Hài “sạch” đẩy lùi hài “bẩn”

Thứ Hai, 20/06/2016, 08:00
Nhắc đền hài truyền hình, khán giả lại thấy ngán ngẩm vì được "chiêu đãi" quá nhiều món dở. Hễ mở tivi lên là gặp nhiều... hài nhảm nhí, vô bổ theo kiểu cố chọc cười là chính chứ không đếm xỉa gì đến nội dung, thông điệp. Nhưng đã bắt đầu có ngoại lệ...


Hài nghệ thuật hút khán giả

Sau mùa đầu dành cho thí sinh bình thường, chương trình "Cười xuyên Việt" của Đài Truyền hình Vĩnh Long mùa này cho ra mắt thêm hai phiên bản: "Cười xuyên Việt" dành cho nghệ sĩ và "Cười xuyên Việt" dành cho nhóm hài (tức tiếu lâm hội). Việc cùng lúc cho ra mắt hai phiên bản hài trong cùng một năm đã cho thấy sức hút của "Cười xuyên Việt". Nhiều thí sinh để lại ấn tượng tốt trong mùa đầu với những tiểu phẩm chất lượng, mang thông điệp sâu sắc.

"Kép Tư Bền" phỏng theo tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan nhưng được Lê Dương Bảo Lâm dựng lại với cuộc đời của một kép hài phải mua tiếng cười cho khán giả khi mẹ ra đi trong trọng bệnh. Tiểu phẩm trong phần thi lội ngược dòng của Lâm Văn Đời kể về đời lính gian khổ, thiếu thốn nhưng luôn lạc quan, nhường cơm sẻ áo cho đồng đội.

Thí sinh Dương Thanh Vàng thì vào vai một diễn viên hám danh, đánh bóng tên tuổi bằng cách đi làm từ thiện trong tiểu phẩm "Làm từ thiện". Tiểu phẩm nhận được điểm 10 tuyệt đối từ các giám khảo và đến cả vị giám khảo khách mời khó tính như đạo diễn Lê Hoàng cũng phải thốt lên "Quá tuyệt". "Người chó, chó người" lại khiến người ta cười đó rồi khóc đó vì sự đối đãi bạc ác của con người với loài vật…

Nhóm Buffalo.

Năm nay, "Cười xuyên Việt" thực sự tạo thêm cú hích mới. Nếu ở phiên bản nghệ sĩ (chủ yếu dành cho những người mới có chút tiếng tăm) nổi lên hai tên tuổi là Nam Thư và Huỳnh Lập thì ở "Cười xuyên Việt" - Tiếu lâm hội có nhóm hài Buffalo và Xpro. Nhóm Buffalo vốn nổi tiếng là một nhóm nhạc kịch có nhiều vở gây ấn tượng mạnh với công chúng như "High Shool Musical", "Chicago", "Tấm Cám"…

Tuy nhiên khi tham gia chương trình chuyên về hài kịch như "Cười xuyên Việt" thì nhiều người e rằng nhóm không phù hợp. Ngay trong những vòng đầu, kiểu hài mà Buffalo mang lại khiến người xem không hài lòng.

Rất nhiều khán giả la ó: Hài gì toàn nước mắt, hài gì mà coi không hiểu hay giám khảo thiên vị Buffalo… Nhiều khán giả thấy nhức đầu mệt óc vì họ phải suy nghĩ, ưu tư sau mỗi vở khép lại. Cách kết hợp nhạc kịch kiểu Tây lồng vào hài cũng không được nhiều khán giả ủng hộ. Chừng đó thôi đã khiến nhóm lạc lõng giữa "rừng" hài dễ dãi, đụng tí là cười.

Đọc bình phẩm, trưởng nhóm Nguyễn Khắc Duy rút kinh nghiệm cho vòng sau. "Nhóm tiết chế lại phần nhạc kịch, nếu có thì sử dụng nhạc Việt như cải lương, hát bội, dân ca, nhạc trữ tình quê hương… để gần gũi hơn với khán giả và thêm nhiều mảng miếng, tình huống hài hước. Chúng tôi tiết chế những cái mình thích xuống và làm theo cái khán giả thích nhiều hơn.

Tuy nhiên, dù có tiết chế để đến gần với khán giả thì chúng tôi vẫn luôn cố gắng không bao giờ đánh mất phong cách nghệ thuật của riêng mình" - Nguyễn Khắc Duy khẳng định. Dần dà, những người lúc đầu ghét Buffalo bắt đầu thích thú với các tiết mục chỉn chu, dung dị và đầy ắp tình người như "Đoàn lô tô Năm Phượng", "Tình muộn", "Mình ơi", "Thương lắm miền Tây".

Hình ảnh người lao động chân chất, tình yêu quê hương, tình cảm gia đình… được tái hiện trong tiếng cười pha nước mắt. Người xem nhận ra sự chuyên nghiệp, công phu và chất sáng tạo mang đậm tinh thần nghệ thuật mà nhóm gửi gắm trong mỗi tác phẩm. Từ đây, cụm từ "hài nghệ thuật" được gắn cho Buffalo. Chính điều này đã giúp nhóm đồng giải quán quân với nhóm Xpro.

Xpro có một điểm độc đáo, đó là các thành viên trong nhóm toàn nam. Vì thế nhóm gặp khó khăn khi chỉ quẩn quanh đề tài gia đình, bạn bè, xã hội mà thiếu đi mảng đề tài tình yêu nam nữ. Nhưng không vì thế mà nhóm lạm dụng giả nữ. Ở tiểu phẩm "Bến vắng" dù có thành viên giả nữ nhưng nhóm không gây sượng, thô hay lố như nhiều người khác. Nếu mời được diễn viên nữ bên nhóm khác hỗ trợ thì nhóm đều sẵn sàng.

Xpro hạn chế giả gái vì không muốn khán giả nhàm chán. Các tiểu phẩm như "Bến vắng", "Nối lại tình xưa", "Ngôi nhà ma ám"… đều thu hút lượng người xem đông đảo trên YouTube.

9 triệu lượt xem "Bến vắng" trong khoảng một tháng là con số mà những nghệ sĩ hài thành danh cũng phải mơ ước. Không quá thiên về nghệ thuật như Buffalo, kịch bản của Xpro dễ thương, thú vị và rất thông minh dù đôi lúc hơi xàm.

Càng về sau nhóm càng chú trọng chiều sâu nội dung. Cách diễn xuất duyên dáng, nhịp nhàng của các thành viên trong nhóm giúp tiểu phẩm nhanh chóng ăn khách. Không chỉ khiến khán giả sôi sục mà đến các nghệ sĩ cùng phát "cuồng" lên vì nhóm. Điển hình là nghệ sĩ Hoài Linh không ngừng chia sẻ clip của Xpro trên trang Facebook cá nhân cùng lời khen ngợi.

Ngoài "Cười xuyên Việt", trong "Đấu trường tiếu lâm", "Làng hài mở hội"… cũng có nhiều vở hài "sạch". Điển hình như vở người cha nghèo nhưng sẵn sàng làm mọi thứ, thậm chí cõng con lên vai để xem cho rõ mặt thần tượng là ca sĩ Sơn Tùng. Vì quá sức, ông bố ngã quỵ. Cách diễn tự nhiên, chân thành của thí sinh khiến khán giả lẫn ban giám khảo cười xong mà lặng người.

"Sạch" hay không do ý thức nghệ sĩ

Sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả đã chứng tỏ rằng hài nghệ thuật, hài "sạch" đang dần khẳng định chỗ đứng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng vì dự thi nên các vở mới được đầu tư chăm chút, hạn chế yếu tố tục tĩu, giả gái hoặc các kiểu gây cười bằng cách khai thác tối đa khiếm khuyết cơ thể lâu nay bị lên án là chế giễu người khuyết tật.

Cảnh trong tiểu phẩm hài "Nối lại tình xưa" của nhóm Xpro.

Thực tế, không hiếm thí sinh mang hài tục, hài bẩn đến chương trình hài đang tràn lan hiện nay. Một thí sinh nam giả gái cùng bạn diễn thể hiện màn sàm sỡ trên xe buýt rất tục tĩu trong chương trình "Thách thức danh hài" đã bị lên án gay gắt.

Trong "Đấu trường tiếu lâm", "hiện tượng hài" Lê Thị Dần trước đó gây ấn tượng ở "Thách thức danh hài" bao nhiêu thì chị lại gây thất vọng bấy nhiêu bởi kiểu chửi chợ búa như "Chết mẹ mày đi" hay "Em không tệ, nhưng em tởm". Nét duyên dáng mộc mạc của chị bay biến đi đâu hết dưới "tài" huấn luyện của Trấn Thành.

Chính các nghệ sĩ thành danh cũng toàn dàn dựng các vở nhảm nhí, hài tình huống vô bổ, chủ yếu thử tài ứng biến của người chơi và chọc cười giám khảo. Kịch bản na ná nhau, quanh đi quẩn lại chỉ đánh ghen, kén vợ, cô gái đi xin việc, thi hát… rồi cải biên chút ít được coi là mới. "Chết cười" khiến người xem "chết sững" với những câu nói như "Cong quá gãy thì sao", "Xóc đi, xóc không ra là có chuyện".

Anh Đức từng nhận xét bạn diễn: "Tướng bà ngon quá, nhìn tròn như miếng dồi chó". Trong "Ơn giời, cậu đây rồi", Trấn Thành gây bất bình khi bế Hari Won khiến cô lộ hàng vì mặc váy ngắn. Chưa hết, anh chàng còn khiếm nhã đến nỗi ụp nguyên cái bánh kem vào mặt Hari khiến cô khóc nức nở. Dù biết đây có thể là do kịch bản nhưng tình huống này rất quá đáng, vô duyên với một cô gái.

Còn nhớ trong một tiết mục ở vòng lội ngược dòng của thí sinh "Cười xuyên Việt" phiên bản thường, một giám khảo đã khuyên thí sinh không nên chửi thề "Bà nội mày" hay "Con mẹ nó" vì như thế không hay ho chút nào.

Thế nhưng trong một tiểu phẩm, Trường Giang đóng vai ông già và liên tục lải nhải "con mẹ nó", "chết con mẹ nó rồi", "có biết con mẹ gì đâu"… từ đầu đến cuối vở. Khán giả cảm thấy như mình bị xúc phạm. Mới đây, Trấn Thành lên tiếng chê bai một nhóm hài mang lại tiếng cười vô bổ đã bị khán giả phản ứng dữ dội.

Đồng ý rằng nhóm hài diễn dở nhưng họ chỉ rõ chính Trấn Thành cũng là người chuyên diễn hài cù nhây, "mất vệ sinh" (như cách nói của chính anh) thì anh không đủ tư cách ngồi ghế giám khảo. Bằng chứng là vụ việc Trấn Thành bị phạt vì bôi bẩn trích đoạn cải lương "Tô Ánh Nguyệt" vẫn chưa hề giảm nhiệt.

Mảng miếng hài của những nghệ sĩ nổi tiếng trưng trổ hết ở các chương trình hài, không nghiêm túc với nghề nên họ dần nhạt duyên với khán giả. Do đó, vở hài chất lượng, sạch sẽ, được đầu tư như một tác phẩm nghệ thuật hẳn hoi xuất hiện, người ta sẵn sàng đón nhận. Sự lên ngôi của những vở hài "sạch" từ tên tuổi không lấy gì tiếng tăm đang khẳng định một điều: Bất kỳ ở môi trường nào, sự tử tế luôn có được chỗ đứng vững chắc.

Nguyễn Trang
.
.