Giảm nỗi đau cho người nghèo

Thứ Năm, 04/06/2020, 09:09
"Bệnh nhân không phải con gà béo để bóc lột… Không được quên bệnh viện không phải là cơ sở kinh doanh. Nghề y không phải là nghề kiếm tiền" - Nếu các bệnh viện mà làm được như câu nói của Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thì nhân dân biết ơn nhiều lắm! Vì nó xóa đi những bất công vô hình mà đồng tiền và cơ chế thị trường tạo ra.


Đời sống của người dân Việt Nam mới đang ở mức hết đói, từng bước giảm được nghèo. Do đó, mục tiêu chính của y tế công là phục vụ đa số người dân. Thông tin về việc Bệnh viện Bạch Mai chuyển đổi phương thức quản trị cũ sang mô hình mới là tự chủ hoàn toàn và giải thể các đơn vị dịch vụ tại bệnh viện, dần xóa bỏ giường dịch vụ, không nằm ghép được đông đảo người dân đồng tình.

"Bệnh nhân không phải con gà béo để bóc lột… Không được quên bệnh viện không phải là cơ sở kinh doanh. Nghề y không phải là nghề kiếm tiền" - Nếu các bệnh viện mà làm được như câu nói của Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thì nhân dân biết ơn nhiều lắm! Vì nó xóa đi những bất công vô hình mà đồng tiền và cơ chế thị trường tạo ra.

Không chỉ ở nước ngoài, ngay tại Việt Nam chúng ta, mô hình y tế công sử dụng ngân sách Nhà nước, tiền đóng góp của dân để đảm bảo yêu cầu quyền lợi cơ bản của người dân trong phòng bệnh và chữa bệnh, duy trì tính công bằng trong chăm sóc y tế cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế.

Bệnh viện Bạch Mai tiến tới sẽ xóa bỏ giường nằm dịch vụ để tạo sự công bằng cho bệnh nhân khi đến khám và chữa trị.

Còn bệnh viện dân lập do các nhà đầu tư, các doanh nhân, tổ chức và họ vận hành phát triển như một doanh nghiệp tự bỏ vốn, thuê đất, sắm trang thiết bị để hình thành bệnh viện và hiện nay còn có cả mô hình bệnh viện khách sạn. Người có tiền có thể vào y tế tư nhân để được phục vụ theo nhu cầu, hưởng dịch vụ chất lượng cao. Do vậy, việc xóa bỏ giường dịch vụ ở những bệnh viện công lập là việc nên làm.

Chúng ta đều dễ dàng nhận thấy, việc "nhập nhằng" giữa việc khám, chữa bệnh dịch vụ với khám, chữa bệnh thường hiện nay đã tạo ra nhiều tiêu cực vì sử dụng tài sản công làm dịch vụ, vậy tiền thu từ dịch vụ đó chi tiêu thế nào?

Các lý do đều là tái đầu tư, trả lương, nâng cao đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế nhưng thực chất vẫn chưa minh bạch, rõ ràng đã khiến cho y tế của chúng ta tồn tại nhiều nghịch cảnh. Nó đã gây ảnh hưởng đến sự công bằng trong quá trình tiếp cận dịch vụ y tế của người bệnh. Bên cạnh đó, nó tạo ra sự bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh giữa y tế công cộng và y tế tư nhân.

Ngoài xã hội khó thấy hơn, nhưng chỉ cần bước chân vào bệnh viện công lập, sự phân hóa giàu nghèo, phân biệt đối xử đập ngay vào mắt. Trong cùng một bệnh viện tồn tại hai hình ảnh, hai thế giới đối lập nhau hoàn toàn giữa một bên là bệnh nhân có tiền được phục vụ một kiểu, được nằm trong phòng có điều hòa mát lạnh, nhân viên y tế luôn vui vẻ, tận tình, chu đáo. Còn bệnh nhân nghèo được phục vụ kiểu khác, lúc cao điểm lên đến 3 đến 4 người/giường, còn lúc bình thường thì vẫn là tình trạng 2 người/giường, rất chật chội, nghỉ ngơi khó khăn và nguy cơ lây nhiễm bệnh chéo của nhau là rất cao, nhưng vẫn phải cố chịu vì không đủ tiền để sang khu vực khám tự nguyện.

Không khỏi xót xa khi nhìn thấy cảnh những bệnh nhân nghèo phải nằm vạ vật ngoài hành lang và cùng bị một thứ bệnh như nhau, mà chỉ vì tiền, mỗi người được chữa trị theo một cách khác nhau. Chúng ta nghĩ gì khi đến lúc gần đất, xa trời mà vẫn còn phân biệt sang, hèn?

Việc khám, chữa bệnh dịch vụ trong các bệnh viện công tất yếu xảy ra sự bất bình đẳng không chỉ cho người bệnh, mà cả nhân viên y tế. Xuất hiện tình trạng các y, bác sĩ, nhân viên y tế có xu hướng tìm cách để chuyển sang khu vực khám, chữa bệnh dịch vụ. Vì ở đây ít áp lực, do số bệnh nhân ít, lại là những người có tiền, nên môi trường điều trị và điều kiện làm việc tốt hơn, nhưng có một điều quan trọng mà ai cũng tính đến là thu nhập cao hơn khu vực khám, chữa bệnh thông thường. Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ra bức xúc trong chính đội ngũ y, bác sĩ, ảnh hưởng đến chất lượng công việc của họ trong khám, chữa bệnh cho người dân. Từ đây dẫn tới lo ngại các cơ sở y tế công sẽ chạy theo dịch vụ, sao nhãng bệnh nhân diện không có và có bảo hiểm y tế.

Không khó để thấy quyết tâm, những thay đổi từ lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai hướng tới sự minh bạch, phục vụ người dân được tốt hơn. Tuy nhiên, còn khá nhiều việc phải làm cho bước đi tiên phong của Bệnh viện Bạch Mai trở nên mạnh mẽ và hiệu quả để mọi người được hưởng dịch vụ y tế bình đẳng như nhau, không phân biệt giàu nghèo.

Trả lời phỏng vấn Ðài truyền hình NHK, Nhật Bản về kết quả phòng, chống đại dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc khẳng định: "Việt Nam chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân…". Đây có lẽ cũng là thông điệp mà Thủ tướng muốn gửi tới thế giới cũng như người dân Việt Nam, trong bất cứ hoàn cảnh và điều kiện khó khăn nào, Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng coi trọng việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân lên hàng đầu.

Xã hội dù tốt đẹp, bình đẳng đến đâu, nói hay đến thế nào đi chăng nữa, nhưng trong việc chữa bệnh, nơi mà sự sống được các y, bác sĩ nâng niu, hết lòng cứu chữa, vô điều kiện... mà lại bị phân biệt do chỗ nằm thì thật uổng công!

Cù Tất Dũng
.
.