Gìn giữ nét đẹp đi lễ đầu năm

Thứ Năm, 06/02/2020, 09:18
Mùa lễ hội 2020 mới chỉ bắt đầu, nhưng đã thấy xuất hiện những hình ảnh không đẹp khi các cò mồi đeo bám khách hành hương để giới thiệu dịch vụ gửi xe, ăn uống và chở đò ở Lễ hội Chùa Hương. Người dân leo trèo tại đền Mẫu, chen chúc nhét tiền, xoa tay lên tượng Phật, khắc tên khiến tượng đồng A Di Lặc trở nên nham nhở xảy ra tại chùa Bái Đính. 


Không ít người có tâm huyết với văn hóa truyền thống không khỏi băn khoăn, lo lắng về tình trạng biến tướng, xô bồ, nhuốm màu sắc trục lợi trong các hoạt động lễ hội, vốn được coi là nơi hội tụ sức sống văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Thực tế cho thấy, những nơi tổ chức lễ hội, các cơ quan văn hóa, ban tổ chức gần như chỉ lo làm thế nào cho nó không xảy ra chết người, thu xếp chỗ gửi xe, rồi thu tiền nơi ăn ở, lo làm sao cho có an ninh trong lễ hội, chứ còn hướng dẫn về mặt văn hóa thực sự, về sự tích của các ngôi đền, ngôi chùa, về phép tắc khi đến cửa Phật, cửa Thánh thì gần như bị bỏ mặc. Nên đa phần người dân tham dự lễ hội không được giáo dục truyền thống một các sâu sắc và chuẩn tắc, không hiểu hết giá trị của lễ hội.

Khai mạc Lễ hội chùa Hương xuân Canh Tý - 2020.

Chính vì không hiểu biết về ý nghĩa của lễ hội, con người với hành vi không chuẩn mực đã phần nào làm sai lệch mục đích, ý nghĩa nhân văn của việc đi lễ đầu năm. Lấy ví dụ từ Lễ hội Đền Trần ở Nam Định tổ chức vào đêm 14 tháng Giêng.

Đáng lẽ đây phải là nơi để giáo dục hào khí Đông A, kết tinh cho những biểu hiện cao đẹp của lòng yêu nước, thì người ta lại biến chuyện đó thành cổ súy cho cái chuyện ấn triện để thăng tiến, lợi lộc, rồi mua quan, bán chức, thậm chí có sự tham gia của cả lãnh đạo cao cấp. Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh phải là nơi giáo dục tinh thần tận tụy và liêm chính, trách nhiệm đối với kho dự trữ của Nhà nước, thì lại thành ra nơi mặc cả, vay mượn, mua bán quàng xuyên.

Đi lễ chùa, tham gia các lễ hội đầu xuân là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân Việt. Hầu hết các lễ hội đều mang tính giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống, lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc với truyền thống lịch sử vẻ vang mà cha ông ta đã gây dựng với những sự hy sinh to lớn, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng và xã hội.

Đến với lễ hội, mọi người như được tăng thêm sức mạnh tinh thần với đời sống tâm linh huyền bí. Ở chốn linh thiêng, bỗng dưng tự nhận thấy mình phải luôn sống hướng thiện, sống có đạo đức, cùng cầu cho quốc thái dân an, bản thân và gia đình gặp nhiều may mắn, hạnh phúc, sống phải có trách nhiệm với quê hương, đất nước nên mỗi người cần làm nhiều việc tốt hơn, con người trở nên hoàn thiện hơn. Nhiều người còn xem đó là một đức tin giúp họ vượt qua những chông gai, khó khăn, trắc trở trong cuộc sống... Vì vậy, lễ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống của người dân đất Việt.

Do vậy, đến cửa chùa, cửa đền, cửa đình là phải tâm lành, ý thiện. Không phải cứ chen lấn, xô đẩy, dâng cúng hoành tráng để "thần linh chứng giám" là thực hiện được ước nguyện. Và đến chùa không thể xin được sự bình an, hạnh phúc nếu chúng ta không biết rõ giá trị cuộc sống, hay hành xử không đúng quy định pháp luật, đúng đạo lý làm người. Muốn làm giàu nhanh mà bất chính, muốn hưởng thụ mà không lao động - triết lý nhà Phật không phổ độ chúng sinh cho những người như vậy.

Hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa của việc đi lễ đầu xuân sẽ góp phần nâng cao văn hóa, giá trị của các lễ hội gắn với chùa chiền. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, văn hoá Việt Nam có cơ hội hội nhập và giao lưu với các nền văn hoá khác của thế giới để làm giàu và khẳng định bản sắc của mình. Nhận thức rõ vấn đề này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống dân tộc nói riêng và phát triển đất nước nói chung.

Tuy vẫn còn tồn tại một số hủ tục, thói mê tín dị đoan, nhưng nhìn chung lễ hội vẫn mang nhiều yếu tố tích cực, là sinh hoạt văn hoá truyền thống của cộng đồng. Đầu năm đi lễ cũng là dịp để con người hướng về tổ tiên, cội nguồn, sống thiện tâm hơn, biết kính trên nhường dưới, biết "sợ" trước đấng tối cao, có niềm tin để vươn lên và cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp nhất của cuộc sống.

Các tín ngưỡng văn hóa, các sự kiện lễ hội, tập tục cần được duy trì, gìn giữ và phát triển, thì mỗi người dân cần nâng cao sự hiểu biết lịch sử, tín ngưỡng, tránh có sự lợi dụng, mê tín dị đoan hay những hành động lạm dụng làm mất đi những giá trị tốt đẹp… Màu nhiệm của tín ngưỡng có thể khó chứng minh, nhưng sự nỗ lực của bản thân mỗi người, của cộng đồng, của cả dân tộc với tinh thần lạc quan tin tưởng vào tương lai sẽ là nội lực để đưa đất nước chúng ta vượt sóng gió và vươn lên...

Cù Tất Dũng
.
.