Gian nan tạo tài tử 'nhí'

Thứ Tư, 10/06/2015, 08:07
Trong lễ đón bằng UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại hồi tháng 2/2014, một cậu bé tầm 10 tuổi trình diễn một bài ca cổ. Tiết mục của cậu được mọi người xuýt xoa khen ngợi vì không ngờ một bài ca khó như vậy mà em lại ca điêu luyện không khác gì người lớn theo đuổi âm nhạc tài tử lâu năm. Con trẻ trình diễn bài ca người lớn là hiện tượng thường gặp trong các buổi sinh hoạt đờn ca tài tử, bởi bài bản dành cho các em gần như không có.

Để thiếu nhi yêu "hò, xự, xang, xê, cống"

Trường hợp của cậu bé trên không phải là ngoại lệ. Một buổi tọa đàm khác, cô bé Yến Nhi, 6 tuổi, tự tin thể hiện bài ca cổ "Chợ mới" - bài ca có nội dung tình yêu đôi lứa. Những người lớn ngồi dưới vừa vỗ tay, vừa thở dài dẫu cô bé hát rất hay. Tre già thì măng mọc, nhưng măng mọc trong cái khuôn khập khiễng của người lớn thì hoàn toàn không ổn. Nếu có, các em bị "chín ép". Những em yêu âm nhạc dân tộc, muốn học bài bản lại không có sân chơi để tham gia, phải vay mượn bài của người lớn để thỏa niềm đam mê.

Chính vì muốn nuôi dưỡng thế hệ kế thừa trong chính môi trường phù hợp với các em, nhiều sân chơi, chương trình về đờn ca tài tử dành cho thiếu nhi đã ra đời. Từ khi nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản này càng trở nên cấp bách.

Các em thiếu nhi tham gia chương trình "Giọng ca nhí - Hò Xự Xang Xê Cống". 

TP Hồ Chí Minh đưa ra đề án "Đưa âm nhạc dân tộc vào học đường",  trong đó có đờn ca tài tử. Đề án thí điểm tại một số trường tiểu học và trung học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, thành phố còn tổ chức lớp tập huấn cho các giáo viên về đờn ca tài tử. GS.TS Trần Văn Khê từng hy vọng đờn ca tài tử sẽ đến sâu rộng với giới trẻ, giúp các em yêu và đam mê. Bởi nghệ thuật này dù đang phát triển ở 21 tỉnh, thành phía Nam, riêng TP Hồ Chí Minh có 200 đội nhóm đờn ca với 3.000 người nhưng chưa thu hút giới trẻ.

NSƯT Hải Phượng tâm sự: "Chính học sinh, sinh viên mới là thế hệ kế thừa. Khi các em hiểu, yêu âm nhạc cha ông, các em mới có niềm tự hào về dân tộc và ý thức được trách nhiệm bảo tồn, phát huy".

Chương trình truyền hình thực tế "Giọng ca nhí - Hò Xự Xang Xê Cống" do Đài Truyền hình Bạc Liêu tổ chức là sân chơi hoàn toàn mới mẻ về đờn ca tài tử. Chương trình hy vọng vừa phát hiện đội ngũ tài tử "nhí" từ 9 đến 15 tuổi, vừa tôn vinh giá trị di sản. Các em thiếu nhi tham gia chương trình sẽ dự thi những bài bản phổ biến của đờn ca tài tử: các bài dân ca, các điệu lý, các bản Bắc, Nam, Oán, Vọng cổ và các câu hỏi về kiến thức liên quan tới đờn ca tài tử… Các em sẽ được những người thầy, những chuyên gia về đờn ca tài tử hướng dẫn, huấn luyện. Ngoài ra, các em còn có những chuyến dã ngoại tại Bạc Liêu, một trong những cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương Nam Bộ. Chương trình lên sóng từ tháng 5/2015 vào tối Chủ Nhật hằng tuần. Để có những bài bản phù hợp cho cuộc thi, từ năm 2012, ban tổ chức đã đặt hàng sáng tác các bài từ dân ca, các bản lý.

Việc khan hiếm bài bản đờn ca tài tử dành cho thiếu nhi cũng là lý do thúc đẩy Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc vận động sáng tác lời mới cho 20 bản Tổ và vọng cổ dành cho thiếu nhi. Cuộc thi đã chọn ra được 300 tác phẩm vào vòng chung kết. Dự kiến, đến tháng 7/2015, lễ tổng kết và trao giải sẽ diễn ra cùng lúc với Liên hoan đờn ca tài tử Bông Sen Vàng.

Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm, Phó ban tổ chức cuộc thi cho biết: "Nếu cuộc vận động sáng tác lời mới cho 20 bản Tổ và vọng cổ dành cho người lớn do chúng tôi tổ chức trước đây nhận được hơn 1.000 tác phẩm thì cuộc vận động lần này chỉ nhận được 300 tác phẩm. Song đạt được như vậy là điều đáng mừng vì sáng tác cho thiếu nhi không hề dễ. Các tác phẩm cơ bản đều đáp ứng nhu cầu, nội dung xoay quanh chuyện trường lớp, tình cảm bè bạn, thầy trò, gia đình, quê hương… phù hợp với các em".

Vẫn là "chuồn chuồn đạp nước"?

Là người trực tiếp tham gia đề án đưa đờn ca tài tử vào trường học, NSƯT Hải Phượng ngao ngán: "Mặc dù chương trình đã triển khai trong một thời gian dài ở nhiều trường nhưng nó chưa phát huy hiệu quả. Chương trình hiện nay chỉ dừng ở mức giới thiệu sơ lược. Các em nghe cho vui vậy thôi chứ gần như không hiểu gì và coi nó giống như bao chương trình ngoại khóa bình thường khác. Muốn các em yêu thích thì cần những buổi giảng giải chuyên sâu, bài bản theo từng cấp học, mời các nghệ sĩ, nhạc sư nói chuyện và có những bài tài tử phù hợp tâm lý và lứa tuổi để các em yêu thích và học theo". Thêm vào đó, một tuần, các em chỉ có một tiết âm nhạc, vì vậy thời gian dành cho âm nhạc dân tộc rất khiêm tốn. Giáo trình giảng dạy thì mạnh ai nấy làm, mỗi nơi một kiểu, thiếu sự chuẩn hóa. Thậm chí, một số chương trình biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ trong trường học không dùng các bài bản Tổ mà chỉ sử dụng các trích đoạn cải lương, tuồng cổ... khiến các em hiểu sai lệch về loại hình nghệ thuật này.

Riêng cuộc thi "Giọng ca nhí -  Hò Xự Xang Xê Cống" và cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh dù được nhiều người trong giới chuyên môn ủng hộ nhưng vẫn vấp phải nhiều nghi ngại. Nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, GS.TS Trần Quang Hải đánh giá: "Vấn đề đặt lời mới cho 20 bài Tổ và vọng cổ không phải là một việc làm dễ dàng bởi những lý do sau: Hiện nay chỉ có nhạc sư Ba Tu là người có thể đờn 20 bài Tổ trọn bài. Như vậy thử hỏi có ai có đủ khả năng truyền dạy 20 bản Tổ cho thiếu nhi. Và thiếu nhi làm sao có thể học thuộc 20 bài Tổ (mỗi bài dài từ 10 tới 20 phút).

Hiện những bài Tổ bị rút ngắn mỗi bài còn lại một số câu tiêu biểu thì làm sao có thể làm sống lại 20 bài. Muốn nắm vững nghệ thuật và kỹ thuật hát hay đờn các điệu Bắc, Nam ai, Nam xuân, đảo ngũ cung, oán, bài hạ, các bài trong nhạc lễ không phải học trong một năm hay hai năm mà phải nhiều năm để có thể thấu đáo những tinh túy của từng điệu với cách luyến láy đặc trưng của mỗi điệu. Có bao nhiêu em bé có đủ kiên nhẫn, ý chí bỏ ra 10 năm để học 20 bản Tổ và vọng cổ (từ nhịp 2, 4, 8, 16, và 32)?".

Ông Lê Văn Lộc thừa nhận rằng nếu sáng tác lời mới đúng quy luật của 20 bản Tổ thì các em sẽ không hát nổi. Do đó cuộc thi khuyến khích các tác giả sáng tác theo các bài bản vắn (bài bản ngắn) và không bắt buộc phải có đủ bốn hơi xuân, bắc, nam, oán. Trong thông báo của cuộc thi ghi rõ: "khuyến khích sáng tác lời mới dành cho thiếu nhi từ các bài bản ngắn như Duyên kỳ ngộ, Kim tiền bản, Long hổ hội, Bình bán vắn, Lưu thủy đoạn, Kim tiền Huế, Ngựa ô Bắc, Thu hồ, Phong ba đình, Sương chiều - Tú Anh, Ngũ điếm - bài tạ, Lạc xuân hoa…".

Nhưng GS.TS Trần Quang Hải cho rằng: "Đa phần các bài đó không thuộc vào những bài bản của đờn ca tài tử. Đó là những bài ngắn thường dùng trong hát cải lương hay những bài ngắn của đàn tranh (như Thu hồ, Long hổ hội, Ngựa ô Bắc). Như vậy khi đặt lời mới cho những bài này thuộc hệ dây Bắc thì đâu phải là bảo trì truyền thống đờn ca tài tử. Đây chỉ là mang một số bài bản ngắn với một điệu dây Bắc (diễn tả niềm vui) thì có thể gọi là sáng tác cho thiếu nhi hát cho vui, mà không cần phải luyện giọng hay hiểu gì về truyền thống đờn ca tài tử. Phải hiểu bảo vệ và phát huy truyền thống đờn ca tài tử hoàn toàn khác với sự sáng tác lời mới cho một số giai điệu dây Bắc (bài ngắn)".

Theo GS, việc quan trọng trong việc bảo tồn đờn ca tài tử là phải huấn luyện những người lớn có đủ trình độ nhạc lý và học lực để nắm vững căn bản của đờn ca tài tử cả về mặt lý thuyết và thực hành vì hiện nay rất hiếm người biết chơi đờn ca tài tử đúng phong cách, thần thái. Riêng việc phổ biến đờn ca tài tử, giai đoạn đầu phải phát hành sách về lịch sử đờn ca tài tử, in sách về 20 bản Tổ với ký âm xưa (hò xự xang xê cống liu) và nay theo phương Tây (do re mi fa sol la si do). Đồng thời, thực hiện những CD, DVD về 20 bài Tổ để mọi người học cách hát, nghe những điệu khác nhau và học cách đếm nhịp. Sau đó mới đưa chương trình giảng dạy đờn ca tài tử và vọng cổ trong trường học cho thiếu nhi. Chương trình phải dạy ít nhất là 4 giờ một tuần trong vòng 10 năm (từ lớp 1 cho tới lớp 10). Mỗi cấp học có một giáo trình riêng từ cơ bản đến nâng cao để các em tiếp cận dễ dàng.

Mai Quỳnh Nga
.
.