Giữ vững biên cương: Mỗi người dân là một cột mốc sống
- Lũy thành hồn hậu: Biên cương là quê hương
- Theo chồng bám bản, giữ biên cương
- Triển lãm ảnh "Tự hào một dải biên cương"
Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” xác định: Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, Nhân dân là chủ thể, "mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống"; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt…”.
Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hóa chủ trương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới vững chắc bằng nhiều chỉ thị, nghị quyết và đề án, kế hoạch; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác, đặc biệt là triển khai thực hiện các phong trào "Quần chúng tự quản đường biên, mốc giới”, “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Lực lượng chức năng và ông Thao Văn Dia, Bí thư kiêm Trưởng bản Mùa Xuân bên ruộng lúa nước 2 vụ/năm ở bản Mùa Xuân. |
Trong chuyến công tác vào bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tôi khá ấn tượng với ông Thao Văn Dia, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản. Nhiều năm nay, ông Dia đã không ngừng cùng với các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở tuyên truyền vận động nhân dân không phát rừng làm rẫy, du canh, du cư, ổn định cuộc sống phát triển kinh tế. Nhờ đó, 113 hộ với 541 nhân khẩu (100% là dân tộc Mông) nhiều năm nay đã có cuộc sống ổn định, không nghĩ đến chuyện di cư đến nơi nào khác.
Ông Thao Văn Dia cho biết: Hơn 10 năm về trước, đời sống của bà con rất khó khăn, nhiều hộ gia đình bỏ bản để đi tìm vùng đất mới, đất hứa, có thời điểm cả bản chỉ còn lại trên dưới chục hộ. Từ khi có chính sách, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con dần ổn định cuộc sống và quyết tâm bám bản, bám làng. Để có được điều đó, các lực lượng chức năng, cán bộ đồn biên phòng, công an đã cử nhiều cán bộ vào cùng với bà con xây dựng bản làng. Cán bộ đã tuyên truyền, triển khai nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trực tiếp cùng nhân dân trong bản cải tạo đất hoang trồng cây lúa nước; dựng nhà, kéo nước, làm thủy điện nhỏ; củng cố hệ thống chính trị, ban quản lý thôn bản. Đến nay, người dân trong bản đã biết trồng cây lúa nước 2 vụ/năm, biết chăn nuôi, trồng trọt, 100% trẻ em được đến trường…
Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống vật chất – tinh thần của Nhân dân trong bản được nâng lên rõ rệt. Nhờ làm tốt công tác xây dựng “Thế trận biên phòng toàn dân”, “Thế trận an ninh nhân dân”, trên tuyến biên giới tỉnh Thanh Hóa có 1 tập thể, 19 hộ gia đình, 90 cá nhân đăng ký bảo vệ 213,6 km đường biên và 92 mốc quốc giới/ 88 vị trí, 13 cọc dấu biên giới; 768 tổ an ninh trật tự thôn bản, với 2.415 thành viên tham gia với nhiều mô hình, điển hình tiên tiến như: “Thanh niên làm chủ đường biên”, “Tổ an ninh tự quản”, “Già làng, Trưởng bản cùng dòng họ, con cháu đăng ký quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc”, “Thôn, bản không có tội phạm”… Điều ý nghĩa nhất là người dân coi việc bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm vinh dự, tự hào của mình.
Thăm lại gia đình già làng Phan Văn Xiết, ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát vào một ngày cuối tháng 6/2021. Tuy già Xiết đã mất vào năm 2019 do tuổi cao, nhưng trước khi mất, già cũng đã kịp giao lại nhiệm vụ bảo vệ cột mốc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc mà hơn 30 năm qua già vẫn thực hiện cho con trai mình. Anh Phan Văn Cấu (con trai già Xiết) cho biết: “Khi tuổi già đến, mỗi khi đi rừng, lên thăm cột mốc, ông lại dẫn theo anh em tôi đi cùng. Ông luôn miệng nhắc nhở chúng tôi rằng đất đai này là của tổ tiên để lại, nên chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ. Sau khi bố mất, tôi nối tiếp công việc của bố để cùng với bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác bảo vệ đường biên, cột mốc, cũng là giữ gìn đất đai của tổ tiên, ông cha để lại”.
Anh Phan Văn Cấu bên cột mốc mà gia đình đảm nhận trông coi, bảo vệ hơn 30 năm nay. |
Dẫn tôi lên thăm Cột mốc 286 nằm trên đỉnh núi Kéo Táp (cao gần 2.000 m so với mặt nước biển) mà cha con anh Cấu đã nhiều năm nay đảm nhận, sau hơn 3 giờ đồng hồ vượt rừng lội suối, khi đến được cột mốc, anh Cấu lấy con dao quắm trong gùi nhanh chóng phát quang cỏ dại quanh cột mốc, rồi lại lấy khăn lau mang theo cẩn thận lau từng ly, từng tí rêu phong, bụi bẩn bám quanh cột mốc, tôi mới thấy rằng việc làm của anh Cấu và nhiều Già làng, Trưởng bản, những người con của đồng bào các dân tộc trên dọc tuyến biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn thật đáng trân trọng biết bao.
Nhờ có sự phối hợp tốt giữa ba lực lượng Công an – Quân sự - Biên phòng, trong 5 năm (từ 2016 – 2020), đã phối hợp tổ chức được 1.630 hội nghị, 2.420 buổi tuyên truyền lưu động, 27.325 lượt tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã, kẻ vẽ 13.256 khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền ở nơi công cộng trên khu vực các huyện biên giới; vận động 2.365 người Mông có quan hệ thân tộc hai bên biên giới không vượt biên sang Lào theo phỉ, không di cư tự do, không hoạt động đạo trái pháp luật; 115 hộ có ý định di cư tự do từ đã bỏ ý định, ổn định cuộc sống; vận động nhân dân xóa bỏ trồng cây thuốc phiện (đạt tỉ lệ 100%); xây dựng và duy trì ổn định 17 cặp bản kết nghĩa cụm dân cư 2 bên biên giới. Nhân dân đã cung cấp cho các lực lượng chức năng hàng nghìn lượt tin có giá trị về an ninh trật tự, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, ổn định tình hình để phát triển kinh tế - xã hội.
Trung tá Lê Duy Dũng, Trưởng phòng An ninh đối nội Công an tỉnh cho biết: Khu vực biên giới nói riêng, vùng đồng bào dân tộc miền núi nói chung luôn là địa bàn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự. Trong đó, tình hình di cư tự do; hoạt động tôn giáo trái pháp luật; hoạt động tuyên truyền thành lập “nhà nước Mông” và móc nối, lôi kéo một bộ phận đồng bào dân tộc thiếu hiểu biết pháp luật trốn sang Lào hoạt động phỉ, lao động trái phép; tình hình xâm canh, xâm cư, qua lại biên giới; hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy có lúc, có nơi vẫn diễn biến phức tạp… là những vấn đề đáng quan tâm.
Việc triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn khu vực biên giới, vùng miền núi dân tộc là nhiệm vụ toàn diện, lâu dài, trong đó việc chăm lo xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, nâng cao khả năng phòng thủ ở địa phương, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, bảo vệ an toàn các mục tiêu chính trị, kinh tế trọng điểm, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Để làm được điều đó, thì vai trò của quần chúng nhân dân là hết sức quan trọng. “Thế trận lòng dân” vững chắc thì mọi việc sẽ thành công, nhân dân có đồng lòng chung tay cùng với cấp ủy – chính quyền, các lực lượng chức năng thì biên cương của Tổ quốc sẽ luôn được giữ vững, chủ quyền biên giới quốc gia sẽ không ai có thể xâm phạm, khu vực biên giới sẽ luôn hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững!