thể gây ảnh hưởng sức khỏe và đe dọa an toàn cộng đồng đã được các nhà khoa học, giới chức y tế trên thế giới khuyến cáo từ lâu. 

Thực tế đã cho thấy, động vật hoang chứa virus bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với con người. Có tới 70% bệnh truyền nhiễm lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật và điều này đã quá rõ ràng qua các đại dịch xảy ra trong thời gian qua, như: Virus HIV xuất phát từ loài khỉ, Ebola xuất phát từ loài dơi, cúm H5N1 từ các loài chim, rồi các loại bệnh như Sars, Mers, đậu mùa, dịch hạch, viêm não, bò điên… đều từ các loài thú hoang dã.

Bảo vệ môi trường thiên nhiên chính là bảo vệ cuộc sống của con người.

Tuy nhiên, không chỉ ở Trung Quốc, ngay ở Việt Nam, việc sử dụng các chế phẩm, sản phẩm chế biến từ động vật hoang dã vẫn được coi là sành điệu, là thú chơi chỉ của những người sẵn tiền và có điều kiện.

Không ít người cho rằng, động vật hoang dã là đặc sản, là hàng hiếm, là thực phẩm sạch bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Cao hổ, cao trăn, rượu rắn, sừng tê giác, tay gấu được coi là phương thuốc đông y chữa được nhiều chứng bệnh nan y mà Tây y đầu hàng. Chính vì thế mà không ít người tìm mọi cách để được thưởng thức các món ăn, các chế phẩm từ thú rừng.

Với quan niệm bổ dưỡng, tăng cường sinh lực thì đã là động vật hoang dã thì con gì cũng xơi tuốt. Nhiều người đã không ngại ngần khi tuyên bố sẵn sàng "Ăn tất cả những gì có bốn chân, trừ cái bàn; những gì bơi được, trừ tàu thuyền; những gì bay được trừ máy bay".

Và đương nhiên, có cầu ắt sẽ có cung, chúng ta đang chứng kiến quá nhiều thảm kịch đau lòng về tình trạng nhiều loài động vật hoang dã bị săn bắt, giết hại vô tội vạ để ngâm rượu, làm thức ăn, làm đồ trang sức, phục vụ thời trang. Điều này đã và đang đe dọa làm tiệt chủng các loài thú quý hiếm. Việc buôn bán thịt rừng đi kèm với việc phá hủy không gian sinh tồn của thú rừng, đã làm mất cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học, khiến con người ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các loại virus phát tán trong quá trình tiếp xúc trực tiếp do sự săn bắt, vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật hoang dã. Nhiều khu rừng, khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam được gọi là "rừng lạnh", bởi vì vào rừng không thấy bóng dáng, cũng như không còn được nghe tiếng chim, tiếng thú.

Động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam thường được dân buôn lậu thu gom "chui" từ nhiều nguồn, thời gian vận chuyển thịt từ rừng đến nơi tiêu thụ khá dài, các đầu nậu bắt buộc phải sử dụng hoá chất để chống thối rữa trong quá trình chuyển đến các nơi tiêu thụ. Người ăn chắc chắn sẽ không tránh khỏi các loại chất độc hoá học đã ngấm vào từng miếng thịt được tẩm ướp đủ thứ gia vị để giấu đi mùi thật và khả năng gây bệnh cho những người ăn thịt con vật có chứa ký sinh trùng hoặc virus gây dịch bệnh là rất cao.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này đáng được xem là hồi chuông cảnh báo về những mối nguy tiềm  tàng trong việc buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã. Ngoài ra cũng đến lúc cần xem lại quan niệm, suy nghĩ về việc sử dụng sản phẩm, các chế phẩm từ động vật hoang dã trong bối cảnh tài nguyên sinh vật đã đến mức cạn kiệt như hiện nay.

Thế giới đang kêu gọi chúng ta cùng chung tay bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã, ngăn chặn sự tuyệt chủng, bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái, bảo vệ thiên nhiên. Nhưng, với nhiều người Việt Nam, vấn đề này nghe có vẻ quá vĩ mô, mang nhiều tính khoa học, xa vời và dường như không liên quan đến cá nhân mình.

Nếu là người thích ăn thịt động vật hoang dã và chưa sẵn sàng để nghĩ đến những lợi ích của thiên nhiên đối với đời sống con người, thì trước hết hãy nghĩ đến việc bảo vệ sức khỏe của chính mình và nói không với thịt động vật hoang dã. Ẩm thực Việt Nam rất phong phú, đa dạng, chúng ta có nhiều sự lựa chọn món ăn khác ngon bổ, có nguồn gốc rõ ràng, an toàn và không làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên.

Con người cũng chỉ là một phần của hệ sinh thái chung, khi chúng ta làm tổn thương tới thiên nhiên, thì thiên nhiên cũng sẽ gây tổn thương lại với chúng ta. Hãy thử nghĩ xem, nếu tự nhiên và các loài vật hoang dã biến mất, thì liệu chúng ta có thể còn tồn tại được hay không?

Mọi thứ chỉ có thể thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn khi ý thức thay đổi. Hy vọng những thói quen xấu, phản khoa học, sẽ dần thay thế bằng thói quen tốt hơn, có lợi cho cả con người và thế giới tự nhiên.

Cù Tất Dũng
.
.