Chấn hưng nền văn hóa Việt:

Hành trình tìm lại chính mình

Thứ Hai, 09/11/2015, 08:00
Dường như văn hóa đang phát triển tỉ lệ nghịch với văn minh. Cuộc sống đang trở nên ngột ngạt, bất an. Xã hội chúng ta đang dần trở nên vô cảm và tàn nhẫn. Vì sao vậy?

Văn hóa, đơn giản chỉ là lòng tự trọng

Từ tầng 14 của chung cư nơi tôi ở tại quận 2, nhìn qua sông Sài Gòn, dễ thấy TP Hồ Chí Minh đã thay đổi toàn diện, ngoài sức tưởng tượng. Đáng tiếc và đáng buồn, văn hóa không theo kịp, thậm chí đang giật lùi, đã đến mức báo động. Đầu thập niên 1990, thuở còn học đại học, dù buổi sáng hay sau nửa đêm, đi giữa những con phố nằm lẫn giữa các cao ốc chọc trời bây giờ ở quận 1, khi đó vẫn là những tòa nhà thấp nhỏ, cũ mốc, tôi vẫn hoàn toàn yên tâm. Giờ thì không hẳn. Một va chạm nhỏ trên đường cũng có khả năng biến thành một vụ án to. Chưa kể giật dọc, móc túi, đạp kim tiêm trong công viên… và hằng hà thứ tai vạ vô hình khác. Nhìn xa hơn, xã hội đầy rẫy những điều bất an, từ nhà ra phố, từ công sở đến chợ búa.
Người Việt đang dần tìm lại và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa truyền thống.

Dường như văn hóa đang phát triển tỉ lệ nghịch với văn minh. Cuộc sống đang trở nên ngột ngạt, bất an. Xã hội chúng ta đang dần trở nên vô cảm và tàn nhẫn. Vì sao vậy?

Nếu phải đi tìm căn nguyên, tôi cho rằng, trường học chính là nơi phải nghĩ đến đầu tiên. Trong một thời gian rất dài, nhà trường chúng ta đã có hàng loạt cố gắng, hàng loạt biện pháp được đưa ra nhằm chấn hưng đạo đức, nâng cao văn hóa cho nhiều thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Nhưng dường như phương pháp không đáp ứng được mục đích, không phù hợp. Về nguyên lý, văn hóa được tiếp nhận tốt hơn bằng con đường thẩm thấu chứ không phải con đường truyền giảng hay quy định áp đặt. Những bài học đạo đức trong nhà trường thường gắn với những mục tiêu quá cao cả, những khẩu hiệu đao to búa lớn, thường được đưa ra nhân dịp nào đó - thường là nhân lễ lạt. Nó giảm thiểu sự tự ý thức, giảm thiểu nhu cầu tự bổ túc, tự hoàn thiện nhận thức và bản sắc văn hóa của cá nhân.

Đặc biệt, hầu như những gì dạy trong nhà trường đều hướng học sinh đến sự phù hợp, hòa đồng (hay hòa tan), thỏa hiệp với điều kiện, hoàn cảnh, mà quên không hướng học sinh đến ý thức tự trọng - cốt lõi hình thành đạo đức và suy rộng hơn là phát triển văn hóa, làm chủ hoàn cảnh. Chúng ta đã có, đang có và sẽ có một thế hệ làm chủ xã hội, đời sống bằng ý thức hơn người, thắng người, hơn là ý thức làm chủ bản thân, vượt lên và chiến thắng chính bản thân.

Gia đình, thành tố quyết định lớn đến sự hình thành nhân cách cũng đang bị tác động dữ dội, có ảnh hưởng không tốt đến sự hình thành nhân cách văn hóa của mỗi cá nhân. Căn nguyên chung là sự so sánh, là khát khao (rất chính đáng) cải thiện điều kiện sống, bằng cách giành mọi khả năng cho thế hệ sau tốt hơn thế hệ trước. Các bậc phụ huynh, một lần nữa lại chỉ hướng con em vào con đường để hơn người khác, không phải là phát huy hết chính bản thân.

Tìm chỗ công việc tốt, thăng tiến nhanh, thu nhập cao, hưởng thụ nhiều… không phải là mơ ước sai, song trên bình diện toàn xã hội, đó chỉ là mục đích cá nhân thiển cận. Nó giúp con người vượt lên, thắng, hơn người khác, nhưng không hẳn đã giúp người ta lớn lên về mặt nhân cách. Tầm vóc văn hóa của xã hội, từng mắt xích một, vì thế đang bị kéo lùi.

Trước sự mong manh của con người cá nhân thì đời sống xã hội lại gần như đang có hàng loạt "cơn bão" hủy hoại nốt phần tốt đẹp của văn hóa. Sự hủy hoại có khi nằm sau vẻ hào nhoáng, xa xỉ của vật chất hoặc sự quyến rũ ngọt ngào của những slogan quảng cáo. Những vẻ đẹp tiềm ẩn của tri thức, trình độ, lòng cao thượng, sự  hy sinh, nhường nhịn, sự đồng cảm, sẻ chia… luôn lép vế và co rúm rước sự ngạo nghễ, hả hê của sức mạnh vật chất. Ít ai nhận  ra sự tầm thường song hành bên cạnh các slogan quảng cáo kiểu: "Có M, nấu mê ngay", hay hình ảnh một bát phở ăn liền được ví "ngon hơn phở mẹ nấu". Trong ham muốn vật chất, lòng vô ơn, bội bạc dường như đã núp sẵn và sẽ sẵn sàng nhảy xổ ra ngay. Trẻ em lớn lên  sẽ có vô số điều ngộ nhận, kiểu như uống một loại bia gì đó là "khơi dậy niềm tự hào dân tộc"!

Còn vô số căn nguyên khác, vô số lý do khác khiến văn hóa thụt lùi, tỉ lệ nghịch với sự phát triển của văn minh. Song chúng tôi vẫn cho rằng, mấu chốt của vấn đề là một hoặc nhiều thế hệ đã quên không được giáo dục, bồi đắp đầy đủ những giá trị tự thân đơn giản nhưng căn bản nhất. Đó là lòng tự trọng, là ý thức trách nhiệm (cao hơn nữa là ý thức công dân), là sự cảm thông và chia sẻ. Đó là những tiền đề  để tạo nên một xã hội văn minh giàu tính nhân văn, đích thực, đáng tự hào.

Báo động, nhưng chưa bao giờ là quá trễ để chấn hưng văn hóa. Hãy bắt đầu từ những yếu tố nhỏ nhặt nhất. Một khi xã hội đã vắng dần tính tự giác thì việc xây dựng lại văn hóa phải bắt đầu từ những chế tài luật pháp đủ nghiêm khắc chứ không phải những khẩu hiệu hô hào…

Về lâu dài, giáo dục văn hóa phải là cả quá trình. Đã đến lúc chúng ta nên giảm thiểu những câu khẩu hiệu đầy tính mùa vụ, cũng chính là tính cơ hội, để gắn văn hóa với những hành vi, những cố gắng thiết thực hơn, cả trong nhà, ra đường hay đến trường. Chiến dịch tình nguyện Mùa Hè Xanh hơn 20 năm qua vẫn chưa bao giờ là cũ, vẫn được hàng triệu lượt sinh viên, học sinh, thanh niên sôi nổi tham gia. Giá trị của nó không chỉ là bao nhiêu ngày công đóng góp, bao nhiêu công trình dân sinh được xây dựng nên, mà giá trị lớn hơn chính là văn hóa. Những mùa hè tình nguyện đã trở thành kỷ niệm đẹp, là hồi ức, là hành trang cho bao thế hệ bước vào đời, được các em mang theo mãi. Nó cũng là giá trị văn hóa có sức lan tỏa, một niềm tự hào Việt Nam đối với bạn bè quốc tế thời hội nhập. Đã không ít những đoàn sinh viên, thanh niên  Nhật, Australia, Mỹ, Hàn, Hà Lan… vẫn thường xuyên tìm đến vùng sâu, vùng xa của chúng ta để sống, làm việc, học tập mỗi năm, để hòa vào niềm vui sẻ chia của công việc thiện nguyện.

Đứng cạnh hình ảnh đó, những khẩu hiệu dài lê thê, những đợt phát động rầm rộ, tốn kém nhưng thiếu thiết thực khác  trở nên thật mờ nhạt và ít ý nghĩa.

Đã đến lúc xã hội, dân tộc phải bắt đầu lại với hai từ TỰ TRỌNG.

Loạn chuẩn văn hóa - Nhìn từ hệ thống giáo dục

TS Mai Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Nhân học-Tôn giáo, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ 

Từ sau Đại hội lần thứ VI (1986), Đảng và Nhà nước đã có những bước chuyển quan trọng trong nhận thức và hành động với việc đề cao hơn nữa sự tham gia của quần chúng nhân dân vào việc thực hiện mục tiêu chấn hưng văn hóa theo hướng "vừa tiên tiến hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc".

TS Mai Thanh Sơn.

Cùng với quá trình đổi mới, mở cửa, Việt Nam đã có nhiều cơ hội tiếp thu các giá trị văn minh nhân loại, tái tạo - bổ sung - làm giàu cho vốn văn hóa dân tộc/quốc gia. Việc du nhập văn hóa ngoại lai cũng tạo ra nhiều thách thức, trong đó có các chuẩn văn hóa và lối sống không hoàn toàn phù hợp với các giá trị văn hóa truyền thống. Các sản phẩm văn hóa phương Tây ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ. Khi mà các "giá trị văn hóa Việt" chưa được xác định cụ thể, không có những giải pháp truyền bá phù hợp, lớp trẻ khó tránh khỏi sự mất phương hướng trong tư duy và hành động.

Giữa bối cảnh ấy, các hiện tượng tiêu cực của xã hội hiện nay như tham nhũng, hối lộ, chạy chức, bè phái… cũng được biết đến như một quốc nạn. Đối mặt với các tiêu cực, hệ thống thực thi pháp luật lại luôn bị hoài nghi về tính nghiêm minh, công chính. Xã hội luôn là một tấm gương cho lớp trẻ hướng đến học tập. Hiển nhiên, tất cả các hiện tượng tiêu cực kể trên không thể được coi là những tấm gương tốt.

2. Các phương tiện truyền thông thường xuyên đưa tin về các tiêu cực trong nhà trường như bạo lực học đường, chạy trường/chạy lớp, trù úm đồng nghiệp hoặc học sinh, v.v… Thực ra, đó chỉ là biểu hiện bên ngoài, chưa nói lên được những vấn đề cốt tử của giáo dục nhà trường hiện nay.

Giáo dục vừa là một bộ phận của văn hóa, vừa là một "kênh truyền bá các giá trị văn hóa". Nhà trường là một hệ thống cấu trúc bộ phận của cấu trúc xã hội tổng thể. Vì vậy, khi cấu trúc văn hóa xã hội vĩ mô bị tổn thương, đương nhiên cấu trúc nhà trường và dịch vụ giáo dục cũng bị tổn thương. Hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay đã và đang phơi bày quá nhiều những khiếm khuyết và hạn chế. Các nhà quản lý giáo dục hiện nay đang hết sức lúng túng trong việc xác định quan điểm/phương châm chung: Nên phát triển một nền giáo dục khai phóng, lấy con người làm trung tâm hay vẫn duy trì một nền giáo dục theo quan điểm cũ, lấy việc áp đặt/nhồi nhét kiến thức làm nhiệm vụ chính?

Với phương châm giáo dục như hiện nay, phương pháp áp đặt một chiều về mọi vấn đề đã không thể phát huy được tính chủ động sáng tạo, không tôi luyện được các kỹ năng sống cần thiết, làm xơ cứng tư duy nhận thức của học sinh và không thể cung cấp cho học sinh "những kiến thức mà chúng nghĩ rằng chúng cần phải biết". Chính vì vậy, không thể nói rằng trong thời gian qua, nhà trường đã hoàn thành tốt sứ mệnh phát triển nhân cách đạo đức cho con người.

3. Gia đình vừa là nguồn cội sinh thành, là môi trường giáo dục đầu tiên; vừa là điểm hội tụ các kỹ năng sống, các giá trị văn hóa và tư tưởng nhân cách mà mỗi người tiếp thu được từ nhà trường cũng như xã hội nhưng đã được tái tạo, làm mới và nâng cao. Gia đình từng là chỗ dựa vật chất và tinh thần của mỗi người khi bước vào đời. Người Việt xưa nay vẫn có câu "Quốc có quốc pháp, gia có gia quy". Hiểu theo nghĩa hẹp, gia quy là những quy tắc ứng xử trong gia đình; hiểu theo nghĩa rộng, gia quy bao trùm cả dòng họ. Gia quy được xem là các quy tắc (thành văn hoặc bất thành văn) của văn hóa gia đình/gia tộc, thường được gọi theo cách khác là "nếp nhà", là "gia phong lễ giáo". Cùng những thăng trầm của đất nước, trong hơn nửa thế kỷ qua, gia quy/văn hóa gia đình đã có nhiều biến đổi sâu sắc. Vai trò của gia đình trong giáo dục kỹ năng sống và nhân cách đạo đức cũng có nhiều thay đổi. Đến nay, ở nhiều gia đình Việt, "nếp nhà", "gia phong lễ giáo" đã bị đảo lộn hay thậm chí là hoàn toàn biến mất. Thay vì sự chi phối bởi quan hệ tình cảm huyết tộc, ngay trong nhiều gia đình, các quan hệ lợi ích, tiền hàng đã trở thành điểm quy chiếu phổ quát. Với nhiều cá nhân, gia đình không còn là mái ấm, cũng không còn là chỗ dựa tin cậy về vật chất cũng như tinh thần. Sự suy thoái nhân cách đạo đức đôi khi được bắt nguồn từ chính nguyên nhân này.

Từ những phân tích trên đây, tôi cho rằng, muốn chống suy thoái đạo đức xã hội và chấn hưng văn hóa, cần thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp chính: 1) bên cạnh việc xác định cụ thể chuẩn văn hóa dân tộc/quốc gia, cần đảm bảo một nền luật pháp công chính, nghiêm minh; 2) trong giáo dục nhà trường, cần xác định rõ quan điểm khai phóng, lấy con người làm trung tâm; và 3) kiện toàn môi trường gia đình, coi đó vừa là điểm khởi đầu, vừa là nơi tích hợp các kết quả của hệ thống giáo dục tổng thể.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Trưởng Khoa Tâm lý học,Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh):

Suy thoái đạo đức và hiện tượng văn hóa xuống cấp

- Có ý kiến cho rằng: quyền lực của đám đông làm thay đổi đặc trưng của văn hóa, làm biến chất bản thân đời sống tinh thần. Quan điểm của PGS. TS về vấn đề này.

+ Có thể nói đám đông bao giờ cũng có những sức mạnh nhất định. Sức mạnh đám đông lan tỏa bằng những luồng tâm lý đôi lúc chính nó cũng không định hình. Tuy vậy, những xúc cảm tiêu cực, sự dồn nén hay những khuynh hướng thể hiện sự khó chịu, sự công kích và những biểu hiện mang tính thiếu cân bằng thường có sức mạnh đặc biệt.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn.

Có một thực tế, chỉ riêng việc họ chuyển biến thành đám đông, họ đã có một thứ tâm hồn tập thể làm cho họ cảm nhận, suy nghĩ và hành động theo một cách hoàn toàn khác với một cá nhân riêng lẻ. Ngày nay, dễ thấy đám đông có sức chi phối lớn khi người ta tạo thành nhóm, đám đông trên thế giới phẳng. Một câu chặt chém ban đầu có thể lây lan và chi phối rất nhiều. Một sự không hài lòng có thể tạo ra luồng tâm lý mang tính công kích toàn tập. Thế là vô tư "ném đá", vô tư đua theo, vô tư tràn lan những thái độ và hành vi mà đôi lúc chủ thể đánh mất dần tính làm chủ mình vẫn không hay biết.

Không phủ nhận những đám đông rất có lý nhưng có thể nói đám đông phi lý và đám đông thiếu tỉnh táo có vẻ nhỉnh hơn trong một xã hội sống gấp, xã hội ảo mà Việt Nam là một điểm đến.

- Theo ông, tâm lý đám đông có phải là một trong những nguyên nhân cơ bản (các nguyên nhân khác gồm: hệ giá trị bị đảo lộn, nền giáo dục nhiều lúng túng, pháp luật chưa nghiêm minh...) gây nên sự xuống cấp về văn hóa, suy thoái về đạo đức? Tác động của nó ra sao (nhất là từ khi có mạng xã hội và truyền thông tiếp tay)?

+ Tôi cho rằng đây là một giả thuyết hay dù rằng cần phải chứng minh. Thực tế cho thấy có thể nói có quá nhiều trò lố trong cuộc sống làm cho những xúc cảm tiêu cực xuất hiện, những băn khoăn mang tính thiếu cân bằng, những sự buông trôi nhất định trong cảm xúc và suy nghĩ của một số người.

Tôi nghĩ sự đánh giá về đạo đức của một xã hội, một lớp người cần có sự cân nhắc nhưng riêng tôi nhận thấy những biểu hiện này có sự tồn tại nhất định. Việc còn một số người thiếu một cái nhìn sâu sắc do chưa biện chứng khi đánh giá, vội vã nhận định trong thưởng thức, có biểu hiện dễ dãi trong nhìn nhận xuất phát từ nhiều nguyên nhân và không thể kể đến đó là đám đông với những nhận định, hành vi thiếu cân bằng. Dễ nhìn thấy một số cá nhân có những biểu hiện vô tư hơn trong cuộc sống, hùa theo đám đông, dễ dãi với chính mình. Tất cả đều có thể phụ thuộc vào sự thiếu sâu sắc của cá nhân cũng như sức mạnh lạ kỳ của đám đông trong thực tiễn mà đôi khi chỉ từ thế giới ảo mà thôi.

- Vì sao người ta dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, nhất là giới trẻ?

+ Có những tư tưởng, tình cảm chỉ nảy sinh hay chỉ biến thành hành động ở những cá nhân khi cá nhân ấy nằm trong đám đông. Đám đông tâm lý là một tồn tại tạm thời, hợp thành bởi những yếu tố dị loại chỉ gắn kết với nhau trong một thời đoạn, chúng giống hệt những tế bào cấu thành một cơ thể sống nhờ kết nối với nhau thành một sinh vật mới, biểu lộ những tính cách rất khác biệt với tính cách mà riêng từng tế bào đã có. Thế nhưng chính đám đông lại có thể khống chế toàn cục khi con người thiếu đi những nền tảng. Trong khi đó, nền tảng, quan điểm hay những căn cơ để nhìn vấn đề bao quát, toàn diện không phải nhiều bạn trẻ có.

Giới trẻ với tâm lý nhanh nhạy, thích thể hiện cá tính và cái tôi, thích đẩy mạnh những gì là lạ, thích phản ứng đôi lúc đã đẩy mình lao vào chiếc bẫy của sự ngộ nhận không thương tiếc. Đó là chưa kể những giá trị ảo có thể thành thật, những xu thế không thực sự đáng trân trọng lại thành điểm đến.

- Theo ông, để hạn chế những tác động tiêu cực của tâm lý đám đông làm bóp méo các chuẩn mực văn hóa, đạo đức, chúng ta phải làm gì? Những cá nhân tự chủ, có lập trường vững vàng có phải là lời giải đáp?

+ Việc rèn luyện bản thân mình trong cuộc sống là một hành trình dài. Điều đó cần được nhìn nhận một cách toàn cục. Điều cần thiết đó là trang bị cho mình từ sớm những giá trị nhất định của một cái nhìn công bằng và toàn cục thay vì quá hữu khuynh.

Mặt khác, việc xây dựng mình thành một bộ lọc là cần thiết. Chính bộ lọc thông minh này sẽ cho phép người ta tỉnh táo hơn để có thể ứng xử cân bằng, văn minh dù vẫn giữ được bản lĩnh của mình. Cũng cần thừa nhận rằng, mỗi con người cần xác định cho mình những chuẩn mực sống và chịu đựng sự va đập nhưng cần bình tĩnh thay vì cổ súy một cách nhanh chóng những biểu hiện có nguy cơ bất thường hay thiếu chân đế. Và điều quan trọng: hãy là chính mình thay vì mất hút trong đám đông nổi loạn của thế giới ảo hay của những màu sắc mang nặng tính vô tư.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

PV
.
.