HANIFF 2014: Thương hiệu hay một cuộc trình diễn?
Khi thảm đỏ trở thành nơi trình diễn của giới showbiz Việt
Đây là lần thứ ba sự kiện này được tổ chức, hai lần trước là VNIFF- Vietnam International Film Festival năm 2010 và HANIFF - Hanoi International Film Festival năm 2012, nhưng xem ra vẫn còn rất nhiều điều để "rút kinh nghiệm".
Trước thềm HANIFF 2014, Ban tổ chức khẳng định những sự kiện diễn ra sẽ qui mô hơn, chuyên nghiệp hơn, nhưng những gì diễn ra từ Lễ khai mạc đến các hoạt động trong khuôn khổ LHP và Lễ Bế mạc cho thấy vẫn chưa thoát ra khỏi một sân chơi nghiệp dư. Nghiệp dư ngay ở chính trang web của LHP sơ sài đến mức có thể nói là không có thông tin cần có để tham khảo, chí ít là những phim vào vòng chung kết tranh giải (phim gì, của ai, nội dung, đoạt giải thưởng quốc tế nào trước đó…?). Rồi ngay hai diễn văn đọc khai mạc HANIFF của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Cục trưởng Cục Điện ảnh - Bộ VHTTDL đều không được dịch ra tiếng Anh để các khách quốc tế cùng nghe hiểu.
Dù là một sự kiện văn hóa 2 năm/1 lần và bước sang mùa thứ ba, đã được đón đợi cách ngày khai mạc cũng vài tháng, nhưng sự kiện thảm đỏ, hoạt động đầu tiên để khai mạc HANIFF không thấy được hồn cốt điện ảnh, sự hấp dẫn của "tiệc khai vị" điện ảnh, mà chỉ thấy như một cuộc trình diễn thời trang được biến tấu của giới showbiz Việt, nhất là của các "chân dài", xem như đây là dịp để khoe, khoe những gì mình có, từ váy áo đến "phụ kiện", thậm chí cả các "vòng"... Những tưởng rút kinh nghiệm từ lần tổ chức trước với các kiểu trang phục "xuyên thấu", thì ở lần này vẫn lọt vào những trang phục kết hợp vừa "trong suốt" vừa "hở bạo" vòng 1, nhìn kệch cỡm và thiếu thẩm mỹ đến nỗi truyền thông đã dùng từ "đứng hình" để diễn tả.
“Cuộc đua” thời trang trên thảm đỏ? |
Lại thêm "thảm họa" MC của VTV, không rút kinh nghiệm của lần tổ chức trước, MC đã từng phải "ngọng" đứng giương mắt khi không biết đoàn khách ấy là đoàn nào, ở HANIFF 2014 lần này, trong sự kiện thảm đỏ có lẽ là "nhiệm vụ bất khả thi" vượt quá tầm của 2 MC để quán xuyến và kiểm soát được những gì diễn ra.
Các đoàn làm phim khi lên thảm đỏ thì được phỏng vấn một cách tùy hứng, và dù cho đoàn làm phim nào cũng xứng đáng có được một màn giao lưu ngắn thì trên thực tế, mọi chuyện lại diễn ra không đúng như vậy. MC Phí Nguyễn Thùy Linh, ngoài giọng giới thiệu chát chúa, là sự thiếu tế nhị hay là thích tìm chi tiết để câu view khi nhiều lần xen ngang lời nói của người được phỏng vấn, cực điểm là câu "hỏi xoáy" Trần Bảo Sơn "một mình lẻ bóng có cảm giác gì" khi anh bước trên thảm đỏ, mà ngay trước đó là diễn viên Trương Ngọc Ánh vừa tay trong tay với bạn diễn Kim Lý cùng một "show" biểu diễn mi ni scene hôn nhau. Đặc biệt, nam diễn viên Quách Ngọc Ngoan thì bị cô MC này chuyển giới biến thành "nữ diễn viên"... Kết hợp thành bộ đôi không hoàn hảo là MC Thái Dũng, muốn tạo không khí vui nhộn, náo nhiệt trên thảm đỏ nhưng anh lại không biết tiết chế, không đủ sự lịch lãm cần có của một MC sự kiện văn hóa, chẳng hạn như cái cách anh ta rút kính ra "so" với đạo diễn Lê Hoàng...
Với "nhà" mình thì thế, với bạn thì càng tệ hơn. Cái cách giới thiệu nữ diễn viên Colleen Camp - Mỹ đã quá lố (nếu bà ấy mà nghe được tiếng Việt chắc cũng ngượng) vì bà không phải là một cái tên quá nổi ở điện ảnh Hollywood (trên thực tế, bà còn từng hai lần phải nhận đề cử Mâm xôi vàng trong sự nghiệp). Ngược lại, nam diễn viên Jung Jae Young đến từ đoàn làm phim Broken, vốn là một tài tử hàng đầu tại Hàn Quốc với gần 40 bộ phim lớn nhỏ cùng nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá, thì bị cả hai MC lẫn ban tổ chức dường như bỏ quên khi anh xuất hiện trên thảm đỏ. Và chuyện "bỏ rơi" để bạn lạc lõng bơ vơ trên thảm đỏ gần như là chuyện bình thường không cần áy náy với 2 MC của VTV.
Có một điều đáng nói ở ngay sự kiện thảm đỏ này, không biết có "hữu ý" mà quá thiên về show trình diễn để PR cho một số phim và cá nhân hơn là cách mở đầu sự kiện cần tôn vinh những nghệ sĩ hàng đầu, những nhân vật khả kính đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam. Và cũng không thể hiện tính hiếu khách của Việt Nam đối với các bạn quốc tế khi họ đến tham dự HANIFF. Phải chăng, họ được sự "hỗ trợ" có "hợp đồng" với VTV để lợi dụng sự kiện thảm đỏ PR cho phim của mình?
HANIFF 2014 có tìm thấy tâm hồn Việt trong tác phẩm điện ảnh Việt Nam?
Nếu nhìn danh mục 38 phim Việt dự thi và trình chiếu trong HANIFF 2014, cảm giác rất lạc quan với ĐAVN, nhưng nếu nhìn với góc độ chất lượng nghệ thuật thì rất đáng phải suy tư. Điểm các phim (trừ hoạt hình và tài liệu), phim Việt Nam dự thi: "Đập cánh giữa không trung", "Những đứa con của làng", và phim chiếu trong "Điện ảnh thế giới", "Phim Việt Nam hôm nay": "Âm mưu giầy gót nhọn", "Bước khẽ đến hạnh phúc", "Căn phòng của mẹ tôi", "Đoạt hồn", "Hào quang trở lại", "Hiệp sĩ mù", "Lạc giới", "Mùa hè lạnh", "Nước 2030", "Quả tim máu", "Thần tượng", "Dịu dàng", "Hương Ga", "Lạc lối", "Những người viết huyền thoại"… Có thể thấy những phim giải trí chiếm đại đa số, mà trong số phim giải trí đó thì phim dán nhãn R16+ cũng khá nhiều, mà như một nhận xét với truyền thông của Chủ tịch Hội đồng ban giám khảo hạng mục phim ngắn - Đạo diễn, Biên kịch, Giám đốc Nghệ thuật, GS trường Điện ảnh Pháp IDHEC Lê Lâm: "Tôi thấy có những bộ phim bạo lực, hỗn loạn, tranh đấu giữa các phe phái được xây dựng bắt chước các phim nước ngoài. Nhiều người nước ngoài không biết về nước ta, khi xem những bộ phim ấy sẽ đánh giá rằng xứ mình quá hỗn loạn. Mà sự thật đâu có như vậy… Còn những cảnh sex của phim Việt, tôi không thấy đẹp, mà thấy bẩn, và nếu có cắt đi thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến phim. Điều khiến tôi đau lòng là một số phim thị trường, thương mại hiện nay đang bị Mỹ hoá, Âu hoá. Nhiều đạo diễn Việt kiều ở nước ngoài về làm phim rất thành công. Tôi công nhận là kỹ thuật điện ảnh, nghệ thuật giỏi, nhưng không tìm thấy tâm hồn Việt trong các tác phẩm của họ".
Ngay cả với phim (được) gọi là thể nghiệm hay nghệ thuật thì cũng có những hạn chế kinh điển của phim Việt mà so với phim quốc tế (được chiếu trong HANIFF) thì vẫn còn là một khoảng cách xa vời vợi. Qua HANIFF 2014 này nhìn lại thấy rõ, phần nghệ thuật của phim Việt hiện nay còn rất yếu, nó như đứa con lai. Nghệ thuật là cái tượng trưng cho tinh thần, tâm hồn, phản ánh những thứ thuần tuý của người Việt, dân tộc Việt, trong con người Việt. Phim Việt mà thấy những hình ảnh, vấn đề chẳng khác gì nước ngoài, mà lại không phải như nước ngoài thì còn gì đặc biệt, còn gì là dấu ấn của một nền nghệ thuật ĐAVN?
Trại sáng tác HANIFF 2014 có một số sáng tạo, có lớp đào tạo diễn xuất, lớp kịch bản với thầy dạy là đạo diễn người Ireland Joe Lawfor, biên kịch người Đức Uli Gaulke, diễn viên Philippines Alien Dizon. Nhưng như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng: "LHP Quốc tế Hà Nội diễn ra trong 5 ngày, ngắn hơn so với các LHP quốc tế khác, nên 4 ngày cho trại sáng tác là hơi ít. Tôi vẫn mong, nếu được, năm sau nên tổ chức trại trước LHP một chút và nếu cần thì kéo dài thêm sau LHP, nó sẽ chất lượng hơn". Chưa kể đến việc giữa thầy và trò chưa kịp làm quen, chưa đủ thông tin về nhau, để hiểu hơn khi làm việc, nên chất lượng của Trại sáng tác cũng chỉ như một ghi nhận, một cách trao đổi kinh nghiệm nghề chứ chưa phải là truyền nghề hay học được gì. Mà những kinh nghiệm của các "thầy" thì cũng chỉ là tham khảo, bởi nếu ứng dụng trong điều kiện và hoàn cảnh Việt Nam thì quả là "bất khả thi".
Một Gala của HANIFF 2014 không thu hút được công chúng, không tạo một dấu ấn rõ ràng đúng như ý nghĩa của nó, quảng bá cho du lịch di sản Hà Nội như một đêm "Dạ hội áo dài" của đoàn làm phim "Hiệp sĩ mù", quy tụ hơn 500 nghệ sĩ trong ngoài nước tham gia. Một HANIFF lần thứ ba nhưng điểm mặt không có một đoàn khách du lịch nào tham gia vào không khí LHP, hay đi xem phim như thường vốn có của các LHP quốc tế có "thương hiệu" khác. Một HANIFF lần thứ ba nhưng chưa có một cơ quan chuyên trách sự kiện mà chỉ là người của Cục Điện ảnh lo từ khâu tổ chức đến thực hiện, tránh sao những khiếm khuyết.
Thiết nghĩ việc tổ chức một sự kiện văn hóa với nhiều ý nghĩa được khoác lên nó: Cơ hội để hợp tác và giao lưu giữa Điện ảnh Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới; Cơ hội quảng bá hình ảnh Hà Nội và Việt Nam… đã không làm thì thôi, còn đã tổ chức phải tới nơi tới chốn để tiến tới một "thương hiệu", và đừng biến thành một showbiz.